Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Ảnh hưởng tâm lý đối với trẻ mất cha mẹ, người thân - đặc biệt trong mùa dịch COVID-19: làm thế nào để đối diện với điều đó?

Mất cha mẹ, người thân là một thiệt thòi cực kỳ lớn, và sự khủng hoảng đó sẽ để lại rất nhiều hậu quả nghiêm trọng trong thời gian dài không chỉ với chúng ta mà còn đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Trong thời gian đại dịch COVID-19 diễn ra, con số tử vong trên khắp thế giới vẫn không ngừng gia tăng mỗi ngày. Theo báo cáo được công bố trên tạp chí JAMA Pediatrics, ước tính có khoảng 40.000 trẻ em (dưới 17 tuổi) tại Hoa Kỳ đã mất đi ít nhất một người cha hoặc mẹ vì nhiễm COVID-19. Tại Việt Nam, theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết tính đến đầu tháng 9/2021, có hơn 11.800 trẻ là F0 và hơn 27.000 trẻ là F1. Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, con số trẻ mồ côi vì COVID-19 đã lên hơn 1.500 trẻ và chắc chắn chưa dừng lại ở đó.

Chấn thương tâm lý

Mất cha, mẹ là điều vô cùng thiệt thòi và đau đớn đối với bất cứ ai, đặc biệt là trẻ nhỏ. Đây được coi là một chấn thương tâm lý nghiêm trọng và trẻ cần được điều trị để có thể tiếp tục sống và vươn lên phía trước.

Theo lý giải từ các chuyên gia, trẻ trải qua những sự kiện tâm lý đau buồn theo nhiều cách khác nhau. Sự đau buồn là vô cùng độc đáo! Khi nói đến cách một đứa trẻ phản ứng với cái chết của cha mẹ mình, phần lớn các hành vi sẽ phụ thuộc vào độ tuổi đứa trẻ, mối quan hệ của đứa trẻ với cha mẹ, tính khí của đứa trẻ và hơn nữa là các mối quan hệ với những yếu tố khác như các thành viên khác trong gia đình, bạn bè hay những người thân yêu.

Đa phần, trẻ thường sẽ phải vật lộn với sự mất mát một cách đầy bất ngờ và bi thảm này. Nó có thể thực sự đột ngột, hoặc do trẻ không có cơ hội nói lời chào tạm biệt, hoặc không được tham gia vào lễ tang chẳng hạn. Trẻ nhỏ cũng thường bị ảnh hưởng theo nhiều cách khác nhau hơn so với trẻ lớn hơn. Những trẻ lớn hơn – đặc biệt là thanh thiếu niên thường có xu thế xử lý tốt hơn và thực tế hơn, mặc dù trong tình huống cụ thể ở đây là tử vong COVID-19. Tuy nhiên, sự đối mặt đó mang tới những cảm xúc phức tạp hơn.

Các chuyên gia cho rằng, điều thực sự quan trọng là cần phải lắng nghe những lo lắng của trẻ và trấn an trẻ rằng chúng không làm gì sai hay chúng là nguyên nhân gây ra điều này. Một xu hướng chung mà trẻ sẽ xây dựng chính là chúng sẽ cố gắng hiểu những gì đã xảy ra cho dù cách nhìn nhận đó thường có xu hướng nhìn mọi thứ theo những cách rất tập trung vào cái tôi chính mình. Do vậy, trẻ hoàn toàn có thể lo lắng rằng chúng đã làm sai điều gì đó/hoặc chính bản thân chúng gây ra điều đó. Điều này khiến trẻ phải vật lộn với cảm giác tội lỗi, hoặc lo lắng nếu có những xung đột hoặc thách thức trong thời gian sau khi xảy ra biến cố. Những giới hạn cho sự đau buồn và cảm giác buồn bã, tội lỗi và tức giận là không có điểm dừng, và chúng có thể xuất hiện ở bất cứ đâu, bất cứ thời điểm nào.

Điều mấu chốt trong giai đoạn này chính là trấn an trẻ và cho trẻ biết rằng cha mẹ của trẻ yêu trẻ nhiều như thế nào. Mỗi trẻ sẽ trải qua một cảm giác đau buồn khác nhau và trong những khoảng thời gian khác nhau, và thậm chí chúng có thể kéo dài suốt cuộc đời.

 

Những dấu hiệu thay đổi trong hành vi của trẻ

Trẻ có thể biểu hiện cảm giác đau buồn theo nhiều cách khác nhau. Nếu nhận thấy một số hành vi thay đổi dưới đây, nên báo cho bác sĩ hay các chuyên gia y tế để được tư vấn và hỗ trợ:

  • Thay đổi trong ăn uống
  • Thay đổi trong giấc ngủ, đặc biệt là các biểu hiện bất thường khi đang ngủ
  • Thay đổi các thói quen hàng ngày (như tắm, đánh răng…)
  • Tránh tương tác xã hội, như tránh giao tiếp tại trường học hay giao tiếp ảo qua mạng
  • Tỏ ra không quan tâm đến những việc, sự kiện mà trước đây là sở thích

Khi các hành vi của trẻ bắt đầu làm suy yếu cuộc sống hàng ngày và khả năng hoạt động của chính bản thân trẻ, đó là lúc trẻ cần sự hỗ trợ để vượt qua những khó khăn đang gặp phải. Tham khảo ý kiến từ bác sỹ nhi khoa là một lựa chọn ban đầu rất tốt, nhưng sau đó có thể cần thêm sự giúp đỡ của các chuyên gia về tâm thần kinh.

Giúp trẻ đối mặt với sự thật

Đau buồn và thương tiếc là cách thức chúng ta đối diện với việc mất đi người thân yêu, và nên tạo cho trẻ biết cách thực hiện điều đó một cách phù hợp, giúp trẻ chấp nhận, trân trọng cuộc sống và biết nói lời từ biệt.

Mỗi gia đình lại có đức tin hay cách thực hành văn hoá khác nhau. Nếu theo tôn giáo, hãy nhờ những người lãnh đạo vì họ có thể mang lại sự an ủi cho không chỉ trẻ mà còn là chính người lớn. Có thể tìm cách tổ chức buổi lễ kỉ niệm, tưởng nhớ để thể hiện tầm quan trọng của người đã mất với trẻ, với mọi người và bày tỏ sự kính trọng.

Một trong những điều quan trọng là không được giấu diếm. Nhiều người chọn giải pháp giấu diếm, không cho trẻ biết vì một nỗi sợ trẻ sẽ không vượt qua được khó khăn. Tuy nhiên, hãy thành thực. Nói sự thật với trẻ, và điều gì xảy ra thì cũng đã xảy ra rồi và nó sẽ giúp trẻ tin tưởng những người xung quanh hơn, đối mặt tốt hơn với khoảng thời gian sau đó. Hãy tìm một nơi an toàn, yên tĩnh để nói chuyện. Người lớn có thể mang cho trẻ những món đồ chơi hoặc vật dụng nhỏ để trẻ cầm theo trong lúc nói chuyện, vì điều này giúp trẻ giảm bớt sự cô đơn. Câu chuyện cũng nên ngắn gọn, từ từ và có những khoảng thời gian nghỉ thường xuyên để hiểu và kiểm soát cảm xúc của trẻ và chính mình. Việc sử dụng ngôn từ cũng cần được cẩn trọng. Hãy thường xuyên đánh giá xem trẻ có lối suy nghĩ lạ nào xuất hiện hay không. Như đề cập bên trên thì một số trẻ có thể lo lắng rằng lời nói và hành vi của mình gây ra cái chết của ai đó.

Một số cách thức quan trọng có thể áp dụng giúp trẻ cảm thấy tốt hơn, bảo vệ sức khoẻ tâm thần của trẻ bao gồm:

  • Tiếp tục chăm sóc, yêu thương trẻ dù là cha, mẹ hay người thân họ hàng hay chỉ là người chăm sóc, để trẻ cảm thấy được tin tưởng
  • Trẻ nhỏ có thể cảm thấy an tâm và được yêu thương hơn qua các tương tác thể chất, chẳng hạn như giọng nói, hành động ôm ấp hay hát ru
  • Duy trì các hoạt động thường ngày nhiều nhất có thể, dành thời gian cho các hoạt động như vui chơi, tập thể dục, dọn dẹp, học tập…
  • Nếu trẻ có các hành vi né tránh và/hoặc thách thức, hãy hiểu điều đó là cách trẻ thể hiện những điều mà trẻ không thể nói ra thành lời. Đừng phạt hay mắng trẻ, thay vào đó là nên an ủi và ân cần với trẻ
  • Đảm bảo những trẻ khác ở trường học hay xung quanh đều biết về điều này, để hạn chế tình trạng có thể làm tổn thương thêm trẻ qua lời nói, hành động trêu đùa dù vô tình hay cố tình. Tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho trẻ khi quay trở lại trường học.

Đồng thời, người lớn cũng nên chăm sóc sức khoẻ chính bản thân mình. Khi chúng ta đau buồn, chúng ta sẽ càng khó khăn trong việc giải quyết cảm xúc của chính mình và hỗ trợ cho trẻ. Do vậy, nên giành nhiều thời gian chăm sóc bản thân, ăn ngủ điều độ, tập thể dục, thư giãn và có thể tìm những người hỗ trợ về tâm lý như các chuyên gia tâm lý hay đơn giản là một người tâm sự đồng cảm. Nên tránh các hành vi có hại như sử dụng các loại đồ uống có cồn, chất kích thích,…

Tổng kết

Việc cha mẹ, người thân qua đời là điều vô cùng thiệt thòi và đau buồn, và với trẻ nhỏ - trải qua điều này luôn luôn là thử thách vô cùng khó khăn. Sự mất mát có thể ảnh hưởng đáng kể về mặt tâm lý, thể chất trong thời gian dài và thậm chí là vĩnh viễn. Do vậy, người lớn hãy dành thêm nhiều sự yêu thương, tình cảm cho trẻ để khoả lấp đi sự hụt hẫng và giúp trẻ sớm quay trở lại các hoạt động bình thường, học tập và phát triển.

Tham khảo thêm thông tin tại: Giải tỏa xáo trộn tâm lý cho trẻ có người thân bệnh nặng

 

Bs. Minh Khánh - Viện Y học ứng dụng VIệt Nam (tổng hợp) -
Bình luận
Tin mới
Xem thêm