Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

7 nguyên nhân gây bỏng mắt và cách điều trị

Dưới đây là 7 lý do phổ biến giải thích tại sao mắt bạn cảm thấy nóng rát và cách giải quyết sự khó chịu này.

Bạn cảm thấy khó chịu bởi tình trạng nóng rát trong mắt bạn? Có rất nhiều thủ phạm tiềm tàng gây ra tất cả sự khó chịu đó, từ máy tính của bạn, khí hậu, vi khuẩn và virus. May mắn thay, việc kiểm tra các triệu chứng khác của bạn (chảy nước mắt, mẩn đỏ, nhạy cảm với ánh sáng) hoặc thiếu các triệu chứng đó có thể giúp bạn giải quyết vấn đề.

Dưới đây là 7 lý do phổ biến giải thích tại sao mắt bạn cảm thấy nóng rát và cách giải quyết sự khó chịu này.

1. Bạn bị khô mắt

Nếu mắt bạn có cảm giác như đang bốc cháy, bạn có thể bị khô mắt - tình trạng mắt bạn không tạo ra đủ nước mắt. Các triệu chứng khác của khô mắt bao gồm: mẩn đỏ và cảm giác "có sạn" trong mắt.

Một nguyên nhân gây khô mắt là lối sống ngày gắn liền với kỹ thuật số của chúng ta: Nếu không ngồi trước máy tính, chúng ta thường nhìn chằm chằm vào máy tính bảng hoặc điện thoại và điều này sẽ gây mỏi mắt. Khi nhìn vào màn hình, chúng ta không chớp mắt thường xuyên như bình thường. Đó là một vấn đề, bởi vì mỗi khi chúng ta chớp mắt, chúng ta phủ lên mắt mình một hỗn hợp nước mắt nhờn để giữ cho mắt được bôi trơn và khỏe mạnh.

Tuy nhiên, trớ trêu thay, một số người bị khô mắt cũng bị chảy nước mắt nhiều, vì vậy khô mắt có thể là nguyên nhân. Khi mắt khô, chúng ra lệnh cho não của chúng ta tạo ra nhiều nước mắt hơn. Nhưng những giọt nước mắt này không phải loại mà mắt chúng ta cần, bởi chúng là những giọt nước mắt phản xạ không giúp giữ cho mắt bạn được bôi trơn.

Trong các trường hợp khác, khô mắt có thể do tuổi tác, vì khi chúng ta già đi, mắt chúng ta tự nhiên tiết ra ít nước mắt hơn. Bên cạnh đó, mọi người cũng dễ bị khô mắt nếu ở trong môi trường khô, nhiều gió hoặc thậm chí là ngồi trong ô tô có điều hòa nhiệt độ. Bởi, không khí khô có thể khiến nước mắt của chúng ta bay hơi nhanh chóng, khiến mắt càng khô hơn.

Trong những trường hợp hiếm gặp hơn, bỏng mắt có thể là triệu chứng của hội chứng Sjögren - một chứng rối loạn hệ thống miễn dịch được biểu hiện bằng khô mắt và khô miệng. Nó thường xảy ra với các rối loạn miễn dịch khác, chẳng hạn như bệnh celiac hoặc viêm khớp dạng thấp.

‌Cách khắc phục:‌

Nếu việc dành quá nhiều thời gian trên màn hình là nguyên nhân dẫn đến các triệu chứng của bạn thì cách khắc phục là nhắc nhở bản thân rời mắt khỏi màn hình và chớp mắt. Để chống lại không khí khô, hãy đặt máy tạo độ ẩm trong phòng để tăng thêm độ ẩm cho không khí.

Cùng với đó, bạn cũng có thể sử dụng nước mắt nhân tạo - một loại thuốc nhỏ mắt bôi trơn có chứa nhiều thành phần tự nhiên có trong nước mắt của bạn suốt cả ngày để giữ ẩm cho mắt. Tuy nhiên, bạn nên chọn nước mắt nhân tạo loại không chứa chất bảo quản vì chất bảo quản có thể gây kích ứng mắt và làm cho tình trạng khô mắt trở nên tồi tệ hơn.

Tuy nhiên, nước mắt nhân tạo không giống như thuốc nhỏ mắt giảm đỏ mắt. Thuốc giảm mẩn đỏ có tác dụng làm cho các mạch trong mắt bạn co lại. Vì vậy, khi bạn ngừng sử dụng chúng, bạn sẽ có hiệu ứng đỏ trở lại và điều này có thể khiến mắt bạn cảm thấy khô hơn.

Đọc thêm bài viết: Bổ sung vitamin nào tốt nhất cho đôi mắt?

2. Bạn bị dị ứng mắt

Nếu đôi mắt của bạn nóng rát kèm theo ngứa ngáy, rất có thể nguyên nhân là do dị ứng mắt. Khi bạn gặp một chất gây dị ứng, chẳng hạn như thứ gì đó gây khó chịu trong môi trường như: phấn hoa hoặc lông da thú cưng, mắt bạn sẽ tạo ra một chất hóa học gọi là histamine, giúp chống lại tác nhân gây dị ứng đó. Vấn đề là, chất histamin này cũng làm cho mí mắt và kết mạc mắt bị ngứa, khó chịu và sưng tấy. Ngoài ra, các dấu hiệu khác cho thấy bạn bị dị ứng có thể bao gồm: nghẹt mũi, hắt hơi, ho hoặc đau họng.

‌Cách khắc phục:‌

Trong nhiều trường hợp, cách tốt nhất để tránh dị ứng là tránh các tác nhân gây dị ứng. Ví dụ ở trong nhà hoặc đeo kính râm khi lượng phấn hoa đang ở thời điểm cao nhất hoặc nếu bạn bị dị ứng với bụi, hãy thay vỏ chăn ga gối của bạn thường xuyên và sử dụng máy hút bụi trong nhà. Tuy nhiên, tránh các chất gây dị ứng có thể nói dễ hơn làm. Bạn cũng có thể sử dụng nước mắt nhân tạo để giúp rửa sạch chất gây dị ứng khỏi mắt hoặc nói chuyện với bác sĩ về việc liệu bạn có dùng được loại thuốc nhỏ mắt kháng histamine hay không.

3. Bạn bị đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ tức là viêm kết mạc có thể do virus, vi khuẩn hoặc dị ứng gây ra. Thủ phạm phổ biến nhất là virus, có thể gây nóng rát, đỏ mắt và chảy nước mắt (cùng với sổ mũi và đau họng cũng có thể xảy ra).

Đáng chú ý: Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng khoảng 1 - 3% những người mắc COVID-19 phát triển bệnh viêm kết mạc, vì vậy có triệu chứng bỏng rát ở mắt của bạn có thể có liên quan đến COVID.

Ngoài ra, nhiễm trùng do vi khuẩn cũng có thể gây đỏ mắt và đau nhức, nhưng dịch mắt có thể có nhiều mủ, rất ít hoặc không có mủ. Mặt khác, đau mắt đỏ do dị ứng có xu hướng bị kích hoạt bởi các chất kích thích như phấn hoa, vật nuôi hoặc khói,... Và giống như dị ứng, nó có thể gây ngứa, đỏ và sưng tấy.

Cuối cùng, nếu dành nhiều thời gian trong hồ bơi, bạn có thể mắc một dạng viêm kết mạc do hóa chất, hay còn gọi là "mắt bơi lội" do tiếp xúc với clo. Nóng rát mắt là một triệu chứng phổ biến, cùng với các triệu chứng khác như cảm giác cộm, tiết dịch, sưng mí mắt, đỏ mắt, mờ mắt và nhạy cảm với ánh sáng.

‌Cách khắc phục:‌

Nếu bệnh đau mắt đỏ của bạn do virus gây ra, bạn có thể sẽ phải đợi cho đến khi cơ thể chống lại virus. Quá trình này thường mất khoảng một hoặc hai tuần. Điều tương tự cũng xảy ra đối với mắt của người bơi lội và bạn nên tránh tiếp xúc với clo trong thời gian đó.

Nếu nguyên nhân là do vi khuẩn thì bác sĩ có thể kê cho bạn thuốc nhỏ mắt kháng sinh để giúp làm sạch mắt (thuốc kháng sinh không có tác dụng chống lại virus). Viêm kết mạc do vi khuẩn có thể khỏi sớm hơn, sau 2 - 5 ngày, mặc dù cũng có thể mất đến 2 tuần. Nếu viêm kết mạc là do dị ứng, bạn có thể chống lại các triệu chứng bằng cách dùng thuốc nhỏ mắt chống dị ứng, mặc dù cũng có nhiều biện pháp tự nhiên để chữa dị ứng, chẳng hạn như tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Những điều cần biết về lẹo ở mắt

4. Bạn bị bệnh hồng ban (chứng đỏ mặt)

Bạn có thể đã quen thuộc với bệnh hồng ban (chứng đỏ mặt) - một tình trạng da gây mẩn đỏ và nổi mụn nhỏ trên mặt. Tuy nhiên, điều ít được biết đến là bệnh hồng ban có thể phát triển gần mắt. Với bệnh này, các tuyến dầu dọc theo mí mắt của bạn sẽ bị viêm giống như da của bạn. Tình trạng viêm này cản trở quá trình sản xuất dầu bình thường của các tuyến, giúp giữ cho mắt bạn được bôi trơn. Kết quả nó gây ra các triệu chứng đỏ, rát, ngứa mắt.

‌Cách khắc phục:‌

Một số bác sĩ khuyên bạn nên rửa mí mắt để tránh những con ve siêu nhỏ hoặc các sinh vật gây nhiễm trùng khác có thể khiến mí mắt sưng tấy và đỏ lên. Bắt đầu bằng cách cho dầu gội trẻ em cùng nước ấm vào khăn và nhẹ nhàng lau mí mắt. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể kê đơn thuốc kháng sinh đường uống như doxycycline cho người bệnh bị chứng đỏ mặt hoặc thuốc kháng sinh bôi ngoài da có thể bôi lên mí mắt.

5. Bạn bị viêm bờ mi

Vi khuẩn có ở khắp mọi nơi kể cả ở gốc lông mi. Đối với một số người, vi khuẩn có thể gây ra tình trạng viêm gọi là viêm bờ mi. Các triệu chứng của viêm bờ mi bao gồm: nóng rát, đau mắt, lớp vảy bong tróc hoặc nhờn tích tụ trên lông mi. Đôi khi viêm bờ mi có thể do những con ve cực nhỏ gọi là Demodex, sống bên trong nang lông mi của chúng ta gây ra. Trong những trường hợp khác, nó có thể xảy ra khi các tuyến dầu trong mắt bị tắc.

‌Cách khắc phục:‌

Viêm bờ mi thường là một vấn đề mạn tính, vì vậy bạn có thể cần phải vệ sinh mắt hàng ngày để tránh bị kích ứng. Để làm như vậy, hãy thoa một ít dầu gội trẻ em hoặc chất tẩy rửa mí mắt vào một miếng vải sạch và lau sạch các mảnh vụn trên gốc lông mi. Bạn cũng có thể chườm nóng lên đôi mắt của mình (trong trạng thái nhắm mắt). Điều này sẽ giúp làm loãng dầu trong mắt, ngăn ngừa tắc nghẽn, đồng thời giúp làm lỏng lớp vảy tích tụ có thể đọng lại trên lông mi. Bạn hãy thử giữ miếng chườm nóng trong vài phút mỗi ngày.

6. Kính áp tròng của bạn có vấn đề

Khi bạn đeo hoặc lấy kính áp tròng ra khỏi mắt, mắt bạn bắt đầu bỏng rát thì đó có thể là do bạn đã đeo chúng quá lâu (hoặc đeo qua đêm), không vệ sinh đúng cách hoặc đã lâu chưa thay kính áp tròng mới. Vấn đề là, tất cả những thói quen này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm giác mạc - bệnh nhiễm trùng mắt phổ biến nhất do đeo kính áp tròng.

‌Cách khắc phục:‌

Nếu bạn đang gặp phải các triệu chứng của viêm giác mạc, bao gồm: nóng rát, đau, tiết dịch, nhìn mờ hoặc nhạy cảm với ánh sáng thì hãy tới gặp bác sĩ nhãn khoa để được chẩn đoán. Nếu nhiễm trùng nhẹ, bạn có thể chỉ cần dùng thuốc nhỏ mắt như nước mắt nhân tạo hoặc thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, nếu tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng hơn, bạn có thể cần dùng thuốc chống viêm cho mắt hoặc thuốc uống.

7. Bạn bị cháy nắng

Da của bạn không phải là bộ phận duy nhất trên cơ thể dễ bị cháy nắng. Mắt của bạn cũng có thể bị tổn hại do quá nhiều ánh sáng mặt trời. Đó là bởi vì bức xạ tia cực tím từ mặt trời có thể làm hỏng lớp mỏng bên ngoài của giác mạc cũng như mô bao phủ lòng trắng của mắt. Tên y học của tình trạng cháy nắng ở mắt là viêm giác mạc do ánh sáng. Các triệu chứng như đau, bỏng rát và mờ mắt sẽ không xuất hiện cho đến khi hình thành tổn thương. Bác sĩ có thể chẩn đoán viêm giác mạc do ánh sáng bằng cách kiểm tra mắt của bạn và nhỏ thuốc nhuộm huỳnh quang vào mắt để tìm bất kỳ dấu hiệu bỏng nào.

‌Cách khắc phục:‌

May mắn thay, viêm giác mạc do ánh sáng thường biến mất sau 1 hoặc 2 ngày, nhưng bạn có thể giảm bớt các triệu chứng bằng cách đắp khăn lạnh lên mắt đang nhắm và uống thuốc giảm đau như ibuprofen. Nếu bạn đeo kính áp tròng, hãy nhớ lấy chúng ra khỏi mắt ngay lập tức.

Để ngăn ngừa viêm giác mạc do ánh sáng trong tương lai, hãy đeo kính râm có khả năng chặn ít nhất 99% tia UV khi bạn ở ngoài trời. Hãy nhớ rằng, bạn không chỉ có nguy cơ bị cháy nắng ở bãi biển mà còn có thể bị viêm giác mạc do ánh sáng vào mùa hè. Nếu bạn phải ở ngoài trời vào những thời điểm nắng nóng của mùa hè, hãy đeo kính chắn tuyết chống tia UV.

Khi nào cần gặp bác sĩ về bỏng mắt?

Rất nhiều phương pháp điều trị cho bệnh này có bán sẵn ở quầy thuốc và bạn có thể tự điều trị tại nhà. Tuy nhiên, có một số triệu chứng có thể báo hiệu một vấn đề nghiêm trọng hơn. Ví dụ như mờ mắt dai dẳng hoặc tăng dần hoặc các triệu chứng không thuyên giảm sau khi tự điều trị tại nhà, bạn cần tới gặp bác sĩ ngay.

Hoặc nếu bạn bị đau nhiều, sưng mi mắt, tiết dịch giống như mủ hoặc sưng mắt ngay cả khi bạn biết nguyên nhân gây ra tình trạng này thì bạn có thể cần đi khám bác sĩ để được kê đơn thuốc như steroid hoặc kháng sinh.

Nếu đeo kính áp tròng, bạn hãy tới gặp bác sĩ nhãn khoa nhanh nhất. Bởi có thể khi mắt bị bỏng rát, đặc biệt nếu bạn để kính áp tròng quá lâu hoặc tiếp xúc với nước bẩn (một loại ký sinh trùng đặc biệt khó chịu tên là Acanthamoeba có thể sống trong nước và gây nhiễm trùng nặng cho mắt). Trong trường hợp này, hãy ngừng đeo kính áp tròng cho đến khi bạn gặp bác sĩ nhãn khoa.

Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM cung cấp các dịch vụ tư vấn, thăm khám dinh dưỡng cho trẻ  em và người lớn với cam kết hỗ trợ nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng và cải thiện các tình trạng như còi xương, suy dinh dưỡng, thừa cân,… Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0935 18 3939 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.

Bác sĩ Đoàn Hồng - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Theo Livestrong
Bình luận
Tin mới
Xem thêm