Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Viêm tai ngoài do nấm: Nguyên nhân, dấu hiệu và phương pháp điều trị

Viêm tai ngoài do nấm là bệnh lý khiến người khó chịu và có thể kéo dài dai dẳng rất khó điều trị. Ở nước ta, bệnh viêm tai ngoài do nấm có xu hướng gia tăng do điều kiện môi trường ô nhiễm cùng với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm là điều kiện cho nấm phát triển.

1. Viêm tai ngoài do nấm và nguyên nhân

Viêm tai ngoài do nấm là bệnh gây ra bởi vi nấm ở vùng ống tai ngoài làm viêm ống tai ngoài.

Bệnh phụ thuộc vào vùng địa lý, vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân và các mùa trong năm. Trên thế giới, viêm tai ngoài do nấm chiếm tỷ lệ 5% - 30 % trong các bệnh viêm tai ngoài tùy theo từng vùng khí hậu và môi trường.

Ở nước ta, bệnh viêm tai ngoài do nấm có xu hướng gia tăng do điều kiện môi trường ô nhiễm cùng với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm là điều kiện cho nấm phát triển.

Nguyên nhân gây bệnh viêm tai ngoài có thể do nhiều loại nấm khác nhau nhưng chủ yếu là 2 loại chính là nấm Candida và nấm Aspergillus.

Nấm Candida thường thấy rõ dưới kính hiển vi, là những mảnh vụn màu trắng. Nấm Aspergillus quan sát qua kính hiển vi thấy xen giữa những đốm trắng, vàng và những đốm đen.

2. Ai dễ mắc viêm tai ngoài do nấm?

Con người thường xuyên tiếp xúc với không khí môi trường có nhiều bào tử nấm tuy nhiên với hệ thống miễn dịch bình thường thì bào tử nấm không có điều kiện phát triển. Nhưng đối với những người bị suy giảm miễn dịch như đái tháo đường, suy dinh dưỡng, béo phì, những người sử dụng corticoid kéo dài, những người tiếp xúc với môi trường nóng ẩm thường xuyên thì dễ bị nhiễm nấm tai ngoài.

- Những người thường xuyên làm việc trong môi trường nóng ẩm không vệ sinh tai ngoài sạch sẽ tạo môi trường bẩn, ẩm giúp nấm phát triển như những người hay bơi lội, làm bếp, sử dụng các dịch vụ công cộng, bơi ở sông hồ suối có nguy cơ nhiễm nấm tai ngoài cao.

- Những người thường xuyên sử dụng dịch vụ lấy ráy tai, rửa tai ở các quán cắt tóc có điều kiện vệ sinh không sạch sẽ làm lây nhiễm nấm. Đồng thời nấm có khả năng lây từ người này sang người khác do lấy chung dụng cụ, không xử lý dụng cụ sạch sẽ.

- Những người bị viêm âm đạo do nấm cũng có thể dễ bị viêm tai ngoài do nấm.

3. Triệu chứng viêm tai ngoài do nấm

Các triệu chứng của viêm tai ngoài do nấm có thể ở 1 bên hoặc 2 bên tai. Bệnh nhân thường có dấu hiệu:

- Ngứa tai: Ngứa tai là triệu chứng hay gặp nhất. Cảm giác ngứa liên tục, khó chịu là người bệnh liên tục phải ngoáy tai. Tuy nhiên, càng ngoáy bệnh nhân lại càng ngứa và gây đau tai.

- Đau tai: Đau tai, lúc đầu cảm giác căng tức đầy đầy 2 tai, sau đó càng ngày càng đau, đau tăng khi nhai và nuốt nước bọt. Đến giai đoạn nặng thì đau liên tục, người bệnh phải uống thuốc giảm đau để đỡ đau.

- Ù tai: Ù tai do tổ chức nấm trong ống tai ngoài gây viêm ống tai ngoài gây ù tai.

- Nghe kém: Nghe kém khi nấm phát triển nhiều làm bít lấp ống tai ngoài gây nghe kém.

- Sưng ống tai: Sưng nề vùng ống tai ngoài do viêm ống tai ngoài gây nên sưng tấy, viêm đỏ ống tai ngoài lan ra phía da bên ngoài.

- Chảy dịch: Chảy dịch hôi ở ống tai ngoài. Dịch lúc đầu trong sau có lợn cợn trắng hoặc vàng xanh khi nhiễm trùng. Đặc biệt dịch có thể lẫn các tổ chức nấm kèm theo.

Người bị viêm tai ngoài do nấm thường bị ngứa và đau tai.

4. Các giai đoạn của bệnh

Nấm tai phát triển theo từng giai đoạn, thông thường chia làm 3 giai đoạn là giai đoạn ban đầu, giai đoạn xâm nhập và giai đoạn phát triển.

- Ở giai đoạn ban đầu: Bệnh nhân thấy ngứa tai mức độ nhẹ, lúc ngứa lúc không, soi tai thấy ống tai ngoài hơi đỏ.

- Giai đoạn xâm nhập: Bệnh nhân thấy ngứa nhiều hơn, ngứa liên tục. Soi tai có thể thấy các sợi nấm bắt đầu hình thành.

- Giai đoạn tiến triển: Bệnh nhân có triệu chứng đau tai rõ rệt kém ù tai, nghe kém. Ống tai ngoài bị sưng nề, chảy dịch trắng hoặc vàng hôi lợn cợn trắng là tổ chức nấm.

5. Chẩn đoán và điều trị các dạng viêm tai ngoài do nấm

Chẩn đoán viêm nấm tai ngoài cần hỏi bệnh, khám lâm sàng, xét nghiệm và chẩn đoán xác định.

- Khám nội soi tai có thể thấy ống tai đỏ, hoặc có tổ chức nghi ngờ như sợi nấm mọc thành chùm trong ống tai ngoài hoặc tổ chức nghi ngờ nấm mọc trên khối mủ vàng hoặc xanh ẩm ướt.

- Lấy các tổ chức nghi ngờ nấm làm xét nghiệm. Xét nghiệm nấm được coi là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán viêm tai ngoài do nấm.

Hình ảnh nội soi nấm ống tai.

Viêm nấm tai ngoài cấp

- Bệnh nhân đau tai dữ dội kèm ngứa tai, chảy tai nhiều dịch lẫn tổ chức nấm, nghe kém, ù tai, có cảm giác bít chặt ống tai. Chạm tay vào vùng trước tai, nắp bình tai bệnh nhân đau chói.

- Khám nội soi tai thấy ống tai ngoài có chứa khối nghi ngờ nấm màu trắng lẫn đen. Bóc tách tổ chức nấm thấy vùng da ống tai ngoài, màng nhĩ nề đỏ xung huyết, ẩm ướt.

Điều trị: Viêm tai ngoài cấp do nấm điều trị tại chỗ bằng cách lấy sạch tổ chức nấm, đặt meche tẩm mỡ chống nấm hàng ngày. Cần điều trị tốt những viêm cấp tính ống tai ngoài. Trong trường hợp điều trị không kịp thời có thể gây biến chứng tổn thương màng nhĩ gây viêm tai giữa và nghe kém.

Viêm ống tai ngoài do nấm không triệu chứng

- Bệnh nhân thường không thấy ngứa hoặc đau vùng ống tai ngoài.

- Khám nội soi phát hiện ra khối ráy tai kèm nấm phát triển trong ống tai ngoài của bệnh nhân.

Điều trị: Trong trường hợp này, khi lấy hết khối ráy và nấm ra thì da ống tai, màng nhĩ hoàn toàn bình thường. Bệnh nhân không phải điều trị gì thêm.

Viêm tai ngoài do nấm sau phẫu thuật tai

- Sau phẫu thuật, ống tai ngoài có thể bị tổn thương xây xước nhẹ hoặc đọng ít máu hoặc dịch. Đây là môi trường thuận lợi cho nấm phát triển. Nấm mọc từ ống tai ngoài có thể lan sâu vào hốc mổ gây nấm hốc mổ tai.

Điều trị: Cần vệ sinh sạch sẽ ống tai ngoài và hốc mổ hàng ngày tránh tạo điều kiện thuận lợi cho nấm phát triển sau mổ tai.

Viêm nấm ống tai ngoài ác tính

- Thường do nấm Aspergillus phối hợp với trực trùng mủ xanh. Đây là loại viêm nấm kèm hoại tử rất hiếm khi xảy ra. Bệnh xuất hiện lan dần vào xương chũm đến nền sọ.

- Bệnh này thường xuất hiện ở những người suy giảm miễn dịch như HIV, lao, đái tháo đường… Bệnh nhân thường xuất hiện đau nhức tai sớm, liệt dây thần kinh mặt ngoại biên, nguy hiểm nhất là gây hoại tử nề sọ.

- Nấm tai ngoài thể nhẹ có thể khỏi sau khoảng 2 tuần điều trị. Các trường hợp không điều trị kịp thời hợp hoặc những thể viêm tai ngoài ác tính nặng thì có thể biến chứng gây viêm tai giữa, lan vào xương chũm, nền sọ gây các biến chứng nguy hiểm.

Điều trị: Điều trị viêm nấm ống tai ngoài chủ yếu là điều trị tại chỗ. Lấy sạch tổ chức nấm và lau rửa sạch bằng betadin. Bôi tai chỗ thuốc mỡ kháng nấm hoặc nhỏ dung dịch thuốc kháng nấm. Nếu nhiễm nấm nặng có thể dùng thuốc chống nấm toàn thân.

Người bệnh cần đi khám và điều trị đúng cách nếu có biểu hiện viêm tai ngoài do nấm.

6. Các biện pháp phòng bệnh viêm tai ngoài do nấm

- Không sử dụng những đồ dùng, dụng cụ ngoáy tai bẩn. Những dụng cụ này có thể nhiễm nấm gây nấm ống tai.

- Giữ gìn ống tai luôn sạch sẽ, khô ráo. Lau sạch tai sau khi bơi lội hoặc tắm rửa giúp tai khô ráo không tạo điều kiện cho nấm phát triển.

- Không nên lau tai nhiều lần quá làm mất lớp miễn dịch tự nhiên ở da ống tai ngoài.

- Không nên lạm dụng kháng sinh kéo dài gây nấm ống tai. Dùng kháng sinh toàn thân hoặc thuốc nhỏ tai tại chỗ có kháng sinh sẽ làm nấm phát triển tăng thêm. Dùng thuốc corticoid kéo dài cũng có thể suy giảm miễn dịch gây nấm tai.

- Bổ sung các vitamin và khoáng chất giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng giúp giảm nguy cơ nấm ống tai.

- Điều trị triệt để các bệnh nấm toàn thân khác tránh làm nhiễm nấm ống tai như các bệnh nấm âm đạo, nấm lưỡi, nấm mi mắt…

Tham khảo thêm thông tin bài viết: Bệnh viêm tai ngoài tăng đột biến.

TS. BS. Phạm Thị Bích Thủy - Theo suckhoedoisong.vn
Bình luận
Tin mới
Xem thêm