Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Viêm phổi – Những điều cha mẹ cần biết

Viêm phổi là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nhập viện và tử vong ở trẻ em bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính.

Viêm phổi là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nhập viện và tử vong ở trẻ em bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính. Trẻ dưới 5 tuổi đặc biệt là trẻ dưới 2 tháng tuổi là nhóm nguy cơ mắc và tử vong do viêm phổi cao nhất.

Tại các nước đang và kém phát triển, do điều kiện vệ sinh môi trường thấp, chăm sóc y tế còn kém... nên các vấn đề hô hấp, đặc biệt là viêm phổi trẻ em càng trở nên trầm trọng. Nguyên nhân nào dẫn tới bệnh viêm phổi?

Viêm phổi do rất nhiều nguyên nhân, trong đó thường gặp là vi khuẩn, virus, nấm, hóa chất... Để nhận biết được tác nhân nào gây viêm phổi, trên thực tế cũng rất khó phân biệt.

Do đó, các bác sĩ lâm sàng thường dựa theo kinh nghiệm, các triệu chứng của trẻ để điều trị. Ngay tại các bệnh viện lớn, bệnh viện tuyến trung ương có phòng vi sinh hiện đại và có thể thực hiện các kỹ thuật khó để lấy được bệnh phẩm mang đi xét nghiệm, cấy... nhưng xác suất tìm được tác nhân cũng không cao. Do vậy, dựa vào lứa tuổi của bệnh nhân mà có thể dự đoán tác nhân gây bệnh.

Trẻ trên 5 tuổi thường gặp viêm phổi do các các loại vi khuẩn như: vi khuẩn không điển hình (Mycoplasma Pneumonia, Chlamydia Pneumonia), phế cầu, các loại siêu vi hô hấp...

Trẻ dưới 5 tuổi thường bị viêm phổi và được coi như viêm phổi do vi khuẩn. Thường gặp là: phế cầu, tụ cầu vàng, liên cầu pyogenes, HiB (hemophilus influenza type B). HiB trước đây là một tác nhân quan trọng gây viêm phổi ở trẻ, nhưng sau này do có chương trình tiêm ngừa nên tác nhân này hiện không đáng kể.

Trẻ dưới 2 tháng tuổi thì ngoài các vi khuẩn như trẻ dưới 5 tuổi có thể gặp một số vi khuẩn từ đường ruột như: E. Coli, Proteus, Kliebsiella... do mẹ truyền qua.

Hình ảnh phế nang bình thường và phế nang bị viêm.

Những trẻ nào dễ bị viêm phổi?

Trẻ em có sức đề kháng kém, suy dinh dưỡng, trẻ em ở các nước nghèo, điều kiện kinh tế, vệ sinh, chăm sóc y tế kém; trẻ sống trong gia đình đông người hoặc môi trường đông người (nhà trẻ, mẫu giáo); thường xuyên hít phải khói thuốc lá của người lớn, trẻ có các rối loạn về tim mạch và bệnh lí khác như: có bệnh tim bẩm sinh, loạn sản phế quản phổi (gặp ở trẻ sau sinh phải thở máy, oxy kéo dài), bệnh xơ nang, hen phế quản, suy giảm miễn dịch tế bào, bệnh thần kinh cơ, trẻ bại não, trẻ mắc các rối loạn đường tiêu hóa như bệnh trào ngược dạ dày thực quản, dò quản - thực quản...

Làm thế nào để nhận biết trẻ bị viêm phổi?

Viêm phổi được chia thành hai loại: viêm phổi bệnh viện và viêm phổi cộng đồng. Viêm phổi bệnh viện là do trẻ bị nhiễm tác nhân gây viêm phổi lưu hành trong bệnh viện.  Ở đây chúng ta chỉ đề cập tới viêm phổi mắc phải tại cộng đồng (CAP).

Nghi ngờ trẻ bị viêm phổi khi trẻ có: ho (có thể ho nhiều hay ít, ho khan hay đàm), sốt (sốt từ nhẹ đến cao, một số ít trường hợp không sốt), thở nhanh.

Trong ba triệu chứng trên thì thở nhanh là quan trọng nhất. Theo tài liệu hướng dẫn mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 27/1/2016, thở nhanh được định nghĩa là khi trẻ nằm im, không quấy khóc, không sốt, đếm nhịp thở trong vòng 1 phút, gọi là nhanh khi: thở trên 60 lần trở lên với trẻ dưới 2 tháng; trên 50 lần với trẻ 2 - 12 tháng; trên 40 lần với trẻ 1-5 tuổi; trên 20 lần với trẻ từ 5 tuổi trở lên. Ngoài ra, còn một số dấu hiệu khác như: khò khè, bú kém, thở co lõm ngực, tím quanh môi...

Tại bệnh viện hay phòng khám bác sĩ có thể phát hiện thêm một số triệu chứng khác như nghe phổi có tiếng bất thường: rale ngáy, rale rít, rale ẩm,  rale nổ....

Cho trẻ nhập viện khi nào?

Tất cả trẻ dưới 3 tháng có biểu hiện viêm phổi. Trẻ trên 3 tháng viêm phổi và có sốt cao trên 38,5 độ C. Trẻ có biểu hiện hô hấp nguy kịch ở mức độ trung bình đến nặng, như: nhịp thở trung bình trên 70 lần ở trẻ dưới 1 tuổi, trên 50 lần với trẻ lớn, co lõm lồng ngực, khó thở nặng, thở rên, cánh mũi phập phồng, ngưng thở.  Có dấu hiệu tím tái, li bì, bỏ bú, mất nước (mắt trũng, tiểu ít)...

Điều trị và chăm sóc trẻ

Đối với trẻ điều trị ngoại trú, tùy vào tác nhân gây bệnh mà bác sĩ sẽ kê cho loại kháng sinh phù hợp. Nếu bệnh nhi đáp ứng tốt với thuốc thì một liệu trình trị liệu kéo dài ít nhất 7- 10 ngày.

Các điều trị hỗ trợ khác: chú ý tới dinh dưỡng, cung cấp đủ nước cho bé thông qua sữa, nước uống trực tiếp, cháo... Theo dõi tình trạng đi tiểu của bé để xem cung cấp nước có đủ không. Nếu bé tiểu ít, nước tiểu vàng có thể là do cung cấp thiếu nước.

Vệ sinh mũi: thường các trẻ viêm phổi cũng có viêm hô hấp trên kèm theo có thể vệ sinh mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý, hoặc dạng xịt phun sương, lấy nhầy mũi bằng bấc sâu kèn.

Hạ sốt: bé sốt có thể quấy khóc do khó chịu, nếu bé sốt trên 38 độ C mà có biểu hiện khó chịu, quấy thì nên dùng thuốc hạ sốt thông thường paracetamol theo hướng dẫn của bác sĩ.

Giảm ho an toàn: các loại siro ho thảo dược không có chống chỉ định, có thể giúp bé dễ chịu hơn.

Làm ẩm không khí trong phòng hỗ trợ niêm mạc hô hấp, tránh nằm máy lạnh ở nhiệt độ quá thấp. Nên thấp nhất là 29 độ.

Tái khám mỗi ngày hoặc mỗi hai ngày theo chỉ định của bác sĩ.

Khi trẻ phải nhập viện, việc điều trị sẽ bao gồm: hỗ trợ hô hấp (thở oxy, CPAP, thở máy), dùng thuốc kháng sinh đường tiêm, chế độ dinh dưỡng, tập vật lý trị liệu theo phác đồ.

Viêm phổi gây biến chứng gì?

Nếu viêm phổi mà điều trị muộn hoặc không đúng cách, hoặc vi khuẩn độc lực quá mạnh có thể gây ra các biến chứng, một khi biến chứng xảy ra thì việc điều trị phức tạp và nguy cơ tử vong cao. Các biến chứng có thể xảy ra là: tràn dịch, tràn mủ, tràn khí khoang màng phổi; viêm phổi hoại tử, apxe phổi; kén khí phổi; hạ natri máu.

Cách nào phòng ngừa viêm phổi?

Để dự phòng viêm phổi nói chung, cần nâng cao sức đề kháng của trẻ thông qua việc cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, cho ăn đúng và đủ theo hướng dẫn của chuyên gia dinh dưỡng.

Thường xuyên theo dõi sự phát triển thể chất của trẻ để biết được tình trạng dinh dưỡng của con. Ngoài ra, cần cải thiện môi trường sống, để tránh cho trẻ tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ, như: nhà ở phải thoáng mát, thường xuyên vệ sinh nhà sạch sẽ, không để trẻ tiếp xúc môi trường có khói thuốc, hạn chế việc tiếp xúc với người có biểu hiện bệnh ở đường hô hấp (ho, sốt...).

Vệ sinh mũi họng: nếu trẻ đã biết súc miệng, thì cho trẻ súc họng bằng nước muối sinh lý, nhỏ nước muối sinh lý sau khi đi ngoài đường tiếp xúc với khói bụi, cần mang khẩu trang cho trẻ để tránh hít phải bụi đường.

Phòng ngừa đặc hiệu: điều trị bệnh nền nếu có, như suy dinh dưỡng, bệnh trào ngược dạ dày thực quản , bệnh tim bẩm sinh... Tiêm phòng đầy đủ, đặc biệt chú ý các mũi tiêm phòng lao, sởi HiB, phế cầu, cúm.

BS. Trần Công - Theo Sức khỏe & Đời sống
Bình luận
Tin mới
  • 29/04/2024

    Đau họng:Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị

    Viêm họng, hay đau họng, là tình trạng viêm ở phía sau cuống họng (còn gọi là họng). Viêm họng có thể gây đau khi nuốt và đau nhức, khó chịu, đau hoặc ngứa ngáy ở cổ họng.

  • 29/04/2024

    Xuất huyết não nguy hiểm ra sao?

    Trong 2 dạng đột quỵ não, xuất huyết não ít gặp hơn nhồi máu não nhưng tỷ lệ tử vong và di chứng cao hơn. Người sống sót qua cơn đột quỵ xuất huyết não cần làm gì để phòng bệnh tái phát?

  • 29/04/2024

    Nhiễm nấm Candida: Triệu chứng và điều trị

    Nấm Candida là một loại nấm men có thể sống trên cơ thể con người. Nó thường bao gồm cả nấm men và nấm mốc.

  • 28/04/2024

    Gợi ý chế độ nghỉ ngơi để đảm bảo sức khỏe cho thí sinh trước mùa thi

    Không chỉ chế độ dinh dưỡng đảm bảo mà việc nghỉ ngơi của các thí sinh cũng rất quan trọng để đảm bảo tinh thần được tốt nhất khi bước vào kỳ thi.

  • 28/04/2024

    Chế độ ăn giúp trẻ bị rôm sảy mau khỏi

    Trẻ bị rôm sảy cần được chăm sóc, điều trị đúng cách. Bên cạnh các biện pháp vệ sinh da thì chế độ dinh dưỡng hợp lý, đủ chất, bổ sung vitamin và khoáng chất sẽ tăng sức đề kháng cho trẻ, phòng ngừa biến chứng và giúp bệnh nhanh khỏi.

  • 28/04/2024

    Cách đối phó với làn da bong tróc do vẩy nến

    Bệnh vẩy nến là một bệnh về da gây phát ban ngứa, có vảy. Một trong những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh là da bị bong tróc. Vậy làm thế nào để đối phó với tình trạng này, hãy cùng tìm hiểu ở bài viết dưới đây.

  • 28/04/2024

    Sĩ tử mùa thi nên ăn gì, ngủ bao nhiêu là đủ?

    Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, cùng với việc tập trung ôn luyện, các sĩ tử cần được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, có chế độ ngủ, nghỉ hợp lý, đủ giờ.

  • 28/04/2024

    Động kinh ở trẻ em

    Bài viết dưới đây sẽ nói về chủ đề động kinh ở trẻ em - những thông tin hữu ích mà bạn không nên bỏ qua.

Xem thêm