Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Triệu chứng cảnh báo sớm ung thư tinh hoàn

Ung thư tinh hoàn là bệnh khá phổ biến ở nam giới từ 20 đến 35 tuổi.

Sờ một bên tinh hoàn to hơn bình thường hoặc có khối u cứng, đau tức nặng vùng hạ vị hay bẹn bìu, có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư tinh hoàn.

Tinh hoàn to hơn bình thường hoặc có khối u cứng. (Ảnh minh họa: Internet)

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hoàng Đức, Trưởng khoa Tiết niệu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết ung thư tinh hoàn là bệnh khá phổ biến ở nam giới từ 20 đến 35 tuổi.

Ghi nhận tại Mỹ, nguy cơ mắc ở nam giới là một trong 263 người, lứa tuổi trung bình phát hiện bệnh là 33. Thống kê ở nước này cho thấy mỗi năm có 9.000 ca bệnh mới, khoảng 350 đến 400 trường hợp tử vong.

Đến nay Việt Nam chưa có số liệu thống kê dịch tễ về ung thư tinh hoàn. Bác sĩ Đức cho biết trung bình mỗi tháng Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM tiếp nhận điều trị từ một đến 2 bệnh nhân bị ung thư tinh hoàn giai đoạn sớm và một số ở giai đoạn muộn.

Hầu hết trường hợp phát hiện sớm nhờ tình cờ sờ thấy bên tinh hoàn to hơn bình thường, không đau. Có trường hợp bị khối u cứng ở tinh hoàn. Một số người bị đau tức nặng vùng hạ vị hoặc bẹn bìu.

 

Cách tự kiểm tra để phát hiện sớm bệnh ung thư tinh hoàn.  (Việt hóa bởi SongKhoe.vn)

Một số trường hợp đến khám khi đã ở giai đoạn trễ vì bệnh nhân mất thời gian điều trị ở những nơi khác với chẩn đoán nhầm là viêm mào tinh - tinh hoàn.

Lúc này khối ung thư tinh hoàn đã bắt đầu di căn, bệnh nhân nổi hạch ở vùng cổ, đau lưng, chán ăn, sụt cân, đau xương, ho ra máu do di căn phổi… Bác sĩ thường điều trị bằng kháng sinh và kháng viêm nhằm kéo dài thời gian sống cho người bệnh.

Hiện nay khoa học chưa xác định được nguyên nhân cụ thể gây ung thư tinh hoàn cũng như các yếu tố môi trường làm tăng nguy cơ bệnh. Một số nghiên cứu cho thấy chất độc da cam làm tăng nguy cơ ung thư tinh hoàn. Bệnh có tính chất gia đình.

Nếu cha mắc bệnh thì các con trai cũng có nguy cơ bị ung thư tinh hoàn gấp 4 đến 6 lần so với những người khác. Nam giới bị tinh hoàn ẩn (tinh hoàn không nằm trong bìu mà lọt vào vùng bẹn hoặc ổ bụng) có nguy cơ ung thư cao hơn 4 đến 8 lần so với trường hợp tinh hoàn nằm trong bìu.

Điều trị ung thư tinh hoàn gồm 2 công đoạn. Trước hết là phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tinh hoàn và cuống mạch máu của bộ phận này, tất cả được tiến hành qua đường mổ ở vùng bẹn. Phẫu thuật này rất đơn giản, thời gian bình phục từ 3 đến 5 ngày.

Sau đó, tinh hoàn cùng với bướu tinh hoàn được xét nghiệm để phân loại tế bào ung thư cũng như giai đoạn xâm lấn của ung thư. Tùy vào loại tế bào ung thư và giai đoạn bệnh, bác sĩ có thể chỉ định hóa trị thêm.

Với trường hợp ung thư tinh hoàn phát hiện muộn, ngoài việc cắt bỏ tinh hoàn còn phải phẫu thuật nạo vét các hạch di căn, nhất là hạch di căn ở vùng sau phúc mạc.

Bác sĩ khuyên nam giới nên thường khuyên tự thăm khám tinh hoàn bằng tay nhằm phát hiện bệnh và điều trị sớm. Ngay khi thấy bất thường ở bộ phận này nên đến bệnh viện khám ở bệnh viện có chuyên khoa Tiết niệu - Nam học.

Để chẩn đoán chính xác có phải ung thư không, cần làm thêm các xét nghiệm hình ảnh như siêu âm tinh hoàn, chụp ngực - bụng cắt lớp và sinh hóa máu.

Trần Ngoan - Theo Vnexpress.net
Bình luận
Tin mới
Xem thêm