Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Bạn có đại tiện quá nhiều?

Bạn có thể không hề quan tâm đến việc đại tiện lắm bởi bạn cho rằng nó cũng bình thường như những việc bạn hay làm hàng ngày như đánh răng, rửa mặt. Tuy nhiên nếu bạn bỗng dưng “đi nặng” tới 10 lần trong ngày thì sao nhỉ? Câu chuyện sẽ hoàn toàn khác đấy.

Theo bác sỹ tiêu hóa Anish Sheth, việc những người trưởng thành tại Mỹ trải qua một số thay đổi trong thời gian ngắn về tần suất đại tiện là khá phổ biến. Tuy nhiên, nếu vấn đề này tiếp tục đeo đuổi bạn hay tái diễn thì nguyên nhân có thể không hề đơn giản.

Đại tiện bao nhiêu lần một ngày được coi là bình thường?

Theo GS - bác sỹ Jordan Karlitz thuộc khoa tiêu hóa, Đại học Tulane, không có một con số cụ thể nào được coi là tiêu chuẩn cho số lần đại tiện của bạn, miễn là bạn ghé WC từ 3 lần/tuần cho tới 3 lần/ngày. Tuy nhiên, có một nguyên tắc chung: Điều quan trọng nhất là nhận biết được những bất thường trong thói quen đại tiện của bạn. Điều đó có nghĩa là nếu bạn chỉ thường đại tiện 1 lần trong ngày thì việc viếng thăm WC tới 3-4 lần/ngày trong vòng 2 tuần liên tiếp quả thật không bình thường chút nào – đây có thể là triệu chứng của tiêu chảy hay cảnh báo một vấn đề sức khỏe nào khác.

Bạn cảm thấy mình không bị ốm, vậy điều gì đang xảy ra?

Nếu hệ tiêu hóa của bạn dường như đang “nổi loạn” trong vòng một vài ngày, hãy xem lại chế độ ăn uống. Một số thực phẩm chính là thủ phạm khiến bạn bị đi ngoài phân lỏng như rượu, caffein, đường fructose và các chất tạo ngọt nhân tạo như sorbitol.

Bạn cũng sẽ nhận thấy sự thay đổi trong tần suất đại tiện và độ đặc của phân nếu như nạp quá nhiều các chất xơ không hòa tan có trong các loại rau có lá màu xanh đậm và bột lúa mỳ nguyên cám.

Sử dụng một loại thuốc mới cũng có ảnh hưởng đến việc đại tiện của bạn. Bất cứ loại kháng sinh nào cũng có thể phá vỡ sự cân bằng của hệ vi sinh đường ruột và gây tiêu chảy.

Tuy nhiên nếu bạn không có thay đổi gì về chế độ dinh dưỡng cũng như các loại thuốc sử dụng thì một số căn bệnh có thời gian diễn biến ngắn cũng có thể là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, như bệnh cúm dạ dày hay ngộ độc thực phẩm.

Nếu việc đại tiện của bạn không trở lại bình thường sau 2 tuần – hoặc có sự thay đổi mỗi vài tuần hay vài tháng – và bạn bắt đầu quan sát thấy có máu hay dịch nhầy trong phân, đau bụng, sốt và buồn nôn, đừng chần chừ mà hãy đi khám bác sỹ ngay.

Các bác sỹ có thể giúp gì?

Chướng bụng, đầy hơi, đau khớp, mệt mỏi và loét miệng là các dấu hiệu của bệnh Celiac, một căn bệnh tự miễn xảy ra khi cơ thể bạn không thể dung nạp một protein có tên là gluten có trong lúa mỳ, lúa mạch và lúa mạch đen. Nếu các triệu chứng của bạn hoàn toàn trùng khớp, bác sỹ sẽ chỉ định các xét nghiệm máu để chẩn đoán xem bạn có bị mắc bệnh Celiac hay không.

Nếu bạn đi ngoài ra máu, bác sỹ có thể chỉ định nội soi đại trực tràng  để phát hiện nguy cơ ung thư và các bệnh viêm tại đường tiêu hóa.

Ngoài ra, hội chứng ruột kích thích cũng gây ra các triệu chứng như đau bụng, đầy hơi chướng bụng, tiêu chảy hay táo bón.

Làm thế nào để giảm đại tiện quá nhiều?

Trước hết, hãy loại bỏ những thực phẩm có thể là thủ phạm gây ra tình trạng rối loạn tiêu hóa. Bạn nên ghi lại danh sách những thực phẩm ăn hàng ngày và liệt kê các triệu chứng gặp phải.

Nếu các chất xơ không hòa tan là nguyên nhân gây tiêu chảy, bạn nên thay thế bằng các chất xơ hòa tan – có trong yến mạch, đậu đỗ và táo – hay sử dụng một số thực phẩm chức năng như Metamucil hay Benefiber.

Nếu kháng sinh gây loạn khuẩn đường ruột và tiêu chảy, hãy sử dụng thêm men vi sinh probiotic để thiết lập lại cân bằng cho hệ vi sinh đường ruột. Một nghiên cứu vào năm 2012 đã đưa ra kết luận rằng sử dụng probiotic có thể giảm nguy cơ tiêu chảy tới 42%.

Đối với một số bệnh như cúm dạ dày, bạn nên chọn chế độ ăn lỏng cho tới khi tình trạng rối loạn tiêu hóa được cải thiện. Quay trở lại với thức ăn rắn quá sớm có thể khiến bạn tiêu chảy nặng hơn và thậm chí mất nước.

Trường hợp bạn bị mắc hội chứng ruột kích thích, bạn sẽ cần thử nghiệm đối với chế độ ăn của mình. Hãy lưu ý hơn tới những thứ bạn ăn mỗi ngày, và đánh dấu lại những thực phẩm mà bạn cho là làm nặng thêm căn bệnh của mình. Một số thực phẩm có thể tác động xấu đến căn bệnh bao gồm các sản phẩm từ sữa, các loại rau họ cải như súp lơ trắng và súp lơ xanh và các chất ngọt nhân tạo, tuy nhiên điều này phụ thuộc vào từng cá nhân khác nhau. Một nghiên cứu từ Thụy Điển chỉ ra rằng tăng cường các hoạt động thể chất có thể giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích.

Bình luận
Tin mới
Xem thêm