Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Điều trị viêm tai giữa ở trẻ em

Nghiên cứu mới cho thấy 80% nhiễm trùng tai không biến chứng sẽ tự khỏi trong vòng 4-7 ngày không cần kháng sinh. Trường hợp cần điều trị kháng sinh, liệu trình được khuyến cáo kéo dài 7 ngày.

Nguyên tắc điều trị nhiễm trùng tai bao gồm điều trị chứng đau tai, chống nhiễm khuẩn bằng kháng sinh và theo dõi sau điều trị.

1. GIẢM ĐAU

Paracetamol hoặc ibuprofen là thuốc giảm đau hiệu quả cho chứng đau tai. Có thể sử dụng cùng lúc cả hai thuốc này nếu một thuốc tỏ ra không hiệu quả.

Chườm ấm - dùng khăn ấm ấp vào tai.

Dầu oliu ấm, dầu thực vật ấm – nhỏ vài giọt các loại dầu trên vào tai. Chú ý không để dầu quá nóng.  Nếu thấy dịch hay mủ chảy ra từ tai, tuyệt đối không được nhỏ các loại dầu nêu trên vào tai. 

2. KHÁNG SINH

Liệu trình kháng sinh 7 ngày là khuyến cáo đang được áp dụng, tuy nhiên tùy theo tình trạng bệnh, bác sĩ có thể yêu cầu kéo dài thời gian dùng kháng sinh. Nên cho bé uống đủ số ngày chỉ định kể cả nếu bé đã cảm thấy dễ chịu hơn sau 2 hay 3 ngày điều trị. Làm vậy để đảm bảo nhiễm trùng không quay trở lại.

Các kháng sinh thường được sử dụng bao gồm: amoxicillin, augmentin, azithromycin, các cephalosporin thế hệ I, II, III. Trường hợp có rách màng nhĩ, bác sĩ có thể kê đơn thuốc nhỏ tai gồm kháng sinh và hydrocortisone, giúp ống tai lành tốt hơn.

Việc thường xuyên dùng kháng sinh mạnh hơn có thể khiến vi khuẩn gây nhiễm trùng tai ở con bạn kháng lại các thuốc kháng sinh mạnh, khiến những đợt nhiễm trùng tai tiếp theo rất khó điều trị.

Để tránh hiện tượng kháng kháng sinh, bác sĩ có thể bắt đầu bằng amoxicillin đơn thuần. Kể cả nếu amoxicillin không có tác dụng một hay hai lần trước, vẫn có khả năng vi khuẩn gây nhiễm trùng lần này là loại khác và vẫn nhạy cảm với amoxicillin, nhất là nếu hai lần nhiễm trùng tai cách nhau hơn 2 tháng. 

Có thể dùng kháng sinh mạnh trong các trường hợp sau:

Nếu triệu chứng sốt và quấy khóc không cải thiện sau 48-72 giờ điều trị kháng sinh, bé có thể cần kháng sinh mạnh hơn.

Nếu amoxicillin không có tác dụng trong 2 hoặc 3 lần điều trị trước đó thì những lần sau có thể dùng kháng sinh mạnh ngay.

Nếu bé đã dùng amoxicillin trong vòng 6 tuần trước đó, và lại bị đợt nhiễm trùng tai khác, nhiều khả năng vi khuẩn này kháng amoxicillin và cần dùng kháng sinh mạnh hơn.

Nếu bé dị ứng với amoxicillin

Nếu bệnh vẫn dai dẳng sau một đợt điều trị amoxicillin

Chú ý – kháng sinh chỉ tiêu diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng tai, chúng không giúp điều trị virus gây các biểu hiện cảm. Vì vậy triệu chứng chảy nước mũi và ho có thể không được cải thiện trong vòng 14 ngày.

Có nhất thiết phải dùng kháng sinh để điều trị nhiễm trùng tai không? 

Không, không nhất thiết phải dùng kháng sinh, nhưng chúng sẽ có ích vì các lý do sau:

Thuốc kháng sinh giúp bé dễ chịu nhanh hơn nhờ loại bỏ vi khuẩn, do đó giảm sốt và đau tai sớm hơn. Trẻ thường cảm thấy dễ chịu hơn sau 1 hay 2 ngày dùng kháng sinh.

Nếu để nhiễm trùng tai tự lành, bé thường phải chịu sốt và đau trong 4-7 ngày.

Kháng sinh giúp phòng ngừa tình trạng viêm lan tới não và xương quanh tai, tuy biến chứng này rất hiếm gặp nhưng vẫn có thể xảy ra.

Nghiên cứu mới cho thấy 80% nhiễm trùng tai không biến chứng sẽ tự khỏi trong vòng 4-7 ngày không cần kháng sinh. Tại các nước phát triển, một số cha mẹ chọn cách không dùng kháng sinh cho con, chỉ dùng các thuốc hạ nhiệt giảm đau dạng thuốc nhỏ tai gây tê Auralgan và thuốc uống ibuprofen hay paracetamol.

Tác dụng phụ của kháng sinh

Tiêu chảy

Ban do nấm ở vùng mang tã

Nấm ở miệng

Nôn

Phát ban

Diễn biến điều trị

Nhiễm trùng: kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn, làm giảm sốt và đau sau vài ngày.

Dịch ở tai giữa sẽ mất đi sau 3 ngày tới 3 tháng! Dịch này từ từ thoát qua vòi Eustache xuống mũi. Dùng nhiều đợt kháng sinh liên tiếp không giúp đẩy nhanh quá trình thoát dịch vì sau một đợt kháng sinh, dịch trong tai thường không nhiễm khuẩn nữa.

Chứng dị ứng hay nghẹt mũi mạn tính có thể làm tắc vòi Eustache, ngăn cản dịch thoát khỏi tai. Thính lực của trẻ có thể giảm cho tới khi dịch thoát hết ra ngoài, hiện tượng này chỉ là tạm thời.

Triệu chứng chảy nước mũi, thường do virus cảm gây ra chứ không phải do vi khuẩn, có thể kéo dài 3-14 ngày.

3. THEO DÕI SAU ĐIỀU TRỊ

Phần lớn bác sĩ sẽ chỉ định khám lại trong vòng 1-4 tuần sau nhiễm trùng tai. Mục đích của việc khám lại là để kiểm tra:
Đã hết nhiễm trùng chưa?

Dịch trong tai đã thoát hết ra ngoài chưa?

Nếu bé lại xuất hiện nhiễm trùng tai thì đó là đợt nhiễm trùng mới hay vẫn là diễn biến tiếp theo của đợt cũ (điều này giúp đưa ra lựa chọn kháng sinh phù hợp).

CHÚ Ý: tránh điều trị quá mức bằng cách lặp đi lặp lại các đợt kháng sinh. Trong lần khám lại, bác sĩ có thể vẫn thấy dịch trong tai, nhưng nếu màng nhĩ không đỏ và không phồng, trẻ hoạt động bình thường thì không cần dùng thêm một đợt kháng sinh nữa. 

Dịch tai mạn tính 

Như đã nói ở trên, đôi khi phải mất 1 đến 2 tháng dịch mới thoát hết ra khỏi khoang tai giữa. Trong giai đoạn này, trẻ có thể nghe không rõ. Điều này không nguy hiểm và không gây mất thính lực vĩnh viễn.

Thông thường dịch thoát hết khỏi tai giữa sau 2-3 tuần. Tuy nhiên, trong một số trường hợp dịch nằm lại lâu hơn, chẳng hạn như khi chức năng vòi Eustache bị rối loạn.

Nguyên nhân có thể là do nhiễm trùng xoang mạn tính, dị ứng mũi và cảm thường xuyên. Dịch nằm lại trong tai hơn 3-4 tháng có thể đặc lại và trở nên dính, còn được gọi là ‘tai keo dính’. Trường hợp này cần sự can thiệp của bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng.

Bé có thể bị chậm nói nếu khó nghe kéo dài trong 2 năm đầu đời, khi phát triển ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng. Ảnh hưởng này mang tính tạm thời nhưng nếu diễn ra quá lâu thì phát triển ngôn ngữ có thể bị chậm nhiều.

BS Trần Thu Thủy - Theo Bệnh viện Nhi Trung Ương
Bình luận
Tin mới
  • 25/04/2024

    10 mẹo để loại bỏ nếp nhăn biểu cảm

    Nếp nhăn biểu cảm là những đường nhăn trên khuôn mặt xuất hiện khi chúng ta cử động cơ mặt. Chúng thường xuất hiện ở những vùng da mỏng manh như trán, giữa hai lông mày và xung quanh mắt và miệng.

  • 25/04/2024

    Dấu hiệu cho thấy cơ thể đang thiếu hụt protein

    Protein là một chất dinh dưỡng rất quan trọng đối với sức khỏe. Khi cơ thể thiếu hụt protein sẽ xuất hiện một số dấu hiệu cảnh báo..

  • 25/04/2024

    Dùng thuốc an toàn khi đang cho con bú

    Nếu bạn đang cho con bú sữa mẹ, bạn đang cho con bạn một khởi đầu khỏe mạnh. Tuy nhiên, nếu cần dùng thuốc, bạn có thể thắc mắc về việc thuốc có thể ảnh hưởng đến sữa mẹ như thế nào. Bài viết dưới đây là những gì bạn cần biết.

  • 25/04/2024

    Cẩn trọng với thói quen bóc da môi

    Bóc da môi là một thói quen không lành mạnh phổ biến ở nhiều người. Dù là vô tình hay hữu ý, nó có thể gây ảnh hưởng xấu đến sự khỏe đẹp của đôi môi.

  • 25/04/2024

    Tập thể dục khi mang thai

    Duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên trong suốt thai kỳ có thể giúp bạn khỏe mạnh và cảm thấy tốt nhất. Tập thể dục cũng có thể cải thiện tư thế của bạn và giảm một số khó chịu thường gặp như đau lưng và mệt mỏi. Một số bằng chứng cho thấy tập thể dục có thể ngăn ngừa bệnh tiểu đường thai kỳ (bệnh tiểu đường phát triển trong thai kỳ), giảm căng thẳng và tăng cường sức chịu đựng cần thiết cho quá trình chuyển dạ và sinh nở.

  • 24/04/2024

    Ngủ không quá 5 giờ mỗi đêm khiến da chảy xệ và nhiều nếp nhăn gấp đôi

    Thiếu ngủ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây lão hoá da. Nghiên cứu cho thấy người ngủ không đủ giấc làm tăng gấp đôi nếp nhăn và sự chảy xệ da so với người có giấc ngủ chất lượng.

  • 24/04/2024

    Mẹo chăm sóc da dầu mùa Hè

    Nhiệt độ cao kết hợp với ánh nắng khiến tuyến bã nhờn trên da hoạt động mạnh mẽ, da đổ nhiều dầu và dễ nổi mụn. Một vài mẹo chăm sóc da dưới đây giúp bạn kiểm soát dầu nhờn trên da.

  • 24/04/2024

    Nỗi lo an toàn thực phẩm mùa nắng nóng

    Thời tiết nắng nóng càng làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Cùng với sự quản lý của cơ quan chức năng, người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm, bởi nếu xuê xoa với bất kỳ vi phạm an toàn thực phẩm dù là nhỏ cũng gây hậu quả khôn lường.

Xem thêm