Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Giáo dục phục hồi chức năng nghe cho trẻ điếc

Việc giáo dục phục hồi chức năng cho trẻ điếc cần sự hiểu biết và phối hợp giữa gia đình, giáo viên và bác sỹ chuyên ngành thính học.

Đối với trẻ điếc nhẹ và vừa:

Chiếm khoảng 3% tổng số trẻ. Có thể là điếc bẩm sinh hay do di truyền, nhưng thường gặp hơn là điếc mắc phải. Phần lớn không được phát hiện trước 2-3 tuổi do không được lưu ý là trẻ không có phản ứng với các tiếng nói cường độ trung bình, chậm biết nói hoặc giọng nói sai lạc, tính nết không bình thường hoặc thay đổi về thái độ tính tình trong lớp  học.

Cha mẹ cần quan tâm đưa trẻ đến những trung tâm chuyên môn để thăm khám tai, đo sức nghe, xác định loại điếc và nguyên nhân từ đó có hướng điều trị nội, ngoại khoa, có một số trường hợp cần đeo máy và luyện phát âm.

Điếc nặng và sâu:

Chiếm khoảng 1% trẻ em, phần lớn là điếc thần kinh giác quan, có thể kèm theo tổn thương phần dẫn truyền. Khi đã phát hiện điếc nặng hoặc sâu ở trẻ còn nhỏ phải giải quyết các vấn đề sau:

Đeo máy trong thời gian 1-2 tuổi có kết quả tốt nhất: Sử dụng các phần thính giác còn lại thường là các tần số thấp. Trẻ dù điếc nặng vẫn thường còn nghe được ở phần này. Tất nhiên đeo máy không giúp cho trẻ nghe được như trẻ bình thường nhưng cho trẻ một số thông tin thính giác về âm thanh mà ta cần khai thác triệt để. Nếu trẻ đeo máy chậm (sau 3-4 tuổi) thì trẻ đã quen với một thế giới riêng biệt trong đó âm thanh không có vai trò gì, do vậy đeo máy lúc này ích lợi giảm đi rất nhiều.

Đeo máy sớm khuyến khích trẻ lưu tâm chú ý đến thế giới âm thanh, dù rằng trẻ chỉ tiếp nhận được các mảng rời rạc, không đầy đủ nhưng thực sự cũng giúp cho việc giáo dục rèn luyện phục hồi chức năng thính giác rất nhiều.

Giáo dục rèn luyện sớm: 

Trong những năm đầu sau sinh, đã phải rèn luyện cho cả mẹ lẫn con, nếu có các giáo viên chuyên nghiệp càng tốt:

-    Duy trì việc phát âm của trẻ trong các tháng đầu và phát triển thêm.

-    Tập cho cháu lưu ý, nhận thức thế giới âm thanh, môi trường âm thanh quanh mình.

-    Khai thác các khả năng cảm thụ khác thay thế, phụ thêm cho thính giác như thị giác, xúc giác.

-    Phát triển nhu cầu giao tiếp của trẻ.

-    Phát hiện khả năng đọc hình miệng.

Việc giáo dục rèn luyện này phải phù hợp với tính nết của từng trẻ, phải cá thể hóa.

Giáo dục bố mẹ: Gia đình có vai trò rất to lớn đối với việc rèn luyện trẻ quan tâm đến thế giới âm thanh và việc trẻ học nói. Thầy thuốc và thầy giáo chuyên nghiệp phải thuyết phục giảng giải cho bố mẹ hiểu về các khía cạnh của điếc và khuyến khích họ làm cho họ yên lòng có thể phát triển con cái họ một cách bình thường vượt qua khó khăn bệnh tật.

Vai trò của người thầy thuốc:

- Cần biết các vấn đề cơ bản có thể gây ra điếc trong tiền sử gia đình, trong khi có thai, lúc đẻ và trong những năm tuổi đầu tiên của trẻ. Biết cách phát hiện sớm trẻ điếc và hướng dẫn các vấn đề cần giải quyết.

- Điếc nhiều khi thể hiện ở trẻ có nhiều tật cần có biện pháp phối hợp để giải quyết.

- Giúp đỡ, hướng dẫn bố mẹ có trẻ bị điếc.

Thầy thuốc ưu tú BS CKII Nguyễn Thị Bích Thủy - Theo phonakvietnam.com
Bình luận
Tin mới
Xem thêm