Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Chậm phát triển ngôn ngữ - nguyên nhân và cách khắc phục

Rất nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng tới quá trình phát triển lời nói và ngôn ngữ của trẻ. Đó có thể là một bệnh lý thực thể cản trở bé phát âm đúng các từ, đó cũng có thể là rối loạn trong quá trình xử lý ngôn ngữ, khi cơ thể không có khả năng chuyển tải một cách hiệu quả thông điệp giữa não và phần cơ thể phụ trách lời nói.

Nguyên nhân 

Các yếu tố sau đây có thể góp phần gây ra sự chậm trễ trong phát triển kỹ năng nói hoặc hiểu ngôn ngữ của trẻ. 

1. Bệnh lý thực thể 

Hở hàm ếch là một ví dụ điển hình của bệnh lý miệng ảnh hưởng tới lời nói. 

Thắng lưỡi (phanh lưỡi) ngắn bất thường, làm hạn chế cử động của đầu lưỡi, cũng có thể ảnh hưởng tới khả năng phát âm của trẻ. Bệnh thường được bác sĩ nhi khoa phát hiện trước khi trẻ bắt đầu nói, nhưng đôi khi cũng bị bỏ sót và chỉ được chẩn đoán khi trẻ có biểu hiện chậm nói. 

Bệnh lý thần kinh như bại não, loạn dưỡng cơ, chấn thương não có thể ảnh hưởng tới các cơ cần thiết cho việc nói.

2.  Bệnh lý vận động miệng, rối loạn xử lý âm thanh

Nhiều trẻ chậm nói gặp rắc rối tại các vùng não chịu trách nhiệm về nói, ví dụ bệnh loạn vận ngôn (mất phối hợp động tác trong việc nói). Lúc này, trẻ không kiểm soát được các cơ và phần cơ thể dùng để nói. Chẳng hạn môi, lưỡi hoặc hàm không thực hiện công việc bình thường để tạo một số từ nhất định. 

Rối loạn xử lý âm thanh là tình trạng mất khả năng hiểu âm thanh của lời nói. Trẻ thuộc nhóm này có thể điều trị tốt bằng âm ngữ trị liệu.

3. Chậm phát triển nói chung 

Chậm nói có thể liên quan tới các chậm phát triển khác. Tất nhiên mỗi trẻ đều phát triển theo tốc độ riêng nhưng bạn cũng nên trao đổi với bác sĩ nếu bắt đầu nhận thấy các kỹ năng khác của trẻ cũng phát triển chậm hơn bình thường. Đặc biệt chú ý nếu phát triển vận động và nhận thức của trẻ không theo kịp độ tuổi. 

Chậm nói liên quan tới chậm phát triển có thể bao gồm nói rất ít (hoặc hoàn toàn không nói), có vẻ không hiểu những gì người khác nói, nhại lại lời người khác hoặc nói không biểu cảm, không ngữ điệu.

4. Khuyết tật trí tuệ, bệnh khó học, bệnh tự kỷ

Khuyết tật trí tuệ là nguyên nhân thường gặp gây chậm phát triển lời nói và ngôn ngữ.

Trong bệnh khó học, do não hoạt động không hiệu quả, trẻ có thể gặp khó khăn trong: phát ra âm thanh lời nói, sử dụng ngôn ngữ nói để giao tiếp, hiểu điều người khác nói. Rối loại lời nói và ngôn ngữ thường là dấu hiệu sớm nhất của trẻ khó học. 

Bệnh tự kỷ làm ảnh hưởng tới khả năng giao tiếp. Rối loạn lời nói và ngôn ngữ thường là biểu hiện sớm của bệnh tự kỷ.

5. Bệnh lý về thính giác, nhiễm trùng tai  

Bệnh lý về thính giác cũng khá phổ biến ở trẻ chậm nói, vì vậy trẻ cần được kiểm tra thính lực khi có lo ngại về khả năng nói. Trẻ mất thính lực gặp khó khăn trong hiểu ngôn ngữ của người xung quanh cũng như giọng nói của chính mình. Khả năng hiểu và nắm bắt các từ của trẻ thườngthấp, trẻ không thể bắt chước các từ và nói đúng hoặc nói trôi chảy.

Không ít trẻ mắc nhiều đợt viêm tai trước khi được 3 tuổi. Bệnh nhiễm trùng tai nếu được điều trị kịp thời và không gây rắc rối sẽ không làm tăng nguy cơ chậm nói. Tuy nhiên, viêm tai giữa mạn tính có thể ảnh hưởng tới ngôn ngữ. Nếu bệnh tồn tại dai dẳng, không đáp ứng với điều trị và thường xuyên tái phát thì cần đưa trẻ đi khám chuyên khoa tai mũi họng. 

6. Yếu tố môi trường, trẻ sinh non 

Trẻ không được quan tâm và không được nghe những người khác nói sẽ không thể học nói.

Sinh non có thể dẫn tới nhiều dạng chậm phát triển, trong đó có chậm phát triển ngôn ngữ.

Làm gì để giúp trẻ chậm nói

1. Diễn tả thành lời những việc bạn làm

Điều này đòi hỏi rất nhiều sự kiên nhẫn của cha mẹ và người chăm sóc trẻ. Việc giải thích cho bé bạn đang làm gì sẽ giúp con mở rộng vốn từ và gắn kết các từ  với đồ vật, sự vật trong cuộc sống. Ví dụ  bạn có thể nói “Mẹ lấy chuối cho Tít ăn nhé”, “Tít mặc áo ấm, đội mũ vào rồi mẹ con mình ra ngoài chơi”, “Bây giờ mẹ con mình cùng đi giầy nào. Giầy của mẹ to, giầy của Tít bé nhỉ”.   

2. Những cuộc dạo chơi "gây quỹ từ mới" 

Đưa bé đi dạo quanh khu nhà của bạn là cách rất tốt giúp bé làm quen với từ mới. Những cuộc thám hiểm vừa thú vị vừa quen thuộc kiểu này khiến trẻ đủ hào hứng nhưng không quá sợ sệt để có thể học từ mới. Hãy cho bé đuổi theo chú chuồn chuồn hay ngồi quan sát các anh chị hàng xóm chơi đùa và nói với bé về tất cả những gì bạn nhìn thấy.

3. Cùng con đọc sách

Sách là liều thuốc thần kỳ. Khi ôm bé trong lòng, cầm trên tay cuốn truyện tranh, đọc cho con những vần thơ ngộ nghĩnh, bạn sẽ giúp bé làm quen với các từ mới, những vần điệu mới, để bé hiểu rõ hơn về cách mà mọi người nói. Hãy tạo thói quen đọc sách cho con hàng ngày, mỗi khi bạn rảnh rỗi.

4. Diễn tả thành lời những trải nghiệm mới

Những chuyến du ngoạn tới công viên, về thăm quê hay các trò chơi mới đều là những hoạt động thú vị, mang cho bé cơ hội trải nghiệm mới.

Hãy dùng các từ mới để tả cho bé nghe về các trải nghiệm này. Bên cạnh đó, bạn cũng nên cho con cơ hội nói về những gì bé nhìn thấy và cảm nhận, chẳng hạn bé nghĩ gì về chú khỉ vui nhộn ở công viên, chú gà con xinh xắn ở sân nhà bà ngoại hay những điều kỳ diệu khác mà bé đã gặp.

5. Hát cho bé nghe 

Hát cho con nghe các bài hát thiếu nhi là cách rất tốt giúp bé ghi nhớ từ mới, dạy trẻ cách phát âm đúng các từ chỉ màu sắc, tên các con thú và nhiều khái niệm đơn giản khác.

6.Tìm kiếm sự hỗ trợ của chuyên gia

Nếu bạn tiếp tục nhận thấy bé tiến bộ rất ít trong vòng vài tháng thì nên tìm kiếm sự giúp đỡ của các chuyên gia.

Chuyên gia âm ngữ trị liệu sẽ làm gì ?

- Quan sát và đánh giá sự phát triển ngôn ngữ trong bối cảnh phát triển chung của trẻ.

-  Thực hiện các bài trắc nghiệm để đánh giá:

Bé hiểu được những gì (ngôn ngữ tiếp nhận).

Bé có thể nói những gì (ngôn ngữ diễn đạt).

Bé có tìm cách giao tiếp bằng những con đường khác ví dụ như chỉ tay, lắc đầu hay làm các động tác khác hay không.

Bé phát âm có đúng không, lời nói có rõ ràng không.

Tình trạng vận động miệng của bé (sự phối hợp giữa miệng, lưỡi và vòm khi nói, khi ăn, khi nuốt…).

Nếu chuyên gia âm ngữ trị liệu thấy rằng bé cần được điều trị thì sự tham gia của cha mẹ sẽ rât quan trọng. Bạn sẽ được tham dự các khóa học, học cách luyện tập với bé ở nhà để cải thiện các kỹ năng lời nói và ngôn ngữ của con. 

Làm gì để giúp trẻ nói lắp

Nói lắp là một rối loạn lời nói trong đó dòng chảy bình thường của ngôn ngữ bị phá hủy do các âm thanh hay từ ngữ bị lắp lại hoặc kéo dài. Trẻ cũng có thể gặp khó khăn khi bắt đầu câu nói. Phần lớn trẻ đều thoát khỏi tình trạng nói lắp khi lớn lên.

Cha mẹ có thể giúp con bằng cách:

Thỉnh thoảng nói với con về chứng nói lắp/ Cho bé hiểu rằng bạn chấp nhận thực tế này và động viên con. 

Tìm hiểu cách giao tiếp với người bị nói lắp.

Nói với con một cách hết sức từ tốn.

Hàng ngày dành chút thời gian thư giãn chỉ có mẹ và con với nhau. Hãy làm theo mệnh lệnh của con, để con được làm người chỉ huy, là trung tâm của sự chú ý.

Các thành viên trong gia đình không cắt ngăng lời nói của nhau, không tranh nhau nói.

Giảm tốc độ sống tại gia đình, nhất là tốc độ trò chuyện.

Nếu bé được điều trị chứng nói lắp thì đừng đặt yêu cầu ngôn ngữ của bé phải hoàn hảo. Chỉ nên chờ đợi bé có lời nói tự nhiên hơn, ít từ bị lắp hơn. 

Giúp bé phát triển ngôn ngữ từ sớm

Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ phụ thuộc rất nhiều vào môi trường sống. Hãy cho bé cơ hội giao tiếp và tham gia vào nhiều hoạt động khác nhau. 

Bắt đầu nói chuyện với bé ngay từ khi mới sinh. Trẻ sơ sinh cũng có thể nghe được lời nói. 

Đáp lại tiếng gừ gừ hay lời bi bô của bé.

Chơi với bé các trò đơn giản như ú òa.

Lắng nghe bé. Nhìn bé khi con nói chuyện với bạn. Cho bé thời gian để trả lời bạn ( hãy đếm tới 5 hoặc 10 trước khi bạn phá vỡ sự im lặng).

Khuyến khích bé kể truyện và chuyện trò với các bạn nhưng đừng tìm cách bắt bé phải nói.

Đọc truyện cho bé nghe. Chọn sách phù hợp với lứa tuổi của con, nếu bé không thích nghe lời thoại thì giải thích các hình vẽ cho bé.

Hát cho bé nghe, tốt nhất là trên nền nhạc. Việc học các bài hát mới giúp trẻ học thêm từ mới và sử dụng các kỹ năng ghi nhớ, nghe và thể hiện ý tưởng bằng từ ngữ.

Mở rộng câu nói của bé, ví dụ bé nói “ô tô”, bạn có thể nói “Con muốn lấy ô tô!”.

Nói chuyện thật nhiều với bé. Nói cho bé biết bạn đang làm gì trong khi làm các việc nhà.

Tổ chức các buổi đi chơi, điều này giúp bạn có thêm thông tin thú vị để nói với con trước, trong và sau buổi đi chơi.

Cho con xem các bức ảnh gia đình và giải thích về các bức ảnh đó.

Trả lời con mỗi khi con nói, coi đó như phần thưởng cho việc con nói.

Đặt cho con thật nhiều câu hỏi.

Dùng cử chỉ cùng với lời nói.

Đừng sửa lỗi ngữ pháp của con. Thay vào đó, bạn chỉ cần dùng câu có ngữ pháp đúng để minh họa.

Chơi riêng với bé và nó về các đồ chơi hay trò chơi hai mẹ con đang chơi.

Cho bé chơi với các bạn có khả năng ngôn ngữ nhỉnh hơn một chút.

 

BS Trần Thu Thủy - Theo Bệnh viện Nhi Trung Ương
Bình luận
Tin mới
  • 28/03/2024

    Vì sao bạn nên tẩy lớp trang điểm trước khi tập thể dục?

    Việc trang điểm nhẹ nhàng trước khi đến phòng tập thể dục có thể giúp chị em phụ nữ tự tin hơn. Nhưng theo một nghiên cứu mới được đăng trên Journal of Cosmetic Dermatology, việc này có thể có thể làm giảm lượng dầu trên da, gây khô da.

  • 28/03/2024

    5 nguyên liệu không nên bỏ qua khi pha chế món sinh tố chống viêm

    Sinh tố là thức uống bổ sung năng lượng và vitamin hiệu quả khi bạn mệt mỏi vì thời tiết. Công thức pha chế sinh tố nên có những thực phẩm, nguyên liệu giàu chất chống viêm để bảo vệ sức khỏe.

  • 28/03/2024

    Bà bầu "bỏ túi" ngay những lợi ích không ngờ từ việc uống vitamin trong thai kỳ

    Vitamin dành cho bà bầu là những viên bổ sung được sản xuất đặc biệt nhằm cung cấp cho cơ thể phụ nữ mang thai các vitamin và khoáng chất cần thiết. Bác sĩ khuyên bạn uống vitamin ngay từ khi bắt đầu lên kế hoạch mang thai cũng như trong suốt thai kỳ.

  • 28/03/2024

    Thực phẩm, đồ uống nên hạn chế khi đang bị nghẹt mũi

    Dấu hiệu nghẹt mũi thường gặp khi bạn bị cảm cúm, viêm mũi dị ứng hoặc viêm đường hô hấp. Một số thực phẩm, đồ uống có thể khiến triệu chứng này trầm trọng hơn, cản trở việc hít thở của bạn.

  • 28/03/2024

    Chấn thương sọ não có hồi phục được không?

    Chấn thương sọ não luôn được coi là một trong những thương tổn nghiêm trọng nhất có thể xảy ra với con người. Tuy nhiên, với những tiến bộ mới trong lĩnh vực y tế và phục hồi chức năng, ngày càng có nhiều hy vọng để người bệnh chấn thương sọ não có thể phục hồi và hồi phục các chức năng quan trọng.

  • 27/03/2024

    Những triệu chứng và biến chứng điển hình của bệnh sởi

    Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng do virus sởi gây ra, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Nhận biết sớm các dấu hiệu và triệu chứng như sốt cao, ho, chảy nước mũi và phát ban da đặc trưng là rất quan trọng để điều trị kịp thời. Hiểu rõ các triệu chứng sởi còn giúp phòng ngừa sự lây lan của căn bệnh này.

  • 27/03/2024

    5 loại thảo mộc giúp tăng cường sức khoẻ hô hấp

    Khi gặp các vấn đề hô hấp, nhiều người có xu hướng tìm các giải pháp từ thiên nhiên để giảm nhanh các triệu chứng khó chịu cũng như tăng cường sức khoẻ đường thở. Dưới đây là 5 loại thảo mộc bạn có thể thử áp dụng.

  • 27/03/2024

    Biện pháp cải thiện triệu chứng viêm họng

    Viêm họng là vấn đề hô hấp có thể xảy ra quanh năm, nhất là trong thời tiết giao mùa do virus, vi khuẩn tấn công đường thở. Cần làm gì để cải thiện triệu chứng viêm họng hiệu quả?

Xem thêm