Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Điều trị chứng tụt lợi

Tụt lợi là quá trình lộ bề mặt chân răng do sự di chuyển về phía chóp chân răng của lợi. Tụt lợi có thể do nguyên nhân sinh lý hoặc bệnh lý và gây ra sự mất thẩm mỹ rất lớn.

Điều trị chứng tụt lợi

Nếu bạn để ý thấy rằng răng của mình trông dài ra một chút hoặc nướu của bạn bỗng dưng bị kéo tụt lại so với răng, bạn có thể đang bị tụt lợi. Tụt lợi có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nguyên nhân nghiêm trọng nhất đó là do bệnh nha chu, cũng có tên khác là bệnh về nướu. Mặc dù chưa có phương pháp điều trị khỏi hoàn toàn bệnh nha chu nhưng vẫn có phương pháp để giúp kiểm soát được bệnh.

Đối với những người có hàm răng khỏe mạnh, nướu sẽ có màu hồng và đường viền nướu xung quanh tất cả các chân răng khá đồng nhất. Tuy nhiên, khi bị tụt lợi, nướu sẽ bị viêm và lợi sẽ tụt xuống làm lộ gần như toàn bộ phần chân răng.

Tụt lợi là căn bệnh có xu hướng diễn biến chậm, do vậy điều quan trọng là bạn cần phải theo dõi răng miệng hàng ngày. Nếu bạn lưu ý thấy mình có dấu hiệu của bệnh tụt lợi, hãy tới nha sỹ càng sớm càng tốt.

Các triệu chứng của bệnh tụt lợi

Ngoài hiện tượng lợi tụt xuống hẳn làm lộ phần chân răng, căn bệnh này còn gây ra một triệu chứng khác như:

  • Hơi thở có mùi hôi
  • Nướu sưng đỏ
  • Có vị lạ trong miệng
  • Rụng răng

Bạn có thể thấy được rằng cảm giác khi cắn vào thức ăn có sự thay đổi so với trước kia. Nướu cũng đôi khi có cảm giác đau. Một trong những mối lo ngại chủ yếu đối với tình trạng tụt lợi đó là răng miệng sẽ dễ trở thành môi trường thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn. Đây là lý do tại sao việc tới nha sỹ thường xuyên và có thói quen chăm sóc răng miệng là vô cùng cần thiết.

Nguyên nhân gây tụt lợi

Tụt lợi có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nguyên nhân chính là do bệnh nha chu. Các nguyên nhân khác bao gồm:

  • Tuổi già
  • Vệ sinh răng miệng kém
  • Mắc một số căn bệnh, như bệnh tiểu đường

Liệu bàn chải đánh răng có thể gây tình trạng tụt lợi hay không

Chải răng quá mạnh cũng có thể gây tụt lợi. Dưới đây là một số lời khuyên cho việc chải răng:

  • Sử dụng một bàn chải mềm thay vì bàn chải có lông cứng
  • Chải nhẹ răng, không nên dùng sức chải răng thật mạnh
  • Đánh răng ít nhất 2 lần/ngày và mỗi lần ít nhất trong khoảng 2 phút

Các nguyên nhân khác gây tụt lợi

  • Các chấn thương khi chơi thể thao hoặc chấn thương vùng miệng có thể gây tụt lợi.
  • Hút thuốc lá cũng gây tổn thương lợi.
  • Bạn cũng có thể bị tụt lợi khi răng của bạn bị mọc lệch, mọc không đều. Phần chân răng bị lộ quá nhiều, răng mọc lệch có thể đẩy lợi lệch ra ngoài.
  • Nếu bạn có thói quen nghiến răng khi ngủ, bạn cũng có nguy cơ cao bị tụt lợi.

Chẩn đoán

Nha sỹ thường sẽ phát hiện ngay ra được tình trạng tụt lợi khi quan sát răng miệng của bạn. Nếu bạn thường xuyên theo dõi chặt chẽ răng miệng thì bạn cũng có thể biết được những răng nào đang bị tụt khỏi lợi.

Tụt lợi có xu hướng diễn biến từ từ. Bạn có thể lưu ý thấy một sự thay đổi tại nướu sau một thời gian. Do vậy, thời điểm đi kiểm tra răng định kỳ tại nha sỹ có thể giúp bạn phát hiện ra căn bệnh này.

Điều trị tụt lợi

Hiện tượng tụt lợi không thể hồi phục, nghĩa là mô lợi đã bị tụt khỏi chân răng sẽ không có khả năng mọc lại được. Tuy nhiên vẫn có những biện pháp giúp giảm tiến triển của bệnh. Việc điều trị thường phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu tụt lợi là do thói quen đánh răng hay do vệ sinh răng miệng kém, hãy trao đổi với nha sỹ về việc lựa chọn một loại bàn chải phù hợp và sử dụng chỉ nha khoa. Sử dụng nước súc miệng để loại bỏ các mảng bám giữa các kẽ răng cũng có hiệu quả tốt.

Tụt lợi mức độ nhẹ có thể làm tăng sự phát triển của vi khuẩn ở những vị trí xung quanh lợi bị tụt. Đây là điều kiện thuận lợi cho sự hình thành của các bệnh về nướu khác.

Trong một số trường hợp bạn có thể đến nha sĩ để được chữa trị tận gốc bằng một biện pháp gọi là SRP (scaling and root planing – làm sạch cao răng và chân răng).  Với cách này, nha sĩ không chỉ lấy đi toàn bộ cao răng bám dính trên hai hàm lợi mà còn mài nhẵn các mấu ráp, sần trên chân răng (nơi tập trung nhiều vi khuẩn) để bề mặt chân răng nhẵn và sạch sẽ.

Nếu bạn bị tụt lợi mức độ nặng, một kỹ thuật gọi là cấy ghép lợi có thể giúp hồi phục mô lợi đã bị kéo tụt khỏi răng. Phương pháp này bao gồm việc lấy mô lợi ở một vị trí nào đó trong miệng để cấy ghép vào vị trí lợi đã bị tụt khỏi chân răng. Sau một thời gian khi vết cấy ghép liền lại, phần lợi được cấy có thể giúp bảo vệ chân răng và phục hồi thẩm mỹ của răng.

Triển vọng điều trị

Tụt lợi có ảnh hưởng rất lớn về mặt thẩm mỹ của khuôn mặt cũng như làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về nướu và thậm chí gây rụng răng. Bạn có thể làm chậm lại hay ngăn chặn sự tiến triển của căn bệnh tụt lợi bằng nhiều biện pháp. Tốt nhất là nên tới nha sỹ kiểm tra răng 2 lần/năm và tuân thủ theo hướng dẫn của nha sỹ để bảo vệ sức khỏe răng miệng.

Nếu tình trạng tụt lợi trở nên nghiêm trọng, bạn có thể cân nhắc đến phương pháp cấy ghép lợi hoặc các biện pháp điều trị được khuyến cáo khác.

Mẹo nhỏ giúp phòng các bệnh răng miệng

Một lối sống lành mạnh luôn là ưu tiên hàng đầu để phòng các bệnh răng miệng: một chế độ dinh dưỡng cân bằng và từ bỏ thuốc lá có vai trò vô cùng quan trọng.

Hãy cố gắng đến nha sỹ 2 lần/năm, ngay cả khi bạn là đối tượng luôn quan tâm chăm sóc sức khỏe răng miệng thì vai trò của nha sỹ trong việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh răng miệng là rất cần thiết để có thể điều trị khỏi hoặc ngăn ngừa bệnh diễn biến xấu hơn.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Sức khỏe răng miệng và cơ thể

Ths.Bs.Cao Thanh Hóa - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Theo Healthline
Bình luận
Tin mới
  • 11/07/2025

    Những dấu hiệu của tình yêu thái quá và cách xử lý

    Việc ai đó thể hiện tình cảm với bạn có thể khiến bạn cảm thấy vui vẻ và phấn khích khi bạn đang trong giai đoạn đầu của một mối quan hệ mới. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải phân biệt sự mới lạ của một mối quan hệ mới với các hành vi thái quá.

  • 10/07/2025

    Vận động cùng con - giải pháp gắn kết tình cảm gia đình

    Trong cuộc sống hiện đại, khi thời gian dành cho gia đình ngày càng bị thu hẹp bởi công việc và các thiết bị điện tử, việc tìm kiếm một hoạt động vừa tốt cho sức khỏe vừa giúp gắn kết tình cảm cha con trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

  • 10/07/2025

    Cách phòng tránh và xử trí khi trẻ bị cháy nắng

    Những ngày hè đầy nắng là thời điểm lý tưởng để đưa trẻ ra ngoài chơi, đi biển, cắm trại, picnic,... Tuy nhiên, dành quá nhiều thời gian dưới ánh nắng mặt trời có thể khiến trẻ dễ bị cháy nắng. Cháy nắng nặng không chỉ gây khó chịu mà còn có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe về da cho trẻ. Cùng đọc bài viết sau đây để biết cách phòng tránh và xử trí khi trẻ bị cháy nắng.

  • 09/07/2025

    Đau đầu do thời tiết nóng bức: Nguy cơ tiềm ẩn và giải pháp phòng ngừa hiệu quả

    Mùa hè mang theo những ngày nắng kéo dài, không khí oi bức và nền nhiệt độ cao, tạo nên nhiều thách thức đối với sức khỏe con người. Một trong những ảnh hưởng phổ biến nhưng ít được chú ý là tình trạng đau đầu do nóng.

  • 08/07/2025

    Các nguồn cung cấp chất béo cho cơ thể

    Chất béo là một trong ba nhóm dưỡng chất thiết yếu, cùng với carbohydrate và protein, có vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động sống của cơ thể con người.

  • 08/07/2025

    Đột quỵ nhiệt: Nguy hiểm tiềm ẩn trong mùa nắng nóng

    Mùa hè đến, cái nắng gay gắt không chỉ khiến cơ thể mệt mỏi mà còn tiềm ẩn những mối nguy hiểm khôn lường đối với sức khỏe, trong đó đột quỵ nhiệt là một trong những tình trạng đáng lo ngại nhất.

  • 08/07/2025

    Loại cá nhỏ bé có nhiều lợi ích với sức khỏe

    Cá cơm là một nguồn dinh dưỡng ấn tượng, mang lại những lợi ích sức khỏe đáng ngạc nhiên.

  • 08/07/2025

    Kháng sinh và những điều cần biết cho người trưởng thành

    Kháng sinh (hay thuốc kháng sinh) đóng vai trò then chốt trong y học hiện đại, giúp điều trị hiệu quả các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn.

Xem thêm