Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Tại sao trẻ đổ mồ hôi khi ngủ đêm?

Đổ mồ hôi khi ngủ đêm ở trẻ có thể liên quan đến một vấn đề sức khỏe nào đó nhưng đôi khi hiện tượng này xảy ra mà không có lý do nào cả.

Một nghiên cứu năm 2012 đã xem xét 6.381 trẻ em từ 7 - 11 tuổi cho thấy, gần 12% trẻ bị đổ mồ hôi đêm hàng tuần. Đổ mồ hôi ban đêm có thể xảy ra với trẻ em ở mọi lứa tuổi. Chúng có thể xảy ra thường xuyên hoặc chỉ thỉnh thoảng. Đôi khi tình trạng này có liên quan đến một vấn đề về sức khỏe nhưng cũng có thể là không có lý do nào cả.

Những triệu chứng của đổ mồ hôi vào ban đêm

Đổ mồ hôi ban đêm ở trẻ thể hiện nhiều vấn đề khác nhau. Trẻ có thể khỏe mạnh và khô ráo trong cả ngày, nhưng khi ngủ say, chúng có thể có:

  • Đổ mồ hôi cục bộ. Tức là đổ mồ hôi chỉ trong một khu vực. Hiện tượng này có thể chỉ xảy ra ở khu vực da đầu, toàn bộ đầu, mặt hoặc cổ. Bạn có thể thấy gối của con bị ướt trong khi giường của chúng khô ráo. Trẻ lớn hơn có thể chỉ đổ mồ hôi ở nách khi ngủ.
  • Đổ mồ hôi chung. Đây là tình trạng ra nhiều mồ hôi trên toàn bộ cơ thể. Ga trải giường và gối của trẻ sẽ ướt đẫm mồ hôi và quần áo của chúng cũng vậy.

Ngoài đổ mồ hôi, trẻ có thể có:

  • Mặt hoặc cơ thể đỏ bừng
  • Tay hoặc cơ thể ấm hơn
  • Rùng mình hoặc da ẩm
  • Gắt gỏng hoặc chảy nước mắt vào lúc nửa đêm
  • Buồn ngủ vào ban ngày do đổ mồ hôi quá nhiều vào ban đêm gây cản trở giấc ngủ

Đọc thêm bài viết: Làm thế nào để hết đau răng vào ban đêm?

Nguyên nhân gây đổ mồi hôi khi ngủ đêm

Đổ mồ hôi ban đêm có thể được chia thành 2 loại tùy thuộc vào nguyên nhân, đó là: Đổ mồ hôi nguyên phát (đổ mồ hôi không có lý do hoặc vì trẻ cảm thấy quá khó chịu) và đổ mồ hôi thứ phát (đổ mồ hôi khắp người vì lý do sức khỏe nào đó).

Nhiệt độ phòng cao

Đổ mồ hôi ban đêm là tình trạng phổ biến ở trẻ em ở mọi lứa tuổi. Chúng đặc biệt phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi. Cho trẻ đắp quá nhiều chăn khi ngủ hoặc trong phòng quá ấm có thể khiến tình trạng đổ mồ hôi ban đêm trở nên tồi tệ hơn. Các khuyến nghị nêu ra rằng, trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi không nên mang theo bất kỳ gối, chăn hoặc các vật dụng nào khác khi ở trong nôi.

Không vì lý do cụ thể

Bạn đã tắt máy sưởi và em bé chỉ đang mặc một chiếc áo khoác mỏng, nhưng vẫn có những vệt mồ hôi ẩm ướt trên gối. Đôi khi, đổ mồ hôi ban đêm ở trẻ em xảy ra mà không có lý do nào cả. Trẻ mới biết đi hoặc trẻ nhỏ có nhiều tuyến mồ hôi hơn người lớn và cơ thể trẻ chưa học được cách cân bằng nhiệt độ cơ thể một cách hiệu quả như cơ thể người lớn. Điều này có thể dẫn đến đổ mồ hôi vào ban đêm mà không có lý do nào cả.

Do di truyền

Nếu bạn dễ đổ mồ hôi nhiều thì tình trạng này có thể di truyền trong gia đình. Con bạn có thể có cùng gen khỏe mạnh khiến tuyến mồ hôi hoạt động nhiều.

Cảm lạnh thông thường

Tình trạng đổ mồ hôi ban đêm có thể là do trẻ đang chống lại cảm lạnh. Cảm lạnh thông thường thường là một bệnh nhiễm virus không gây hại. Trẻ em dưới 6 tuổi rất dễ bị cảm lạnh và các triệu chứng thường kéo dài hơn một tuần. Ngoài ra, trẻ có thể gặp triệu chứng cảm lạnh khác như: nghẹt mũi, sổ mũi, hắt xì, tắc nghẽn xoang, đau họng, ho, đau nhức cơ thể (mặc dù điều này thường liên quan đến bệnh cúm)

Các bệnh lý về hô hấp khác

Đổ mồ hôi ban đêm ở trẻ có thể phản ảnh các tình trạng sức khỏe khác liên quan đến mũi, họng và phổi. Không phải tất cả trẻ có những tình trạng sức khỏe này sẽ bị đổ mồ hôi ban đêm, tuy nhiên nghiên cứu y học phát hiện ra rằng, những trẻ bị đổ mồ hôi đêm có nhiều khả năng gặp các vấn đề sức khỏe khác như:

  • Dị ứng
  • Hen suyễn
  • Viêm mũi do dị ứng
  • Phản ứng dị ứng da như chàm
  • Chứng ngưng thở lúc ngủ
  • Viêm amiđan
  • Tăng động
  • Trẻ dễ tức giận hoặc nóng nảy

Thay đổi nội tiết

Trẻ lớn hơn có thể bị đổ mồ hôi đêm do thay đổi nội tiết tố. Tuổi dậy thì có thể bắt đầu sớm nhất là 8 tuổi ở bé gái và 9 tuổi ở bé trai. Tuổi dậy thì có thể khiến trẻ đổ mồ hôi nhiều hơn, hoặc bắt đầu đổ mồ hôi ban đêm. Sự khác biệt mà bạn có thể nhận thấy đó là mùi mồ hôi. Nếu trẻ bắt đầu có mùi cơ thể, nguyên nhân gây đổ mồ hôi ban đêm có thể là do trẻ đang bắt đầu dậy thì.

Phổi nhạy cảm hoặc bị viêm

Viêm phổi quá mẫn (HP) là một loại viêm phổi (sưng và đỏ) tương tự như dị ứng. Bệnh lý này có thể xảy ra do hít phải bụi hoặc nấm mốc. Tình trạng này có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em. Viêm phổi quá mẫn có các triệu chứng giống như bệnh viêm phổi hoặc nhiễm trùng ngực. Tuy nhiên, đây không phải là bệnh nhiễm trùng và các triệu chứng sẽ không thuyên giảm khi dùng thuốc kháng sinh.

Bệnh viêm phổi quá mẫn có thể bắt đầu từ 2 - 9 giờ sau khi hít phải bụi hoặc nấm mốc. Các triệu chứng thường sẽ tự biến mất sau 1 - 3 ngày nếu nguyên nhân gây viêm được loại bỏ. Bệnh lý này phổ biến hơn ở trẻ em bị hen suyễn và các bệnh dị ứng khác. Cùng với đổ mồ hôi ban đêm, trẻ có thể có các triệu chứng như: ho, hụt hơi, ớn lạnh, sốt và mệt mỏi

Ung thư ở trẻ em

U bạch huyết và các loại ung thư khác là nguyên nhân rất hiếm gặp gây đổ mồ hôi ban đêm. U lympho Hodgkin có thể xảy ra ở trẻ em dưới 10 tuổi. Bất kỳ loại ung thư nào ở trẻ em đều nguy hiểm và rất khó khăn cho cả trẻ em và cha mẹ. Mặc dù vậy, loại ung thư hạch này có tỷ lệ điều trị thành công hơn 90%.

Thông thường, ung thư hạch bạch huyết và các bệnh tương tự khác ở giai đoạn muộn mới gây ra các triệu chứng như đổ mồ hôi ban đêm. Vì vậy, rất khó có khả năng đây là nguyên nhân khiến trẻ đổ mồ hôi trộm khi ngủ. Bạn có thể nhận thấy các triệu chứng khác phổ biến hơn của bệnh ung thư như: sốt, chán ăn, buồn nôn, nôn mửa, giảm cân, khó nuốt, khó thở, ho.

Đọc thêm bài viết: Cho con bú sau khi trẻ mọc răng

Điều trị đổ mồ hôi đêm ở trẻ em

Với nhiều trường hợp, rất có thể trẻ không cần điều trị gì bởi đổ mồ hôi thường xuyên khi ngủ là điều bình thường đối với nhiều trẻ, đặc biệt là các bé trai.

Bạn nên thử cho trẻ mặc những bộ đồ ngủ nhẹ, thoáng khí. Cùng với đó là chọn bộ ga giường mát và giữ cho phòng luôn thông thoáng vào ban đêm. Nếu có một nguyên nhân sức khỏe tiềm ẩn nào đó như cảm lạnh hoặc cúm thì chứng đổ mồ hôi ban đêm có thể sẽ biến mất sau khi trẻ đã khỏi bệnh. Điều trị và duy trì sức khoẻ có thể giúp kiểm soát chứng đổ mồ hôi ban đêm ở một số trẻ.

Khi nào cần cho trẻ đi khám bác sĩ?

Nếu trẻ đổ mồ hôi vào ban đêm và gặp các tình trạng dưới đây thì bố mẹ cần cho trẻ đi khám để xác định chính xác tình trạng bệnh. Các triệu chứng cần chú ý bao gồm:

  • Ngủ ngáy
  • Trẻ thở mạnh, gây ra tiếng lớn
  • Thở bằng miệng
  • Khò khè
  • Hụt hơi
  • Đau tai
  • Cổ cứng
  • Đầu mềm
  • Ăn không ngon miệng
  • Giảm cân
  • Nôn mửa nghiêm trọng
  • Bệnh tiêu chảy

Bố mẹ cần cho trẻ đi cấp cứu ngay nếu trẻ bị sốt hơn 2 ngày hoặc tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn.

Đôi khi trẻ em, đặc biệt là bé trai đổ mồ hôi vào ban đêm mà không có lý do sức khỏe nào cả. Trong hầu hết các trường hợp, trẻ sẽ không cần phải điều trị chứng đổ mồ hôi ban đêm. Tuy nhiên, nếu có bất kỳ sự lo lắng nào về tình trạng sức khỏe của trẻ, bố mẹ nên cho trẻ đi khám để đảm bảo trẻ luôn phát triển khỏe mạnh.

Đổ mồ hôi trộm rất hay gặp ở trẻ nhỏ những tháng đầu sau sinh, kèm theo các dấu hiệu ngủ không ngon giấc, tóc thưa rụng, chậm biết lẫy, mọc răng... Đây có thể là dấu hiệu của bệnh còi xương, vì vậy, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi khám dinh dưỡng sớm để tránh bị các biến chứng suy dinh dưỡng, thấp lùn... về sau này.

Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM cung cấp các dịch vụ tư vấn, thăm khám dinh dưỡng cho trẻ  em và người lớn với cam kết hỗ trợ nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng và cải thiện các tình trạng như còi xương, suy dinh dưỡng, thừa cân,… Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0935 18 3939 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.

BS Tạ Tùng Duy - Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM - Theo Healthline
Bình luận
Tin mới
Xem thêm