Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Tại sao tiêm chủng rất quan trọng và an toàn?

Tiêm vaccine là cách hiệu quả nhất để tạo kháng thể chủ động chống lại các bệnh truyền nhiễm. Bài viết này sẽ giải thích tóm tắt cách thức hoạt động của vaccine, thành phần và các tác dụng phụ phổ biến nhất.

Tác dụng của vaccine
  • Bảo vệ bạn và con bạn khỏi nhiều căn bệnh nguy hiểm có khả năng gây tử vong
  • Bảo vệ những người những người không thể tiêm vaccine trong cộng đồng - bằng cách giúp ngăn các bệnh lây lan sang họ
  • Độ an toàn của vaccine đã được thử nghiệm và đánh giá an toàn trước khi được đưa vào sử dụng rộng rãi trong cộng đồng, cũng được theo dõi các tác dụng phụ
  • Đôi khi có thể gây ra các tác dụng phụ ở mức nhẹ và thường không kéo dài - một số trẻ có thể cảm thấy hơi không khỏe và bị nhức ở chỗ tiêm trong 2 hoặc 3 ngày
  • Giúp cộng đồng giảm hoặc thậm chí thoát khỏi một số bệnh - nếu đủ người được tiêm phòng

Những lầm tưởng về vaccine đã được đính chính

  • Không gây ra bệnh tự kỷ - các nghiên cứu không tìm thấy bằng chứng về mối liên hệ giữa vaccine MMR (phòng bệnh sởi, quai bị, rubella) và bệnh tự kỷ
  • Không làm quá tải hoặc suy yếu hệ thống miễn dịch và an toàn khi cho trẻ em tiêm các loại vaccine kết hợp, điều này giúp giảm số lượng mũi tiêm cho trẻ
  • Không gây dị ứng hay các triệu chứng tương tự - tất cả các bằng chứng hiện tại đều cho thấy rằng tiêm chủng an toàn hơn so với không tiêm chủng
  • Không chứa thủy ngân
  • Không chứa bất kỳ thành phần nào có thể gây hại ở liều lượng rất nhỏ - nhưng hãy nói với bác sĩ nếu bạn bị dị ứng với protein như trứng hoặc gelatine

Vaccine rất quan trọng

Tiêm phòng là điều quan trọng nhất ta có thể làm để bảo vệ bản thân và những người xung quanh. Điều này giúp ngăn ngừa tới 3 triệu người chết trên toàn thế giới mỗi năm.

Kể từ khi vaccine được giới thiệu ở Anh, các bệnh như đậu mùa, bại liệt và uốn ván từng gây tử vong và gây bệnh cho hàng triệu người hoặc đã được thanh toán hoặc giảm đáng kể.

Các bệnh khác như sởi và bạch hầu đã giảm tới 99,9% kể từ khi vaccine phòng bệnh được đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên, nếu mọi người ngừng tiêm vaccine, các bệnh truyền nhiễm có thể nhanh chóng quay trở lại và lay lan ra cộng đồng.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gần đây đã đánh giá sự do dự không tiêm phòng vaccine là một trong 10 mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe toàn cầu. Tình trạng này được hiểu là người được tiếp cận với vaccine trì hoãn hoặc từ chối tiêm chủng.

Vaccine hoạt động như thế nào?

Vaccine giúp hệ thống miễn dịch biết cách tạo ra các kháng thể bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật. Cách hệ thống tạo ra kháng thể thông qua vaccine an toàn hơn rất nhiều so với thông qua cơ thể bị bệnh và được điều trị. Một khi hệ miễn dịch đã được tiếp xúc với kháng nguyên trong vaccine và tao kháng thể thì tác dụng bảo vệ này sẽ kéo dài đến rất nhiều năm sau.

Miễn dịch cộng đồng

Tiêm vaccine cũng mang lại lợi ích cho cả cộng đồng thông qua "miễn dịch cộng đồng".

Nếu đủ lượng người được tiêm vaccine, bệnh sẽ khó có thể lây sang những người không thể tiêm vaccine như những người bị bệnh hoặc có hệ thống miễn dịch yếu.

Độ an toàn của vaccine

Tất cả các loại vaccine đều được kiểm tra thử nghiệm và đánh giá kỹ lưỡng trước khi đưa ra cộng đồng để đảm bảo không gây hại cho cả người lớn và trẻ em.

Thông thường phải mất nhiều năm để vaccine vượt qua các thử nghiệm và xét nghiệm cần thiết để được phê duyệt và đưa vào sử dụng.

Trong quá trình vaccine lưu hành vẫn sẽ được các cơ quan có chức năng theo dõi cập nhật các tác dụng phụ.

Bất cứ ai cũng có thể báo cáo về các tác dụng phụ đáng ngờ của vaccine cho cơ quan chức năng có thẩm quyền

Tác dụng phụ của việc tiêm vaccine

Hầu hết các tác dụng phụ của vaccine đều là nhẹ và không kéo dài.

Các tác dụng phụ phổ biến nhất của tiêm chủng bao gồm:

  • Vùng tiêm có thể sưng đỏ và cảm thấy hơi đau trong 2 đến 3 ngày
  • Trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ có thể thấy khó chịu và có thể phản ứng sốt trong 1-2 ngày

Một số trẻ cũng có thể quấy khóc sau khi tiêm. Điều này là bình thường và đôi khi chỉ cần một cái ôm sẽ giúp trẻ cảm thấy tốt hơn.

Phản ứng dị ứng

Rất hiếm khi có phản ứng dị ứng nghiêm trọng với vaccine. Nếu điều này xảy ra thì thường xảy ra trong vòng vài phút ngay sau khi tiêm.

Bác sĩ sẽ được tập huấn để đối phó với các phản ứng dị ứng và xử trí ngay lập tức. Sau khi xử trí kịp thời, các phản ứng dị ứng sẽ cải thiện.

Thành phần trong vaccine?

Hầu hết mọi người không bận tâm về các thành phần trong vaccine và biết rằng chúng an toàn.

Thành phần chính của bất kỳ loại vaccine nào là một lượng nhỏ vi khuẩn, virus hoặc độc tố đã bị làm suy yếu hoặc tiêu diệt trong phòng thí nghiệm từ trước.

Điều này đồng nghĩa với việc không hề có nguy cơ khiến người khỏe mạnh mắc bệnh từ vaccine. Đó cũng là lý do tại sao vaccine được gọi là vaccine sống giảm độc lực hoặc vaccine bất hoạt toàn thể.

Sự khác biệt giữa vaccine sống và vaccine bất hoạt toàn thể

Vaccine sống giảm độc lực

Vaccine bất hoạt

Chứa virus hoặc vi khuẩn đã bị làm giảm độc lực

Chứa virus hoặc vi khuẩn đã bị tiêu diệt

Không dùng cho người có hệ miễn dịch suy yếu

Vẫn có thể dùng cho người có hệ miễn dịch suy yếu

Cung cấp miễn dịch lâu dài

Thường cần tiêm vài liều hoặc các vaccine tăng cường để tăng khả năng bảo vệ

Thành phần khác trong vaccine

Vaccine đôi khi cũng có chứa các thành phần khác (phụ gia) có thể làm tăng độ an toàn và hiệu quả.

Không có bằng chứng cho thấy bất kỳ thành phần nào trong số này gây hại khi được sử dụng với lượng rất nhỏ như trong vaccine.

Nhôm: Là tá dược được thêm vào vaccine với một lượng rất nhỏ và đã được chứng minh là an toàn. Nhôm có thể gây ra các phản ứng nhẹ như sẩn cục hay đỏ tại chỗ tiêm. Nhôm được tìm thấy với lượng nhỏ trong hầu hết các thực phẩm, nước uống, sữa mẹ, hay sữa công thức, một số loại thuốc như thuốc kháng acid. Lượng nhôm này khi vào cơ thể sẽ không gây hại cho sức khỏe mà được đào thải ra ngoài qua nước tiểu. Không có bằng chứng nào cho thấy lượng nhôm cơ thể hấp thụ hàng ngày làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như mất trí nhớ hoặc tự kỷ. Và lượng nhôm được sử dụng trong các vaccine bất hoạt là rất rất nhỏ với mục đích:

  • giúp tăng cường đáp ứng miễn dịch
  • làm tăng và kéo dài hiệu quả của vaccine
  • giảm lượng kháng nguyên cần thiết trong vaccine
  • đôi khi có thể làm giảm số liều cần được tiêm

Dầu squalene (tá dược): Là tá dược được thêm vào vaccine với một lượng rất nhỏ, đã được chứng minh là an toàn và có thể gây ra các phản ứng nhỏ như sẩn cục hay đỏ tại chỗ tiêm. Tá dược này được thêm vào các vaccine cúm dành cho người già trên 65 tuổi. Thành phần có nguồn gốc từ dầu cá đã được xử lý tinh chế trước khi được đưa vào sử dụng với mục đích tương tự như nhôm.

Gelatine: Có một số lượng rất ít các trường hợp có phản ứng dị ứng với vaccine chứa gelatine. Nếu bạn có tiền sử dị ứng với thành phần này hãy thông báo với bác sĩ. Một số nhóm tôn giáo như Hồi giáo và Do Thái, có thể lo ngại về việc sử dụng vaccine có chứa gelatine từ lợn. Nhưng người đứng đầu nhóm đức tin đã tuyên bố việc sử dụng gelatine trong vaccine là chấp nhận được và không phá vỡ bất kỳ quy tắc tôn giáo nào. Thành phần này có nguồn gốc từ lợn được sử dụng như một chất ổn định trong một số loại vaccine như vaccine phòng bệnh zona, vaccine cúm cho trẻ em, vaccine MMR (sởi, quai bị, rubella) giúp:

  • Bảo vệ vaccine khỏi tác động của nhiệt hoặc đông khô
  • Duy trì thời hạn sử dụng của vaccine

Albumin huyết thanh người và albumin tái tổ hợp: Albumin huyết thanh người được tách chiết từ ​​máu người, được sử dụng làm chất ổn định trong vaccine thủy đậu và duy trì chất lượng của vaccine trong quá trình bảo quản.

Albumin tái tổ hợp được tổng hợp từ các tế bào, chẳng hạn như tế bào nấm men, có thể tạo ra một lượng lớn albumin giống huyết thanh người. Albumin tái tổ hợp có thể được sử dụng với số lượng rất nhỏ như một chất ổn định trong 1 trong số các vaccine MMR.

Protein từ trứng: Người dị ứng với protein trứng nặng vẫn có thể tiêm vaccine MMR một cách an toàn vì vaccine được nuôi cấy trên các tế bào từ phôi gà, không giống với trứng của gà mái, không kích hoạt phản ứng dị ứng. Còn vaccine cúm được nuôi trên trứng của gà mái, có khả năng gây ra phản ứng dị ứng ở những người bị dị ứng trứng.

Họ nên lựa chọn các vaccine sau:

  • Vaccine cúm bất hoạt không có protein trứng hoặc vaccine có hàm lượng protein trứng (ovalbumin) rất thấp.
  • Vaccine cúm sống giảm độc lực dạng xịt mũi cho trẻ em có hàm lượng protein trứng rất thấp. Đây là một lựa chọn an toàn cho trẻ em bị dị ứng trứng.

Trẻ em và người lớn đã từng có phản ứng dị ứng rất nghiêm trọng với trứng được khuyên nên tiêm vaccine cúm trong bệnh viện.

Formaldehyde: Là thành phần có thể được tìm thấy tự nhiên trong máu ở mức cao hơn nhiều so với lượng trong vaccine. Mặc dù formaldehyde có thể gây hại ở nồng độ cao, nhưng không có lo ngại về sức khỏe về lượng nhỏ được tìm thấy trong vaccine. Đây là một hóa chất được sử dụng trong sản xuất vaccine bất hoạt, để tiêu diệt hoặc làm bất hoạt chất độc từ vi khuẩn hoặc virus. Khi các kháng nguyên bị bất hoạt, formaldehyde được pha loãng và chỉ còn một lượng rất nhỏ trong thành phẩm vaccine cuối cùng.

Kháng sinh: Nếu bạn bị dị ứng với neomycin hoặc bất kỳ loại kháng sinh nào khác, hãy thông báo với bác sĩ hoặc điều dưỡng trước khi tiêm vaccine. Các loại kháng sinh có thể gây ra phản ứng dị ứng, như penicillin, thường không được sử dụng trong vaccine.

Tuy nhiên, một lượng nhỏ kháng sinh neomycin, có khả năng gây ra phản ứng dị ứng, được tìm thấy trong: Vaccine MMR, vaccine 6 trong 1, vaccine cúm bất hoạt, vaccine 4 trong 1 Repevax, vaccine bệnh zona.

Thuốc kháng sinh được thêm vào một số vaccine để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn trong quá trình sản xuất và lưu trữ vaccine.

Thuốc kháng sinh chỉ có thể được tìm thấy với số lượng nhỏ trong vaccine các vaccine được đưa vào sử dụng.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Sự thật và hiểu lầm về vaccine

 

Bình luận
Tin mới
  • 24/04/2024

    Mẹo chăm sóc da dầu mùa Hè

    Nhiệt độ cao kết hợp với ánh nắng khiến tuyến bã nhờn trên da hoạt động mạnh mẽ, da đổ nhiều dầu và dễ nổi mụn. Một vài mẹo chăm sóc da dưới đây giúp bạn kiểm soát dầu nhờn trên da.

  • 24/04/2024

    Nỗi lo an toàn thực phẩm mùa nắng nóng

    Thời tiết nắng nóng càng làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Cùng với sự quản lý của cơ quan chức năng, người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm, bởi nếu xuê xoa với bất kỳ vi phạm an toàn thực phẩm dù là nhỏ cũng gây hậu quả khôn lường.

  • 24/04/2024

    Tránh ăn gì khi bị viêm kết mạc để nhanh khỏi?

    Tuy chế độ ăn không giúp chữa khỏi viêm kết mạc (đau mắt đỏ) nhưng việc hạn chế ăn một số loại thực phẩm, đồ uống có thể giúp giảm bớt các triệu chứng và thúc đẩy quá trình phục hồi nhanh hơn.

  • 24/04/2024

    Triệu chứng của ung thư buồng trứng

    Hiện nay, ngày càng nhiều phụ nữ bị mắc phải căn bệnh ung thư buồng trứng, vậy triệu chứng của bệnh là gì, hãy cũng tìm hiểu ở bài viết dưới đây.

  • 23/04/2024

    Các phương pháp giảm đau nửa đầu mạn tính

    Chứng đau nửa đầu mạn tính có thể phòng ngừa và được điều trị một cách triệt để. Hiện nay, có rất nhiều loại thuốc và cũng như các phương pháp điều trị thích hợp giúp làm giảm các cơn đau nửa đầu mạn tính.

  • 23/04/2024

    Căng thẳng quá mức gây suy giảm nhiều chất dinh dưỡng trong cơ thể

    Căng thẳng mạn tính và kéo dài không chỉ ảnh hưởng sức khoẻ tinh thần mà còn khiến cơ thể có nguy cơ cạn kiệt nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu, ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch và sự phục hồi thể chất.

  • 23/04/2024

    7 mẹo giúp trẻ tránh xa đồ ăn vặt không tốt cho sức khỏe

    Trẻ em thường bị thu hút bởi đồ ăn vặt. Với bao bì đầy màu sắc và hương vị hấp dẫn, những món ăn nhẹ không lành mạnh này thường khiến trẻ thích thú và muốn ăn nhiều hơn.

  • 23/04/2024

    Chuẩn bị tốt thể lực khi tham gia chạy marathon

    Gần đây phong trào tập thể dục thể thao, các giải chạy bộ không chuyên marathon (42,295km), bán marathon (21,1km) ngày càng phổ biến, thu hút đông đảo người dân thuộc nhiều độ tuổi tham gia. Đây là dấu hiệu tốt chứng tỏ cộng đồng quan tâm tới vấn đề thể dục, thể thao, nâng cao sức khỏe.

Xem thêm