Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Những điều cần biết về chăm sóc sau sinh

Bạn đã tập trung rất nhiều sức lực và tâm trí để có một thai kỳ khỏe mạnh và sinh nở an toàn. Và rất có thể bạn quên mất việc việc chăm sóc cho bản thân sau khi sinh, trong khi đây là lúc bạn cần "tu bổ" lại cơ thể mình nhiều nhất.

Sau khi sinh nở, cơ thể phụ nữ lại trải qua một loạt thay đổi rất lớn. Các vấn đề về sức khỏe có thể xuất hiện sau một quá trình mang thai 9 tháng 10 ngày và thêm vào đó, bạn lại dồn hết sức mình để chăm sóc và nuôi dưỡng em bé.

Giai đoạn sau sinh sẽ bắt đầu từ ngay sau khi người phụ nữ sinh nở cho đến khoảng 8 tuần sau khi em bé ra đời. Taị bệnh viện, ngay sau khi sinh, bạn sẽ thường xuyên được các y bác sỹ kiểm tra các dấu hiệu cần thiết để đảm bảo cơ thể bạn bắt đầu hồi phục và bạn không gặp phải các biến chứng sau khi sinh. Sau khi bạn trở về nhà, việc tự chăm sóc bản thân cũng quan trọng không kém gì so với việc chăm sóc em bé cả. Bất cứ triệu chứng nào của tình trạng nhiễm khuẩn hoặc biến chứng cũng nên được báo lại cho bác sỹ. Bạn cũng nên đến gặp bác sỹ vào khoảng giữa tuần thứ 6 và tuần thứ 8 sau khi sinh.

Chính xác thì cơ thể bạn cần phải được chăm sóc như thế nào để hồi phục và khỏe mạnh?

Ngay sau khi sinh nở

Những gì bạn phải trải qua ngay sau khi sinh nở sẽ phụ thuộc vào việc bạn sinh thường hay sinh mổ.

Nếu bạn sinh thường...

Với các ca sinh thường và không gặp biến chứng, người mẹ thường sẽ phải ở lại bệnh viện một đêm. Trạng thái kiệt sức là rất thường gặp. Các nhân viên y tế sẽ thường xuyên kiểm tra huyết áp, nhịp tim và mức độ ra dịch âm đạo của bạn. Các biến chứng của quá trình sinh nở cũng sẽ được kiểm soát.

Nếu phải cắt tầng sinh môn, bạn sẽ phải khâu tại các vết cắt và vết thương có thể sẽ khiến bạn bị đau mỗi khi đi tiểu, đi ngoài hoặc chỉ đơn thuần là cử động mạnh. Những vết cắt này cần thời gian để lành lại, thông thường khoảng 1 tuần. Khi ở trong bệnh viện, bạn sẽ được vệ sinh vài giờ một lần để tránh nhiễm khuẩn cho các vết cắt này. 

Bạn cũng có thể sẽ bị ra máu âm đạo nhiều hơn nếu một phần nhau thai vẫn còn sót lại trong tử cung, và có thể sẽ phải tiến hành thủ thuật hoặc phẫu thuật để loại bỏ số nhau thai sót lại này càng sớm càng tốt. Nếu không được loại bỏ kịp thời, những phần nhau thai sót lại sẽ khiến bạn vị viêm trong tử cung, đôi khi rất nguy hiểm hoặc phải cắt bỏ tử cung, thậm chí đe dọa tính mạng.

Y tá cũng có thể sẽ thường xuyên ấn vào bụng bạn để kiểm tra xem tử cung co hồi hay chưa. Cho em bé bú càng sớm càng tốt sẽ giúp quá trình co tử cung diễn ra thuận lợi hơn. Bạn cũng có thể sẽ vẫn có những cơn co thắt nhẹ xảy ra vì tử cung của bạn đang tự mình hồi phục. Thường những lần sinh thứ hai trở đi sẽ khiến tử cung co hồi nhiều hơn và các cơn đau co tử cung sau sinh cũng mạnh hơn và khiến bạn đau hơn.

Nếu bạn phải gây tê ngoài màng cứng, thì rất có thể, ống gây tê vẫn sẽ được để lại trong khoảng một thời gian ngắn sau sinh để giảm đau.

Ra máu âm đạo hay còn gọi là sản dịch là hiện tượng bình thường. Sau khi sinh, những dịch tiết, máu còn đọng trong tử cung sẽ dần dần bị đẩy ra ngoài thông qua các cơn co hồi của tử cung. Thông thường, sản dịch chảy ra từ âm đạo sẽ giảm dần và hết trong vòng vài tuần sau sinh.  Nếu bạn thấy trong sản dịch có những cục máu đông lớn, hãy sử dụng loại băng vệ sinh dày trong vòng vài giờ. Nếu bạn bị sốt cao, hoặc sản dịch có mùi lạ hoặc quá nhiều thì rất có thể bạn đã bị biến chứng sau sinh và cần được điều trị nhiều hơn.

Do áp lực lên bàng quang lớn dần trong khi mang thai, chuyển dạ và sinh nở, nên sau khi sinh áp lực này hết đi sẽ khiến bàng quang của bạn mất một khoảng thời gian để làm quen và khi đó bạn mới có thể đi tiểu được. Phun nước ấm lên âm hộ có thể sẽ tăng nhanh quá trình phục hồi này. Viêm đường tiết niệu cũng là một biến chứng có thể xảy ra và nếu bạn cảm thấy đau khi đi tiểu hoặc đi tiểu thường xuyên hơn bình thường hay cảm thấy mình tiểu không hết, hãy nói với bác sỹ.

Đáy chậu là vùng nằm giữa âm đạo và trực tràng. Trong khi sinh thường, vùng đáy chậu đã phải giãn ra rất nhiều, do vậy, có thể khu vực này sẽ bị sưng và đau. Bạn có thể áp dụng biện pháp chườm lạnh vùng đáy chậu để làm giảm đau.

Nếu bạn sinh mổ...

Khi sinh mổ, bạn sẽ phải ở lại bệnh viện trong khoảng 3-5 ngày sau sinh để hồi phục. Sinh mổ là một phẫu thuật do vậy bạn có thể bị đau tại vùng vết mổ. Bạn cũng có thể cảm thấy chuếnh choáng, buồn nôn hoặc thậm chí ngứa do việc dùng các loại thuốc được kê, nhất là thuốc gây mê hoặc gây tê.

Việc ngồi dậy và cho em bé bú có thể sẽ khiến bạn bị đau, nhưng hãy cố gắng để thực hiện việc này sớm nhất có thể vì sẽ giúp cơ thể bạn hồi phục nhanh hơn. Đồng thời, việc cho bé bú sớm sẽ giúp bé có được sữa non quý giá và cũng chính việc mút bú của bé sẽ kích thích tiết nhiều sữa hơn và làm tử cung của bạn co hồi nhanh hơn. Nếu không thể tự ngồi dậy được, hãy nhờ chồng, mẹ hoặc người nhà, bạn bè, người đang chăm sóc bạn giúp đỡ.

Cũng như việc sinh thường, các nhân viên y tế cũng sẽ thường xuyên đo huyết áp, nhịp tim và sản dịch. Kích thước và mức độ co hồi của tử cung cũng sẽ được kiểm tra. Các biến chứng như ra máu nhiều và nhiễm trùng cũng sẽ được kiểm soát thường xuyên.

Bạn có thể sẽ không ăn được gì sau khi sinh mổ khoảng 8 tiếng, và chỉ có thể uống được nước. Ống thông tiểu được đặt trong quá trình phẫu thuật sẽ được tháo ra trong vòng 1 ngày sau khi sinh.

Bạn hãy cố gắng ngồi dậy (với sự giúp đỡ của người thân) vài lần một ngày và nếu được có thể di chuyển nhẹ nhàng để giúp quá trình hồi phục nhanh hơn. Bạn cũng có thể sẽ được kê thuốc giảm đau để sử dụng.

Chăm sóc sau sinh tại nhà

Cơ thể bạn sẽ vẫn tiếp tục phải trải qua những thay đổi rất lớn sau khi sinh, và bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi. Cố gắng ngủ khi em bé đang ngủ và đảm bảo rằng bạn ăn và uống đủ chất dinh dưỡng. Uống nhiều nước là rất quan trọng để có thể hồi phục và có đủ sữa.

Các cơn đau tử cung và tầng sinh môn có thể kéo dài vài ngày, nên ngay sau khi về nhà, hãy tiếp tục làm dịu vùng âm hộ và vùng đáy chậu bằng việc xịt nước ấm nhẹ nhàng. Vài ngày sau đó, bạn có thể ngâm nước ấm trong bồn hoặc chậu tắm.

Ibuprofen và các loại thuốc giảm đau không cần kê đơn khác có thể giúp bạn giảm đau, nhưng bạn nên hỏi ý kiến bác sỹ trước khi uống bất kỳ loại thuốc nào.

Sản dịch thường sẽ vẫn có trong khoảng 1 vài tuần sau sinh. Và đôi khi sẽ có thể xuất hiện một vài cục máu đông, nhưng bạn cũng không nên lo lắng, vì điều đó hết sức bình thường. Nếu bạn nhận thấy những cục máu đông lớn, hoặc thấy sản dịch có mùi hôi, hoặc tình trạng ra máu ngày càng nặng, hãy đến gặp bác sỹ.

Vì những tổn thương bàng quang và niệu đạo sau quá trình sinh nở, bạn thỉnh thoảng có thể sẽ bị són tiểu, khi ho, hắt hơi hoặc cười trong vòng vài tháng sau khi sinh. Các bài tập Kegel có thể giúp bạn kiểm soát được trở lại những cơ vùng này và làm giảm tình trạng són tiểu.

Vài ngày sau khi sinh, việc đi đại tiện có thể sẽ làm bạn hơi đau. Chú trọng đến chế độ ăn và ăn nhiều chất xơ có thể giúp phân mềm hơn. Một số phụ nữ cũng có thể gặp phải tình trạng đại tiện không tự chủ, và các bài tập Kegel cũng có thể giúp làm giảm các biến chứng.

Rụng tóc và thay đổi về da cũng có thể xảy ra. Những triệu chứng này là rất bình thường vì quá trình thay đổi hormone vẫn đang diễn ra và sẽ được cải thiện trong vòng 6 tháng.

Cho con bú có thể sẽ là một thử thách với bạn nhưng cũng là một trải nghiệm đáng giá. Nhiễm trùng và viêm, sưng cũng có thể xảy ra. Nếu bạn gặp phải các vấn đề này, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ của các bác sỹ.

Chứng ủ rũ sau sinh cũng là một dấu hiệu của thay đổi hormone. Vài ngày sau khi sinh, bạn có thể cảm thấy mình rất nhạy cảm và buồn bã. Nếu tình trạng này kéo dài, hoặc bạn cảm thấy bạn không thể chăm sóc được cho em bé, bạn nên nhờ sự giúp đỡ của các thành viên trong gia đình và liên lạc với bác sỹ vì có thể bạn bị trầm cảm sau sinh. Đây là một tình trạng có thể điều trị được.

Luyện tập thể thao có thể sẽ giúp bạn hồi phục và lấy lại năng lượng sống, nhưng bạn cần luyện tập từ từ, bắt đầu bằng những bài tập dễ. Bạn nên hỏi ý kiến bác sỹ về mức độ hoạt động phù hợp với mình trong giai đoạn này.

Một số vấn đề có thể xảy ra

Một số vấn đề có thể xảy ra như kiệt sức và ra máu nhẹ là bình thường, nhưng một số vấn đề khác sẽ cần được lưu ý nhiều hơn. Các vấn đề nặng hơn có thể xảy ra sau sinh bao gồm:

  • Huyết khối tĩnh mạch sâu (hình thành cục máu đông ở chân)
  • Trầm cảm sau sinh: buồn bã một thời gian dài có thể sẽ khiến bạn không quan tâm chăm sóc đầy đủ tới em bé
  • Nhiễm trùng, ví dụ như nhiễm trùng vết mổ, rách tầng sinh môn, viêm tử cung, viêm vú.

Nếu bạn bị chảy máu nặng, ớn lạnh sốt cao trên 38 độ, tim đập thình thịch hoặc khó thở, hãy gọi cấp cứu ngay.

Nếu mọi việc diễn ra với bạn rất bình thường, cả bạn và em bé đều khỏe mạnh và vui vẻ, hãy tận hưởng khoảng thời gian tuyệt vời của tình mẫu tử. Nhưng đừng quên đi khám kiểm tra lại sức khỏe của bạn vào khoảng 6 đến 8 tuần sau khi sinh. 

Bs.Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam
Bình luận
Tin mới
  • 24/04/2024

    Tránh ăn gì khi bị viêm kết mạc để nhanh khỏi?

    Tuy chế độ ăn không giúp chữa khỏi viêm kết mạc (đau mắt đỏ) nhưng việc hạn chế ăn một số loại thực phẩm, đồ uống có thể giúp giảm bớt các triệu chứng và thúc đẩy quá trình phục hồi nhanh hơn.

  • 24/04/2024

    Triệu chứng của ung thư buồng trứng

    Hiện nay, ngày càng nhiều phụ nữ bị mắc phải căn bệnh ung thư buồng trứng, vậy triệu chứng của bệnh là gì, hãy cũng tìm hiểu ở bài viết dưới đây.

  • 23/04/2024

    Các phương pháp giảm đau nửa đầu mạn tính

    Chứng đau nửa đầu mạn tính có thể phòng ngừa và được điều trị một cách triệt để. Hiện nay, có rất nhiều loại thuốc và cũng như các phương pháp điều trị thích hợp giúp làm giảm các cơn đau nửa đầu mạn tính.

  • 23/04/2024

    Căng thẳng quá mức gây suy giảm nhiều chất dinh dưỡng trong cơ thể

    Căng thẳng mạn tính và kéo dài không chỉ ảnh hưởng sức khoẻ tinh thần mà còn khiến cơ thể có nguy cơ cạn kiệt nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu, ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch và sự phục hồi thể chất.

  • 23/04/2024

    7 mẹo giúp trẻ tránh xa đồ ăn vặt không tốt cho sức khỏe

    Trẻ em thường bị thu hút bởi đồ ăn vặt. Với bao bì đầy màu sắc và hương vị hấp dẫn, những món ăn nhẹ không lành mạnh này thường khiến trẻ thích thú và muốn ăn nhiều hơn.

  • 23/04/2024

    Chuẩn bị tốt thể lực khi tham gia chạy marathon

    Gần đây phong trào tập thể dục thể thao, các giải chạy bộ không chuyên marathon (42,295km), bán marathon (21,1km) ngày càng phổ biến, thu hút đông đảo người dân thuộc nhiều độ tuổi tham gia. Đây là dấu hiệu tốt chứng tỏ cộng đồng quan tâm tới vấn đề thể dục, thể thao, nâng cao sức khỏe.

  • 23/04/2024

    Trẻ trên 6 tháng tuổi dễ thiếu kẽm và sắt

    Do có nhiều vai trò quan trọng, không thể thiếu đối với cơ thể nên khi trẻ thiếu sắt và kẽm sẽ ảnh hưởng không nhỏ đối với sự phát triển thể chất và tinh thần trẻ.

  • 23/04/2024

    Tìm hiểu về bệnh ly thượng bì bọng nước

    Bệnh ly thượng bì bọng nước là tên gọi của một nhóm các rối loạn da hiếm gặp do di truyền, làm cho da trở nên rất dễ bị tổn thương. Bất kỳ chấn thương hay ma sát nào với da đều có thể gây ra các vết phồng rộp đau đớn.

Xem thêm