Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Sử dụng kháng sinh cho trẻ em: 10 câu hỏi thường gặp

Dưới đây là những câu hỏi thường gặp về việc sử dụng kháng sinh được các chuyên gia thuộc Hiệp hội nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) trả lời. Ngoài ra, nếu cha mẹ có bất cứ thắc mắc nào liên quan đến việc sử dụng kháng sinh cho trẻ, hãy đừng ngần ngại trao đổi với bác sỹ.

Sử dụng kháng sinh cho trẻ em: 10 câu hỏi thường gặp

Các bậc cha mẹ cần hiểu một nguyên tắc quan trọng bậc nhất rằng: Sử dụng kháng sinh cho trẻ em sai bệnh, sai mục đích không những không mang lại tác dụng mà còn có thể gây hại cho sức khỏe của trẻ.

Kháng sinh là những thuốc được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn và có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn chứ không phải virus. Trước khi kê kháng sinh cho trẻ, bác sỹ sẽ làm rõ nguyên nhân và lựa chọn đúng loại thuốc để điều trị.

Dưới đây là những câu hỏi thường gặp về việc sử dụng kháng sinh được các chuyên gia thuộc Hiệp hội nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) trả lời. Ngoài ra, nếu cha mẹ có bất cứ thắc mắc nào liên quan đến việc sử dụng kháng sinh cho trẻ, hãy đừng ngần ngại trao đổi với bác sỹ.

  1. Con tôi bị cảm lạnh. Tại sao bác sỹ lại không kê kháng sinh?

Cảm lạnh là do virus gây ra trong khi đó kháng sinh là thuốc điều trị đặc hiệu cho các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn. Nói chung, hầu hết các triệu chứng của cảm lạnh như chảy nước mũi, ho và nghẹt mũi đều biểu hiện không quá nghiêm trọng và trẻ thường sẽ tự hồi phục mà không phải sử dụng thuốc điều trị, nhất là kháng sinh.

  1. Có khi nào cảm lạnh sẽ dẫn đến những bệnh nhiễm trùng hay không? Nếu có tại sao không sử dụng kháng sinh để phòng ngay?

Trong hầu hết các trường hợp, các bệnh do virus ít khi dẫn tới nhiễm trùng do vi khuẩn. Sử dụng kháng sinh để điều trị nhiễm virus thậm chí còn có thể gây nhiễm trùng thứ phát do các vi khuẩn kháng thuốc.

Ngoài ra, trẻ còn có thể bị tiêu chảy hoặc gặp phải các tác dụng không mong muốn khác của kháng sinh. Nếu trẻ bị đi ngoài ra nước, có máu trong phân hay các tác dụng phụ nào khác khi sử dụng kháng sinh, hãy thông báo cho bác sỹ ngay.

  1. Dịch tiết mũi chuyển màu vàng hay xanh có phải là dấu hiệu của nhiễm khuẩn không?

Khi trẻ bị cảm lạnh, dịch tiết mũi có thể trở nên đặc hơn và chuyển từ dịch trong sang dịch có màu vàng hoặc xanh. Các triệu chứng thường kéo dài khoảng 10 ngày.

Viêm xoang là một căn bệnh gây viêm lớp niêm mạc mũi và các xoang. Virus hay các tác nhân dị ứng có thể dẫn tới viêm xoang và trong một số trường hợp khác có thể do vi khuẩn.

Một số dấu hiệu cho thấy trẻ có thể bị nhiễm khuẩn hô hấp: Trẻ bị cảm lạnh kèm ho và dịch đờm có màu xanh kéo dài nhiều hơn 10 ngày, hoặc nếu trẻ ho ra đờm đặc màu vàng hoặc xanh và sốt cao trên 39 độ C kéo dài ít nhất 3-4 ngày, đây có thể là dấu hiệu của viêm xoang do vi khuẩn.

Trường hợp trẻ bị viêm xoang do vi khuẩn (nguyên nhân này ít gặp), việc sử dụng kháng sinh là cần thiết.

  1. Kháng sinh có được sử dụng để điều trị viêm tai hay không?

Không phải tất cả các trường hợp bị viêm tai đều được điều trị với kháng sinh. Ít nhất khoảng một nửa các trường hợp bị viêm tai thường tự khỏi mà không cần dùng kháng sinh. Nếu trẻ không bị sốt cao hay đau tai dữ dội, bác sỹ thường khuyên cha mẹ nên theo dõi các triệu chứng của trẻ trong thời gian đầu.

Do đau thường là triệu chứng đầu tiên và gây khó chịu nhiều nhất khi bị viêm tai nên bác sỹ có thể kê một số loại thuốc giảm đau cho trẻ như paracetamol hay ibuprofen. Hãy lưu ý đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và sử dụng đúng liều tùy theo độ tuổi và cân nặng của trẻ. Trong đa số trường hợp, các triệu chứng đau và sốt sẽ được cải thiện trong vòng từ 1-2 ngày.

Một số loại thuốc nhỏ tai có thể giúp làm dịu cơn đau trong một thời gian ngắn. Bạn có thể hỏi ý kiến bác sỹ hoặc dược sỹ liệu có nên cho trẻ dùng các thuốc này hay không. Các thuốc không kê đơn như thuốc thông mũi và các kháng histamin không làm giảm các triệu chứng của viêm tai và cũng không được khuyến cáo sử dụng cho trẻ nhỏ.

Bác sỹ sẽ kê kháng sinh trong trường hợp trẻ bị sốt cao, đau tai ngày càng nặng và nhiễm trùng trong cả màng nhĩ.

  1. Kháng sinh có thể được sử dụng để điều trị tất cả các cơn đau họng có đúng không?

Câu trả lời là không. Hơn 80% các trường hợp đau họng là do virus. Nếu con bạn bị đau họng, sổ mũi và ho thành tiếng, virus có thể là nguyên nhân gây bệnh và do vậy các xét nghiệm tìm liên cầu khuẩn có thể không cần thiết.

Kháng sinh chỉ nên được sử dụng khi nguyên nhân gây viêm họng là do các liên cầu khuẩn nhóm A. Viêm họng do liên cầu thường xuất hiện ở nhóm trẻ độ tuổi học đường, trẻ dưới 3 tuổi ít khi bị mắc.

Nếu bác sỹ nghi ngờ con bạn bị viêm họng do liên cầu dựa trên các triệu chứng thì việc xét nghiệm tìm vi khuẩn là cần thiết. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính, trẻ sẽ được kê đơn sử dụng kháng sinh.

  1. Kháng sinh có thể gây ra các tác dụng không mong muốn nào?

Trung bình cứ 10 trẻ sử dụng kháng sinh thì có 1 trẻ gặp phải các tác dụng phụ. Các tác dụng không mong muốn có thể gặp phải bao gồm phát ban, phản ứng dị ứng, buồn nôn, tiêu chảy và đau dạ dày. Hãy thông báo cho bác sỹ nếu con bạn gặp phải bất cứ phản ứng bất lợi nào từ kháng sinh.

Đôi khi, trẻ có thể bị phát ban trong suốt thời gian sử dụng kháng sinh. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp phát ban đều được coi là phản ứng dị ứng với kháng sinh. Hãy thông báo với bác sỹ nếu bạn quan sát thấy triệu chứng phát ban của trẻ giống với mày đay (lằn đỏ), đay có thể là phản ứng dị ứng với kháng sinh.

  1. Khoảng bao lâu kháng sinh sẽ phát huy tác dụng?

Hầu hết các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn sẽ được cải thiện trong vòng 48-72 giờ kể từ khi bắt đầu sử dụng kháng sinh. Nếu các triệu chứng của trẻ ngày một nặng hơn và không có chuyển biến tốt trong vòng 72 giờ, hãy đưa trẻ tới bệnh viện ngay. Nếu trẻ dừng uống kháng sinh quá sớm, bệnh nhiễm trùng có thể không được điều trị triệt để và các triệu chứng sẽ lại tái phát.

  1. Liệu sử dụng kháng sinh có thể dẫn tới hiện tượng vi khuẩn kháng thuốc hay không?

Việc sử dụng lặp lại hay sử dụng sai kháng sinh đều có thể dẫn tới hiện tượng vi khuẩn kháng thuốc. Kháng thuốc là hiện tượng vi khuẩn không thể bị kháng sinh tiêu diệt. Những vi khuẩn kháng thuốc này còn có nguy cơ lây lan sang trẻ em và người lớn khác.

Do vậy, điều quan trọng là trẻ cần được sử dụng loại thuốc kháng sinh đặc hiệu với căn bệnh nhiễm trùng mà trẻ mắc phải hơn là một loại kháng sinh phổ rộng có tác dụng với mọi loại nhiễm trùng.

Nếu trẻ bị kháng thuốc do vi khuẩn, cần thiết phải đổi loại kháng sinh ngay. Đôi khi những kháng sinh này sẽ được sử dụng qua đường tĩnh mạch tại bệnh viện.

  1. Các thuốc kháng virus là gì?

Cúm là một bệnh nhiễm trùng do virus có thể gây ra các triệu chứng giống với cảm lạnh mà cần phải điều trị bằng thuốc kháng virus. Thuốc kháng virus có thể được kê cho những trẻ em có nguy cơ cao bị nhiễm cúm nặng. Đối với các triệu chứng ho và cảm lạnh do virus khác, các thuốc kháng virus không được khuyến cáo sử dụng.

  1. Làm cách nào để sử dụng kháng sinh an toàn?
  • Kháng sinh không phải luôn luôn là lựa chọn tốt đối với mọi trường hợp. Hãy hỏi ý kiến bác sỹ để lựa chọn đúng biện pháp điều trị tốt nhất cho trẻ.
  • Hãy hỏi lại bác sỹ nếu kháng sinh được kê là tốt nhất và đặc hiệu nhất đối với căn bệnh nhiễm trùng của trẻ. Ví dụ như một số kháng sinh như azithromycin hiện không còn hiệu quả trong điều trị các bệnh viêm tai và viêm xoang.
  • Kháng sinh chỉ có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn. Chúng không có hiệu quả đối với các bệnh cảm lạnh và cúm do virus.
  • Đảm bảo việc sử dụng kháng sinh đúng và đủ liều theo đơn kê của bác sỹ.
  • Không cho trẻ sử dụng kháng sinh của những trẻ khác; mỗi loại kháng sinh đều được kê phù hợp với bệnh của từng trẻ, nếu cho người khác sử dụng có thể dẫn đến nguy cơ dùng sai thuốc và gây hại cho sức khỏe.
  • Những kháng sinh không sử dụng nên được bỏ đi. Không giữ kháng sinh lại cho những lần sử dụng tiếp theo vì mỗi lần nhiễm khuẩn sẽ có các loại kháng sinh đặc hiệu riêng; thậm chí một số thuốc hết hạn còn gây ra tác dụng có hại.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Có nên sử dụng kháng sinh để điều trị viêm tai ở trẻ em

Ths.Bs.Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Tổng hợp từ Healthychildren/WHO
Bình luận
Tin mới
  • 19/04/2024

    Phát hiện ung thư dạ dày bằng hơi thở

    Hơi thở có mùi khiến cho bạn cảm thấy xấu hổ. Nhưng việc kiểm tra hơi thở nhanh ngoài việc có thể giúp bạn thoát khỏi nhiều tình huống khó xử còn có thể cứu mạng bạn. Theo một nghiên cứu, công nghệ kiểm tra hơi thở có thể phát hiện ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm nhất .

  • 19/04/2024

    Đưa con đến viện ngay nếu con có dấu hiệu này khi mắc cúm B

    Cúm B là một loại cúm mùa do virus, thường gây nhiễm trùng đường hô hấp. Phần lớn khi trẻ mắc cúm B nhẹ sẽ tự khỏi, tuy nhiên virus cũng có thể gây biến chứng nghiêm trọng. Nếu trẻ mắc cúm B có các dấu hiệu nguy hiểm dưới đây, cha mẹ cần đưa con đến viện ngay để điều trị.

  • 19/04/2024

    5 bệnh tự miễn thường gặp mà bạn cần biết

    Hệ thống miễn dịch của chúng ta có vai trò chính là nhận diện và bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus và nấm. Tuy nhiên, đôi khi, các thành phần của hệ thống miễn dịch lại nhầm lẫn phản ứng với các protein trong cơ thể và gây ra các bệnh tự miễn.

  • 19/04/2024

    Tìm hiểu về các rối loạn tiêu hóa nghiêm trọng ở trẻ em

    Các rối loạn tiêu hóa ở trẻ em là một vấn đề phổ biến mà nhiều gia đình phải đối mặt. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về một số rối loạn tiêu hóa phổ biến ở trẻ, nguyên nhân và cách điều trị.

  • 19/04/2024

    Vì sao không nên uống trà khi ăn thực phẩm giàu sắt?

    Trà không chỉ là thức uống giải khát mà còn có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, kết hợp trà vào chế độ ăn uống không đúng cách có thể ảnh hưởng đến sự hấp thu sắt của cơ thể, đặc biệt ở người bị thiếu máu do thiếu sắt.

  • 19/04/2024

    Những điều cần biết về bệnh viêm phổi ở trẻ em

    Viêm phổi là một trong những bệnh lý đường hô hấp nghiêm trọng thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là những trẻ dưới 5 tuổi có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Bệnh không chỉ gây ra những triệu chứng khó chịu như ho, sốt, khó thở mà còn tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.

  • 18/04/2024

    Tại sao bạn hay cảm thấy buồn ngủ quá mức?

    Buồn ngủ quá mức là gì và tại sao bạn lại gặp phải tình trạng này? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

  • 18/04/2024

    6 thực phẩm trong chế độ ăn giúp giảm nguy cơ ung thư

    Ung thư có thể phòng ngừa nhờ điều chỉnh lối sống với những thói quen tốt cho sức khỏe như ăn uống lành mạnh. Một số thực phẩm trong chế độ dinh dưỡng có thể hỗ trợ giảm nguy cơ mắc ung thư.

Xem thêm