Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Tầm quan trọng của vitamin nhóm B trong thai kỳ

Duy trì một chế độ dinh dưỡng cân bằng, hợp lý là điều tốt nhất bạn có thể làm để có được một sức khỏe tốt, nhất là khi bạn sắp chào đón bé yêu ra đời. Và nhóm thực phẩm giàu vitamin B đóng vai trò vô cùng quan trọng giúp mẹ bầu luôn khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng.

Tầm quan trọng của vitamin nhóm B trong thai kỳ

Theo Tiến sỹ, Bác sỹ Mary L. Rosser thuộc khoa sản Trung tâm Y tế Montefiore (Bronx, New York), các vitamin nhóm B giúp cho cơ thể bà bầu luôn khỏe mạnh trong quá trình thai nhi đang phát triển. Chúng cũng giúp chuyển thức ăn thành dạng năng lượng cần thiết trong thời kỳ mang thai. Sự gia tăng tự nhiên của nguồn năng lượng sẽ rất hữu ích đối với các mẹ bầu, đặc biệt là khi bạn cảm thấy luôn luôn mệt mỏi trong 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ.

Vitamin B1 (Thiamin)

Vitamin B1 đóng vai trò vô cùng to lớn đối với sự phát triển não bộ của trẻ. Phụ nữ mang thai cần bổ sung khoảng 1.4 mg vitamin B1 mỗi ngày. Vitamin B1 có nhiều trong các loại bánh mỳ nguyên cám, nấm men, thịt lợn, đậu và thậm chí một vài sản phẩm từ bơ sữa.

Vitamin B2 (Riboflavin)

Cũng giống như các vitamin nhóm B khác, riboflavin là một vitamin tan trong nước, đồng nghĩa với việc cơ thể không có khả năng tích trữ vitamin này. Bạn phải cung cấp vitamin B2 cho cơ thể thông qua chế độ ăn hoặc các loại viên uống bổ sung. Vitamin B2 giúp cho đôi mắt luôn sáng khỏe và làn da luôn căng mịn và đầy sức sống.

Phụ nữ mang thai nên cung cấp khoảng 1.4 mg vitamin B2 hàng ngày (phụ nữ không mang thai là 1.1 mg/ngày). Thịt gà, gà tây, cá, sữa chua, bánh ngô và trứng là những thực phẩm rất giàu vitamin B2.

Vitamin B3 (Niacin)

Vai trò của vitamin B3 là hỗ trợ tiêu hóa, làm giảm các triệu chứng buồn nôn, đánh bại các cơn đau nửa đầu luôn hành hạ bạn.

Bác sỹ khuyến cáo những phụ nữ mang thai nên bổ sung khoảng 18 mg niacin/ngày. Thực đơn là một chiếc bánh mỳ sandwich làm từ bột mỳ nguyên cám kèm với sald cá ngừ tươi có thể là nguồn cung cấp vitamin B3 tuyệt hảo.

Vitamin B5 (acid pantothenic)

Vitamin B5 giúp tạo ra nội tiết tố và làm dịu những cơn đau chân do chuột rút. Những người sắp làm mẹ cần khoảng 6 mg vitamin B5/ngày.

Một bữa sáng gồm có lòng đỏ trứng gà chưng hay một bát ngũ cốc nguyên cám; bữa trưa là cơm gạo nâu kèm theo súp lơ xanh và hạt điều; bữa ăn nhẹ buổi chiều là bánh quy bơ lạc kèm theo một cốc sữa tươi hoàn toàn có thể cung cấp cho bạn đủ nhu cầu vitamin B5 khuyến nghị hàng ngày.

Vitamin B6 (Pyridoxin)

Vitamin B6 đóng vai trò thiết yếu đối với sự phát triển não bộ và hệ thần kinh của trẻ. Đây cũng là một yếu tố cần thiết cho việc sản xuất ra hormon norepinephrine và serotonin là 2 trong số những chất dẫn truyền thần kinh quan trọng nhất. Vitamin này cũng giúp bạn chống lại những triệu chứng vô cùng khó chịu mà các bà bầu hay gặp phải như buồn nôn, nôn.

Theo bác sỹ Amelia Grace Henning tại bệnh viện Massachusetts (Boston, Massachusetts), vitamin B6 luôn được khuyến cáo sử dụng để làm giảm chứng nôn nghén trong giai đoạn đầu thai kỳ với liều từ 25 – 50 mg x 3 lần/ngày. Tuy nhiên, lời khuyên của bác sỹ là mặc dù vitamin B6 được coi là tương đối an toàn cho phụ nữ mang thai nhưng các bà bầu không nên dùng quá liều khuyến nghị hàng ngày. Ngoài ra bạn có thể bổ sung vitamin B6 thông qua các thực phẩm như ngũ cốc nguyên cám, chuối, đu đủ và các loại đậu.

Vitamin B7 (Biotin)

Ủy ban về dinh dưỡng và thực phẩm của Viện khoa học Y tế Hoa Kỳ khuyến cáo liều khuyến nghị hợp lý là 30 mcg vitamin B7 cho phụ nữ mang thai (và 35 mcg cho phụ nữ cho con bú). Tình trạng mang thai có thể khiến người phụ nữ bị thiếu hụt biotin. Do vậy, các bà mẹ nên nạp đủ lượng vitamin này cho cơ thể bằng các thực phẩm như bột yến mạch, nấm, cải cầu vồng và sữa.

Vitamin B9 (acid folic)

Đây được coi là vitamin nhóm B quan trọng bậc nhất trong thai kỳ. Tạp chí The March of Dimes khuyến cáo mọi phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ nên bổ sung khoảng 400 mcg acid folic mỗi ngày trước và sau khi mang thai.

Nếu được sử dụng đúng liều lượng, acid folic có thể làm giảm nguy cơ mắc những dị tật bẩm sinh ở thai nhi bao gồm tật nứt đốt sống và các khuyết tật ống thần kinh khác.

Khi bạn đang mang thai, nhu cầu acid folic sẽ tăng cao hơn. Hãy bổ sung cho cơ thể mỗi ngày bằng một viên acid folic hàm lượng 600 mcg kết hợp với những thực phẩm giàu folat như cam, nho, các loại rau lá màu xanh, súp lơ xanh, măng tây…

Vitamin B12 (Cobalamin)

Vitamin B12 giúp duy trì chức năng của hệ thống thần kinh. Các nguồn bổ sung giàu B12 gồm có sữa, thịt gia cầm và cá. Liều vitamin B12 khuyến nghị trong thai kỳ là vào khoảng 2.6 mcg/ngày.

Vitamin b12 cùng với acid folic không chỉ giúp phòng các dị tật nứt đốt sống mà còn có vai trò quan trọng để ngăn sự hình thành của những dị tật khác liên quan đến cột sống và hệ thần kinh trung ương ở thai nhi.

Tóm lại

Mặc dù các vitamin nhóm B vô cùng quan trọng trong thai kỳ nhưng bổ sung quá nhu cầu khuyến nghị hàng ngày không hề được khuyến cáo cho phụ nữ mang thai. Một chế độ dinh dưỡng cân bằng kết hợp với viên uống vitamin bổ sung trong thai kỳ sẽ giúp mẹ bầu luôn có một sức khỏe tốt để chuẩn bị đón chào con yêu. 

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Những sai lầm thường gặp khi sử dụng vitamin

Bình luận
Tin mới
  • 08/09/2024

    Những điều cần biết về vaccine phòng sốt xuất huyết

    Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt phổ biến ở các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Với sự gia tăng của các ca bệnh trong những năm gần đây, việc phát triển và sử dụng vaccine phòng sốt xuất huyết đã trở thành một bước tiến quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh.

  • 08/09/2024

    3 cách tự nhiên giúp giảm buồn nôn

    Buồn nôn là cảm giác khó chịu, gây mệt mỏi mà bất kỳ ai cũng có thể gặp phải. Nó có thể xuất phát từ cảm giác hết sức tự nhiên khi bạn ăn thức ăn lạ, có mùi, có thể là do say tàu xe hoặc cảm lạnh và dưới đây là một số cách tự nhiên giúp bạn giảm cơn buồn nôn.

  • 07/09/2024

    Chuyên gia chia sẻ cách “sử dụng” thời gian hàng ngày để kéo dài tuổi thọ

    Nathan K. LeBrasseur, chuyên gia hàng đầu về lão hóa tại bệnh viện Mayo Clinic (Mỹ), khẳng định rằng lối sống lành mạnh chính là chìa khóa để ngăn ngừa nhiều bệnh tật và kéo dài tuổi thọ.

  • 07/09/2024

    Lý do bạn nên hiến máu thường xuyên

    Hiến máu là một nghĩa cử nhân đạo và cao đẹp. Hành động này không chỉ giúp cho những bệnh nhân đang cần máu mà còn tốt cho sức khỏe người hiến tặng.

  • 07/09/2024

    Vũ khí bí mật chống lại viêm nhiễm phụ khoa

    Probiotics là các vi sinh vật sống có lợi cho sức khỏe, thường được tìm thấy trong các thực phẩm lên men như sữa chua, kim chi, dưa chua hoặc dưới dạng thực phẩm bổ sung.

  • 07/09/2024

    Những thói quen trang điểm có thể gây tổn thương mắt

    Trang điểm là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều chị em phụ nữ. Tuy nhiên, các chuyên gia về thị lực cảnh báo một số thói quen trang điểm có thể gây tổn thương mắt.

  • 06/09/2024

    Đôi môi nói lên điều gì về sức khỏe?

    Đôi môi căng mọng, mềm mại giúp gương mặt tràn đầy sức sống. Trái lại, một vài dấu hiệu sau cho thấy đôi môi đang “lên tiếng” cảnh báo bạn cần quan tâm đến một số vấn đề sức khỏe.

  • 06/09/2024

    Béo phì ảnh hưởng đến làn da thế nào?

    Tình trạng thừa cân, béo phì không chỉ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và đái tháo đường, mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe làn da. Một vài vấn đề da liễu có liên hệ mật thiết với cân nặng của bạn.

Xem thêm