Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

BPA và tác hại cho cơ thể

BPA là một hóa chất công nghiệp có thể xâm nhập vào cơ thể bằng rất nhiều cách. Một số chuyên gia khẳng định rằng đó là một chất độc và mọi người nên cố gắng tránh tiếp xúc với BPA. Nhưng BPA có thật sự xấu như vậy và bạn có cần thiết phải tránh nó bằng mọi cách không? Dưới đây là thông tin chi tiết về BPA và các ảnh hưởng về sức khỏe của BPA.

BPA và tác hại cho cơ thể

BPA là gì?

BPA (bisphenol – A) là một chất hóa học được thêm vào rất nhiều sản phẩm thương mại, bao gồm vỏ hộp thực phẩm và các sản phẩm vệ sinh.

BPA được phát hiện ra lần đầu tiên vào những năm 1890, nhưng phải đến những năm 1950, các nhà hóa học mới nhận ra rằng BPA có thể trộn với các thành phần khác để sản xuất ra một loại nhựa polycarbonate cứng mà vẫn có khả năng đàn hồi.

Ngày nay, nhựa có chứa BPA thường được sử dụng phổ biến để làm hộp của các thực phẩm đóng hộp, bình sữa của trẻ em và một số vật dụng khác. BPA cũng được dùng để tạo ra nhựa epoxy, loại nhựa thường được dùng để tạo ra lớp lót bên trong của vỏ đồ hộp, để giữ cho lớp kim loại không bị ăn mòn và phá hủy.

Những sản phẩm nào chứa nhiều BPA nhất?

Các sản phẩm phổ biến chứa BPA bao gồm:

  • Các mặt hàng đóng gói trong hộp nhựa.
  • Thực phẩm đóng hộp
  • Đồ dùng trong nhà
  • Sản phẩm vệ sinh phụ nữ
  • Biên lai máy in nhiệt
  • Đĩa CD và DVD
  • Các đồ điện tử gia dụng
  • Kính đeo mắt
  • Các thiết bị thể thao
  • Chất dùng để trám răng.

Điều đáng chú ý là hiện nay, rất nhiều nhà sản xuất đã chuyển sang sản xuất các sản phẩm không chứa BPA, thay thế BPA bằng BPS (bisphenol – S) hoặc BPF (bisphenol – F)

Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây cho thấy kể cả một số lượng nhỏ BPS và BPF cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng của các tế bào giống như BPA. Do vậy, các chai lọ không chứa BPA vẫn chưa phải là giải pháp tối ưu.

Các đồ nhựa được dán nhãn với số tái chế là 3 và 7 hoặc với hai chữ cái “PC” thường sẽ chứa BPA, BPS hoặc BPF.

BPA xâm nhập vào cơ thể như thế nào?

Nguồn BPA mà bạn tiếp xúc chủ yếu chính là thông qua bữa ăn. Đó là bởi vì các vỏ hộp có BPA được sản xuất ra nhưng không phải tất cả BPA đều gắn chặt vào sản phẩm. Do vậy, một phần của BPA sẽ thoát ra và trộn với các chất có trong đồ hộp khi thức ăn hoặc chất lỏng được đổ vào trong hộp.

Một nghiên cứu gần đây cho thấy, lượng BPA trong nước tiểu giảm đi khoảng 66% sau 3 ngày tránh ăn đồ hộp hoặc đồ đóng gói sẵn. Trong một nghiên cứu khác, những người tham gia ăn một khẩu phần súp nấu hoặc súp đóng hộp trong khoảng 5 ngày. Lượng BPA trong nước tiểu của nhóm ăn súp đóng hộp cao hơn khoảng 1,221% so với nhóm ăn súp nấu. Tổ chức Y tế thế giới cũng báo cáo rằng lượng BPA ở trẻ nhỏ bú sữa mẹ cũng thấp hơn khoảng 8 lần so với lượng BPA đo được của trẻ nhỏ bú sữa công thức bằng bình có chứa BPA.

BPA có hại cho sức khỏe không?

Rất nhiều nhà khoa học khẳng định rằng BPA có hại, nhưng những nhà khoa học khác lại không đồng ý với khẳng định này. Dưới đây sẽ giải thích hoạt động của BPA trong cơ thể và tại sao các ảnh hưởng của BPA lên cơ thể vẫn còn gây tranh cãi.

Cơ chế sinh học của BPA

BPA được cho là sẽ bắt chước cấu tạo và chức năng của hoocmôn  estrogen. Vì có hình dạng giống với estrogen, BPA có thể đánh lừa các thụ thể nhận estrogen và có thể gây ảnh hưởng đến các quá trình của cơ thể, như quá trình phát triển, thay thế tế bào, quá trình phát triển của thai nhi, lượng năng lượng và quá trình sinh sản.

Thêm vào đó, BPA còn có khả năng tương tác với các thụ thể hoocmôn khác, ví dụ như thụ thể hoocmôn tuyến giáp, qua đó, ảnh hưởng đến chức năng của các thụ thể này.

Cơ thể chúng ta rất nhạy cảm với những thay đổi về nồng độ hoocmôn. Do đó, việc BPA có thể “bắt chước” estrogen được coi là sẽ có ảnh hưởng đến cơ thể.

Tranh cãi về BPA

Qua những thông tin trên, rất nhiều người băn khoăn rằng nếu như vậy, BPA có nên bị cấm hay không?

Việc sử dụng BPA đã bị giới hạn ở cộng đồng chung châu Âu (EU), Canada, Trung Quốc và Malaysia, đặc biệt là trong những sản phẩm dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Một số tiểu bang ở Hoa Kỳ cũng đã làm theo quy định này, nhưng không có các quy định liên bang được thiết lập.

Năm 2014, tổ chức FDA công bố báo cáo mới nhất, trong đó khẳng định ban đầu từ những năm 1980 rằng liều tiếp xúc hàng ngày của BPA là 50mcg/kg được coi là an toàn. Tuy nhiên, các nghiên cứu trên động vật gặm nhấm cho thấy ở liều thấp hơn (khoảng 10mcg/kg/ngày), BPA cũng có thể gây ra các ảnh hưởng tiêu cực lên cơ thể. Nghiên cứu trên khỉ cũng cho thấy liều tương tự trên người sẽ có ảnh hưởng xấu lên chức năng sinh sản.

Một báo cáo tổng hợp năm 2006 có thể giải thích được sự khác biệt này. Báo cáo này phát hiện ra rằng tất cả các nghiên cứu được tài trợ bởi ngành công nghiệp đều không thấy ảnh hưởng của việc phơi nhiễm với BPA, trong khi 92% số nghiên cứu không được tài trợ bởi công nghiệp tìm thấy những ảnh hưởng tiêu cực của BPA lên cơ thể.

BPA có thể gây vô sinh ở nam giới và phụ nữ

BPA có thể ảnh hưởng đến rất nhiều khía cạnh của việc mang thai.

Một nghiên cứu quan sát những phụ nữ thường xuyên bị xảy thai cho thấy lượng BPA trong máu của họ cao gấp 3 lần so với những phụ nữ mang thai và sinh nở an toàn. Một nghiên cứu khác trên những phụ nữ đang điều trị vô sinh cho thấy những phụ nữ có lượng BPA cao hơn sản xuất ra ít trứng hơn và có thể khó mang thai hơn gấp 2 lần so với những người phụ nữ khác.

Trong số các cặp vợ chồng đang tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm, nam giới có lượng BPA cao nhất sản xuất ra phôi có chất lượng thấp hơn khoảng 30-46%. Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng, nam giới có lượng BPA cao hơn sẽ có ít tinh trùng và chất lượng tinh trùng kém hơn từ 3-4 lần. Thêm vào đó, nam giới làm việc trong các công ty sản xuất  ra BPA ở Trung Quốc báo cáo lại rằng họ khó xuất tinh hơn 4,5 lần và ít cảm thấy thỏa mãn trong đời sống tình dục hơn những nam giới khác.

Tuy nhiên, mặc dù các ảnh hưởng của BPA đều đã được chú ý đến, một số bài báo cáo tổng hợp gần đây cho rằng cần thêm nhiều nghiên cứu nữa để có các bằng chứng mạnh mẽ hơn về ảnh hưởng của BPA lên cơ thể.

Ảnh hưởng tiêu cực của BPA lên trẻ nhỏ

Đa số các nghiên cứu (nhưng không phải tất cả) đã quan sát các trẻ được sinh ra từ người mẹ phơi nhiễm với BPA tại nơi làm việc có cân nặng sơ sinh thấp hơn khoảng 0,2kg so với trẻ sinh ra từ bà mẹ không phơi nhiễm với BPA. Trẻ em sinh ra từ cha mẹ bị phơi nhiễm BPA có chiều dài từ hậu môn đến cơ quan sinh dục ngắn hơn và cũng đã chỉ ra được các ảnh hưởng về mặt hoocmôn của BPA lên quá trình phát triển.

Ngoài ra, trẻ nhỏ được sinh ra từ các bà mẹ có nồng độ BPA cao thường dễ hiếu động, dễ lo âu hoặc trầm cảm. Phản ứng cảm xúc của trẻ có thể cao hơn 1,5 lần và cảm xúc tức giận của trẻ cao hơn 1,1 lần so với những trẻ bình thường.

Cuối cùng, tiếp xúc với BPA trong suốt những năm đầu đời được cho là có ảnh hưởng đến tuyến tiền liệt và sự phát triển của các mô tuyến vú, do đó có thể làm tăng nguy cơ ung thư.

Tuy nhiên, trong khi các nghiên cứu trên động vật thường hỗ trợ những khẳng định trên thì có rất ít nghiên cứu thực hiện trên người đưa ra kết luận như vậy.

Tiếp xúc với BPA liên quan đến các bệnh tim mạch và đái tháo đường typ 2

Các nghiên cứu trên người đã tìm hiểu về mối liên quan giữa lượng BPA và huyết áp. Kết quả cho thấy nguy cơ tăng huyết áp sẽ tăng 27-135% ở những người có lượng BPA cao. Một khảo sát trên 1.455 người Mỹ đã chỉ ra mối liên quan giữa lượng BPA cao với nguy cơ bệnh tim mạch cao hơn 18-63%, và nguy cơ đái tháo đường tăng 21-60%. Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng lượng BPA cao có thể làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường typ 2 lên 68-130%. Những người có lượng BPA cao cũng có khả năng kháng insulin cao hơn khoảng 37%, đây là một yếu tố quyết định trong hội chứng chuyển hóa và đái tháo đường typ 2.

Tuy nhiên, một số nghiên cứu lại không chỉ ra được mối liên quan giữa BPA và các bệnh này.

BPA có thể gây ra các vấn đề sức khỏe khác:

Béo phì: Những người có lượng BPA cao thường có nguy cơ béo phì cao hơn khoảng 50-85%

Buồng trứng đa nang: Lượng BPA ở những phụ nữ có buồng trứng đa nang thường cao hơn khoảng 46% so với những phụ nữ khỏe mạnh bình thường.

Mang thai và sinh nở: Phụ nữ có lượng BPA cao thường nguy cơ sinh sớm (trước 37 tuần ) cao hơn 91%.

Hen suyễn: Tiếp xúc với BPA trước khi sinh, đặc biệt là ở tuần thứ 16 có liên quan đến việc tăng 130% nguy cơ bị khò khè ở trẻ sơ sinh dưới 6 tháng. Tiếp xúc với BPA trong những năm đầu đời cũng liên quan đến việc khò khè sau này.

Chức năng gan: Lượng BPA cao có liên quan đến việc tăng 29% nguy cơ có các bất thường về nồng độ enzym trong gan.

Lượng BPA cao còn liên quan đến suy giảm chức năng miễn dịch, lượng hoocmôn tuyến giáp bất thường và kém liên kết giữa các tế bào não (nghiên cứu trên khỉ).

Làm thế nào để tránh tiếp xúc với BPA?

Mặc dù việc tránh tiếp xúc hoàn toàn với BPA gần như là không thể, nhưng có rất nhiều cách để tránh được đa số việc tiếp xúc với BPA:

  • Tránh thực phẩm đóng gói/ đóng hộp, đặc biệt là khi vỏ hộp nhựa ghi số tái chế là 3, 7 hoặc PC
  • Uống nước từ bình/ cốc thủy tinh thay vì cốc/ bình nhựa
  • Tránh xa các sản phẩm có chứa BPA
  • Lựa chọn đồ chơi nhựa cẩn thận cho trẻ nhỏ, chỉ chọn những loại đồ chơi không chứa BPA.
  • Không dùng đồ nhựa trong lò vi sóng, thay vào đó, hãy dùng đồ thủy tinh
  • Mua sữa công thức dạng bột thay vì dạng lỏng.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: BPA và Đồ nhựa đựng thực phẩm

Ts.Bs.Trương Hồng Sơn - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Tổng hợp từ Authoritynutrition
Bình luận
Tin mới
  • 29/03/2024

    Đau đầu có nên uống trà?

    Khi bị stress, đau nhức đầu, nhiều người tìm tới thức uống giúp giải tỏa mệt mỏi như trà. Tuy nhiên, liệu trà nhiều caffeine và tannin có giúp giảm đau đầu hiệu quả?

  • 29/03/2024

    Điều gì thực sự xảy ra với cơ thể bạn khi bạn dùng Collagen?

    Theo các thống kê collagen là một trong những chất bổ sung phổ biến và thị trường tiêu thụ ngày càng tăng. Nhưng trước khi bạn đổ tiền vào các gian hàng thực phẩm bổ sung, bạn nên biết rằng không phải tất cả những tuyên bố về lợi ích của collagen đều có cơ sở khoa học.

  • 29/03/2024

    Cảnh báo nguy hiểm khi thiếu vitamin B12: Đau đầu, thiếu máu ác tính

    Vitamin B12 là dưỡng chất rất cần thiết cho các tế bào thần kinh và tế bào máu đỏ và cũng cần thiết cho sự hình thành ADN.

  • 29/03/2024

    Tác dụng phụ có thể xảy ra sau mổ đẻ

    Mổ đẻ là phẫu thuật lấy thai ra ngoài qua đường cắt ở vùng bụng và tử cung, được thực hiện khi sinh thường qua âm đạo có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của mẹ hoặc thai nhi. Mặc dù sinh mổ ngày nay đã an toàn hơn nhờ sự tiến bộ của y học, phương pháp này vẫn tiềm ẩn một số rủi ro và tác dụng phụ đối với cả người mẹ và trẻ sơ sinh.

  • 28/03/2024

    Vì sao bạn nên tẩy lớp trang điểm trước khi tập thể dục?

    Việc trang điểm nhẹ nhàng trước khi đến phòng tập thể dục có thể giúp chị em phụ nữ tự tin hơn. Nhưng theo một nghiên cứu mới được đăng trên Journal of Cosmetic Dermatology, việc này có thể có thể làm giảm lượng dầu trên da, gây khô da.

  • 28/03/2024

    5 nguyên liệu không nên bỏ qua khi pha chế món sinh tố chống viêm

    Sinh tố là thức uống bổ sung năng lượng và vitamin hiệu quả khi bạn mệt mỏi vì thời tiết. Công thức pha chế sinh tố nên có những thực phẩm, nguyên liệu giàu chất chống viêm để bảo vệ sức khỏe.

  • 28/03/2024

    Bà bầu "bỏ túi" ngay những lợi ích không ngờ từ việc uống vitamin trong thai kỳ

    Vitamin dành cho bà bầu là những viên bổ sung được sản xuất đặc biệt nhằm cung cấp cho cơ thể phụ nữ mang thai các vitamin và khoáng chất cần thiết. Bác sĩ khuyên bạn uống vitamin ngay từ khi bắt đầu lên kế hoạch mang thai cũng như trong suốt thai kỳ.

  • 28/03/2024

    Thực phẩm, đồ uống nên hạn chế khi đang bị nghẹt mũi

    Dấu hiệu nghẹt mũi thường gặp khi bạn bị cảm cúm, viêm mũi dị ứng hoặc viêm đường hô hấp. Một số thực phẩm, đồ uống có thể khiến triệu chứng này trầm trọng hơn, cản trở việc hít thở của bạn.

Xem thêm