Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Phòng tránh các bệnh về da liễu trong mùa bão lũ

Các bệnh ngoài da liên quan đến lũ lụt là một phần của hậu quả sau lũ, biểu hiện ở ngoài da hoặc có các dấu hiệu toàn thân do tiếp xúc lâu dài với nước bị ô nhiễm và điều kiện không hợp vệ sinh trong các trận lũ lụt.

Lũ lụt là một trong những thảm họa phổ biến nhất, liên quan đến khoảng 40% tổng số thiên tai trên toàn thế giới. Những cơn bão lũ gây ra nhiều hậu quả liên quan đến môi trường và sức khỏe con người, động vật, các sinh vật sống khác, ô nhiễm tài nguyên, thực phẩm và vật liệu hóa học, gây bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm,...Ngập lụt cũng ảnh hưởng đến hệ thống chăm sóc sức khỏe, chẳng hạn như khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế quan trọng, năng lực dịch vụ y tế địa phương,... 

Trong trường hợp xảy ra lũ lụt, nhiều người dân tiếp xúc với nước không sạch, có thể dẫn đến một số loại bệnh da liễu khác nhau. Nước lũ chứa mầm bệnh và hóa chất do tiếp xúc với nước thải thô, dầu, xăng, và các hóa chất gia dụng như sơn (đôi khi có chì) và thuốc diệt côn trùng. Ở một quy mô lớn hơn, việc giải phóng các chất ô nhiễm không chủ ý từ các khu công nghiệp, nông nghiệp có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng, gây bệnh về nhiễm trùng da, viêm nhiễm, cũng như các bệnh về da liên quan đến căng thẳng tâm lý.

Bệnh nhiễm trùng da

Nhiễm trùng da do vi khuẩn và nấm là bệnh da thường gặp nhất sau đợt lũ. Nguy cơ nhiễm trùng tăng lên sau các chấn thương da và ở những người mắc bệnh mãn tính như tiểu đường, suy tĩnh mạch mãn tính và suy giảm miễn dịch. Tụ cầu và liên cầu vẫn là nguyên nhân phổ biến nhất của nhiễm trùng da sau mỗi trận lũ lụt. Tuy nhiên, việc tiếp xúc với nước lũ có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng các vi khuẩn không điển hình. Nhiễm nấm như nấm da cũng đã được báo cáo đặc biệt là ở những vùng khí hậu ấm ẩm như Việt Nam.

  • Nhiễm nấm da

Sau mưa, ngập lụt, nguồn nước bị ô nhiễm là điều kiện thuận lợi để vi nấm phát triển. Vị trí thường nhiễm nấm là nấm kẽ ngón chân, nấm bẹn, nấm thân mình…Nấm kẽ chân là tình trạng nhiễm nấm ở da vùng kẽ các ngón chân, thường gặp ở kẽ ngón 4 và 5. Vào mùa mưa lũ, những người dầm nước lũ dễ gặp tình trạng nhiễm nấm kẽ ngón. Nấm bẹn là nhiễm nấm ở da vùng bẹn, làm xuất hiện các mảng da đỏ, ngứa, tróc vảy, diễn tiến lan rộng dần. Bệnh thường xảy ra vào mùa mưa vì quần áo dễ ẩm ướt khiến vùng bẹn vốn kém thông thoáng trở nên nóng ẩm hơn, là môi trường thuận lợi vi nấm phát triển.

  • Nhiễm trùng da do vi khuẩn

Biểu hiện của nhiễm trùng da là da sưng nóng, đỏ, đau, chảy nước, có thể có mủ, loét da. Vết thương có thể đóng màu vàng hoặc nâu, viêm xung quanh. Điều kiện vệ sinh kém, lao động dọn dẹp sau lũ dễ bị tổn thương da tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công

  • Bệnh ghẻ

Bệnh da gây ra bởi ký sinh trùng Sarcoptes scabiei (còn gọi là cái ghẻ). Bệnh ghẻ biểu hiện trên da với các nốt đỏ, mụn nước ở các vùng nếp kẽ như: lòng bàn tay, kẽ tay, nách, bụng, vùng sinh dục,…và ngứa rất nhiều về đêm, bệnh ghẻ có tính lây nhiễm cao nên nhiều người trong cùng gia đình có thể bị bệnh. Bệnh gây ngứa rất nhiều, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hàng ngày. Tăng độ ẩm trong mùa mưa là điều kiện thuận lợi cho ghẻ sinh sôi phát triển.

Viêm da tiếp xúc

Viêm da tiếp xúc xảy ra khi da tiếp xúc với hóa chất gây ra phản ứng, thường là mẩn đỏ, sưng tấy hoặc ngứa ngáy. Nước lũ thường chứa các hóa chất như thuốc trừ sâu, thuốc tẩy và chất tẩy rửa từ các ngành công nghiệp hoặc hộ gia đình có thể gây ra phản ứng như vậy.

Giai đoạn cấp tính của viêm da tiếp xúc kích ứng bắt đầu với sự xâm nhập của hóa chất hoặc chất gây kích ứng qua hàng rào thẩm thấu, gây tổn thương nhẹ tế bào sừng và giải phóng các chất trung gian gây viêm. Việc ngâm mình lâu trong nước ngập là một trong những yếu tố nguy cơ gây tổn thương tế bào sừng dẫn đến viêm và kích ứng mà không kích hoạt hệ thống miễn dịch. Thời gian khởi phát các triệu chứng thay đổi từ vài phút đến vài ngày tùy thuộc vào nồng độ của các chất gây kích ứng và thời gian tiếp xúc. Kích ứng do ngập lụt thường xuất hiện trên vị trí của bàn tay và bàn chân. Các triệu chứng của viêm da tiếp xúc kích ứng bao gồm bỏng rát, châm chích và đau nhức. Phương pháp điều trị lý tưởng là tránh chất kích ứng và duy trì vùng da khô ráo để ngăn ngừa các tình trạng da thứ phát. Điều trị hỗ trợ bằng corticosteroid tại chỗ trên vùng da bị viêm và uống kháng histamine để giảm các triệu chứng ngứa là đủ. Kích ứng kéo dài có thể gây ra bệnh chàm mãn tính và các bệnh nhiễm trùng do nấm và vi khuẩn thứ phát.

Chấn thương

Nước lũ có thể làm tăng nguy cơ đối với chấn thương do các vật được giấu dưới nước vớt lên, bao gồm các vật sắc nhọn (kim loại, thủy tinh, gậy), đá, các mối nguy hiểm về điện (đường dây điện bị hỏng),... Vì vậy các chấn thương ngoài ra và mô mềm rất hay gặp, nếu không được chăm sóc và điều trị kịp thời sẽ là đường vào của các vi khuẩn, kí sinh trùng,.. gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, thậm chí dẫn tới nhiễm trùng huyết có nguy cơ tử vong.

Các bệnh da liễu khác

Ngoài ra, căng thẳng tâm lý kết hợp với một trận lũ lụt có thể dẫn đến bệnh da nguyên phát trầm trọng hơn về tâm lý - cảm xúc, làm trầm trọng thêm các bệnh da đã có từ trước như: viêm da dị ứng, rụng tóc từng đám và bệnh vẩy nến.

Phòng ngừa bệnh da liễu trong mùa bão lũ

Trong các bệnh da liễu kể trên, một số bệnh có thể tự khỏi nếu được chăm sóc, vệ sinh tốt. Tuy nhiên đa số các trường hợp cần được điều trị với thuốc uống và thuốc bôi phù hợp để khỏi bệnh hoàn toàn cũng như phòng lây lan.

Theo khuyến cáo của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), hãy thực hiện các biện pháp sau để phòng ngừa mắc các bệnh da liễu trong mùa bão lũ:

  • Vệ sinh môi trường sống, đảm bảo cung cấp nguồn nước sạch
  • Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với các nguồn nước bẩn, các nguồn nước tù đọng lâu ngày
  • Mang các dụng cụ bảo hộ nếu bạn phải đi trong vùng nước ngập
  • Tránh tiếp xúc với nước lũ nếu bạn có vết thương hở
  • Rửa sạch vết thương bằng xà phòng và nước sạch
  • Làm sạch và băng kín vết thương bằng băng chống thấm nước để giảm nguy cơ nhiễm trùng
  • Nếu vết thương bị mẩn đỏ, sưng tấy hoặc chảy dịch, nên đến khám tại cơ sở y tế gần nhất để được điều trị bệnh

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Nhiễm trùng da do nấm Candida

 

Hoàng Hà Linh - Viện Y học ứng dụng Việt Nam -
Bình luận
Tin mới
Xem thêm