Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Những lý do khiến bạn dễ bị bầm tím

Bầm tím xảy ra khi các mạch máu bị vỡ và khiến máu bị rò rỉ vào bề mặt phía dưới da. Bầm tím thường là nguyên nhân của một chấn thương đến cơ và các mô liên kết. Máu sẽ tụ lại tạo thành một vết bầm tím, và sẽ thay đổi màu sắc theo thời gian. Vết bầm sẽ mờ dần vì máu sẽ được tái hấp thu vào cơ thể.

Đôi khi những vết bầm tím này xuất hiện mà không có nguyên nhân rõ ràng, mặc dù các bác sĩ cho rằng thường sẽ có lời giải thích và nguyên nhân hợp lý lý giải cho việc xuất hiện những vết bầm tím nay. Nếu tình trạng bầm tím diễn ra liên tục và không rõ nguyên nhân, hoặc nếu bạn có tiền sử gia đình về vấn đề này, bạn nên đến gặp bác sĩ. Dưới đây, Viện Y học ứng dụng Việt Nam đưa ra một số lý do khiến cơ thể bạn dễ bị bầm tím hơn.

Bạn là vận động viên hoặc là người rất năng động

Cho dù bạn là cầu thủ hoặc là người thường xuyên hoạt động vào cuối tuần, thì bạn cũng sẽ rất dễ bị bầm tím nếu bạn phải va chạm với các cầu thủ khác hoặc với trang thiết bị tại phòng tập gym. Đây sẽ không phải là vấn đề gì lớn nếu bạn lo lắng về những vết bầm tím xấu xí sẽ ảnh hưởng đến vẻ bề ngoài của bạn. Những vết bầm tím do nguyên nhân này sẽ không khiến bạn bị đau và không gây ra vấn đề gì quá nghiêm trọng cả. Các tình trạng bầm tím nhỏ sẽ không cần điều trị. Nhưng nếu bạn bị bầm lớn, do bị ngã hoặc bị va đập mạnh? Để tăng tốc độ lành thương, bạn nên nghỉ ngơi và nâng cao khu vực bị thương, chườm lạnh không quá 15 phút một lần trong vòng 24-48 giờ đầu tiên, sau đó có thể chuyển sang sử dụng miếng dán nhiệt hoặc chườm ấm sau 2 ngày và uống them một số loại thuốc không giảm đau không kê đơn.

Bạn đã lớn tuổi

Khi chúng ta lớn tuổi, da và các mạch máu sẽ dễ bị vỡ hơn, chúng ta cũng mất đi lớp collagen, elastin và một số lớp mỡ dưới da làm mô đệm và bảo vệ các mạch máu. Khi mới bị chấn thương, hãy áp dụng các biện pháp nghỉ ngơi, chườm, băng ép và nâng cao chân. Những việc này sẽ giúp vết bầm mới không nặng lên nhưng sẽ không giúp ích nhiều nếu bạn bị chấn thương quá 24 giờ.  Sau thời gian này, việc chườm nóng có thể giúp vết bầm biến mất nhanh hơn.

Da bạn bị tổn thương do ánh nắng mặt trời.

Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong nhiều năm có thể làm suy yếu niêm mạc các mạch máu, gây ra một loại bầm tím ở người lớn tuổi được gọi là ban xuất huyết do hoạt hóa – là những mảng màu tím xuất hiện trên mu bàn tay và cẳng tay mà không có vết sưng hoặc chấn thương đi kèm. Lão hóa và sử dụng một số loại thuốc cũng có thể gây ra những vết bầm tím này. Sử dụng các loại kem bôi có chứa retinol hoặc alpha hydroxy acid có thể giúp ích trong việc làm giảm sự xuất hiện của các vết bầm tím dạng này, trong khi đó, mặc áo dài tay và tránh chấn thương ở vùng bàn tay và cánh tay cũng có thể giúp dự phòng tình trạng bầm tím.

Bạn đang sử dụng thuốc giảm đau hoặc thuốc làm loãng máu

Sử dụng thuốc làm loãng máu, ví dụ như warfarin hoặc các loại thuốc chống viêm không steroid như aspirin và ibuprofen có thể dẫn đến tình trạng dễ bầm tím, đặc biệt là ở những người đã sử dụng những thuốc này trong thời gian dài. NSAID và các thuốc làm loãng máu sẽ cản trở chức năng bình thường của tiểu cầu. Tiểu cầu là một thành phần của máu có thể gắn với các yếu tố đông máu để giúp cầm máu. Việc uống 1 viên thuốc sẽ không gây ra vấn đề gì cả, nhưng sử dụng lâu dài sẽ là nguyên nhân khiến bạn dễ bị bầm tím. Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn muốn ngừng sử dụng thuốc.

Bạn đang sử dụng steroid

Bạn có bị hen suyễn, COPD, eczema hoặc viêm khớp dạng thấp không. Dễ bị bầm tím có thể là dấu hiệu của việc bạn đang sử dụng các loại corticosteroid. Cho dù bạn sử dụng thuốc dưới dạng hít, viên hay dạng thoa ngoài da, thì bầm tím cũng là phản ứng phụ thường gặp. Sử dụng corticosteroid trong thời gian dài, với liều cao có thể gây mỏng da. Nếu bầm tím là mối lo ngại của bạn, hãy trao đổi với bác sĩ về việc có nên tiếp tục dùng thuốc hay nên dừng lại và đổi thuốc.

Bạn bị giảm tiểu cầu

Nếu các vết bầm tím xuất hiện mà không rõ nguyên nhân, thì có thể đó là dấu hiệu cho thấy bạn mắc các rối loạn về tiểu cầu. Tiểu cầu rất quan trọng vì giúp hình thành các cục máu đông để làm chậm hoặc ngăn ngừa tình trạng chảy máu. Bạn có thể có không đủ số lượng tiểu cầu hoặc tiểu cầu của bạn có thể sẽ làm việc không hiệu quả.

Bạn bị tổn thương gan

Nếu gan bị tổn thương, thì bạn sẽ có ít tiểu cầu ở trong máu  hơn để hình thành cục máu đông, và do vậy, bạn sẽ dễ bị bầm tím hơn. Rất nhiều yếu tố sẽ khiến gan bạn bị tổn thương, từ việc nhiễm virus viêm gan C cho đến việc mắc các bệnh gan do rượu. Bạn thậm chí còn có thể vừa mắc bệnh gan và rối loạn đông máu. Do vậy, bạn cần phải được đánh giá toàn diện để đảm bảo rằng bạn không chẩn đoán nhầm nguyên nhân gây bầm tím.

Bạn sẽ bị ung thư máu

Dễ bầm tím cũng là triệu chứng phổ biến ở những người bị ung thư máu. Những người dễ bị bầm tím là do thiếu hụt các tế bào máu khỏe mạnh trong tủy xương, có thể là do không sản xuất đủ tiểu cầu cho quá trình đông máu. Bầm tím trong trường hợp này thường xảy ra ở những vị trí như lưng hoặc bàn tay. Những người bị ung thư máu thường sẽ xuất hiện nhiều vết một lúc, không rõ nguyên nhân và sẽ cần thời gian dài hơn để mờ đi.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Các giai đoạn hồi phục của vết bầm tím 

Ths. Liên Hương - Viện Y học ứng dụng Việt Nam (theo Health)
Bình luận
Tin mới
Xem thêm