|
Bữa ăn đầy đủ dưỡng chất đóng vai trò quan trọng để nạp năng lượng cho trẻ. Nếu trẻ ăn 3 bữa/ ngày, bữa sáng chiếm khoảng 30-35% tổng năng lượng cần thiết. Trong khi đó, nếu trẻ ăn 4 bữa/ ngày, bữa sáng sẽ chiếm 25-30% tổng năng lượng cần thiết. Và nếu ăn nhiều hơn 5 bữa/ ngày, trẻ cần bổ sung 20-25% tổng năng lượng cần thiết vào bữa sáng. |
|
Theo nghiên cứu của Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia, ở Việt Nam, bữa sáng cho trẻ chỉ cung cấp khoảng 23% năng lượng cả ngày. Cuộc sống bận rộn thường khiến các bà mẹ có rất ít thời gian để chuẩn bị bữa ăn sáng chất lượng, đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ. Những bữa sáng với đồ ăn nhanh, thực phẩm chiên, rán, bánh mì kẹp thịt, bánh ngọt... chứa nhiều tinh bột, no bụng nhưng không đủ chất dinh dưỡng. Thậm chí, chúng chứa hàm lượng chất béo khá cao, có thể làm hao hụt năng lượng của trẻ. |
|
Bữa sáng của trẻ cần có đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng cần thiết là trái cây/rau, protein, sữa và ngũ cốc. Nhóm trái cây, rau củ là nguồn cung cấp vitamin, chất khoáng, chất xơ và một số chất chống oxy hóa cần thiết cho cơ thể. Nhóm protein (chất đạm) là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể. Nhóm sữa và các sản phẩm từ sữa chứa đầy đủ các chất đạm, chất béo, đường, vitamin và chất khoáng giúp cơ thể khỏe mạnh. Đặc biệt, trong sữa có hàm lượng canxi cao, dễ hấp thụ. Ngũ cốc (nhóm chất bột đường) cung cấp 50-60% tổng nhu cầu năng lượng hàng ngày của trẻ. |
|
Để có bữa sáng cân bằng, bạn không nhất thiết phải chia theo tỷ lệ đồng đều giữa các nhóm chất, mà phải đáp ứng đúng nhu cầu của cơ thể. Theo đó, nhóm chất đạm (protein) chiếm 13-20% bữa sáng, chất béo (lipid) là 20-25% và tinh bột đường (glucid) là 55-65%. |
|
Tiêu chí để tính lượng calo ở trẻ là cần phải có lượng dinh dưỡng đầy đủ, cân đối giữa các chất. Bố mẹ phải phân chia từng bữa ăn của bé khoa học và đầy đủ dưỡng chất nhất. Công thức tính lượng calo cần thiết phổ biến ở trẻ là 100 x tuổi + 1.000 kcal. |
|
Theo nhiều nghiên cứu, khi cơ thể vừa trải qua một giấc ngủ đêm dài, hệ tiêu hóa thường nghỉ ngơi và sáng hôm sau sẽ tiêu hóa nốt thức ăn còn lại vào buổi tối hôm trước. Vì vậy, cho bé ăn ngay khi vừa ngủ dậy có thể gây tổn thương tới dạ dày. Bạn nên cho trẻ ăn sau khi ngủ dậy ít nhất khoảng 20-30 phút. |
|
Một cuộc khảo sát gần đây của Asia One Health cho thấy 1 trong 3 trẻ em bỏ bữa ăn sáng ít nhất một lần một tuần. Vào buổi sáng, cơ thể trẻ cần nhiên liệu sau một khoảng thời gian dài từ 10-12 giờ từ bữa ăn cuối cùng của ngày hôm trước. Bỏ bữa sáng có thể khiến trẻ cảm thấy mệt mỏi, cáu kỉnh hoặc bồn chồn. |
|
Vẫn trong khảo sát của Asia One Health, khoảng 38% phụ huynh thừa nhận họ không có đủ thời gian để nấu ăn sáng và cho các con ăn. Tuy nhiên, thực tế, bố mẹ nên biết bữa sáng có thể làm thay đổi cuộc sống cho các em nhỏ. Trong nghiên cứu của Trung tâm Quốc gia Mỹ, bữa sáng có thể giúp trẻ nhanh nhạy, tỉnh táo, tập trung tốt hơn ở trường và duy trì trọng lượng khỏe mạnh. |
Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Chế độ ăn low-carb đem lại lợi ích gì cho thoái hóa khớp gối?
Hà My & Phương Mai - Theo Zing