Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Ngộ độc thực phẩm khi mang thai

Khi mang thai, người phụ nữ có thể gặp các triệu chứng phổ biến như nôn và buồn nôn. Tuy nhiên, những triệu chứng này có thể xảy ra do ngộ độc thực phẩm. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu những triệu chứng xảy ra có phải do thực phẩm hay không? Và sau khi nhiễm bệnh, bạn cần làm gì để đảm bảo an toàn cho thai nhi.

Các loại ngộ độc thực phẩm

Khi mang thai, hệ miễn dịch sẽ yếu hơn bình thường, do đó khả năng chống lại vi trùng trong thức ăn cũng bị suy giảm. Bạn có thể bị ngộ độc thực phẩm nếu thực phẩm có chứa: Vi khuẩn, ký sinh trùng, virus hoặc một số hóa chất.

Food Poisoning When Pregnant: What to Do, Causes, and Prevention

Có một số loại ngộ độc khác nhau, tuy nhiên có một vài loại ngộ độc sẽ phổ biến và nguy hiểm hơn đối với phụ nữ mang thai.

  • Bệnh Listeria: Phụ nữ mang thai có nguy cơ mắc bệnh Listeria cao gấp 13 lần so với những đối tượng khác. Bệnh listeria xuất phát từ vi khuẩn listeria và loại vi khuẩn này có thể ở trong các loại thịt ăn liền như xúc xích và thịt nguội. Gia cầm, hải sản và các sản phẩm từ sữa cũng có thể chứa vi khuẩn này, đặc biệt nếu sản phẩm đó chưa được tiệt trùng. Vi khuẩn này có thể phát triển ngay cả trên thực phẩm đã được bảo quản lạnh.
  • Vi khuẩn Escherichia coli (E.coli): Trong cơ thể, vi khuẩn này sống trong ruột một cách tự nhiên. Tuy nhiên, bạn cũng có thể bị ngộ độc nếu ăn phải trái cây, rau củ, thịt sống hoặc chưa nấu chín, hoặc sữa và nước ép trái cây chưa tiệt trùng.
  • Samonella: Vi khuẩn này gây ra bệnh nhiễm khuẩn Salmonella. Thông thường, vi khuẩn này có trong trứng chứa nấu chín hoặc sống, các loại thịt hoặc thực phẩm chưa được tiệt trùng. Bạn cũng có thể mắc bệnh nếu ăn thực phẩm đã tiếp xúc với đất hoặc phân động vật bị nhiễm khuẩn salmonella.
  • Campylobacter: Bạn nhiễm vi khuẩn này chủ yếu qua thịt gà bị ô nhiễm hoặc thực phẩm chưa được tiệt trùng

Đọc thêm bài viết: Nên ăn hoa quả gì khi mang thai?

Triệu chứng của ngộ độc thực phẩm khi mang thai

Các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm có thể khó nhận biết khi mang thai. Vì các triệu chứng có thể xuất hiện ngay lập tức, nhưng một số trường hợp, các triệu chứng có thể xuất hiện sau vài ngày hoặc thậm chí vài tuần sau đó. Các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm có thể gồm: Đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, co thắt dạ dày, mất nước. Thông thường, ngộ độc thực phẩm có thể giống với bệnh cúm, vì bạn có thể bị sốt, nhức đầu, đau nhức cơ thể và một số triệu chứng khác

Những lời khuyên khi bị ngộ độc thực phẩm trong khi mang thai

Khi mang thai, bạn không chỉ bảo vệ sức khỏe của bản thân mình, bởi một số trường hợp ngộ độc thực phẩm có thể gây ra vấn đề cho thai nhi vì hệ miễn dịch của trẻ chưa đủ mạnh để chống lại vi trùng. Khi bạn xuất hiện các triệu chứng giống như ngộ độc thực phẩm, bạn có thể xử lý các triệu chứng tại nhà với sự hướng dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên, nếu bạn bị nôn và tiêu chảy bạn nên đi khám ngay để đánh giá triệu chứng mà không nên tự ý dùng bất kỳ loại thuốc nào.

Trong trường hợp chỉ mắc các triệu chứng nhẹ, bạn có thể điều trị tại nhà và điều cần làm đó là nghỉ ngơi và bù nước. Bạn có thể bù nước qua bất kỳ cách nào: có thể thông qua nước lọc hoặc đồ uống điện giải. Bạn nên đợi đến khi đã hết nôn rồi mới cố gắng ăn bổ sung. Những thức ăn đầu tiên sau khi nôn nên là các loại thực phẩm có vị nhạt, không dầu mỡ.

Khi nào cần phải đi khám?

Ngộ độc thực phẩm cần được điều trị nếu bạn :

  • Xuất hiện các dấu hiệu mất nước như khát nước quá mức, khô môi, đi tiểu ít hoặc không đi tiểu
  • Nôn mửa hoặc tiêu chảy không ngừng
  • Đau bụng dữ dội
  • Sốt cao trên 38 độ C
  • Xuất hiện máu hoặc mủ trong phân
  • Phân có màu đen

Biến chứng của ngộ độc thực phẩm khi mang thai

Nếu bạn bị bệnh listeria, các triệu chứng có thể không xuất hiện, tuy nhiên các vi khuẩn có thể bị truyền qua cho thai nhi và gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, như: Bệnh bại liệt, mù lòa, co giật, các vấn đề về não, tim hoặc thận. Trong trường hợp nguy hiểm nhất, bệnh listeria có thể gây sinh non, trẻ sơ sinh nhẹ cân và thậm chí sảy thai hoặc thai chết lưu.

Bệnh Salmonella cũng có thể bị truyền sang cho thai nhi và gây ra các biến chứng nghiêm trọng như viêm màng não. Campylobacter có thể gây sảy thai nếu bạn nhiễm sớm trong thai kỳ. Nếu bạn mắc bệnh khi đang sinh hoặc vi khuẩn truyền sang trẻ, vi khuẩn có thể đe dọa tính mạng của trẻ. Thông thường, biến chứng phổ biến nhất do ngộ độc thực phẩm nói chung là mất nước. Một số bệnh do thực phẩm, đặc biệt là E. coli cũng có thể gây tổn thương thận.

Đọc thêm bài viết: Phụ nữ mang thai nên có chế độ dinh dưỡng như thế nào?

Phòng ngừa ngộ độc thực phẩm như thế nào?

Bạn có thể tự bảo vệ mình khỏi nhiều loại ngộ độc thực phẩm, cho dù bạn có mang thai hay không, bằng cách lựa chọn cẩn thận về những gì bạn ăn và cách bạn sơ chế thực phẩm an toàn.

Lời khuyên xử lý thực phẩm an toàn:

  • Rửa tay kỹ bằng xà phòng và nước trước và sau khi chạm vào thức ăn.
  • Không nên để thịt sống tiếp xúc với bất kỳ thực phẩm nào bạn sẽ ăn sống
  • Bảo quản thực phẩm dễ hỏng trong tủ lạnh hoặc đông lạnh.
  • Làm sạch trái cây và rau quả trước khi ăn hoặc nấu chín.
  • Rửa dụng cụ và bề mặt chuẩn bị thức ăn sau khi bạn sử dụng chúng.
  • Nấu thức ăn ở nhiệt độ đủ cao để tiêu diệt vi trùng.
  • Làm lạnh thức ăn thừa ngay lập tức. Không ăn thức ăn đã để ngoài hoặc đã hết hạn sử dụng.

Một số loại thực phẩm bạn không nên sự dụng khi đang mang thai:

  • Các sản phẩm sữa chưa tiệt trùng, như sữa tươi và một số nhãn hiệu phô mai mềm
  • Thịt, gia cầm, cá hoặc động vật có vỏ sống hoặc nấu chưa chín
  • Trứng chảy nước hoặc sống
  • Xúc xích hoặc thịt nguội, trừ khi các thực phẩm đó được làm nóng đến 165 độ
  • Salad, thịt hun khói hoặc hải sản làm sẵn từ cửa hàng bán đồ ăn nhanh
  • Cá hun khói, trừ khi được đóng hộp hoặc tự chế biến
  • Nước trái cây hoặc rượu táo chưa tiệt trùng
  • Giá đỗ

Nếu bạn mang thai, hãy chuẩn bị cho mình những kiến thức dinh dưỡng khoa học và phù hợp với thể trạng để giúp mẹ khỏe, bé phát triển tốt suốt 9 tháng thai kỳ. Nếu muốn được tư vấn bởi các chuyên gia giàu kinh nghiệm, hãy tới Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM trực thuộc Viện Y học ứng dụng Việt Nam. Liên hệ đặt lịch TẠI ĐÂY hoặc tại Hotline: 0935183939 hoặc 02436335678

BS Tạ Tùng Duy - Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM - Theo WebMD
Bình luận
Tin mới
Xem thêm