Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Mẹo đơn giản giúp cải thiện chứng mất ngủ ở phụ nữ mang thai

Mất ngủ khi mang thai tuy không ảnh hưởng nhiều tới thai nhi nhưng nó cũng gây không ít phiền toái với bà mẹ, thậm chí còn ảnh hưởng tới sức khỏe của thai phụ.

Có tới khoảng 2/3 phụ nữ mang thai bị mất ngủ trong thai kỳ, có thể chỉ trong một thời gian ngắn, cũng có những trường hợp mất ngủ kéo dài. Với hầu hết các trường hợp, các triệu chứng mất ngủ thường bắt đầu ở tam cá nguyệt thứ 3 tức 3 tháng cuối thai kỳ. Bạn có thể yên tâm rằng chứng mất ngủ khi mang thai sẽ không làm ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi.

Mặc dù vậy, chứng mất ngủ kinh niên có thể dẫn đến trầm cảm, căng thẳng và đái tháo đường thai kỳ. Ngoài ra, bà mẹ mang thai bị mất ngủ thường xuyên vào cuối thai kỳ sẽ có nguy cơ chuyển dạ kéo dài, khó khăn khi sinh nở và có thể phải dùng tới phương pháp sinh mổ bắt con.

1. Nguyên nhân gây mất ngủ ở thai phụ

Sự thay đổi nội tiết tố là nguyên nhân chính gây ra chứng mất ngủ khi mang thai. Tuy nhiên, những yếu tố sau đây cũng góp phần không nhỏ gây rối loạn giấc ngủ ở phụ nữ mang thai.

  • Chuột rút
  • Đau đầu/đau nửa đầu
  • Ợ chua khi mang thai
  • Đi tiểu thường xuyên
  • Ốm nghén
  • Lo lắng trước khi sinh
  • Khó chịu do bụng ngày càng to

Mẹo đơn giản giúp cải thiện chứng mất ngủ ở phụ nữ mang thai - Ảnh 2.

Thay đổi nội tiết tố là nguyên nhân chính dẫn đến mất ngủ ở cuối thai kỳ.

2. Mất ngủ ảnh hưởng tới sức khỏe thế nào?

Chất lượng giấc ngủ kém do mất ngủ ảnh hưởng đến cơ thể theo nhiều cách. Một số người rơi vào tình trạng lạm dụng chất kích thích khi họ hình thành thói quen dùng quá nhiều thuốc ngủ. Tuy nhiên, nếu bạn được điều trị kịp thời, thì khả năng xảy ra các biến chứng về sức khỏe sẽ giảm đi.

- Vấn đề về tim mạch

Mất ngủ liên tục và cơ thể không được nghỉ ngơi nhiều sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành, suy tim, nhịp tim không đều. Tình trạng thiếu ngủ khiến việc tuân theo một thói quen tốt cho tim mạch trở nên khó khăn hơn.

- Các vấn đề về sức khỏe tâm thần

Mất ngủ gây căng thẳng khiến khả năng bị trầm cảm tăng gấp 10 lần. Nó cũng làm chậm quá trình hồi phục nếu bạn đang sử dụng bất kỳ liệu pháp nào để điều trị các bệnh lý tâm thần. Giấc ngủ kém và sự tỉnh táo không mong muốn do mất ngủ cũng làm tăng sự lo lắng.

- Giảm miễn dịch

Nếu cơ thể bạn không được ngủ và nghỉ ngơi đầy đủ, hệ thống miễn dịch cũng thiếu các cơ chế bảo vệ. Ngủ quá ít khiến cơ thể bạn khó chống lại nhiễm trùng, dẫn đến tăng khả năng bị viêm và mắc bệnh.

- Tăng cân

Thiếu ngủ khiến bạn mệt mỏi. Chắc hẳn bạn sẽ không cảm thấy muốn tập thể dục khiến lượng mỡ thừa tích tụ. Hơn nữa, các chuyên gia nhận thấy rằng ham muốn ăn vô độ sẽ tăng lên nếu bạn bị mất ngủ. Ít vận động kèm theo lượng calo dư thừa gây tăng cân. Nó thậm chí có thể dẫn đến béo phì.

Mẹo đơn giản giúp cải thiện chứng mất ngủ ở phụ nữ mang thai - Ảnh 3.

Phụ nữ mang thai bị mất ngủ sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe.

3. Giải pháp cho các vấn đề về giấc ngủ khi mang thai

Phụ nữ mang thai bị mất ngủ có thể tự thực hiện những biện pháp đơn giản dưới đây để cải thiện tình trạng mất ngủ.

3.1 Thay đổi thói quen sinh hoạt

  • Tránh caffein và socola vào buổi tối, giải tỏa tâm trí khỏi những lo lắng dai dẳng, giữ phòng ở nhiệt độ thích hợp.
  • Uống 8 cốc nước (hoặc các chất lỏng khác) mỗi ngày, nhưng giảm dần vào ban đêm. Uống nếu bạn khát, nhưng đừng uống một cốc nước lớn ngay trước khi đi ngủ.
  • Ăn tối sớm và giảm lượng thức ăn trong bữa tối, vì một bữa ăn no ngay trước khi đi ngủ có thể khiến bạn không ngủ được. Nếu cảm thấy đói, bạn có thể ăn nhẹ với một chút bánh nướng và một ly sữa nóng trước giờ ngủ 30 phút.
  • Tránh xa màn hình ít nhất một giờ trước khi đi ngủ, vì ánh sáng xanh có thể làm rối loạn mức độ melatonin - một hormone điều chỉnh giấc ngủ.

3.2 Thực hành thiền mỗi ngày

Thư giãn cơ thể với một vài bài thiền có thể cải thiện đáng kể tình trạng mất ngủ và giấc ngủ bằng cách giảm căng thẳng và kiểm soát cảm xúc của bạn. Thực hành thiền hàng ngày làm giảm căng thẳng và cải thiện tâm trạng, giúp bạn ngủ ngon hơn.

Thiền định là một phương pháp an toàn để thực hành hàng ngày đối với phụ nữ mang thai. Bạn có thể bắt đầu bằng cách dành 15 phút vào buổi sáng và buổi tối cho thiền chánh niệm.

Mẹo đơn giản giúp cải thiện chứng mất ngủ ở phụ nữ mang thai - Ảnh 4.

Thiền định an toàn với phụ nữ mang thai.

3.3 Bổ sung melatonin

Các chuyên gia y tế khuyên sử dụng các chất bổ sung chứa melatonin để cải thiện chứng mất ngủ ở phụ nữ mang thai. Melatonin là một hormone có vai trò hỗ trợ cơ thể duy trì chu kỳ ngủ - thức lành mạnh. Nó có thể đưa bạn vào trạng thái thư giãn có lợi để đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn.

Mặc dù chất bổ sung này có thể không mạnh bằng các thuốc hỗ trợ giấc ngủ theo toa, nhưng nó được đánh giá là an toàn với phụ nữ mang thai và không gây ra triệu chứng nôn nao vào sáng hôm sau như một số chất hỗ trợ giấc ngủ khác.

Hiệu quả tốt nhất đạt được khi dùng melatonin khoảng 30 phút đến 1 giờ trước khi đi ngủ.

3.4 Massage với tinh dầu

Sử dụng các loại tinh dầu như hoa oải hương, gỗ tuyết tùng và hoa cúc La Mã để xoa bóp cơ thể, bàn chân và đầu của bạn sẽ làm dịu cơ thể và tâm trí. Ngoài ra, dầu oải hương có hiệu quả giảm đau, cải thiện tâm trạng và thúc đẩy giấc ngủ. Trà hoa oải hương cũng là một lựa chọn tốt nếu bạn bị lo lắng nhẹ, chất an thần trong oải hương sẽ cải thiện giấc ngủ của bạn.

Mẹo đơn giản giúp cải thiện chứng mất ngủ ở phụ nữ mang thai - Ảnh 5.

Tinh dầu hoa oải hương có tác dụng an thần, giúp ngủ ngon.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: 4 lý do tốt để duy trì quan hệ tình dục khi mang thai.

Theo Sức Khỏe & Đời Sống
Bình luận
Tin mới
Xem thêm