Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Mẹo chữa rối loạn tiêu hoá dịp Tết cho trẻ nhỏ

Vào dịp Tết, trẻ nhỏ rất dễ gặp các vấn đề về tiêu hóa, do chế độ ăn của trẻ có sự thay đổi lớn. Dưới đây là một số mẹo mà cha mẹ có thể “bỏ túi" để giúp trẻ loại bỏ các triệu chứng rối loạn tiêu hoá.

Tại sao vào dịp Tết, trẻ rất dễ bị rối loạn tiêu hoá? 

Tết Nguyên Đán là cơ hội để mọi người trong gia đình cùng nhau quây quần, sum vầy. Không chỉ người lớn mà ngay cả trẻ nhỏ cũng có những rối loạn về giờ giấc sinh hoạt dẫn tới hoạt động của hệ tiêu hoá bị đảo lộn. Điều này khiến trẻ không được ăn đúng bữa, đúng giờ ăn hằng ngày, có khi ăn quá no, có khi lại quá đói. Đây chính là nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng đường ruột và gây ra các triệu chứng như đau bụng, khó tiêu. 

Ngoài ra, Tết là dịp mà các bé được ăn thoả thích các loại thực phẩm không lành mạnh như bánh kẹo, mứt, đồ khô chứa nhiều đường, phẩm màu, chất bảo quản và các đồ chế biến sẵn, đồ chiên rán và đặc biệt là các loại đồ uống có ga. Điều này là lý do khiến các bé từ chối ăn vào các bữa chính và kéo theo các nguy cơ về sức khoẻ như lượng đường trong máu tăng, sâu răng,… 

Bên cạnh đó, trong mâm cơm ngày Tết thường thiếu các loại rau, hoa quả nhưng phần lớn lại là các loại bánh, đồ nếp, các món thịt,... Ngoài ra, các gia đình cũng có thói quen tích trữ thực phẩm trong tủ lạnh, đồ chế biến sẵn. Việc chế biến, bảo quản thức ăn không đảm bảo sẽ dẫn tới giảm sút về chất lượng thực phẩm và có những tác động không tốt đến hệ tiêu hoá của trẻ. 

Những triệu chứng thường gặp ở trẻ rối loạn tiêu hoá 

Những thay đổi về chế độ ăn uống cũng như lối sống sinh hoạt vừa kể trên sẽ kéo theo rất nhiều triệu chứng điển hình của rối loạn tiêu hoá. Các biểu hiện phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và độ tuổi, cụ thể như: 

  • Trẻ chán ăn, ăn ít hoặc thậm chí không chịu ăn. 
  • Khi ăn bất kì loại thực phẩm không đảm bảo, trẻ sẽ có biểu hiện đau bụng, đau không liên tục và vị trí đau thường là quanh rốn khiến trẻ quấy khóc, bỏ ăn. 
  • Đầy hơi, chướng bụng do chức năng đường ruột kém và quá trình tiêu hoá thức ăn diễn ra chậm. Cha mẹ sẽ thấy bụng trẻ căng hơn bình thường, ợ hơi hoặc đánh hơi nhiều hơn. 
  • Trẻ đi ngoài phân lỏng từ 3 lần trở lên trong vòng một ngày. Nếu tình trạng này kéo dài, trẻ có thể gặp tình trạng mất nước và các chất điện giải nghiêm trọng, nguy hiểm nhất là dẫn tới tử vong. Với những trường hợp này, cần đến ngay các cơ sở y tế để kịp thời can thiệp. 
  • Buồn nôn, nôn sau ăn hoặc ngay khi đang ăn, thường là thức ăn chưa tiêu hoá hết. Nếu trẻ nôn ra dịch bất thường màu xanh, vàng hoặc máu, cần phải đến cơ sở y tế để loại trừ các bệnh lý nguy hiểm.  

Các mẹo chữa rối loạn tiêu hoá cho trẻ trong những ngày tết 

Không nên để giờ giấc sinh hoạt của trẻ bị rối loạn quá nhiều. Trẻ cần được ăn đúng bữa, ngủ đúng giờ như những ngày bình thường. Để làm được điều này, mẹ có thể chuẩn bị sẵn thức ăn mang theo như một vài hộp sữa, sữa chua, … và một số món ăn nhẹ khi đi chơi xa đề phòng trẻ bị nhỡ cữ ăn. 

Đảm bảo chế độ ăn lành mạnh, cân bằng giữa các nhóm chất, đặc biệt là các loại rau củ và hoa quả. Bằng cách xay nhỏ các loại rau, ninh nhừ củ quả hoặc làm sinh tố, hoa quả dầm để giúp trẻ tăng cường bổ sung Vitamin, khoáng chất.  

 
Hạn chế cho trẻ ăn quá nhiều thực phẩm khó tiêu hoá, nhiều gia vị, quá tải so với hệ tiêu hoá của trẻ như bánh chưng, xôi, các món chế biến sẵn như giò, chả và nhiều đạm, nhiều chất béo.  

Kiểm soát việc trẻ ăn những thực phẩm không lành mạnh như bánh, kẹo ngọt, đồ uống có ga. 

Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm từ việc lựa chọn, chế biến và bảo quản thực phẩm.  

Với những trẻ có rối loạn tiêu hoá nhẹ, trẻ vẫn tỉnh táo, nôn, tiêu chảy không nhiều hoàn toàn có thể chăm sóc tại nhà bằng cách bù đủ lượng nước, cho trẻ ăn những thức ăn dễ hấp thu nhưng đầy đủ dưỡng chất như cháo, súp,… 

Không nên thay đổi quá nhiều chế độ ăn của trẻ cũng như không nên kiêng khem quá mức khiến trẻ không đủ năng lượng và các dưỡng chất thiết yếu phục vụ cho quá trình hồi phục của cơ thể, ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng và phát triển của trẻ. 

Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể cho trẻ sử dụng các chế phẩm giúp hỗ trợ tiêu hoá như sữa chua, men tiêu hoá, men vi sinh,… 

Tuyệt đối không cho trẻ sử dụng kháng sinh tuỳ tiện. Nếu trẻ có các triệu chứng nguy hiểm như tiêu chảy kéo dài, sốt cao, co giật,… cần đưa ngay đến các cơ sở Y tế để điều trị kịp thời.  

 

Hải Yến - Viện Y học Ứng dụng Việt Nam -
Bình luận
Tin mới
Xem thêm