Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Hỏi&Đáp: Hỗ trợ hệ thống miễn dịch mùa đông

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp một số thông tin về hệ thống miễn dịch của cơ thể.

Hệ thống miễn dịch hoạt động như thế nào?

Hệ thống miễn dịch bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm nhập của mầm bệnh. Hệ thống miễn dịch có thể phân biệt được các tế bào trong cơ thể và các kháng nguyên lạ, bao gồm virus, vi khuẩn, nấm, mô lạ và độc tố.

Các tế bào bạch cầu nhận ra các kháng nguyên và cố gắng loại bỏ chúng. Khi cơ thể tiếp xúc với môi trường, hệ thống miễn dịch ngày càng tốt hơn trong việc nhận ra các kháng nguyên này và bảo vệ cơ thể khỏe mạnh.

Hệ thống miễn dịch có 2 loại:

  • Hệ miễn dịch bẩm sinh: còn được gọi là hệ miễn dịch không đặc hiệu, các tế bào diệt tự nhiên và thực bào đến chống lại các kháng nguyên xâm nhập vào cơ thể.
  • Hệ miễn dịch thích ứng hay hệ miễn dịch đặc hiệu: tạo ra các protein đặc biệt gọi là kháng thể, có khả năng tấn công mầm bệnh xâm nhập mà chúng nhận ra. Một khi bạn có kháng thể chống lại một loại virus hoặc vi khuẩn cụ thể, loại virus cụ thể đó sẽ không khiến bạn bị bệnh trở lại. Khả năng miễn dịch này có thể kéo dài trong nhiều năm, và trong một số trường hợp có thể kéo dài suốt đời.

Nên ăn những thực phẩm nào để duy trì hệ thống miễn dịch khỏe mạnh?

Một chế độ ăn uống cân bằng rất quan trọng đối với hệ thống miễn dịch của bạn. Một vài loại thực phẩm có thể giúp bạn nhận đủ lượng vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa, protein và chất béo lành mạnh để giữ cho tình trạng viêm ở mức thấp và hỗ trợ hệ miễn dịch của bạn.

Các loại thực phẩm như:

  • Trái cây và rau củ nhiều màu sắc, có nhiều chất chống oxy hóa, vitamin và khoáng chất
  • Chất béo lành mạnh từ dầu oliu, bơ, cá hồi
  • Thực phẩm lên men như sữa chua, dưa cải bắp, kim chi và kefir
  • Thực phẩm giàu chất xơ, bao gồm ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu
  • Các loại thảo mộc và gia vị như nghệ, hạt tiêu đen, tỏi và gừng
  • Các loại hạt, đặc biệt là hạt óc chó, hạt lanh
  • Socola đen
  • Trà xanh.

Tôi nên tránh những thực phẩm nào?

Một số loại thực phẩm làm tăng tình trạng viêm của cơ thể. Hãy tránh xa một số loại thực phẩm sau:

  • Thực phẩm có thêm đường, đồ ăn vặt và thức ăn nhanh
  • Chất béo chuyển hóa nhân tạo, thường được thêm vào thực phẩm chế biến và chiên
  • Carbohydrate tinh chế, được tìm thấy trong bánh mì trắng, mì ống, bánh ngọt, bánh quy
  • Thịt chế biến sẵn.

Và nên hạn chế tiêu thụ đồ uống có cồn.

Để tăng cường hệ thống miễn dịch có nên dùng thực phẩm bổ sung không?

Một số thực phẩm bổ sung giúp hỗ trợ hệ thống miễn dịch. Tuy nhiên, đúng như tên gọi, thực phẩm bổ sung không thể thay thế được lối sống lành mạnh. Một số người, đặc biệt là những người cao tuổi, có thể thiếu chất dinh dưỡng, chẳng hạn như vitamin C, vitamin D và kẽm, nên sử dụng thực phẩm bổ sung.

Khi quyết định dùng bất kì loại thực phẩm bổ sung nào, đừng quên hỏi ý kiến bác sĩ để tránh gặp phải những tác dụng phụ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Tôi cần ngủ bao nhiêu?

Người trưởng thành cần ngủ khoảng 7-9 tiếng mỗi đêm, và thay đổi tùy mồi người. Tuy nhiên, nếu tình trạng ngủ ít hơn 7 tiếng mỗi đêm kéo dài thường xuyên có thể làm suy yếu hệ miễn dịch. Thiếu ngủ khiến cho hệ miễn dịch không thể tạo ra các chất bảo vệ như kháng thể và cytokine.

Tôi có nên tiêm phòng cúm không?

Có, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo nên tiêm vaccine cúm hàng năm để ngăn ngừa mắc cúm cho mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên. Khi bạn tiêm, cơ thể bạn tạo ra kháng thể chống lại một số chủng virus cúm.

Vaccine cúm cần được cập nhật hàng năm. Vì vậy, bạn cần tiêm vaccine cúm mỗi năm. Đặc biệt là các đối tượng sau:

  • Từ 65 tuổi trở lên
  • Sống trong viện dưỡng lão và cơ sở sinh hoạt được hỗ trợ
  • Mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường, bệnh thận hoặc tim, ung thư hoặc hen suyễn
  • Hệ thống miễn dịch suy yếu
  • Làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe
  • Đang mang thai (cần được bác sĩ kiểm tra).

Tôi có nên giảm cân?

Ở những người béo phì, giảm cân có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong hệ miễn dịch. Giảm lượng calo nạp vào, tập thể dục và tăng lượng trái cây, rau củ trong chế độ ăn uống của bạn là những bước đầu nếu bạn muốn giảm cân. Tham khảo ý kiến bác sĩ để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất.

Tập thể dục có giúp tăng cường hệ miễn dịch không?

Tập thể dục ở mức vừa phải là một cách tốt giúp hỗ trợ hệ miễn dịch. Cố gắng tập 30 phút mỗi ngày trong vòng 5 ngày 1 tuần, hoặc tập tổng cộng 150 phút mỗi tuần. Kết hợp các bài tập cardio và rèn luyện sức mạnh.

Hút thuốc có làm ảnh hưởng đến hệ miễn dịch không?

Hút thuốc có thể tác động tiêu cực đến hệ thống miễn dịch. Hút thuốc có thể làm tăng nguy cơ mắc một số rối loạn miễn dịch và bệnh tự miễn. Rối loạn miễn dịch xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công nhầm các tế bào khỏe mạnh của cơ thể.

Biện pháp giúp tăng cường hệ miễn dịch

Giảm căng thẳng có tác động tích cực đến hệ thống miễn dịch. Các biện pháp giúp giảm căng thẳng bao gồm:

  • Thiền
  • Yoga
  • Đi bộ đường dài
  • Nghe nhạc
  • Xoa bóp
  • Liệu pháp hương thơm.

Một số biện pháp bạn có thể thực hiện để giữ sức khỏe:

  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước ít nhất 20 giây, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh
  • Tránh chạm vào mặt
  • Tránh đám đông lớn.

 

BS. Hồ Mai Hương - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Theo Healthline
Bình luận
Tin mới
Xem thêm