Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Hội chứng chết đột ngột ở trẻ em

Hội chứng chết đột ngột ở trẻ em (SIDS) là sự tử vong không thể lý giải và không mong muốn ở trẻ em dưới 1 tuổi. Vì hội chứng SIDS thường xảy ra khi trẻ đang ngủ, nên đôi khi hội chứng này còn được gọi là hội chứng đột tử ở trẻ em. Hội chứng chết đột ngột là nguyên nhân tử vong hàng đầu của trẻ em dưới 1 tuổi. Đa số các trường hợp tử vong do hội chứng SIDS thường xảy ra khi trẻ từ 4 đến 6 tháng tuổi.

Hội chứng chết đột ngột ở trẻ em

Hội chứng SIDS có thể xảy ra ở những đứa trẻ trông hoàn toàn khỏe mạnh. Trong rất nhiều trường hợp, cha mẹ hoặc người chăm sóc chỉ vừa đặt trẻ nằm xuống để ngủ và sau đó phát hiện ra rằng trẻ đã tử vong. Không có bất cứ một dấu hiệu cảnh báo về hội chứng này và trẻ tử vong vì hội chứng này cũng không trải qua bất cứ biểu hiện bất thường nào.

SIDS thường được chẩn đoán sau khi đã điều tra và loại bỏ tất các các nguyên nhân có thể gây tử vong ở trẻ. 

Tử vong vì hội chứng SIDS thường gây tổn thương rất lớn cho các thành viên trong gia đình. Bởi vì bác sỹ không thể lý giải được nguyên nhân, nên gia đình của trẻ thường sẽ thắc mắc không hiểu họ đã làm gì sai để dẫn đến việc này. Tư vấn tâm lý và hỗ trợ có thể sẽ cần thiết trong những trường hợp như vậy.

Tỷ lệ tử vong vì SIDS

Có khoảng 4.000 trẻ tử vong vì hội chứng SIDS mỗi năm ở Mỹ. Hội chứng SIDS ảnh hưởng đến trẻ Mỹ - Phi nhiều gấp đôi so với các trẻ da trắng khác, trẻ là người Mỹ bản địa có nguy cơ tử vong vì SIDS cao hơn 3 lần so với trẻ là người da trắng.

Con số thống kê về tỷ lệ tử vong do SIDS là rất khác nhau ở các quốc gia trên thế giới. WHO thống kê rằng, ở Argentina, năm 2001, có 301 trên tổng số 11.111 ca tử vong ở trẻ em dưới 1 tuổi là do hội chứng SIDS. Tại Nhật Bản, SIDS gây ra 253 ca tử vong trên tổng số 3.497 ca tử vong của trẻ em. Ở Kuwait năm 2002, 8 trên tổng số 418 ca tử vong của trẻ em là do hội chứng SIDS.

Tỷ lệ tử vong do SIDS thường cao hơn ở những trẻ nằm sấp khi ngủ và những trẻ sinh ra từ người mẹ hút thuốc lá trong suốt quá trình mang thai. SIDS thường gặp ở bé trai hơn và thường xảy ra nhiều hơn ở mùa lạnh.

Nguyên nhân của hội chứng SIDS

Hiện vẫn chưa biết rõ về nguyên nhân của SIDS, nhưng một số nghiên cứu phát hiện ra rằng một yếu tố không đủ để gây ra hội chứng SIDS mà phải là sự kết hợp của nhiều yếu tố nguy cơ.

Các yếu tố nguy cơ của hội chứng SIDS

Nằm sấp hoặc nằm nghiêng: SIDS thường xảy ra ở những trẻ nằm sấp khi ngủ bởi trẻ có thể làm dạ dày bị cuộn lại. Những trẻ nằm nghiêng cũng là những trẻ có nguy cơ cao. Một số nhà nghiên cứu cho rằng nằm sấp làm tăng áp lực lên hàm, làm hẹp đường thở và do đó, làm trẻ khó thở hơn.

Bề mặt giường ngủ quá mềm: Đệm nước, ghế sofa, gối, đồ chơi bằng vải lông và chăn đều có liên quan đến tăng nguy cơ tử vong vì SIDS và vì ngạt thở. Ngủ chung (với cha mẹ, anh chị em) cũng là một yếu tố có liên quan.

Quá ấm: Trẻ đi ngủ mà mặc quá nhiều lớp quần áo và chăn hoặc ngủ trong phòng quá ấm cũng có nguy cơ tử vong vì SIDS cao hơn. Một số nhà nghiên cứu đưa ra giả thiết rằng, không khí quá ấm làm trẻ ngủ ngon và sâu hơn, do vậy, làm trẻ khó thức dậy hơn.

Hút thuốc lá khi mang thai và hút thuốc lá thụ động: Trẻ em sinh ra từ các bà mẹ hút thuốc lá trong khi mang thai thường có nguy cơ bị hội chứng SIDS cao hơn gấp 3 lần. Nicotine trong khói thuốc có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương của trẻ và ảnh hưởng đến lượng oxy trong máu trước khi sinh, làm gia tăng nguy cơ tử vong đột ngột.

Phơi nhiễm với khói thuốc lá, ví dụ như trong nhà hoặc trong xe ô tô có người hút thuốc, cũng làm tăng nguy cơ tử vong vì SIDS. Năm 2006, CDC thống kê rằng, các chất hóa học trong khói thuốc lá bị hít vào khi hút thuốc lá thụ động có thể ảnh hưởng đến khả năng điều chỉnh nhịp thở ở trẻ. CDC cũng nhấn mạnh rằng, trẻ tử vong vì SIDS thường có nồng độ nicotine và cotinine (chất do phơi nhiễm với khói thuốc lá) trong máu cao hơn những trẻ tử vong vì các nguyên nhân khác.

Uống rượu và lạm dụng thuốc trong khi mang thai: Cũng giống như hút thuốc lá, uống rượu và lạm dụng thuốc khi mang thai có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của trẻ và làm trẻ dễ tử vong vì hội chứng SIDS hơn.

Sinh con ở tuổi vị thành niên: Hội chứng chết đột ngột thường xảy ra thường xuyên hơn ở những trẻ sinh ra từ mẹ ở độ tuổi vị thành niên, so với những trẻ sinh ra ở những người mẹ đủ tuổi.

Chăm sóc trước sinh không đầy đủ, sinh non và cân nặng khi sinh thấp: Trẻ sinh non và nhẹ cân thường có nguy cơ đột tử cao hơn. Tình trạng kinh tế xã hội thấp cũng đóng một vai trò quan trọng bởi khi đó, trẻ sẽ ít được quan tâm, không được điều trị, bỏ rơi và làm tăng nguy cơ tử vong.

Dự phòng hội chứng SIDS

Mặc dù hội chứng SIDS không phải lúc nào cũng dự phòng được, nhưng có rất nhiều điều mà cha mẹ và người chăm sóc trẻ nên chú ý để làm giảm tối đa nguy cơ đột tử của trẻ.

Luôn đặt trẻ nằm ngửa: Việc này là rất quan trọng, nên được làm mỗi lần khi trẻ đi ngủ. Những trẻ thỉnh thoảng được đặt nằm sấp khi ngủ có nguy cơ cao hơn so với những trẻ luôn được đặt nằm ngửa. Trên thực tế, nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi trẻ được đặt nằm ngửa để ngủ và sau đó được đặt nằm sấp trong lần ngủ tiếp theo, nguy cơ tử vong do SIDS sẽ tăng lên 7-8 lần.

Một số trẻ sẽ bị đầu bẹt do nằm ngửa quá nhiều. Để làm giảm tình trạng này, hãy thay đổi vị trí nằm của trẻ khi ở trong nôi hàng tuần hoặc thường xuyên hơn. Ví dụ, đặt đầu trẻ ở phía đối diện với phần cuối của nôi để trẻ có thể thay đổi hướng nhìn. Không bao giờ đặt trẻ nằm nghiêng hoặc nằm sấp mà không theo dõi trẻ.

Chú ý: Nếu trẻ được chẩn đoán là bị trào ngược dạ dày thực quản hoặc một số vấn đề về đường thở trên, cha mẹ nên hỏi ý kiến bác sỹ về việc nằm ngửa. Trong một số trường hợp đặc biệt, trẻ nằm sấp thì sẽ tốt hơn, nhưng tốt nhất, hãy làm theo lời khuyên của bác sỹ.

Đảm bảo rằng bề mặt trẻ nằm ngủ là đủ cứng. Cũi hoặc nôi của trẻ nên có một tấm nệm cứng, vừa khít với khung nôi. Tất cả các vật dụng như gối, chăn, đồ chơi có lông nên được loại bỏ ra khỏi cũi. Các bề mặt mềm có thể làm trẻ ngạt thở bởi không khí sẽ mắc kẹt ở vùng không gian giữa bề mặt giường và miệng của trẻ. Nếu trẻ không thể cử động, trẻ sẽ lại hít vào lượng không khí đó, làm lượng oxy ngày càng giảm đi và lược CO2 ngày càng tăng lên, đến mức nguy hiểm.

Không ngủ chung với trẻ: Ngủ chung với trẻ sẽ gây nguy hiểm cho trẻ. Trẻ nên được ngủ trong không gian riêng. Nôi, cũi hoặc giường dành riêng cho trẻ đều có thể chấp nhận được nhưng trẻ không nên nằm trên giường của người lớn. Trẻ có thể vẫn sẽ ngủ cùng phòng của cha mẹ, nhưng nên được nằm riêng. Việc này có thể làm giảm nguy cơ tử vong do SIDS.

Trong nhiều trường hợp, ngủ chung không gây ra tử vong do SIDS mà do trẻ bị ngạt một cách vô tình (do cha mẹ thay đổi tư thế ngủ và làm tắc nghẽn đường thở của trẻ, hoặc do trẻ nằm đối mặt với cha mẹ và hít vào khí CO2 do cha mẹ thở ra).

Kiểm tra nhiệt độ phòng: Nhiệt độ thích hợp cho trẻ là nhiệt độ mà người lớn, mặc áo cộc tay cảm thấy thoải mái. Mặc quá nhiều quần áo hoặc đắp quá nhiều chăn cũng không cần thiết. Nếu cần phải đắp chăn, trẻ nên được đặt sao cho ngón chân chạm vào phần cuối của khung nôi và chăn nên được đắp quanh trẻ, nhưng không được cao hơn phần hông, các đầu chăn nên được giấu ở dưới nệm.

Không hút thuốc lá, uống rượu khi mang thai và không hút thuốc lá gần trẻ: Tất cả những hành động này đều ảnh hưởng đến trẻ, dù là trước hay sau sinh.

Thường xuyên đi khám bác sỹ. Phụ nữ mang thai cần được chăm sóc trước sinh đầy đủ trong suốt quá trình mang thai. Sau khi sinh, trẻ nên được thường xuyên thăm khám bởi bác sỹ nhi khoa.

Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng sữa mẹ cung cấp khả năng bảo vệ trẻ chống lại các nhiễm trùng đường hô hấp và tiêu hóa, do đó làm giảm nguy cơ đột tử của trẻ.

Loại bỏ tất cả các yếu tố gây nguy hiểm cho trẻ: Thường xuyên rửa sạch những đồ vật, đồ chơi của trẻ. Bất kỳ ai bế trẻ cũng nên rửa tay trước. Thành viên trong gia đình bị nhiễm trùng hô hấp hoặc tiêu hóa không nên tiếp xúc với trẻ cho đến khi khỏi bệnh.

Gọi ngay cho bác sỹ nếu trẻ có các kỳ ngừng thở, trở nên tím tái, mềm rũ hoặc nôn khan sau khi trớ.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: 8 cách dự phòng hội chứng chết đột ngột ở trẻ

Bình luận
Tin mới
  • 16/04/2024

    Chứng thấp lùn

    Chứng thấp lùn là tình trạng bệnh đặc trưng bởi vóc dáng nhỏ bé do nhiều yếu tố như di truyền hoặc bệnh lý gây ra. Với các triệu chứng đặc trưng rất dễ nhận biết, tình trạng này gây ra rất nhiều khó khăn trong suốt toàn bộ quá trình phát triển.

  • 16/04/2024

    Thiếu ngủ có thể làm tăng huyết áp

    Một nghiên cứu cho thấy ngủ ít hơn thời gian khuyến nghị mỗi đêm có thể là một yếu tố nguy cơ gây ra bệnh tăng huyết áp.

  • 16/04/2024

    5 lợi ích của việc tắm nước lạnh

    Chỉ nghĩ đến việc tắm nước lạnh thôi cũng khiến nhiều người rùng mình. Tuy nhiên, đây lại là một phương pháp tuyệt vời để cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn. Dưới đây là những lý do tại sao bạn nên cân nhắc tắm nước lạnh.

  • 16/04/2024

    Nhiễm khuẩn đường tiết niệu ở trẻ em

    Trẻ em rất dễ bị mắc nhiễm trùng trong những năm đầu đời. Cảm lạnh và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác là những bệnh phổ biến. Trong đó cũng không thể không nhắc tới nhiễm khuẩn đường tiết niệu.

  • 16/04/2024

    Uống nước dừa có thể hỗ trợ quá trình giảm cân

    Nước dừa là nguồn cung cấp chất điện giải tự nhiên, ít calo và giàu chất dinh dưỡng tốt sức khỏe tổng thể. Nhưng uống nước dừa có giúp giảm cân không?

  • 16/04/2024

    7 lời khuyên để có thai nhanh hơn

    Bạn đã sẵn sàng để có thai. Một khi bạn đã sẵn sàng lập gia đình, chẳng ai lại muốn chờ đợi cả.

  • 15/04/2024

    6 cách để giảm nguy cơ ung thư đại tràng

    Các biện pháp phòng ngừa có thể giúp ích rất nhiều trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư đại trực tràng, nguyên nhân gây tử vong do ung thư hàng đầu thứ ba ở Hoa Kỳ.

  • 15/04/2024

    5 thực phẩm giúp giảm căng thẳng hiệu quả

    Chế độ dinh dưỡng có tác động không nhỏ đến tâm trạng, cảm xúc của chúng ta. Bổ sung thực phẩm lành mạnh là cách để giảm căng thẳng và thúc đẩy thư giãn.

Xem thêm