Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Giảm nứt nẻ và chảy máu khi bị bệnh vẩy nến

Bệnh vẩy nến là một vấn đề da mạn tính gây ra các mảng da đỏ, khô, ngứa, và đóng vẩy. Khi những mảng da khô hay vẩy da không được điều trị tốt sẽ gây ngứa và bong tróc và đôi khi có thể nứt và chảy máu

Những người mắc bệnh vẩy nến có thể bị chảy máu nếu họ gãi quá nhiều, chà xát vùng da nứt nẻ vào quần áo hoặc gây áp lực tỳ đè lên da khi ngồi hoặc vận động chân tay. 

Da của bạn càng khô thì càng dễ nứt nẻ và gây vết loét hở trên da. Tình trạng khô da là nguyên nhân khiến các vẩy da bị nứt và sau đó chảy máu.Các vết nứt nẻ trên da khiến bạn khó chịu và có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Dưới đây là cách ngăn ngừa và kiểm soát tình trạng da nứt nẻ và chảy máu khi bị bệnh vẩy nến.

Chăm sóc sơ cứu cho da nứt nẻ khi bị bệnh vẩy nến

Khi bạn xuất hiện các vết nứt nẻ trên da bạn cần lưu ý điều quan trọng là phải thực hiện các bước để điều trị vết thương và giảm nguy cơ nhiễm trùng. Bạn có thể làm theo những lời khuyên sau đây:

  • Rửa tay: dùng nước xà phòng để rửa tay trước khi chạm vào da.
  • Cầm máu: dùng băng gạc hoặc vải sạch ấn nhẹ lên vết nứt cho đến khi máu ngừng chảy.
  • Làm sạch vết thương: rửa vết thương dưới vòi nước chảy và làm sạch khu vực xung quanh bằng xà phòng. Nhẹ nhàng loại bỏ bụi bẩn, xơ vải hoặc mảnh vụn khác khỏi vết thương.
  • Bạn có thể bôi một loại kem dưỡng ẩm để bảo vệ vết thương. Theo Học viện Da liễu Hoa Kỳ, vaseline giúp vùng da bị thương mau lành và giảm bớt tình trạng khô da .
  • Theo dõi nhiễm trùng: các mảng vẩy nến vô trùng, nhưng nếu các mảng vẩy nến bị nứt hoặc hở thì có thể khiến vết thương bị bội nhiễm. Bạn nên theo dõi quan sát xem vùng da vẩy nến có mủ hoặc dịch tiết màu vàng, đau khi chạm vào, hoặc mảng vẩy nến hay vùng da xung quanh có bị đỏ không. Bạn cũng nên lưu ý bất kỳ vấn đề toàn thân nào như sốt hoặc đau cơ, vì đây có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng. Bạn nên đi khám nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào kể trên hoặc nếu vết thương không lành.

Cách ngăn ngừa nứt da và chảy máu

Việc tuân theo các khuyến nghị về quản lý và điều trị bệnh vẩy nến có thể giúp giảm nguy cơ nứt nẻ da cũng như thực hành thói quen tự chăm sóc để bảo vệ làn da của bạn.

  • Giữ ẩm cho làn da của bạn vì nếu da khô sẽ dễ bị nứt và chảy máu hơn. Bạn nên tránh tắm vòi sen hoặc tắm lâu vì có thể làm khô da và hãy thoa kem hoặc thuốc mỡ sau khi tắm, tắm hoặc rửa tay để giúp khóa độ ẩm.
  • Loại bỏ vảy trên da. Các loại kem dưỡng da có chứa axit salicylic có thể giúp giảm sự tích tụ của vẩy. Một loại kem dưỡng ẩm tốt sẽ giúp chống khô da và chữa lành da tổn thương
  • Hãy nhẹ nhàng với làn da của bạn. Nếu bạn sử dụng sản phẩm có tính mài mòn, chẳng hạn như đá bọt biển để chà xát loại bỏ vẩy da có thể gây hại cho làn da và có thể dẫn đến chảy máu.
  • Tránh các yếu tố kích ứng. Bạn nên lưu ý đến các tác nhân gây bệnh vẩy nến và thực hiện các bước giúp ngăn ngừa các mảng vẩy nến hình thành phát triển như căng thẳng, hút thuốc, thời tiết lạnh và tổn thương da .

Khám để được các bác sĩ tư vấn kế hoạch điều trị chăm sóc da

Bạn cần xem xét tình trạng vẩy nến của mình. Nếu da của bạn thường xuyên bị nứt và chảy máu, đó có thể là dấu hiệu cho thấy tình trạng bệnh của bạn không được kiểm soát tốt và cần thay đổi phương pháp điều trị. Tốt nhất bạn nên đi khám bác sĩ da liễu nếu da của bạn tiếp tục chảy máu và nứt nẻ, bong tróc trên một vùng rộng lớn trên cơ thể hoặc tình trạng bệnh làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn.

Có nhiều lựa chọn phương pháp điều trị bệnh vẩy nến, như sử dụng thuốc bôi tại chỗ như 1% hydrocortisone. Bác sĩ có thể đề xuất nhiều phương pháp điều trị với hiệu quả khác nhau, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh vẩy nến, đặc tính, thời kì và vị trí của các mảng bám. Các nhà nghiên cứu cho biết, những người có mảng bám dày, khô mãn tính có thể cần loại steroid mạnh nhất. Có nhiều dạng thuốc bôi cho da như kem dưỡng cấp nước, gel, lotion, kem dưỡng da và thuốc mỡ.

Nếu các phương pháp điều trị tại chỗ không đủ để kiểm soát bệnh vẩy nến của bạn, bác sĩ có thể đề xuất các liệu pháp toàn thân, chẳng hạn như thuốc dùng toàn thân. Không giống như thuốc bôi được bôi trực tiếp lên da, thuốc toàn thân được dùng bằng đường uống hoặc tiêm và làm thay đổi hệ thống miễn dịch để giúp kiểm soát tình trạng viêm tiềm ẩn gây ra bệnh vẩy nến. Tuy nhiên dù sử dụng bất cứ phương pháp điều trị nào thì tốt nhất bạn nên đi khám kiểm tra và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.

 

Bác sĩ Nguyễn Hoài Thu - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Theo Everyday Health
Bình luận
Tin mới
Xem thêm