Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

COVID-19 và cho con bú: những điều cần biết

Cho con bú đủ là rất quan trọng để trẻ tăng trưởng và phát triển bình thường. Sữa mẹ cũng cung cấp rất nhiều dưỡng chất, giúp bảo vệ trẻ chống lại nhiều loại bệnh tật khác nhau. Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ nhấn mạnh đến việc bắt đầu và tiếp tục cho con bú kể cả ở những người mẹ dương tính với COVID-19.

Các bà mẹ cho con bú được khuyến cáo vẫn tiếp tục cho con bú nhưng cần thận trọng. Tùy thuộc vào nguy cơ và lợi ích của từng trường hợp, có thể hút sữa ra và thậm chí trẻ sẽ cần phải nuôi tách mẹ. Mẹ và người chăm sóc trẻ nên tuân thủ các hướng dẫn về rửa tay, đeo khẩu trang trong khi cho bú và chăm sóc trẻ. Dưới dây là những điều cần lưu ý khi cho con bú trong khi nhiễm COVID-19

COVID-19 có truyền qua sữa mẹ hay không?

Các bằng chứng gần đây chứng minh rằng sữa mẹ có rất ít khả năng làm lây truyền COVID-19 cho em bé. Bạn có thể hỏi thêm ý kiến bác sĩ về việc bắt đầu hoặc tiếp tục cho bé bú. Quyết định nên được đưa ra dựa trên lợi ích của việc cho con bú nhiều hơn những nguy cơ từ việc lây truyền virus qua sữa mẹ.

Nghiên cứu về những phụ nữ dương tính với COVID-19 chỉ ra rằng, có kháng thể kháng COVID-19 trong sữa mẹ. ARN của virus SARS- CoV-2 không tìm thấy trong bất cứ mẫu sữa mẹ nào. Tuy nhiên, mẫu da từ núm vú lại có chứa ARN của virus. Từ đó nghiên cứu này đưa đến kết luận: gần như không có khả năng lây truyền virus qua sữa mẹ nhưng virus có thể lây truyền qua da ở vùng vú. Cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa về nội dung tương tự để đi đến kết luận thống nhất.

Cho con bú khi nhiễm COVID-19 có an toàn không?

Nếu bạn dương tính với COVID-19, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi quyết định tiếp tục cho con bú. Sữa mẹ vẫn là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng chủ yếu cho trẻ và bảo vệ trẻ khỏi nhiều loại bệnh tật.

Quyết định cho con bú và cho con tiếp xúc với mẹ không chỉ dựa trên mỗi nguy cơ lây truyền COVID-19 mà còn cần dựa vào nguy cơ tử vong và tàn tật do không được bú mẹ. Sữa công thức không cung cấp đủ cho trẻ các yếu tố miẽn dịch giống như sữa mẹ. WHO khuyến cáo nên tiếp tục hoặc bắt đầu cho con bú kể cả khi bà mẹ nghi ngờ/xác nhận dương tính với COVID-19 và tư vấn cho các bà mẹ về lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ.

Thận trọng khi cho con bú và nhiễm COVID-19

Dưới đây là những lưu ý và khuyến nghị cho các bà mẹ dương tính với COVID-19 trong khi cho con bú:

  • Đeo khẩu trang che kính mũi và miệng khi ở gần (dưới 2 mét) với em bé
  • Rửa tay bằng xà phòng và nước hoặc nước rửa tay nhanh có chứa hơn 60% cồn trước khi cho con bú hoặc trước khi chạm vào em bé.
  • Rửa tay trước khi chạm vào bình sữa, máy hút sữa và khi hút sữa cho trẻ bú
  • Đeo khẩu trang trong khi hút sữa
  • Không dùng chung máy hút sữa, bình sữa với các bà mẹ khác
  • Rửa sạch bình sữa và máy hút sữa đúng khuyến nghị của nhà sản xuất
  • Cân nhắc đến việc có người khác (không nhiễm COVID-19) hỗ trợ chăm sóc trẻ bằng cách cho trẻ bú bình khi bạn bị cách ly
Đảm bảo an toàn cho trẻ trong đại dịch
  • Không đeo khẩu trang, kính chắn giọt bắn cho trẻ em dưới 2 tuổi vì có thể làm tăng nguy cơ ngạt khí hoặc nguy cơ hội chứng tử vong đột ngột ở trẻ sơ sinh (SIDS)
  • Người chăm sóc, bố mẹ hoặc bất cứ ai nghi ngờ hoặc đã xác nhận nhiễm COVID-19 nên đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và giãn cách 2 mét khi tiếp xúc với em bé. Không nên dùng kính chắn giọt bắn thay cho khẩu trang.
  • Hạn chế số người đến thăm trẻ sơ sinh vì những người không có triệu chứng cũng có thể là nguồn lây virus nếu họ nhiễm bệnh. Khuyến khích việc  người thân và bạn bè nhìn thấy em bé và thăm hỏi em bé trực tuyến qua video.
  • Cha mẹ, người chăm sóc và các thành viên khác trong gia đình cũng nên tuân thủ các quy định về giãn cách, đeo khẩu trang, rửa tay khi ra ngoài để tránh đem bệnh về nhà.
  • Liên lạc với bác sĩ, cơ sở y tế khi thấy em bé có bất cứ dấu hiệu hoặc triệu chứng nhiễm COVID-19 nào.

Vaccine COVID-19 và cho con bú

Vaccine Pfizer và Moderna là 2 loại vaccine sử dụng công nghệ mARN mà không chứa virus bất hoạt. Do vậy, 2 loại vaccine này gần đây đã được khuyến nghị ở một số quốc gia để tiêm cho phụ nữ cho con bú. Các thử nghiệm lâm sàng về vaccine COVID-19 thường ít khi được tiến hành trên phụ nữ cho con bú nên không có dữ liệu về tính an toàn và ảnh hưởng của vaccine lên em bé và lên khả năng sản xuất sữa mẹ. Tuy nhiên, dựa trên các nghiên cứu về cơ chế hoạt động của vaccine, vaccine được coi là không gây ra nguy cơ gì với phụ nữ cho con bú và em bé. Do đó, phụ nữ đang cho con bú hoàn toàn có thể tiêm vaccine phòng COVID-19. Các nghiên cứu gần đây cho thấy sữa mẹ từ những phụ nữ đã tiêm vaccine COVID-19 có thể chứa kháng thể giúp bảo vệ em bé. Tuy nhiên, cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn để đưa ra kết luận.

Em bé có nguy cơ nhiễm COVID-19 hay không?

Em bé có thể có nguy cơ nhiễm COVID-19 trong quá trình sinh hoặc do tiếp xúc với người chăm sóc nhiễm bệnh sau khi sinh. Mặc dù chưa có báo cáo về việc lây truyền dọc virus từ mẹ sang con khi mang thai nhưng tiếp xúc gần với người bệnh, có thể là mẹ nhiễm bệnh, có thể sẽ khiến em bé cũng bị nhiễm COVID-19. Nếu bạn chưa có kết quả xét nghiệm, bạn nên đeo khẩu trang và sát khuẩn tay trước khi chăm sóc em bé. Những phụ nữ có ý định mang thai nên được tiêm vaccine COVID-19 trước. Không có bằng chứng về việc vaccine COVID-19 hay bất cứ loại vaccine nào sẽ gây vô sinh cả. Cho con bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu là rất quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để tìm ra cách tốt nhất, an toàn nhất để cho con bú trong đại dịch COVID-19.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Luyện tập thể thao khi đang cho con bú

Ts. Bs. Trương Hồng Sơn - Viện Y học ứng dụng Việt Nam -
Bình luận
Tin mới
Xem thêm