Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Chảy máu cam

Chảy máu cam là một tình trạng khá phổ biến, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Vậy nguyên nhân là gì? Có cách nào dự phòng tình trạng này hay không?

Tại sao lại chảy máu cam?

Chảy máu mũi – hay dân gian gọi là chảy máu cam có rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Nguyên nhân phổ biến nhất của tình trạng này thường là do không khí khô vào mùa đông, khi nhiệt độ hạ thấp. Một số nguyên nhân khác có thể kể đến như:

  • Ngoáy mũi quá mạnh
  • Xì mũi nhiều, xì mạnh
  • Chấn thương vùng mũi
  • Một số tác dụng phụ của thuốc, như thuốc làm loãng máu…
  • Dị ứng
  • Độ cao – nơi không khí loãng
Làm thế nào để ngừng chảy máu cam?

Chảy máu cam thường không nghiêm trọng. Hầu hết những người gặp phải tình trạng này đều có thể tự điều trị tại nhà theo các bước:

  • Điều đầu tiên – cần phải bình tĩnh. Càng lo lắng và hốt hoảng sẽ càng khiến máu chảy nhiều hơn. Hãy thư giãn và bình tĩnh để tìm cách kìm máu.
  • Ngồi dậy, đừng nằm. Nhìn chung, đầu luôn phải cao hơn tim.
  • Nghiêng người về trước một chút. Điều này giúp máu không chảy ngược lại phía cổ họng. Đây là điều mà nhiều người lầm tưởng và làm sai rất nhiều. Rất nhiều người có xu hướng kinh nghiệm là ngửa cổ ra sau, song điều này là hoàn toàn sai lầm và làm tăng nguy cơ sặc cũng như máu vào đường thở.
  • Bóp chặt cánh mũi. Sử dụng ngón tay cái và ngón trỏ véo và bóp chặt cánh mũi trong 5 đến 10 phút và thở bằng miệng. Động tác này giúp chèn và tăng áp lực lên vùng đang chảy máu, có thể khiến máu ngừng chảy.
Khi máu ngừng chảy, không được chạm vào mũi hay xì mũi. Tác động mạnh vào mũi khi đó hoàn toàn có thể gây chảy máu trở lại. Tuy nhiên, bạn có thể xì một cách nhẹ nhàng để đẩy cục máu đông ra ngoài. Một số thuốc thông mũi như oxymetazoline cũng có thể được dùng bằng cách xịt nhẹ vào cả 2 bên mũi. Tuy nhiên, hãy đến ngay cơ sở y tế nếu chảy máu cam đến từ:
  • Ngã hay chấn thương do va đập mạnh
  • Chảy máu cam thường xuyên
  • Chảy máu cam kéo dài hơn 20 phút – ngay cả khi đã bóp chặt mũi

Khi tình trạng máu chảy quá nhiều, tại cơ sở y tế một số thủ thuật có thể được thực hiện bao gồm:

  • Đốt mạch. Thao tác đốt mạch sẽ giúp đóng các vị trí đang rách và gây chảy máu. Sau khi được gây tê, dao điện sẽ được đốt hoặc bạc nitrat sẽ được sử dụng để đóng vào vị trí máu bị rò rỉ.
  • Chèn bóng ép. Đặt bóng hoặc gạc chặt trong mũi có thể chèn ép vào mạch để ngăn máu chảy.

Làm thế nào để ngăn ngừa tình trạng chảy máu cam?

Không phải lúc nào cũng có thể ngăn tình trạng chảy máu cam xảy ra, nhưng có một số mẹo có thể làm để giúp giảm nguy cơ gặp phải tình trạng này. Một số mẹo bao gồm:

  • Giữ ẩm bên trong mũi. Việc môi trường quá khô có thể chảy máu cam. Trong những điều kiện như vậy, hãy dùng tăm bông chấm nhẹ một lớp mỏng mỡ bôi trơn vào trong lỗ mũi ba lần một ngày, kể cả trước khi đi ngủ. Thuốc mỡ kháng sinh cũng có thể được sử dụng trong trường hợp này.
  • Sử dụng sản phẩm nhỏ mũi có nước muối. Các sản phẩm xịt mũi mũi giúp giữ ẩm bên trong mũi.
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm. Ngoài việc giữ ẩm cho mũi, hãy giữ ẩm cho căn nhà bằng cách sử dụng các máy tạo độ ẩm nếu không khí đang quá khô.
  • Không hút thuốc. Hút thuốc có thể gây kích ứng bên trong mũi và làm khô mũi, dẫn đến chảy máu cam.
  • Không ngoáy mũi. Không thổi hoặc chà xát mũi quá mạnh. Các tác động mạnh lên mũi đều có thể gây tổn thương mạch máu và gây chảy máu. Nếu trẻ đang bị chảy máu cam, hãy đảm bảo móng tay của trẻ gọn gàng và nếu trẻ có ngoáy mũi thì cũng hạn chế tổn thương. Dạy trẻ không nên ngoáy mũi trong những lúc như vậy.
  • Không sử dụng thuốc cảm và thuốc dị ứng quá thường xuyên. Những loại thuốc này có thể làm khô mũi. Trong một số trường hợp, một số loại thuốc có thể gây chảy máu cam hoặc làm cho tình trạng chảy máu trở nên tồi tệ hơn. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về các loại thuốc định sử dụng.

Tổng kết

Chảy máu cam có nhiều nguyên nhân gây ra, và một số mẹo nhỏ có thể giúp bạn cũng như trẻ hạn chế hay khắc phục khi tình trạng này xảy ra. Nếu bạn nhận thấy các dấu hiệu bất thường khi chảy máu cam, hãy đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt để được khám và nhận được sự hỗ trợ kịp thời.

Tham khảo thêm thông tin tại: Cầm máu đúng cách khi chảy máu cam

 

Bình luận
Tin mới
Xem thêm