Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Chăm sóc răng sữa thế nào?

Răng sữa và răng vĩnh viễn là hai dạng tồn tại khác nhau của bộ răng trên cung hàm. Răng sữa xuất hiện đầu tiên sau khi chúng ta được sinh ra. Vậy cấu tạo và vai trò của bộ răng sữa như thế nào, cần chăm sóc răng sữa ra sao để có được bộ răng khỏe, đẹp sau này.

Cấu tạo bộ răng sữa

Một bộ răng sữa đầy đủ có 20 răng, mỗi cung hàm trên và dưới sẽ có 10 răng gồm: 2 răng cửa, 1 răng nanh, 2 răng hàm sữa ở mỗi bên.

Thứ tự mọc răng sữa có thể không hoàn toàn giống nhau ở các bé, tuy nhiên thường tuân theo trình tự như sau:

0-6 tháng (sơ sinh): Chưa mọc chiếc răng nào;

6-10 tháng tuổi: Mọc 2 răng cửa giữa sữa hàm dưới;

8-12 tháng: Mọc 2 răng cửa giữa sữa hàm trên;

9-13 tháng: Mọc 2 răng cửa bên sữa hàm trên hai bên;

10 - 16 tháng: Mọc 2 răng cửa bên sữa hàm dưới hai bên;

13 – 19 tháng: Mọc 2 răng hàm sữa thứ nhất hàm trên hai bên;

14 -18 tháng: Mọc 2 răng hàm sữa thứ nhất hàm dưới hai bên;

16–22 tháng: Mọc 2 răng nanh sữa hàm trên hai bên;

17-23 tháng: Mọc 2 răng nanh sữa hàm dưới hai bên;

23–31 tháng: Mọc 2 răng hàm sữa thứ 2 hàm dưới hai bên;

25-33 tháng: Mọc 2 răng hàm sữa thứ 2 hàm trên hai bên;

36 tháng: Mọc đầy đủ răng sữa.

cham-soc-rang-sua-the-nao-1

Các loại răng trên cung hàm.

Sự xáo trộn trong quá trình thay răng sữa có thể gây ảnh hưởng đến quá trình mọc răng vĩnh viễn sau này của trẻ.

Ngoài ra, răng sữa cũng có những cấu trúc cơ bản tương tự răng vĩnh viễn. Thực chất lớp men răng của răng sữa mỏng hơn đồng thời buồng tủy răng sữa rộng hơn so với răng vĩnh viễn nên các tổn thương sâu ở răng sữa rất nhanh chóng tiến triển vào tủy răng, thậm chí cuống răng (chóp chân răng), có thể dẫn đến hậu quả phải nhổ răng sữa sớm, do đó việc dự phòng sâu răng ở răng sữa đặc biệt quan trọng.

Chức năng bộ răng sữa

Chức năng của hàm răng sữa ngoài việc ăn nhai, còn tham gia vào quá trình hoàn thiện phát triển cung hàm và hướng dẫn việc mọc răng vĩnh viễn, một chức năng khác không thể không kể đến là chức năng thẩm mỹ và hướng dẫn sự phát triển của xương hàm.

Các răng cửa và răng nanh có chức năng cắn xé thức ăn, răng hàm sữa có vai trò nghiền nát thức ăn. Răng nanh còn thêm chức năng đưa hàm sang bên.

Các răng hàm sữa có chức năng hướng dẫn cho răng vĩnh viễn mọc. Khi mầm răng vĩnh viễn bắt đầu hình thành và di chuyển về phía khoang miệng, kích thích làm tiêu chân răng sữa và hoàn thiện quá trình hình thành chân răng. Đồng thời răng sữa sẽ lung lay và dần được thay thế bằng các răng vĩnh viễn tương ứng.

Việc thay răng sữa quá sớm sẽ làm chậm quá trình mọc răng vĩnh viễn, thiếu chỗ để mọc răng vĩnh viễn.

Thay răng sữa quá muộn làm răng vĩnh viễn thiếu chỗ và mọc lệch lạc trên cung hàm.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng với những trường hợp bệnh nhân mắc hội chứng Anodontia (hội chứng không răng), xương hàm không phát triển và làm cho khoang miệng của bệnh nhân kém phát triển về kích thước.

Những sai lầm cha mẹ thường mắc

Cha mẹ đôi khi không nhận thức được tầm quan trọng của răng sữa, do đó chưa có những phương pháp chăm sóc phù hợp cho bộ răng sữa của bé. Điều này thường bắt nguồn từ suy nghĩ rằng hàm răng sữa sẽ được thay thế bằng hàm răng vĩnh viễn.

Cha mẹ thường đưa bé đến phòng khám khi bé có các vấn đề cụ thể như đau răng hoặc phát hiện lỗ sâu, trẻ phàn nàn về các vấn đề răng miệng. Tuy nhiên đây không phải là thời điểm thích hợp nhất cho lần khám răng đầu tiên của bé, thời điểm thích hợp nhất theo khuyến cáo của Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ đó là thời điểm mọc chiếc răng sữa đầu tiên và không quá 1 tuổi.

Lần gặp đầu tiên này sẽ giúp cha mẹ định hướng những vấn đề cần chú ý cho việc chăm sóc hàm răng sữa và giúp trẻ làm quen với môi trường nha khoa một cách dễ dàng hơn, một thuật ngữ được sử dụng cho việc thăm khám vào thời điểm này đó là “dạo chơi nha khoa cho trẻ”.

Mặt khác, vào thời điểm khi bé gặp những vấn đề thực sự về răng miệng, việc can thiệp điều trị ngay tức thì đôi khi khó thực hiện và có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Những vấn đề này có thể được dự phòng sớm hơn nếu cha mẹ đã có những kiến thức cơ bản được trang bị từ trước đó.

Một số thói quen xấu như bú bình ban đêm gây sâu răng sớm, sâu răng hàng loạt, hoặc thói quen mút môi, đẩy lưỡi cũng gây ảnh hưởng đến sự phát triển cung hàm của trẻ sau này.

cham-soc-rang-sua-the-nao-2

Vị trí mọc 2 răng cửa sữa giữa hàm dưới.

Cách chăm sóc răng sữa

Ngay trước khi mọc chiếc răng sữa đầu tiên, cha mẹ đã cần chú ý đến việc vệ sinh khoang miệng cho bé sau khi ăn bằng gạc ẩm để làm sạch toàn bộ sống hàm, lưỡi và mặt trong của má.

Khi mọc chiếc răng sữa đầu tiên:

+ Dấu hiệu mọc răng sữa có thể đơn giản như lợi thay đổi màu sắc, trắng hoặc nề đỏ, trẻ quấy khóc, nhiều dãi, có thể kèm theo sốt.

+ Vệ sinh cho bé bằng bàn chải, có nhiều loại bàn chải cho bé có thể lựa chọn như bàn chải lông mềm, đầu nhỏ, bàn chải silicon. Ngay từ thời điểm này ba mẹ đã có thể sử dụng kem đánh răng dành riêng cho bé, khi trẻ chưa có phản xạ nhổ nước bọt, nên sử dụng loại kem đánh răng có thể nuốt được. Trên 3 tuổi, có thể sử dụng kem đánh răng có fluor.

Khi bắt đầu mọc những chiếc răng liền kề, cha mẹ có thể dùng phối hợp với chỉ tơ nha khoa để làm sạch kẽ răng cho bé.

Thực tế việc vệ sinh răng miệng cho bé đôi khi mất khá nhiều thời gian, cha mẹ có thể làm mẫu hoặc thay đổi các loại bàn chải, màu sắc khác nhau và kiên trì cùng chơi trò chải răng với trẻ. Nên tán thưởng khi trẻ tự chải răng và để bé có hứng thú với việc vệ sinh răng miệng hàng ngày.

Sử dụng kỹ thuật chải răng ngang, chải đầy đủ tất cả các mặt hàm trên và hàm dưới. Tốt nhất nên chải mặt ngoài cả hai hàm sau đó chải mặt trong và cuối cùng là mặt nhai để tránh bỏ sót.

cham-soc-rang-sua-the-nao-3

2 răng hàm sữa thứ 2 hàm trên hai bên mọc trong thời gian 25 -33 tháng.

Việc chải răng của bé cần phải được ba mẹ giám sát thường xuyên, khi trẻ đã tự nhận thức được việc chải răng, ba mẹ có thể cho bé chải răng trước, sau đó kiểm tra lại đến khi việc chải răng của bé đã thật sự hiệu quả.

Lần khám răng đầu tiên nên ngay khi trẻ mọc chiếc răng đầu tiên ngay cả khi trẻ không có bất cứ vấn đề gì về răng miệng.

Khám răng định kỳ 3-4 tháng/lần để kiểm soát và dự phòng các bệnh lý sâu răng, kiểm soát việc mọc răng của trẻ. Việc khám định kỳ sẽ giúp làm hạn chế những vấn đề răng miệng của trẻ, xây dựng thói quen nha khoa lành mạnh cho trẻ.

Cha mẹ nên tập thói quen ghi lại thời điểm mọc răng và những can thiệp nha khoa của trẻ. Đây chính là hồ sơ theo dõi vô cùng có ý nghĩa đối với những vấn đề răng miệng của trẻ sau này, giúp nha sĩ có tư liệu để đưa ra định hướng điều trị sau này.

Phát hiện và loại bỏ các thói quen xấu như bú bình, mút môi, đẩy lưỡi, thở miệng bằng cách trao đổi với nha sĩ trong những buổi khám răng định kỳ.

Bôi verni fluor dự phòng tại cơ sở y tế 6 tháng/lần đối với những trẻ có nguy cơ sâu răng.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Trẻ nhỏ nghiến răng, nên làm gì?

BS.Xuân Anh - Theo Sức khỏe & Đời sống
Bình luận
Tin mới
  • 21/11/2024

    Trị bệnh Parkinson bằng Đông y có hiệu quả không?

    Do các loại thuốc Tây y điều trị bệnh Parkinson thường đi kèm với tác dụng phụ và nguy cơ “nhờn thuốc” khi dùng lâu dài, nhiều người tìm tới các phương pháp Đông y với hy vọng các loại thảo dược tự nhiên sẽ an toàn hơn với cơ thể.

  • 21/11/2024

    Tăng cường sức khỏe xương khớp cho người cao tuổi trong mùa đông

    Khi bước vào giai đoạn lão hóa, cơ thể con người trải qua nhiều thay đổi sinh lý, suy giảm chức năng của hệ cơ xương khớp và dễ mắc phải các bệnh lý về xương khớp, đặc biệt là trong mùa đông lạnh

  • 21/11/2024

    Tức giận - Kẻ thù thầm lặng của sức khỏe

    Tức giận là một cảm xúc bình thường mà ai cũng sẽ trải qua, bởi hiếm ai có thể giữ được bình tĩnh khi bị tấn công, xúc phạm, phản bội hay thất bại... Tuy nhiên, tức giận quá thường xuyên hoặc kéo dài có thể gây ra nhiều vấn đề đối với sức khỏe.

  • 21/11/2024

    Bệnh hô hấp và cách bảo vệ sức khỏe trong mùa lạnh

    Mùa đông đến đi kèm với sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, không khí hanh khô và độ ẩm giảm. Những yếu tố này gây nên các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu. Các bệnh lý đường hô hấp không chỉ gây khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.

  • 20/11/2024

    9 cách chữa đau chân tại nhà hiệu quả

    Đau chân là vấn đề phổ biến ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của nhiều người. Cùng tìm hiểu 9 phương pháp đơn giản, hiệu quả để chữa đau chân tại nhà. Áp dụng đúng cách, bạn có thể giảm đau, cải thiện lưu thông máu và tăng cường sức khỏe cho đôi chân của mình.

  • 19/11/2024

    Các phương pháp điều trị bênh tiêu chảy tự nhiên khi bạn đang cho con bú

    Thật khó khăn khi bạn phải đối mặt với bệnh tiêu chảy, nhất là khi bạn đang phải cho con bú. Trong bài viết này, Viện Y học ứng dụng Việt Nam sẽ chia sẻ một số biện pháp khắc phục tự nhiên để điều trị bệnh tiêu chảy cho các bà mẹ vẫn đang trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ.

  • 18/11/2024

    Tại sao người đái tháo đường nên ăn rau đầu tiên?

    Ăn rau đầu tiên trong bữa ăn có tác dụng thế nào với người bệnh đái tháo đường? Thứ tự các ăn các món trong bữa ăn của người bệnh đái tháo đường có gì đặc biệt? Nhân Ngày thế giới phòng chống đái tháo đường 14/11, cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

  • 18/11/2024

    Ngày Trẻ em Thế giới: Bồi dưỡng sức khỏe thể chất và tinh thần cho trẻ

    Ngày Trẻ em Thế giới là dịp để chúng ta cùng nhau tôn vinh và bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước. Trong bối cảnh cuộc sống hiện đại với nhiều thay đổi, việc chăm sóc sức khỏe toàn diện cho trẻ em càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Xem thêm