Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Cách xử trí khi trẻ mầm non đánh bạn

Giai đoạn 1-3 tuổi là khi trẻ háo hức thể hiện những điều trẻ thích và không thích, đôi khi qua hành vi gây hấn, đánh người khác. Cha mẹ cần xử trí thế nào trong tình huống trẻ ở độ tuổi mầm non đánh bạn?

Cha mẹ cần chú ý quan sát hành vi hung hăng của trẻ để điều chỉnh kịp thời.

Nguyên nhân khiến trẻ 1-3 tuổi đánh bạn  

Bước vào giai đoạn 1-3 tuổi, trẻ không còn hoàn toàn lệ thuộc vào cha mẹ nữa mà bắt đầu hình thành nhiều cảm xúc, mong muốn và ý kiến cá nhân.

Đây cũng là lúc trẻ đi học ở nhà trẻ, trường mầm non và có biểu hiện gây hấn, đánh và cắn người khác. Hành vi này có thể gây sốc cho cha mẹ và những người xung quanh, nhưng lại là một hiện tượng thường gặp trong quá trình phát triển của trẻ.

Nguyên nhân chính có thể lý giải cho hành vi hung hăng của trẻ khi vừa mới biết đi gồm:

Bé bắt chước người khác

Đánh người là hành vi trẻ học được từ người khác, ví dụ như anh chị trong nhà đã thực hiện hành vi này với trẻ.

Trẻ có thể bắt chước và gây hấn, đánh bạn khi tới trường mầm non, nhà trẻ; Hoặc “học” thói quen này từ lớp và về nhà thực hiện với cha mẹ, người thân.

Do rào cản ngôn ngữ

Ở độ tuổi từ 1 đến 3, trẻ vẫn chưa thể thành thạo các kỹ năng ngôn ngữ cần thiết để diễn tả cảm xúc

Ở độ tuổi từ 1 đến 3, trẻ vẫn chưa thể thành thạo các kỹ năng ngôn ngữ cần thiết để diễn tả cảm xúc.

Theo ThS Ann McKitrick – chuyên gia về giáo dục mầm non, ở độ tuổi 1-3, trẻ vừa mới tập đi và chưa thể kiểm soát cơ thể cũng như cảm xúc của mình một cách thuần thục. Trẻ cũng chưa có đủ từ vựng để diễn tả mong muốn, suy nghĩ của mình. Với trẻ, việc đưa tay ra đánh người khác là cách diễn tả hữu hiệu và cho trẻ quyền kiểm soát.

Nếu được dạy cách diễn đạt “dừng lại”, “không” hoặc “tức giận”, trẻ sẽ có thể giao tiếp hiệu quả hơn và không dùng tới hành vi đánh, gây hấn.

Cách xử lý tình huống bé 1-3 tuổi đánh người khác

Chuyển hướng trước khi trẻ thực hiện hành vi

Người chăm sóc trẻ (cô giáo hay người thân, bảo mẫu) nên cố gắng ngăn cản trẻ thực hiện hành vi đánh hay gây hấn với người khác.

Theo ThS McKitrick, bạn nên theo sát trẻ, giữ lấy tay khi trẻ giơ tay lên cao và đưa ra các mệnh lệnh đơn giản như: “Không, không đánh”.

Cách xử trí khi trẻ tới lớp mầm non, nhà trẻ

Trong trường hợp trẻ từ 1-3 tuổi tham gia các lớp mầm non, cách tốt nhất để kiểm soát hành vi gây hấn là phòng ngừa. Lớp học nên có đủ đồ chơi và không gian cho trẻ hoạt động mà không tranh giành của nhau.

Cô giáo, người trông trẻ cũng nên trao đổi với cha mẹ về cách ứng xử khi trẻ có hành vi đánh bạn để tìm ra biện pháp giữ trẻ an toàn. Tránh những hành vi bêu xấu trẻ như thông báo với các thầy cô khác, ví dụ: “Hôm nay bạn A đánh tất cả mọi người.”

Ứng xử phù hợp với độ tuổi của trẻ

Giai đoạn 1-3 tuổi tưởng chừng là ngắn, nhưng lại là lúc bé phát triển nhanh vượt bậc và liên tục học hỏi từ môi trường bên ngoài. ThS. McKitrick gợi ý, với trẻ từ 12-24 tháng tuổi, cha mẹ nên dạy con một số câu nói đơn giản như: “Không”, “Dừng lại”, “Con đau”… trong các tình huống cần thiết.

Phụ huynh nên khuyến khích trẻ tìm được cách biểu đạt cảm xúc hiệu quả hơn và biết cách xin lỗi

Phụ huynh nên khuyến khích trẻ tìm được cách biểu đạt cảm xúc hiệu quả hơn và biết cách xin lỗi.

Khi trẻ được 2 tuổi, phụ huynh có thể dùng tình huống trẻ đánh người khác để dạy con bài học về lòng trắc ẩn và trách nhiệm. Cha mẹ chỉ ra cho trẻ rằng trẻ đã làm đau anh/chị của trẻ, hoặc khiến bạn học khóc.

Từ đó, hãy hướng dẫn trẻ cách bù đắp cho hành vi của mình. Ngoài việc nói lời xin lỗi, trẻ có thể mang túi chườm đá cho bạn, chia sẻ đồ chơi với bạn.

Ứng xử bình tĩnh

Trong tình huống trẻ đưa tay lên đánh với người khác, trẻ nhỏ sẽ luôn quan sát và hành xử theo phản ứng của cha mẹ. Phụ huynh hoặc người lớn trong nhà cần phản ứng bình tĩnh, không tức giận, phán xét hoặc bêu xấu trẻ.

Thái độ mà cha mẹ cũng như người chăm sóc trẻ cần tránh gồm: La hét, quát mắng (khiến trẻ hoảng sợ); Đánh trẻ hoặc vỗ vào tay trẻ để “đền”, “trả đũa” (trẻ sẽ hiểu là người lớn được quyền đánh người bé hơn); Ngó lơ hành vi hung hăng hoặc phớt lờ trẻ vì hành vi đó (gây ra tổn thương tâm lý).

ThS. McKitrick cũng cho rằng, câu nói “Thế là hư. Con còn đánh người là không ai yêu con đâu” cũng có thể làm tổn thương trẻ. Thay vào đó, phụ huynh nên thử đặt mình vào vị trí của con và nói chuyện với con bình tĩnh, nhẹ nhàng: “Hãy để mẹ giúp con tìm ra nói chuyện mà không làm đau người khác”.

Khi nào hành vi gây hấn ở trẻ được coi là bất thường?

Hành vi đánh, cắn ở một mức độ nào đó là bình thường đối với trẻ mới biết đi. Tuy nhiên, có một vài dấu hiệu bất thường cha mẹ cần lưu tâm để can thiệp kịp thời: Trẻ bắt đầu gây hấn với người khác; Trẻ tự làm đau mình; Trẻ bất ngờ trở nên hung hăng sau một biến cố nào đó; Trẻ chỉ dùng đồ chơi bạo lực; Hành vi này kéo dài liên tục nhiều tuần.

Nếu tình trạng này vượt quá khả năng kiểm soát của cha mẹ, hãy trao đổi với bác sĩ, chuyên gia để cùng tìm ra nguồn gốc của vấn đề và giúp trẻ vượt qua giai đoạn khó nhằn này.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Xu hướng bạo lực ở trẻ em: nguyên nhân và giải pháp.

Quỳnh Trang - Theo suckhoecong
Bình luận
Tin mới
Xem thêm