Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Bệnh viêm võng mạc sắc tố: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Viêm võng mạc sắc tố là một bệnh hiếm gặp, tỷ lệ mắc bệnh trong cộng đồng khoảng 0,02-0,03% dân số. Nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được biết rõ nhưng các chuyên gia cho rằng liên quan tới yếu tố đột biến gen.

Bệnh viêm võng mạc sắc tố là gì?

Võng mạc là lớp trong cùng của nhãn cầu. Võng mạc được cấu tạo bởi nhiều lớp tế bào (lớp tế bào thần kinh thị giác - lớp biểu mô sắc tố - lớp hắc mạc). Trên võng mạc chứa các tế bào đặc biệt, gọi là tế bào que và tế bào nón. Hai tế bào này có nhận cảm ánh sáng và gửi hình ảnh lên não. Các tế bào que dài rất nhạy cảm với ánh sáng, chúng cho phép ta nhìn thấy các vật trong điều kiện thiếu ánh sáng, giúp cho tầm nhìn được xa hơn. Các tế bào nón thì ngược lại cần nhiều ánh sáng, nhưng lại cho ta nhận biết các chi tiết rất nhỏ của vật nhìn vào, đảm bảo tập trung thị lực vào một điểm và giúp phân biệt các màu khác nhau. Loại tế bào thứ hai nằm tập trung vào một chỗ, chúng quyết định sự tinh tường của thị giác. Bệnh viêm võng mạc sắc tố còn được gọi là bệnh quáng gà là một tập hợp các bệnh có ảnh hưởng tới võng mạc. Bệnh võng mạc sắc tố thường gây phá hủy tế bào que trong võng mạc khiến thị lực bị mất dần dần, cuối cùng có thể dẫn đến mù lòa. Đặc điểm của bệnh, biểu hiện thoái hóa biểu mô sắc tố võng mạc có thể từ khi trẻ mới ra đời hoặc ở giai đoạn muộn hơn. Dần dần thoái triển các tế bào que làm cho thị trường mắt bị thu hẹp. Tiếp sau đó là đến thoái hóa các tế bào nón dẫn đến giảm sút thị lực trầm trọng.

 
Triệu chứng viêm võng mạc sắc tố

Triệu chứng thường gặp của bệnh võng mạc sắc tố thường xuất hiện lần đầu tiên trong thời thơ ấu. Các triệu chứng mới xuất hiện thường chưa phát triển nặng, các dấu hiệu nặng sẽ xuất hiện ở giai đoạn trưởng thành. Các triệu chứng có thể gặp bao gồm:

  • Giảm thị lực vào ban đêm hoặc ở những nơi có điều kiện ánh sáng yếu.
  • Thu hẹp thị trường mắt tức là mất tầm nhìn ngoại biên: Người bệnh sẽ có cảm giác như đang nhìn trong đường hầm (gọi là thị lực hình ống) và thường bị trượt ngã.
  • Mất tầm nhìn ở ngoại biên, trường hợp nặng mất hết thị trường cả trung tâm và ngoại biên
  • Bệnh phát triển không giống nhau ở mỗi người, biểu hiện bệnh cũng tùy từng giai đoạn bệnh.

Để phát hiện sớm bệnh có thể dựa vào các triệu chứng theo giai đoạn như:

  • Giai đoạn nhẹ: Chủ yếu người bệnh cảm thấy khó nhìn trong điều kiện thiếu ánh sáng, mất thị lực ngoại biên, cảm thấy màu sắc các vật tối và nhạt hơn.
  • Giai đoạn nặng: Mất hẳn thị lực vào ban đêm, mất thị trường ngoại biên và cả trung tâm (tức là các vật ở rìa và giữa không thấy rõ). Không phân biệt được màu sắc các vật chỉ thấy 2 màu đen và trắng. Nặng hơn là bệnh nhân hoàn toàn không thấy gì.

Nguyên nhân gây bệnh viêm võng mạc sắc tố

Nguyên nhân hiện tại vẫn chưa được làm rõ, tuy nhiên một số chuyên gia cho rằng phần lớn viêm võng mạc sắc tố liên quan đến yếu tố bất thường về gen, bệnh tùy thuộc mức độ đột biến gen, cách thức di truyền bệnh mà có mức độ trầm trọng và tốc độ tiến triển khác nhau. Tình trạng đột biến gen có thể di truyền từ bố hoặc mẹ, hoặc cả bố và mẹ, trong đó yếu tố di truyền lặn chiếm khoảng 60-70%, còn gen trội khoảng 25%, số còn lại là di truyền trên nhiễm sắc thể giới tính X. Nếu có bố hoặc mẹ mắc bệnh viêm võng mạc sắc tố thì nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Điều trị bệnh viêm võng mạc sắc tố

Hiện nay chưa có liệu pháp nào được chứng minh là có hiệu quả để điều trị viêm võng mạc sắc tố. Một số nghiên cứu cho thấy các phương pháp dưới đây có thể giúp làm chậm sự phát triển của bệnh:

  • Nghiên cứu cho thấy việc bổ sung một liều lượng vitamin A thích hợp có thể làm chậm sự phát triển của bệnh, từ đó có thể trì hoãn mù lòa lên đến 10 năm trên một số bệnh nhân trong những giai đoạn nhất định của bệnh. Tuy nhiên việc bổ sung vitamin A cần được hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ
  • Sử dụng các dụng cụ hỗ trợ: Gồm kính lúp và ống nhòm hồng ngoại vào ban đêm giúp người bệnh có thể nhìn rõ hơn. Nhất là những người có thị lực hình ống, thị lực giảm nhiều trong điều kiện giảm ánh sáng.
  • Đeo kính mát ban ngày giúp bảo vệ võng mạc khỏi tia cực tím nên có thể giúp giữ gìn thị lực.
  • Thăm khám thường xuyên định kỳ để được đánh giá chính xác tình trạng bệnh, từ đó đưa ra các phương pháp phù hợp. Ngoài ra để phát hiện và điều trị sớm các bệnh đi kèm như tật khúc xạ, đục thủy tinh thể, glocom...tránh nguy cơ mất thị lực sớm.

Ngoài ra, các nhà khoa học đã nghiên cứu một số phương pháp điều trị có thể liên quan đến việc cấy ghép võng mạc, cấy ghép võng mạc nhân tạo, liệu pháp gen đã được thực hiện và ghi nhận có hiệu quả trong việc điều trị, tuy nhiên hiện chưa phổ biến và chi phí khá cao.

Phòng ngừa bệnh viêm võng mạc sắc tố như thế nào?

Do bệnh nguyên chưa rõ và liên quan tới yếu tố gen, nên bệnh không thể phòng ngừa được, nhưng có những thay đổi giúp cho bệnh không tiến triển nặng hơn như:

  • Tránh thức khuya, xem điện thoại hoặc máy tính trong điều kiện thiếu ánh sáng, tránh bị áp lực công việc hoặc căng thẳng tâm lý.
  • Hạn chế các chất kích thích như rượu, thuốc lá...
  • Có chế độ nghỉ ngơi và thư giãn hợp lý, thường xuyên tập thể dục.
  • Là bệnh có tính di truyền nên khi biết được tiền sử gia đình có người mắc bệnh. Nên tới khám và tầm soát bệnh viêm võng mạc sắc tố có thể phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh.

Bệnh nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm việc điều chỉnh hợp lý giúp bệnh tiến triển chậm hơn, từ đó giảm mù loà sớm. Ngay khi phát hiện các dấu hiệu bệnh gia đình nên đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tê uy tín khám và điều trị.

Kết luận

Viêm võng mạc sắc tố là một thoái hóa tiến triển chậm ở hai mắt của võng mạc và biểu mô sắc tố do nhiều đột biến gen khác nhau. Triệu chứng gồm quáng gà và giảm thị lực ở ngoại vi. Soi đáy mắt thấy biểu mô sắc tố ở dạng tế bào xương ở xích đạo vỗng mạc, động mạch co nhỏ, gai thị nhợt màu dạng sáp, đục thủy tinh thể dưới bao sau và vẩn đục dịch kính. Điện võng mạc giúp chẩn đoán xác định. Vitamin A palmitate, axit béo omega-3, và lutein cộng với zeaxanthin có thể giúp làm chậm tiến triển của mất thị lực.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Thiết bị giúp khôi phục thị lực làm từ sắc tố hữu cơ

 

Hà Linh - Viện Y học ứng dụng Việt Nam (theo Medical News Today) -
Bình luận
Tin mới
  • 05/05/2024

    6 tình trạng sức khỏe nguy hiểm liên quan đến nắng nóng

    Khi thời tiết nắng nóng, nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến nhiệt sẽ tăng lên. Nếu không được điều trị nhanh chóng, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Vậy có phòng ngừa được không?

  • 05/05/2024

    5 biện pháp giảm nồng độ axit uric hiệu quả

    Axit uric là một chất thải tự nhiên được hình thành do sự phân hủy của thực phẩm có chứa purin chúng ta ăn hàng ngày. Sự tích tụ quá mức có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe như bệnh gout và sỏi thận...

  • 05/05/2024

    Top thực phẩm "giải nhiệt" mùa nắng nóng

    Trong mùa hè nắng nóng "khốc liệt", làm mát cơ thể là điều rất quan trọng. Những thực phẩm sau sẽ giải nhiệt cơ thể, tăng cường hệ miễn dịch và giúp bạn khỏe mạnh hơn trong ngày hè.

  • 05/05/2024

    Bệnh Brucellosis

    Brucellosis là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lây lan từ động vật sang người. Bạn có thể mắc bệnh brucellosis nếu bạn tiêu thụ sữa, pho mát hoặc các sản phẩm từ sữa khác chưa tiệt trùng từ động vật bị nhiễm bệnh.

  • 04/05/2024

    Bệnh gout có cần tránh ăn cá?

    Người bệnh gout thường được khuyên không nên ăn thực phẩm chứa nhiều purine - hợp chất hóa học có trong các tế bào của cơ thể và trong nhiều loại thực phẩm, trong đó có các loại cá, để phòng ngừa tái phát cơn gout cấp. Nhưng có cần tránh ăn cá hoàn toàn?

  • 04/05/2024

    Giảm cân cấp tốc: Coi chừng loãng xương

    Quá trình giảm cân đem lại nhiều lợi ích với sức khỏe tổng thể, nhưng có thể làm suy giảm mật độ xương. Đặc biệt, giảm cân cấp tốc với chế độ ăn kiêng kham khổ khiến nhiều người đối mặt với nguy cơ loãng xương cao.

  • 04/05/2024

    Trẻ bị rối loạn tiêu hóa nên ăn uống như thế nào

    Một trong những nguyên nhân chủ yếu gây rối loạn tiêu hóa là do chế độ ăn uống không hợp lý. Chính vì vậy, điều chỉnh chế độ ăn uống có vai trò quan trọng trong phòng ngừa và điều trị rối loạn tiêu hóa ở trẻ em.

  • 04/05/2024

    Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây rụng tóc nội tiết tố androgen

    Tóc mỏng đi, phần trán rộng ra hoặc mảng hói ngày càng phát triển hơn, đó có thể là những dấu hiệu của tình trạng rụng tóc nội tiết tố androgen. Rụng tóc do nội tiết tố androgen, còn được gọi là hói đầu, là loại rụng tóc phổ biến nhất.

Xem thêm