Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Bệnh tiểu đường ở nam giới

Bệnh tiểu đường type 2, từng được gọi là bệnh tiểu đường không phụ thuộc insulin hoặc bệnh tiểu đường khởi phát ở người trưởng thành, là dạng tiểu đường phổ biến nhất, ảnh hưởng tới 90% đến 95% trong số 13 triệu nam giới mắc bệnh này. Tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường gần đây đã tăng lên và những thay đổi lớn này thường xuất hiện nhiều hơn ở nam giới.

Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 thường tăng theo tuổi tác. Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ khuyến cáo những người không có bất kì yếu tố nguy cơ gây bệnh nào nên bắt đầu xét nghiệm sau 45 tuổi.

Không giống như bệnh tiểu đường type 1, những người mắc bệnh tiểu đường type 2 vẫn có thể tạo ra insulin. Nhưng lượng insulin được sản xuất ra là chưa đủ hoặc cơ thể không thể nhận diện và sử dụng chúng một cách chính xác. Tình trạng này được gọi là kháng insulin.

Khi không có đủ insulin hoặc insulin không được sử dụng đúng mục đích, đường (glucose) không thể đi vào tế bào để sử dụng làm nhiên liệu. Do đó, đường sẽ tích tụ lại trong máu và các tế bào không thể hoạt động như bình thường. Các vấn đề khác liên quan đến tích tụ đường trong máu bao gồm:

  • Mất nước. Sự tích tụ đường trong máu có thể khiến bạn đi tiểu nhiều hơn. Khi thận đào thải đường qua nước tiểu, một lượng lớn nước cũng bị mất đi, gây ra tình trạng mất nước.
  • Hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu, không nhiễm ceton. Khi mắc tiểu đường type 2, tình trạng mất nước trở nên nghiêm trọng, ngoài ra, không cung cấp đủ lượng chất lỏng cần thiết sẽ dẫn đến nguy cơ cao gặp biến chứng đe dọa đến tính mạng này.
  • Gây hại cho cơ thể. Theo thời gian, lượng đường trong máu cao có thể làm tổn thương các dây thần kinh và mạch máu nhỏ của mắt, thận và tim. Đồng thời làm tăng nguy cơ xơ vữa các động mạch lớn và có thể gây ra các cơn đau tim hoặc đột quỵ.

 

Những ai có nguy cơ mắc tiểu đường type 2?

Bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh tiểu đường type 2. Nhưng nguy cơ cao nhất ở những người:

  • Thừa cân hoặc béo phì
  • Có thành viên trong gia đình mắc bệnh tiểu đường type 2
  • Mắc các hội chứng chuyển hóa: một nhóm các vấn đề bao gồm cholesterol cao, chất béo trung tính cao, nồng độ HDL (Lipoprotein mật độ cao) hoặc cholesterol "tốt" thấp và nồng độ LDL (Lipoprotein mật độ thấp) hoặc Cholestero "xấu" cao và tăng huyết áp.
  • Thiếu vận động
  • Chế độ ăn nhiều đường và carbohydrate tinh chế, ít chất xơ và ngũ cốc nguyên hạt
  • Là người Mỹ gốc Phi, người gốc Tây Ban Nha, người Mỹ da đỏ hoặc thổ dân Alaska. Một số người dân đảo Thái Bình Dương và người Mỹ gốc Á cũng có nguy cơ cao hơn
  • Ngoài ra, người lớn tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn do quá trình lão hóa khiến cơ thể kém dung nạp đường.

Nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường type 2?

Mặc dù phổ biến hơn bệnh tiểu đường type 1 nhưng những người mắc tiểu đường type 2 lại chưa thực sự hiểu rõ về căn bệnh này. Nó có thể gây ra bởi một số yếu tố và không phải là một vấn đề duy nhất. Bệnh tiểu đường type 2 có thể di truyền trong gia đình, nhưng cơ chế di truyền hoặc nguyên nhân trong gen gây ra bệnh này vẫn chưa được biết chính xác.

Các triệu chứng của bệnh tiểu đường type 2 là gì?

Các triệu chứng của bệnh tiểu đường type 2 khác nhau tùy theo từng người nhưng có thể bao gồm:

  • Khát nước nhiều hơn
  • Đói nhiều hơn (đặc biệt là sau khi ăn)
  • Khô miệng
  • Buồn nôn và thỉnh thoảng nôn mửa
  • Đi tiểu thường xuyên
  • Mệt mỏi (cảm giác yếu đuối, mệt mỏi)
  • Nhìn mờ
  • Tê hoặc ngứa ran ở tay hoặc chân
  • Nhiễm trùng thường xuyên ở da hoặc đường tiết niệu

Hiếm khi, bệnh tiểu đường type 2 được chẩn đoán sau khi có các dấu hiệu của bệnh trong tình trạng hôn mê do tiểu đường.

Bệnh tiểu đường type 2 được chẩn đoán như thế nào?

Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn đang mắc bệnh tiểu đường type 2, trước tiên họ sẽ kiểm tra các dấu hiệu thông qua xét nghiệm máu (lượng đường trong máu cao). Ngoài ra, họ có thể kiểm tra đường hoặc chất ketone trong nước tiểu.

Các xét nghiệm được sử dụng để chẩn đoán bệnh tiểu đường type 2 bao gồm xét nghiệm đường huyết lúc đói và xét nghiệm đường huyết thông thường.

Biến chứng của bệnh tiểu đường type 2

Nếu bệnh tiểu đường type 2 không được kiểm soát tốt có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng hoặc đe dọa tính mạng, bao gồm:

  • Bệnh võng mạc. Những người mắc bệnh tiểu đường type 2 có thể đã có vấn đề về mắt có liên quan đến căn bệnh này. Và theo thời gian, những người không có vấn đề về mắt cũng có thể xuất hiện một số triệu chứng nguy hiểm. Điều quan trọng là phải kiểm soát không chỉ lượng đường mà còn cả huyết áp và cholesterol để ngăn chặn các bệnh về mắt trở nên trầm trọng hơn. May mắn thay, tình trạng mất thị lực không đáng kể ở hầu hết các trường hợp.
  • Tổn thương thận. Nguy cơ mắc bệnh thận tăng theo thời gian, nghĩa là thời gian mắc bệnh tiểu đường càng lâu thì nguy cơ mắc bệnh thận càng cao. Biến chứng này dẫn đến nguy cơ cao mắc bệnh nghiêm trọng khác, chẳng hạn như suy thận và tim mạch.
  • Lưu thông máu kém và tổn thương thần kinh. Tổn thương dây thần kinh và xơ cứng động mạch dẫn đến giảm cảm giác và lưu thông máu kém ở bàn chân. Điều này có thể gây ra nhiều bệnh nhiễm trùng hơn và các vết loét sẽ khó lành hơn. Do đó, có thể làm tăng đáng kể nguy cơ cắt cụt chi. Tổn thương dây thần kinh cũng có thể dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa, chẳng hạn như buồn nôn, nôn và tiêu chảy.

Những cách giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường

Các nghiên cứu cho thấy 90% trường hợp mắc bệnh tiểu đường type 2 có thể được ngăn ngừa hoặc làm chậm tiến triển của bệnh một cách đáng kể. Chỉ bằng cách thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh hơn và hoạt động thể chất đầy đủ. Bằng chứng lớn ủng hộ điều này đã được đưa ra trong một nghiên cứu trên 3.234 người thừa cân và có lượng đường trong máu cao hơn, khiến họ rơi vào nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Những người tuân theo chương trình tập thể dục và ăn kiêng nhằm giảm số cân nặng thừa, trung bình 6,8 kg, đã giảm 58% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Những người trong nhóm từ 60 tuổi trở lên giảm 71% nguy cơ. Và đây là những người đã có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường. Các chuyên gia cho biết, hãy giữ cân nặng của bạn ở mức bình thường và luôn vận động, bạn sẽ có thể ngăn ngừa đáng kể bệnh tiểu đường.

Bệnh tiểu đường được điều trị như thế nào?

Trong một số trường hợp, thay đổi lối sống có thể giúp bệnh được kiểm soát hoàn toàn. Tuy nhiên, nhiều người mắc bệnh tiểu đường cần dùng thuốc uống hoặc tiêm để giảm lượng đường trong máu.

Khi những thuốc này không đủ để cải thiện tình trạng bệnh, insulin (dạng hít và/hoặc tiêm) có thể cần thiết, đôi khi dùng cùng với thuốc uống. Một số loại thuốc mới có tác dụng với insulin để cải thiện việc quản lý lượng đường trong máu đã được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ chấp thuận.

Mặc dù điều trị đã cải thiện tình trạng bệnh nhưng việc kiểm soát bệnh tiểu đường vẫn là một thách thức, đó là lý do tại sao các chuyên gia tập trung vào việc phòng ngừa.

Những điều cần biết về bệnh tiểu đường?

Một chế độ ăn uống lành mạnh được thiết kế để ngăn ngừa bệnh tiểu đường type 2 bao gồm ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau quả, đồng thời tránh đường và carbohydrate tinh chế.

Các nghiên cứu cho thấy rượu thực sự có thể bảo vệ chống lại bệnh tiểu đường. Kết hợp dữ liệu từ 15 nghiên cứu, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng tiêu thụ rượu vừa phải giúp giảm gần 30% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2. Nhưng uống quá nhiều sẽ làm tăng nguy cơ. Ở đây, như mọi khi, điều này có nghĩa là điều độ, chẳng hạn như một ly mỗi ngày.

Hải Yến - Viện Y học Ứng dụng Việt Nam - Theo WebMD
Bình luận
Tin mới
  • 02/05/2024

    Người làm việc ca đêm tăng nguy cơ bị béo phì

    Ngoài giấc ngủ bị gián đoạn, những người làm việc ban đêm còn phải đối mặt với thói quen ăn uống bị thay đổi, giảm hoạt động thể chất và sự thay đổi nội tiết tố, góp phần làm tăng nguy cơ béo phì. Người làm ca đêm cần chú ý chăm sóc cơ thể nhằm hạn chế mức độ ảnh hưởng, đảm bảo sức khoẻ để làm việc hiệu quả, an toàn.

  • 02/05/2024

    4 dấu hiệu trên da "tố" bạn có thể bị dị ứng rượu

    Bạn có thể đã nghe nói về dị ứng đậu phộng, sữa hoặc đậu nành, nhưng bạn đã bao giờ gặp thuật ngữ dị ứng rượu chưa? Cũng giống các loại dị ứng thực phẩm khác, dị ứng rượu là một vấn đề sức khỏe đáng quan tâm.

  • 02/05/2024

    8 lợi ích tuyệt vời của đi bộ thể dục

    Đi bộ không chỉ là hình thức tập thể dục đơn giản mà hầu hết mọi người đều có thể thực hiện mà còn là một hoạt động đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tổng thể. Dưới đây là 10 lý do khiến bạn muốn bắt đầu ngay hay tiếp tục duy trì hoạt động lành mạnh này:

  • 02/05/2024

    Giảm nguy cơ sa sút trí tuệ khi về già nhờ 8 thói quen lành mạnh

    Chứng sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer hiện chưa có biện pháp điều trị. Tuy nhiên, bạn có thể thực hiện thói quen sinh hoạt lành mạnh ngay từ sớm để giảm nguy cơ suy giảm chức năng nhận thức khi về già.

  • 01/05/2024

    5 sai lầm phổ biến khi tắm gây hại cho làn da

    Tắm là nhu cầu vệ sinh cơ bản và cần thiết của mỗi con người. Nhưng nhiều người trong chúng ta khi tắm thường mắc phải một số sai lầm dẫn đến tác hại không hề nhỏ đối với sức khỏe làn da.

  • 01/05/2024

    Tiêu chí lựa chọn dầu ăn tốt cho sức khỏe

    Dầu ăn là nguyên liệu quen thuộc trong căn bếp của mỗi gia đình. Khi nấu ăn với dầu hàng ngày, bạn nên lựa chọn dầu ăn đáp ứng được các tiêu chí tốt cho sức khỏe.

  • 01/05/2024

    Những nguy hiểm của thừa cân có thể bạn không biết

    Thừa cân là một vấn đề ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại ngày nay do mất cân bằng dinh dưỡng và lối sống ít vận động, thiếu khoa học. Vấn đề này đang làm suy giảm sự tự tin và đẩy con người ta tiến gần hơn đến các nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khỏe.

  • 01/05/2024

    5 dấu hiệu cảnh báo bệnh đái tháo đường bạn nên biết

    Đái tháo đường là căn bệnh phổ biến và đang có xu hướng trẻ hóa. Nhận biết sớm các dấu hiệu cảnh báo bệnh có vai trò quan trọng trong việc điều trị.

Xem thêm