Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Bạn có cần vệ sinh lưỡi hàng ngày hay không?

Nạo lưỡi/cạo lưỡi hay còn gọi là bàn chải lưỡi có thể giúp cải thiện sức khỏe răng miệng của bạn. Dưới đây là những lợi ích của việc vệ sinh lưỡi và các cách vệ sinh lưỡi đúng cách.

Hai yếu tố quan trọng nhất để răng miệng luôn được sạch sẽ là chải răng và dùng chỉ nha khoa. Đa số mọi người trong chúng ta đều biết điều đó, nhưng nhiều người không biết chắc chắn rằng liệu vệ sinh lưỡi hàng ngày có giúp ích gì cho sức khỏe răng miệng hay không.

Câu trả lời ngắn gọn là có. Chải răng 2 lần một ngày bằng kem đánh răng có chứa fluoride và dùng chỉ nha khoa mỗi lần đánh răng là những việc cần phải làm để có hàm răng trắng khỏe. Nếu bạn có thể vệ sinh thêm cả lưỡi nữa, thì càng tốt.

Vệ sinh lưỡi là gì?

Vệ sinh lưỡi là một thói quen buổi sáng của người cổ xưa tại Ấn Độ. Trong nghi lễ này, họ sẽ sử dụng một dụng cụ dài, mỏng, phẳng hình chữ U, làm từ kim loại hoặc nhựa để cạo/nạo lưỡi nhằm loại bỏ vi khuẩn, thức ăn thừa và các tế bào chết nằm ở trên mặt lưỡi. Dùng dầu để súc miệng cũng là một tập tục khác của người cổ đại để duy trì sức khỏe răng miệng.

Lợi ích của việc vệ sinh lưỡi

Đầu tiên, chắc chắn vệ sinh lưỡi sẽ làm bạn cảm thấy dễ chịu hơn trong khoang miệng của mình so với việc chỉ đánh răng. Tuy nhiên, việc vệ sinh lưỡi cũng đem lại nhiều lợi ích khác về sức khỏe, bao gồm:

Loại bỏ vi khuẩn và giảm hôi miệng

Khi bạn vệ sinh lưỡi, bạn sẽ giúp loại bỏ vi khuẩn trong miệng, do vậy có thể giúp làm giảm tình trạng hôi miệng. Nghiên cứu năm 2005 chỉ ra rằng vệ sinh lưỡi 2 lần/ngày trong vòng 7 ngày giúp  làm giảm vi khuẩn gây hôi miệng và sâu răng. Một nghiên khác chỉ ra rằng, vệ sinh lưỡi sẽ giúp loại bỏ tốt hơn các hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi gây hôi miệng, so với việc chỉ chải răng đơn thuần. Tuy nhiên, nghiên cứu này có quy mô rất nhỏ, chỉ trên 10 người. Vệ sinh lưỡi không thực sự giải quyết nguyên nhân gây hơi thở hôi nhưng vệ sinh lưỡi tốt hơn là súc miệng.

Có lợi cho sức khỏe nói chung

Do lưỡi cũng là một vị trí mà vi khuẩn có thể lưu lại trong miệng, nên việc vệ sinh lưỡi cũng sẽ giúp khoang miệng của bạn sạch sẽ hơn. Vệ sinh lưỡi sẽ giúp loại bỏ bớt vi khuẩn xấu trong khoang miệng, từ đó giúp dự phòng các vấn đề răng miệng như sâu răng và bệnh về nướu.

Cải thiện tình trạng lưỡi

Mặc dù lưỡi là cơ quan không mấy ai để ý đến nhưng khi bạn nói chuyện và cười đùa thì người đối diện sẽ có thể nhìn rất rõ lưỡi của bạn. Nếu lưỡi của bạn nổi cục trắng hoặc được bao phủ bởi một lớp màu vàng, bạn sẽ cần phải vệ sinh lưỡi để lưỡi trông khỏe mạnh hơn. Nếu bạn thấy lưỡi mình có mảng trắng, thì rất có thể bạn đã bị nhiễm nấm candida ở trong miệng. Nhiễm nấm candida cũng có thể gây hôi miệng và tưa miệng/lưỡi. Vệ sinh lưỡi sẽ giúp bạn loại bỏ lớp màng trắng trên lưỡi và giúp lưỡi có màu hồng tự nhiên.

Cải thiện vị giác của bạn

Nếu bạn cảm thấy những bữa ăn gần đây có phần nhạt nhẽo, thì rất có thể việc bạn cần làm là vệ sinh lưỡi của mình. Nghiên cứu trên 16 người cho thấy, vệ sinh lưỡi 2 lần/ngày sẽ giúp cải thiện vị giác của họ.

Nguy cơ của việc vệ sinh lưỡi

Nhìn chung, bất cứ ai cũng có thể thực hiện việc vệ sinh lưỡi. Việc vệ sinh lưỡi không gây ra nguy cơ hay phản ứng phụ gì, miễn là bạn không chải quá mạnh. Nếu thực hiện quá mạnh bạn có thể gây xước lưỡi và thậm chí là cắt phải lưỡi. Tất nhiên những vết thương này sẽ lành nhưng tổn thương ở lưỡi thường sẽ rất đau vì có nhiều đầu dây thần kinh ở lưỡi, do vậy, bạn nên thận trọng.

Nếu bạn mắc phải các bệnh lý gây kích ứng hoặc viêm vùng lưỡi, ví dụ như hội chứng nóng rát họng, lưỡi bản đồ hoặc một số bệnh tự miễn, bạn không nên vệ sinh lưỡi.

Bạn có cần dụng cụ vệ sinh lưỡi riêng biệt không hay chỉ cần sử dụng bàn chải?

Bạn có thể sử dụng mặt sau của bàn chải (một số loại bàn chải có gai ráp ở mặt sau để vệ sinh lưỡi) hoặc sử dụng một dụng cụ vệ sinh lưỡi riêng biệt. Theo các chuyên gia, nên sử dụng một dụng cụ vệ sinh lưỡi riêng biệt vì mặt sau của bàn chải thường khá nhỏ và bạn sẽ mất nhiều thời gian hơn để vệ sinh lưỡi so với việc sử dụng dụng cụ.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Thừa răng

Ths. Liên Hương - Viện Y học ứng dụng Việt Nam (theo RD.com) -
Bình luận
Tin mới
Xem thêm