Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

7 nguyên nhân phổ biến gây mù lòa

Mù lòa là tình trạng liên quan đến tuổi tác như thoái hóa điểm vàng, bệnh tăng nhãn áp hoặc đục thủy tinh thể. Nhưng những tình trạng hiếm gặp khác cũng có thể gây mù lòa ở mọi lứa tuổi. Mặc dù mất thị lực thường liên quan đến tuổi tác nhưng các yếu tố khác cũng có thể đóng một vai trò nào đó. Theo dõi bài viết dưới đây để tìm hiểu về bảy nguyên nhân phổ biến nhất gây mù lòa, các yếu tố nguy cơ và cách giảm thiểu nguy cơ cho chính bản thân mình.

Làm sao để biết bản thân mình có nguy cơ mù lòa hay không?

Các dấu hiệu mất thị lực, mù lòa có thể khó phát hiện và tăng dần theo thời gian hoặc xuất hiện đột ngột. Hãy đến gặp bác sĩ nhãn khoa ngay lập tức nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào sau đây:

  • Nhìn thấy những tia sáng.
  • Nhìn thấy những vật trôi nổi hoặc đốm.
  • Nhìn thấy quầng sáng xung quanh nguồn sáng.
  • Giảm thị lực.
  • Chảy nước mắt.
  • Đỏ mắt.
  • Có đường lượn sóng hoặc bị bóp méo.
  • Khoảng trống ở trung tâm vùng nhìn.
  • GIảm chất lượng thị lực.
  • Khó nhìn xa.
  • Đau mắt dữ dội.

Thoái hóa điểm vàng

Nếu bạn trên 60 tuổi, việc nhận biết bệnh thoái hóa điểm vàng liên quan đến độ tuổi (AMD) sẽ rất hữu ích. Đó là nguyên nhân phổ biến nhất gây mất thị lực ở những người trong độ tuổi này. Mặc dù không gây đau đớn nhưng nó có thể làm giảm dần tầm nhìn của bạn.

Thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi xảy ra khi các tế bào ở trung tâm võng mạc (điểm vàng) bị tổn thương theo thời gian. Thoái hóa điểm vàng có hai thể: ướt và khô. Thoái hóa điểm vàng thể khô phổ biến hơn nhưng ít nghiêm trọng hơn.

Dấu hiệu ban đầu của thoái hóa điểm vàng thể ướt là khi nhìn các đường thẳng, chúng sẽ có vẻ quanh co lượn sóng. Với thoái hóa điểm vàng thể khô, trước tiên bạn có thể bị nhìn mờ hoặc méo mó thị lực trung tâm.

Các yếu tố nguy cơ của thoái hóa điểm vàng bao gồm hút thuốc hoặc có tiền sử gia đình. Người da trắng có nguy cơ cao hơn các chủng tộc khác.

Bệnh tăng nhãn áp

Bệnh tăng nhãn áp là một nhóm bệnh có thể làm tổn thương dây thần kinh thị giác ở phía sau mắt. Khoảng một nửa trong số tất cả những người mắc bệnh tăng nhãn áp không biết họ mắc bệnh này vì nó có thể tiến triển rất chậm. Đầu tiên, nó làm tổn thương thị lực một bên (ngoại vi) và cuối cùng có thể gây mù lòa.

Các nhà nghiên cứu không chắc chắn về nguyên nhân gây ra bệnh tăng nhãn áp. Căn bệnh này liên quan đến áp lực mắt cao, nhưng ngay cả những người có áp lực mắt bình thường cũng có thể mắc bệnh này. Khám mắt định kỳ 1–2 năm một lần có thể giúp bác sĩ phát hiện sớm bệnh này.

Các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh tăng nhãn áp:

  • Có tiền sử gia đình mắc bệnh tăng nhãn áp.
  • Là người La-tinh và hơn 60 tuổi.
  • Thuộc chủng người da đen và hơn 40 tuổi.

Đục thủy tinh thể

Đục thủy tinh thể là tình trạng thủy tinh thể bị đục do các protein ở một hoặc cả hai mắt. Những protein này tạo thành một khu vực dày đặc, khiến thấu kính khó gửi hình ảnh rõ ràng đến các phần khác của mắt.

Đục thủy tinh thể là một bệnh về mắt phổ biến, đe dọa tới thị lực. Ước tính rằng ở tuổi 80, một nửa số người trưởng thành ở Hoa Kỳ sẽ phải phẫu thuật đục thủy tinh thể ở một hoặc cả hai mắt.

Các yếu tố nguy cơ bao gồm:

  • Lão hóa.
  • Hút thuốc lá.
  • Uống rượu.
  • Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời kéo dài.
  • Bệnh tiểu đường.

Bệnh võng mạc do đái tháo đường.

Những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh võng mạc tiểu đường, bao gồm cả tiểu đường type 1 và type 2 hoặc tiểu đường thai kỳ. Lượng đường trong máu cao thường xuyên có thể làm hỏng các mạch máu trên khắp cơ thể. Bao gồm các mạch máu nhỏ trong võng mạc, khu vực phía sau mắt và khiến mắt trở nên nhạy cảm với ánh sáng. Các mạch máu có thể bị vỡ hoặc phát triển bất thường, gây giảm thị lực và cuối cùng là mù lòa.

Viêm võng mạc sắc tố

Viêm võng mạc sắc tố (RP) là một nhóm bệnh di truyền hiếm gặp về mắt. Đột biến gen ảnh hưởng đến võng mạc có thể khiến các tế bào của mắt bị phá vỡ từ từ. Mặc dù viêm võng mạc sắc tố thường được truyền từ bố mẹ sang con khi sinh. Nhưng chấn thương, nhiễm trùng và một số loại thuốc cũng có thể gây tổn thương võng mạc giống như viêm võng mạc sắc tố. Hầu hết những người mắc viêm võng mạc sắc tố cuối cùng đều mất phần lớn thị lực.

Các yếu tố nguy cơ của viêm võng mạc sắc tố bao gồm tiền sử gia đình mắc bệnh này hoặc mắc các rối loạn di truyền khác như hội chứng Usher.

Nhược thị

Nhược thị thường chỉ ảnh hưởng đến một mắt. Nó thường bắt đầu từ thời thơ ấu, khi não của bạn gặp khó khăn trong việc diễn giải thông tin từ một bên mắt. Theo thời gian, mắt có thị lực tốt hơn sẽ trở nên khỏe hơn, trong khi mắt bị nhược thị sẽ yếu đi.

Nhiều bậc cha mẹ không biết con mình mắc bệnh cho đến khi bác sĩ chẩn đoán. Các yếu tố nguy cơ gây ngược thị bao gồm:

  • Tiền sử gia đình mắc bệnh nhược thị, đục thủy tinh thể hoặc các bệnh về mắt khác.
  • Cân nặng khi sinh thấp hoặc sinh non.
  • Chậm phát triển.

Lác mắt

Nhược thị thường xảy ra cùng với lác mắt. Tuy nhiên, lác mắc có thể xảy ra mà không bị nhược thị. Các cơ bao quanh cho phép mắt di chuyển và tập trung. Khi chúng phối hợp không tốt, cả hai mắt sẽ không thẳng hàng khi nhìn vào một vật. Điều đó có thể khiến não phải phụ thuộc vào mắt còn lại nhiều hơn mắt kia. Tình trạng này cần phải được điều trị để giúp hai mắt nhìn thấy cùng nhau.

Các nhà nghiên cứu không chắc chắn nguyên nhân gây ra bệnh lác, nhưng các yếu tố nguy cơ bao gồm:

  • Tiền sử gia đình mắc bệnh lác.
  • Mắc các bệnh khác về mắt.
  • Chấn thương mắt hoặc não.
  • Mắc hội chứng Down hoặc bại não.
  • Một số nguyên nhân khác

Các nguyên nhân gây mù lòa ít phổ biến có thể kể đến như:

  • Chấn thương mắt.
  • Chấn thương não.
  • Biến chứng sau phẫu thuật mắt.
  • Tật khúc xạ không được điều trị.
  • Rối loạn di truyền.
  • Bệnh đau mắt hột, nhiễm trùng Chlamydia tại mắt.
  • Khối u.
  • Đột quỵ.
  • Bong võng mạc.
  • Nhiễm trùng mắt nghiêm trọng.

Làm thế nào để ngăn ngừa bệnh mù lòa?

Kiểm tra mắt bằng phương pháp giãn nở đồng tử là một trong những cách tốt nhất để ngăn ngừa tình trạng mất thị lực. Phương pháp này cũng có thể giúp bạn phát hiện sớm tình trạng bệnh để việc điều trị có thể hiệu quả hơn.

Bạn cũng có thể bảo vệ thị lực của mình bằng cách:

  • Kiểm soát lượng đường trong máu.
  • Thực hiện chế độ ăn lành mạnh.
  • Duy trì mức cân nặng vừa phải.
  • Bỏ hút thuốc.

Một số câu hỏi thường gặp

Dưới đây là phần giải đáp cho một số câu hỏi phổ biến về nguyên nhân gây mù lòa:

Nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa là gì? Đục thủy tinh thể là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa trên toàn thế giới và mất thị lực ở Hoa Kỳ.

Những bệnh nào dẫn đến mù lòa ở người trẻ? Nguyên nhân hàng đầu gây mất thị lực ở người trưởng thành dưới 40 tuổi tại Hoa Kỳ là tật khúc xạ, chấn thương mắt do tai nạn và bệnh tiểu đường.

Nguyên nhân phổ biến gây mù lòa ở trẻ em? Trẻ em chiếm tới 3% số người bị mù trên toàn thế giới. Nguyên nhân phổ biến nhất gây mù lòa ở trẻ em ở Hoa Kỳ là:

  • Bệnh võng mạc ở trẻ sinh non.
  • Rung giật nhãn cầu.
  • Đục thủy tinh thể.
  • Teo dây thần kinh thị giác.

Kết luận

Mất thị lực đang trở nên phổ biến hơn ở hầu hết các quốc gia khi dân số già đi. Tuổi tác đóng vai trò quan trọng trong các nguyên nhân phổ biến nhất gây mất thị lực, chẳng hạn như thoái hóa điểm vàng liên quan đến độ tuổi, bệnh tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể và bệnh võng mạc tiểu đường.

Nhưng mất thị lực có thể xảy ra với bất cứ ai ở mọi lứa tuổi. Kiểm tra thị lực bằng cách khám mắt thường xuyên, thiết lập thói quen lành mạnh và hiểu biết về các yếu tố nguy cơ có thể xảy ra là điều cần thiết để phòng ngừa và chẩn đoán sớm.

Hải Yến - Viện Y học Ứng dụng Việt Nam - Theo Healthline
Bình luận
Tin mới
  • 27/04/2024

    Vì sao người béo phì dễ bị ợ nóng hơn?

    Béo phì gắn liền với những bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa, trong đó có chứng ợ nóng. Tìm hiểu nguyên nhân cân nặng quá mức làm tăng nguy cơ trào ngược dạ dày thực quản cũng như cách để kiểm soát tại nhà.

  • 27/04/2024

    Mỳ chính (bột ngọt) có an toàn cho trẻ em và phụ nữ mang thai không?

    Bằng chứng khoa học cho thấy bột ngọt (monosodium glutamate) an toàn cho mọi người ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em, trẻ sơ sinh và phụ nữ mang thai.

  • 27/04/2024

    Chế độ ăn cho người bệnh rối loạn tiền đình

    Chế độ ăn uống hàng ngày là một công cụ mạnh mẽ trong việc duy trì sức khỏe của hệ thống tiền đình và giảm các triệu chứng liên quan đến rối loạn tiền đình.

  • 27/04/2024

    Bí quyết có 1 thai kỳ khỏe mạnh - Chuẩn bị ngay từ trước khi thụ thai

    Chăm sóc sức khỏe trước khi mang thai là một bước quan trọng để đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh. Nhiều phụ nữ tập trung vào việc bổ sung dinh dưỡng và thay đổi lối sống ngay khi biết mình có thai. Tuy nhiên, các bước chuẩn bị sẽ hiệu quả hơn nếu được thực hiện trước khi thụ thai ít nhất từ 3-6 tháng.

  • 26/04/2024

    Nguyên nhân gây ngứa đa xơ cứng và cách điều trị

    Các rối loạn về giác quan, bao gồm cả cảm giác ngứa, có thể xảy ra trong bệnh đa xơ cứng. Đôi khi, những cảm giác này có thể là dấu hiệu sớm của bệnh.

  • 26/04/2024

    5 loại thực phẩm không nên ăn cùng chuối

    Mặc dù chuối là một loại trái cây giàu dinh dưỡng nhưng theo y học cổ truyền Ấn Độ, sự kết hợp chuối và một số thực phẩm sẽ gây khó chịu cho hệ tiêu hóa đối với một nhóm người.

  • 26/04/2024

    Chế độ ăn cho người bị nhiễm vi khuẩn HP

    Cùng với tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ, chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa loét dạ dày do nhiễm vi khuẩn HP.

  • 26/04/2024

    Tại sao cần tiêm vaccine phòng uốn ván?

    Uốn ván là một căn bệnh nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cơ và dây thần kinh của cơ thể nhưng có thể phòng ngừa được. Nó thường gây co thắt, tạo cảm giác đau đớn và cứng cơ hàm. Uốn ván là một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng và dễ dàng phòng ngừa bằng tiêm chủng. Nguyên nhân là do độc tố được tạo ra bởi bào tử của vi khuẩn Clostridium tetani. Những vi khuẩn này sống trong môi trường, bao gồm cả trong đất, bụi và phân động vật.

Xem thêm