Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

15 căn bệnh thường hay bị chẩn đoán nhầm

Bệnh celiac, đau cơ xơ hóa và nhiều căn bệnh khác đều là những bệnh khó chẩn đoán.

Khi bạn xuất hiện một cơn đau bất thường, một vấn đề về tiêu hóa không rõ nguyên nhân, hoặc các triệu chứng khác không thể giải thích được, thì bạn có thể sẽ đến gặp bác sỹ để tìm ra nguyên nhân. Tuy nhiên, đôi khi, các bác sỹ cũng sẽ gặp khó khăn trong việc nhận ra một số rối loạn hoặc bệnh tật ở người bệnh, bởi rất nhiều triệu chứng là không đặc trưng cho một bệnh nào cả, và mỗi triệu chứng lại khác nhau tùy từng người. Ngoài ra, không phải lúc nào các xét nghiệm cũng sẵn có và phù hợp để có thể đưa ra một chẩn đoán chính xác dược.

Dưới đây là 15 tình trạng thường rất khó để chẩn đoán ra.

Hội chứng ruột kích thích (IBD)

Một số tình trạng bệnh rất khó để chẩn đoán bởi không có một xét nghiệm nào có thể chứng minh được sự tồn tại của bệnh. Bệnh chỉ có thể được chẩn đoán sau khi đã loại trừ tất cả các nguyên nhân có thể khác.

Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một tình trạng mãn tính, ảnh hưởng đến đại tràng và gây đau bụng, đau quặn, chướng bụng, tiêu chảy và/hoặc táo bón, cũng là một trong số những bệnh như vậy. Theo các tiêu chuẩn chẩn đoán, một người nếu có các triệu chứng kéo dài ít nhất 6 tháng trước khi được lượng giá chính thức bởi bác sỹ và cảm giác khó chịu phải xuất hiện ít nhất 3 ngày/tháng  trong vòng 3 tháng trở lại đây mới được chẩn đoán mắc hội chứng ruột kích thích.

Bệnh Celiac

Có rất nhiều hiểu lầm về bệnh celiac – một phản ứng tự miễn với gluten, gây ra tình trạng viêm ở ruột non. Trung bình, một bệnh nhân phải mất từ 6-10 năm mới có thể được chẩn đoán chính xác bị mắc bệnh celiac. Những người mắc bệnh celiac về lý thuyết sẽ mắc phải các vấn đề về tiêu hóa khi tiêu thụ các loại thực phẩm có chứa gluten, ví dụ như lúa mỳ, lúa mạch và lúa mạch đen, nhưng trên thực tế, chỉ có khoảng một nửa số người bệnh bị tiêu chảy và sụt cân khi tiêu thụ những loại thực phẩm này. Bệnh celiac cũng có thể khiến da bạn bị ngứa, đau đầu, đau khớp, trào ngược axit, ợ nóng.

Và những triệu chứng này rất dễ gây nhầm lẫn với các bệnh khác của hệ tiêu hóa. Xét nghiệm máu có thể sẽ giúp chẩn đoán bệnh celiac cho dù bạn có xuất hiện triệu chứng bệnh hay không. Và nội soi cũng có thể sẽ giúp bác sỹ xác định được liệu ruột non của bạn có bất cứ tổn thương nào hay không.

Đau cơ xơ hóa

Đau cơ xơ hóa là căn bệnh đặc trưng bởi tình trạng đau cơ xương lan rộng, bao gồm cả các triệu chứng y học khó lý giải (medically unexplained symptoms). Khi bác sỹ không thể tìm ra nguyên nhân của tình trạng đau mãn tính  và mệt mỏi của người bệnh, thì họ thường giải quyết theo cách: hội chẩn với các chuyên gia thuộc các lĩnh vực khác, loại trừ các nguyên nhân có thể (cũng là những bệnh rất khó chẩn đoán) và cuối cùng đi đến một thống nhất chung.

Có những nghiên cứu chỉ ra rằng, cùng một bệnh nhân với triệu chứng đó, nếu đến gặp chuyên gia về khớp sẽ được chẩn đoán mắc bệnh đau cơ xơ hóa, nhưng nếu đến gặp chuyên gia tiêu hóa, họ sẽ được chẩn đoán mắc hội chứng ruột kích thích.

Viêm khớp dạng thấp

Đau không rõ nguyên nhân tại các khớp có thể là do bệnh viêm khớp dạng thấp – một bệnh tự miễn.  Không giống như bệnh viêm xương khớp (sự mài mòn của các khớp khi chúng ta lớn tuổi), viêm khớp dạng thấp sẽ gây viêm, đau và sưng tại các khớp ở bất cứ lứa tuổi nào.

Bệnh viêm khớp dạng thấp trong giai đoạn sớm có thể có triệu chứng tương tự như nhiều bệnh khác, và đôi khi, triệu chứng chỉ là cảm giác đau và cứng tại các khớp – một triệu chứng có thể có nguyên nhân là rất nhiều bệnh. Xét nghiệm máu có thể sẽ giúp phát hiện ra tình trạng viêm của cơ thể, nhưng chẩn đoán xác định viêm khớp dạng thấp còn cần phải tính đến cả tiền sử bệnh tật và tiền sử gia đình của người bệnh, cùng với đó là việc thăm khám kỹ càng.

Đa xơ cứng

Đa xơ cứng là một bệnh tự miễn khác, xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công chính các tế bào thần kinh của cơ thể và làm gián đoạn sự kết nối giữa não bộ và cơ thể. Một số triệu chứng ban đầu của bệnh đa xơ cứng thường là tê bì, yếu hoặc ngứa râm ran ở một hoặc nhiều chi, nhưng không phải ai cũng sẽ xuất hiện các triệu chứng này.

Bệnh đa xơ cứng có thể sẽ phát triển thành từng đợt và sẽ có những đợt thuyên giảm. Phụ thuộc vào số lượng tổn thương và vị trí tổn thương tại não mà dấu hiệu bệnh có thể sẽ nặng hoặc nhẹ hơn ở mỗi người.Một khi bác sỹ nghi ngờ bạn bị đa xơ cứng, bạn có thể sẽ cần phải tiến hành chọc dò dịch não tủy hoặc chụp cộng hưởng từ để chẩn đoán xác định.

Bệnh Lyme

Một người bị nhiễm bệnh Lyme có thể sẽ dẫn đến việc xuất hiện các vết mẩn đỏ xung quanh vết cắn của ve hoặc rận. Nhưng không phải ai bị bệnh Lyme cũng sẽ xuất hiện tình trạng mẩn đỏ này và bệnh Lyme có thể còn có nhiều triệu chứng khác (ví dụ như mệt mỏi, đau đầu, đau khớp và các triệu chứng khác) rất dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh khác.

Xét nghiệm máu có thể sẽ giúp kiểm tra kháng thể bệnh Lyme trong máu nhưng các kháng thể này thường sẽ không xuất hiện sau khi bị nhiễm bệnh vài tuần, do vậy các xét nghiệm thường kém chính xác. Việc loại bỏ ve là rất quan trọng để dự phòng tình trạng làm lây lan các loại vi khuẩn nguy hiểm. Kháng sinh phòng Lyme cũng sẽ hiệu quả nhất nếu được dùng ngay lập tức.

Lupus ban đỏ

Dấu hiệu dễ thấy nhất của bệnh lupus ban đỏ (cũng là một bệnh tự miễn) chính là vết ban đỏ hình cánh bướm ở má, nhưng không phải ai bị lupus cũng xuất hiện vết ban đỏ này. Với những người không xuất hiện vết ban đỏ, chẩn đoán có thể là một quá trình lâu dài và khó khăn. Bệnh Lupus có thể biểu hiện theo nhiều cách, có thể ảnh hưởng đến các khớp, thận, não, da và phổi, ngoài ra triệu chứng bệnh cũng có thể tương đồng với nhiều bệnh khác.

Không thể chẩn đoán bệnh bằng một cách riêng biệt nào đó, nhưng xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu cùng với việc thăm khám lâm sàng có thể sẽ được tiến hành. Điều trị lupus phụ thuộc vào dấu hiệu và triệu chứng của từng bệnh nhân, loại thuốc và liều thuốc cũng cần được điều chỉnh tùy theo cơn bùng phát hay thuyên giảm của bệnh.

Hội chứng buồng trứng đa nang

Chu kỳ kinh nguyệt bất thường, tăng cân không rõ nguyên nhân và khó mang thai là những dấu hiệu của hội chứng buồng trứng đa năng, một rối loạn hormone có thể ảnh hưởng đến những phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ. Rất nhiều phụ nữ mắc phải tình trạng này cũng sẽ có buồng trứng bị phì đại cùng với rất nhiều nang trứng nhỏ, nhưng không phải ai mắc hội chứng buồng trứng đa nang cũng bị phì đại buồng trứng, và không phải ai bị phì đại buồng trứng cũng sẽ mắc hội chứng buồng trứng đa nang.

Để chẩn đoán, phụ nữ phải có chu kỳ kinh nguyệt bất thường hoặc chu kỳ kinh nguyệt kéo dài hay bị tăng hormone nam giới androgen trong máu. Thừa androgen có thể gây ra tình trạng lông phát triển bất thường trên mặt và cơ thể, nhưng phụ nữ ở vùng Bắc Âu và châu Á lại rất hiếm khi xuất hiện các triệu chứng thực thể của hội chứng này.

Viêm ruột thừa

Bạn có thể nghĩ rằng, ruột thừa bị viêm hoặc bị vỡ có thể rất dễ dàng nhận ra, và các triệu chứng thông thường của viêm ruột thừa sẽ là buồn nôn, đau và căng tức quanh rốn và có thể là sốt nhẹ nữa. Nhưng, không phải lúc nào cũng như vậy. Ruột thừa của một số người có thể sẽ quay về phía sau, chứ không phải là về phía trước như bình thường, do vậy, các triệu chứng có thể sẽ xuất hiện ở một vị trí khác. Đôi khi, bạn cũng có thể sẽ bị đau nhưng sau đó, ruột thừa bị vỡ ra, cơn đau giảm đi và bạn nghĩ mình không sao cả.

Trong trường hợp này, dịch ruột có thể thấm vào các cơ quan trong ổ bụng và gây ra tình trạng nhiễm trùng có thể đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, sẽ phải mất vài ngày, thậm chí là vài tuần thì các triệu chứng mới xuất hiện để bạn nhận ra, và đôi khi, như vậy là đã quá muộn để can thiệp.

Lạc nội mạc tử cung

Một trong số các triệu chứng của lạc nội mạc tử cung là đau và khó chịu khi chu kỳ kinh nguyệt tới. Nhưng rất nhiều phụ nữ khỏe mạnh phải đối mặt với những dấu hiệu này hàng tháng, do vậy, việc chẩn đoán nhầm tình trạng lạc nội mạc tử cung cũng không có gì là lạ cả. Tuy nhiên, phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung (mô tử cung phát triển bên ngoài tử cung) thường báo cáo lại các triệu chứng như đau vùng chậu, đau quặn bụng và ra máu nhiều hơn bình thường rất nhiều, những triệu chứng này cũng nặng dần hơn theo thời gian. Thăm khám vùng chậu đôi khi có thể phát hiện ra tình trạng lạc nội mạc tử cung hoặc u nang. Trong một số trường hợp khác, siêu âm hoặc nội soi cũng được tiến hành để chẩn đoán xác định.

Đau nửa đầu

Với nhiều người bị đau nửa đầu, thì dấu hiệu rõ ràng nhất chính là cơn đau đầu dữ dội như búa bổ, đi kèm là tình trạng buồn nôn, nôn mửa, nhạy cảm với âm thanh hoặc ánh sáng. Nhưng, một số người bị đau nửa đầu thậm chí còn không biết là mình bị bệnh. Đôi khi, các triệu chứng đau nửa đầu có thể sẽ rất nghiêm trọng, khiến bệnh nhân có thể tê liệt, nhưng đôi khi, triệu chứng lại có thể sẽ rất nhẹ. Người bệnh có thể chỉ cảm thấy chóng mặt hoặc đau đầu nhẹ hay thậm chí là chỉ cảm thấy khó chịu vùng đầu, và đôi khi sẽ được điều trị bằng loại thuốc không dùng để điều trị cơn đau nửa đầu. Một chuyên gia thần kinh có thể sẽ giúp loại trừ các nguyên nhân có thể và đưa ra được chẩn đoán chính xác nhất

Đau đầu từng cơn

Một rối loạn đau đầu khác thường bị chẩn đoán nhầm đó là đau đầu từng cơn. Đau đầu từng cơn thường rất đau đớn nhưng lại rất hiếm gặp, chỉ ảnh hưởng tới khoảng dưới 1 triệu người Mỹ. Các cơn đau đầu thường sẽ xảy ra rất gần nhau, thường là trong cùng 1 ngày và kéo dài từ 30 phút đến 3 tiếng. Các nhà khoa học chưa chắc chắn nguyên nhân, nhưng thường thì đau đầu từng cơn sẽ xảy ra khi chuyển mùa. Vì lý do này, đôi khi đau đầu từng cơn thường được chẩn đoán nhầm là đau đầu xoang liên quan đến dị ứng.

Suy giáp

Suy giáp là tình trạng tuyến giáp sản xuất ra không đủ lượng hormone tuyến giáp để điều chỉnh cân nặng, mức năng lượng và tâm trạng của bạn. Trong giai đoạn sớm, các triệu chứng về tuyến giáp thường rất nhẹ, có thể bao gồm mệt mỏi, tăng cân, da khô, đau cơ và giảm khả năng ghi nhớ. Những triệu chứng này rất giống với bệnh trầm cảm, đau cơ xơ hóa và rất nhiều bệnh khác. Và bởi vì tình trạng suy giáp rất phổ biến, đặc biệt là ở phụ nữ trên 60 tuổi, nên đôi khi, nhiều người nghĩ rằng, các triệu chứng bệnh chỉ đơn giản là do họ đang già đi mà thôi.

Tiểu đường

Tiểu đường typ 2 nếu không được điều trị có thể gây tổn thương đến nhiều cơ quan quan trọng của cơ thể và có thể đe dọa tính mạng. Trước khi các dấu hiệu tiểu đường phát triển, rất nhiều người đã mắc tiểu đường mà không hề hay biết. Rất nhiều người bị tăng lượng đường huyết nhưng lại không thường xuyên đi khám để được kiểm tra đường huyết.  Họ không nhận ra rằng họ đã bị tiểu đường, cho đến khi các phản ứng phụ của tiểu đường xuất hiện, như các vấn đề về thị lực, tê bì ở tay chân. Để tránh tình trạng này, bạn nên theo dõi các triệu chứng tiểu đường sớm, như hay khát, hay đói, thường xuyên đi tiểu, sụt cân bất thường và mệt mỏi.

Viêm ruột

Có 2 bệnh được xếp vào nhóm bệnh viêm ruột, đó là bệnh Crohn và viêm loét đại tràng. Cả hai tình trạng này đều gây viêm ở hệ tiêu hóa cũng như đau, tiêu chảy và có thể là suy dinh dưỡng. Vì không có xét nghiệm nào có thể kiểm tra được bệnh viêm ruột, nên việc chẩn đoán chủ yếu được đưa ra sau khi đã loại bỏ các nguyên nhân khác. Nếu bạn có các triệu chứng như đau bụng dữ dội, thì có thể, ban đầu bác sỹ sẽ nghĩ bạn bị sỏi bàng quang. Nếu xuất hiện phân lỏng, thì có thể bạn sẽ được chẩn đoán là bị nhiễm trùng. Bạn có thể sẽ phải tiến hành rất nhiều chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm và cuối cùng, sau khi tất cả các nguyên nhân khác được loại bỏ, thì bạn mới được chẩn đoán bị viêm ruột và bắt đầu điều trị.

Bình luận
Tin mới
  • 23/04/2024

    7 mẹo giúp trẻ tránh xa đồ ăn vặt không tốt cho sức khỏe

    Trẻ em thường bị thu hút bởi đồ ăn vặt. Với bao bì đầy màu sắc và hương vị hấp dẫn, những món ăn nhẹ không lành mạnh này thường khiến trẻ thích thú và muốn ăn nhiều hơn.

  • 23/04/2024

    Chuẩn bị tốt thể lực khi tham gia chạy marathon

    Gần đây phong trào tập thể dục thể thao, các giải chạy bộ không chuyên marathon (42,295km), bán marathon (21,1km) ngày càng phổ biến, thu hút đông đảo người dân thuộc nhiều độ tuổi tham gia. Đây là dấu hiệu tốt chứng tỏ cộng đồng quan tâm tới vấn đề thể dục, thể thao, nâng cao sức khỏe.

  • 23/04/2024

    Trẻ trên 6 tháng tuổi dễ thiếu kẽm và sắt

    Do có nhiều vai trò quan trọng, không thể thiếu đối với cơ thể nên khi trẻ thiếu sắt và kẽm sẽ ảnh hưởng không nhỏ đối với sự phát triển thể chất và tinh thần trẻ.

  • 23/04/2024

    Tìm hiểu về bệnh ly thượng bì bọng nước

    Bệnh ly thượng bì bọng nước là tên gọi của một nhóm các rối loạn da hiếm gặp do di truyền, làm cho da trở nên rất dễ bị tổn thương. Bất kỳ chấn thương hay ma sát nào với da đều có thể gây ra các vết phồng rộp đau đớn.

  • 22/04/2024

    Cách giảm lượng đường trong máu ngay lập tức

    Cách nhanh nhất để giảm lượng đường trong máu là dùng insulin tác dụng nhanh. Tập thể dục cũng là một cách nhanh chóng và hiệu quả. Tuy nhiên, trong những trường hợp nặng, bạn nên đến các cơ sở y tế để điều trị.

  • 22/04/2024

    Thực phẩm giàu biotin nên bổ sung vào chế độ dinh dưỡng

    Biotin hay vitamin B7 là dưỡng chất cần thiết cho quá trình chuyển hóa và nhiều chức năng quan trọng của cơ thể. Cách tốt nhất để bổ sung biotin là nhờ chế độ dinh dưỡng với các thực phẩm giàu vi chất này.

  • 22/04/2024

    6 dấu hiệu ở miệng bạn tuyệt đối không được bỏ qua

    Một số triệu chứng ở miệng có thể là dấu hiệu cơ thể bạn đang đưa ra cảnh báo về tình trạng sức khỏe nguy hiểm nào đó.

  • 22/04/2024

    Những loại thuốc nên tránh khi đang mang thai

    Việc sử dụng một số loại thuốc trong thời kỳ mang thai có thể gây nguy hiểm cho thai nhi. Phụ nữ mang thai nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào để đảm bảo sự an toàn và sức khỏe cho cả mẹ và con.

Xem thêm