Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Đường hóa học tràn lan, nguy cơ cao ngộ độc

Một số loại đường hóa học hiện đang được bán không rõ nguồn gốc, xuất xứ đều không có trong danh mục các chất phụ gia được sử dụng trong thực phẩm.

Xa rồi cái thời ra chợ phải mua cho kì được mấy ống xương ngon về nấu nồi nước dùng, nước phở, lẩu… sao cho thật ngọt. Ngày nay, để tiết kiệm chi phí nhiều quán ăn bình dân ở Hà Nội chỉ cần cho một chút 'phụ gia đặc biệt' vào sẽ mang lại vị ngon ngọt , đậm đà gấp hàng chục lần. Với vài viên đường hóa học Trung Quốc, cho thêm ít mỡ lợn cho có vẻ giống nước dùng được ninh từ xương thế là người ta đã nắm bắt được 'bí quyết' chế nước dùng siêu ngọt của số đông hàng quán...

'Linh hồn' của những nồi nước dùng

Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội, các loại đường hóa học không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn được nhiều cửa hàng đồ khô bán. Đáng chú ý là tất cả khách mua đều là những cơ sở sản xuất, hoặc những cửa hàng bán đồ ăn uống, chứ không có bất cứ bà nội trợ nào mua về để chế biến món ăn gia đình.

Trên thị trường xuất hiện khá phổ biến các loại đường hóa học bao bì chữ Trung Quốc có phiên âm La Tinh là Tang Jing (có nghĩa là đường tinh luyện). Loại đường này to bằng hạt đỗ, màu trắng.

Đường hóa học thường không rõ nguồn gốc (ảnh minh họa: Internet)

Tại chợ Ngã Tư Sở, trong các cửa hàng đồ khô đều có bán loại đường hóa học này. Chị Lan Anh- chủ quầy hàng khô tại đây cho biết, Tang Jing thường gọi là 'đường Tây', đây là loại đường được nhiều người mua lựa chọn. Theo chị Lan Anh thì loại đường Tang Jing này tốt hơn cả loại đường Bốn cây mía (một chất ngọt tổng hợp, không có giá trị dinh dưỡng) và có độ ngọt gấp cả trăm lần so đường cát bình thường, giá từ 250.000- 320.000 đồng/kg.

Tại khu vực chợ Đồng Xuân, 'thiên đường hóa chất' của Hà Nội, loại đường hóa học xuất xứ từ Trung Quốc Tang Jing xuất hiện khá nhiều tại các quầy bán đồ khô. Theo các chủ hàng tại đây, đường hóa học được bán ra với số lượng lớn và chỉ bán sỉ chứ không bán lẻ.

Chị Hằng Hương - chủ một cửa hàng trên chợ Đồng Xuân cho biết, đường hóa học có vị ngọt hơn đường thông thường từ 40-80 lần, thậm chí có loại ngọt hơn hàng trăm lần, lại rẻ và dễ sử dụng nên được mua nhiều. Không chỉ các gian hàng trong chợ, dọc các con phố Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Thiệp, Cao Thắng quanh chợ Đồng Xuân, hầu hết, các cửa hàng bán đồ khô cũng đều có bán các loại đường hóa học nhưng phổ biến nhất là hai loại đường có xuất xứ từ Trung Quốc kể trên.

Chị chủ quầy cũng quảng cáo thêm: 'Hiện nay, loại này được nhiều người lựa chọn hơn các dạng bột và loại viên nhỏ vì nó dễ chế biến'. Ngay sau đó, chị chọn 1 túi 500g dạng B1 và 100g loại hạt hình thoi màu trắng trong đưa cho chúng tôi xem. Theo quan sát, cả 2 loại đường chị vừa chọn đều không có nhãn mác, địa chỉ cụ thể.

Ngoài ra, các sạp hàng còn bán thêm một số loại đường hóa học mà người bán khẳng định của Nhật, trong đó có một loại sản xuất tại Thái Lan nhưng bao bì in toàn chữ Hoa, có giá 250.000 - 350.000 đồng một kg, cho độ ngọt gấp 20 lần bột ngọt thông thường.

Thực phẩm sử dụng đường hóa học có khả năng gây ngộ độc (ảnh minh họa: Internet)

Nguy cơ ngộ độc mãn tính cao

Theo các chuyên gia hóa học, đường hóa học, các loại chất tạo ngọt được tổng hợp bằng phương pháp hóa học, thành phần chủ yếu là natri sacharin, không có giá trị dinh dưỡng, chỉ là dùng để làm tăng khẩu vị của món ăn. Khi loại đường này được cung cấp ra thị trường người tiêu dùng, chúng thường bị lạm dụng một cách quá mức hoặc một vài cơ sở sử dụng những loại đường có độ ngọt quá cao, có chứa những chất vượt quá lượng cho phép, có thể dẫn đến khá nhiều tác động tiêu cực đến sức khoẻ người sử dụng.

Theo Quyết định 3742/2001/QĐ-BYT của Bộ y tế ngày 31/8/2001 thì đường hóa học Cyclamate và một số loại đường hóa học hiện đang được bán không rõ nguồn gốc, xuất xứ đều không có trong danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm. Hầu hết người bán lẫn người mua đều biết tác hại của các loại đường hóa học nhưng vì mục đích kinh doanh nên họ vẫn sử dụng.

Tiến sĩ Đặng Chí Hiền (Trưởng phòng thí nghiệm Công nghệ Hóa Dược phẩm,Viện Công nghệ hóa học) cho biết: Người ăn phải thực phẩm chứa nhiều đường hóa học có thể gây nên cảm giác nhức đầu, chóng mặt, ù tai, buồn nôn hoặc có thể dị ứng nếu dùng với số lượng nhiều. Những người có khẩu vị nhạy cảm có thể nhận ra sự hiện diện của bột ngọt trong thành phần món ăn và bị một số dị ứng như mỏi cổ, ê gáy, nổi mề đay, khô họng… Tuy nhiên, điều nguy hiểm ở chỗ loại đường hóa học này dễ dàng hòa tan trong nước, không màu, không mùi nên rất khó phát hiện. Chỉ nhìn bằng mắt thông thường thì không thể phân định được mà phải qua các phương pháp phân tích hóa học.

Nồng độ đường hóa học trong thực phẩm, đồ ăn uống cao, đặc biệt là các loại đường không rõ nguồn gốc, nhãn mác rõ ràng sẽ có những ảnh hưởng tới các đối tượng như người già, người bệnh, thai phụ và trẻ em. Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần quản lý chặt việc mua bán, sử dụng các loại đường hóa học bấy lâu nay vẫn được nhiều cơ sở chế biến lạm dụng, và có mặt tràn lan trong vô số mặt hàng ăn, uống hàng ngày của người dân./

Tố Như - Theo Sức khỏe và Đời sống
Bình luận
Tin mới
Xem thêm