Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Thuốc nhuận tràng trị táo bón: Những điều bạn nên biết

Hầu hết mọi người đều gặp những vấn đề liên quan đến rối loạn tiêu hóa. Nếu bị táo bón, có thể bạn đã từng sử dụng thuốc nhuận tràng vào một thời điểm nào đó. Có rất nhiều lựa chọn khác nhau về thuốc nhuận tràng và có thể, bạn đã nghĩ rằng chúng đều giống nhau. Bài viết dưới đây phân loại các loại thuốc nhuận tràng khác nhau, thời điểm thích hợp để sử dụng cũng như những rủi ro và tác dụng phụ tiềm ẩn của chúng.

Thuốc nhuận tràng là gì?

Thuốc nhuận tràng giúp giảm táo bón bằng cách làm lỏng phân hoặc kích thích nhu động ruột. Một số thuốc nhuận tràng cũng được sử dụng trước khi làm các thủ thuật hoặc kiểm tra ruột. Thuốc nhuận tràng tồn tại dưới nhiều dạng: thuốc viên, viên nang, chất lỏng, thực phẩm, kẹo cao su, thuốc đạn và thuốc thụt. Hầu hết các thuốc nhuận tràng đều được sử dụng trong thời gian ngắn.

Các loại thuốc nhuận tràng

Các loại thuốc nhuận tràng phổ biến bao gồm:

  • Chất tạo khối: Những thuốc nhuận tràng dựa trên chất xơ này làm tăng hàm lượng nước và khối lượng phân, khiến phân di chuyển dễ dàng hơn qua đường ruột. Chúng thường mất 12 đến 72 giờ để phát huy tác dụng. Ví dụ bao gồm psyllium (Metamucil); methylcellulose (Citrucel); và thực phẩm giàu chất xơ, chẳng hạn như trái cây, rau và ngũ cốc.
  • Chất làm mềm phân: Còn được gọi là thuốc nhuận tràng làm mềm phân, thuốc nhuận tràng thuộc nhóm này khiến chất béo và nước thẩm thấu vào phân, giúp phân di chuyển dễ dàng hơn qua hệ thống tiêu hóa. Chúng thường mất 12 đến 72 giờ để có tác dụng. Ví dụ bao gồm Colace (Docusate, Diocto).
  • Thuốc nhuận tràng kích thích: Loại thuốc này kích thích niêm mạc ruột đẩy phân ra ngoài. Chúng giúp giảm đau rất nhanh nhưng nên hạn chế sử dụng. Ví dụ bao gồm Senokot, Correctol và Bisacodyl (Dulcolax, Feen-a-Mint)
  • Thuốc nhuận tràng thẩm thấu và tăng thẩm thấu: Chúng hút chất lỏng vào ruột từ các mô xung quanh, làm cho phân mềm hơn và dễ dàng di chuyển hơn. ​​30 phút đến 6 giờ là khoảng thời gian để phát huy tác dụng, tùy thuộc vào loại. Ví dụ bao gồm Sữa Magnesia, lactulose và Miralax.
  • Thuốc nhuận tràng bôi trơn: có tác dụng giúp cho phân trơn, do đó nó di chuyển qua ruột dễ dàng và nhanh chóng hơn. Chúng thường mất 6 đến 8 giờ để có tác dụng. Ví dụ về những loại này bao gồm dầu khoáng và thuốc glycerin.
  • Thuốc nhuận tràng chỉ định theo đơn: Hầu hết các loại thuốc nhuận tràng có thể được mua không cần kê đơn và chỉ để sử dụng trong thời gian ngắn, nhưng nếu bạn bị táo bón mạn tính hoặc có các tình trạng tiêu hóa như hội chứng ruột kích thích, bạn có thể cần sử dụng thuốc nhuận tràng theo đơn dưới sự giám sát của các bác sĩ. Những loại thuốc nhuận tràng này không nhằm mục đích giảm đau nhanh chóng mà giúp bạn duy trì hoạt động bình thường nếu táo bón là một vấn đề đang diễn ra. Thuốc nhuận tràng theo đơn bao gồm: Enulose (Duphalac), Linzess (Linaclotide), Amitiza (Lubiprodtone) và Trulance (Pleclanatide).

Những người nên (và không nên) dùng thuốc nhuận tràng?

Thuốc nhuận tràng có tác dụng điều trị táo bón ở người lớn. Những đối tượng có thể nhận được những lợi ích từ việc dùng thuốc nhuận tràng bao gồm:

  • Người lớn thỉnh thoảng bị táo bón mà không cải thiện khi dùng các biện pháp về thay đổi chế độ ăn và lối sống như tăng lượng chất xơ, uống nhiều nước hơn và hoạt động thể chất.
  • Những người mắc các bệnh về tiêu hóa và bệnh táo bón mạn tính, bao gồm hội chứng ruột kích thích và các bệnh viêm ruột như bệnh Crohn, viêm loét đại tràng
  • Những người chuẩn bị phẫu thuật đường tiêu hóa cần thải phân ra khỏi ruột

Thận trọng cho phụ nữ mang thai, cho con bú và trẻ em

Phụ nữ mang thai và những người đang cho con bú nên nói chuyện với bác sĩ trước khi sử dụng thuốc nhuận tràng. Trong khi thuốc nhuận tràng tạo khối và thuốc làm mềm phân thường được coi là an toàn cho phụ nữ mang thai thì các thành phần khác, bao gồm cả chất kích thích, có thể gây hại. Thuốc nhuận tràng cũng có thể đi vào sữa mẹ và đã có một số báo cáo về việc trẻ sơ sinh bị tiêu chảy sau khi tiếp xúc với thuốc nhuận tràng từ sữa mẹ. Đặc biệt dầu khoáng có thể đi qua sữa mẹ với số lượng lớn nên cần sử dụng hạn chế.

Một số trẻ em và trẻ sơ sinh bị táo bón có thể cần dùng thuốc nhuận tràng, nhưng việc này chỉ nên được thực hiện khi có sự tư vấn của bác sĩ nhi khoa. Vào năm 2023, thuốc làm mềm phân theo toa Linzess (linaclotide) đã trở thành phương pháp điều trị táo bón chức năng đầu tiên được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ phê duyệt cho trẻ em từ 6 đến 17 tuổi.

Tác dụng phụ của nhuận tràng

Mặc dù thuốc nhuận tràng nhìn chung được coi là an toàn nhưng vẫn có những rủi ro tiềm ẩn mà bạn nên biết. Tác dụng phụ phổ biến nhất của thuốc nhuận tràng là:

  • Đầy hơi
  • Chướng bụng
  • Đau bụng
  • Buồn nôn và nôn
  • Tiêu chảy
  • Mất nước

Bạn phải luôn uống nhiều nước và giữ cho cơ thể đủ nước khi dùng thuốc nhuận tràng. Nên uống ít nhất sáu đến tám ly chất lỏng mỗi ngày (tốt nhất là nước) khi sử dụng thuốc nhuận tràng.

Rủi ro liên quan đến việc sử dụng thuốc nhuận tràng

Rủi ro liên quan đến việc sử dụng thuốc nhuận tràng bao gồm tương tác thuốc, chẩn đoán chậm một số tình trạng và sử dụng quá mức hoặc lạm dụng.

Tương tác thuốc

Thuốc nhuận tràng có thể tương tác với một số loại thuốc, bao gồm một số loại thuốc kháng sinh, cũng như một số loại thuốc về tim và xương. Đảm bảo đọc nhãn cẩn thận và nói chuyện với bác sĩ hoặc dược sĩ về loại thuốc nhuận tràng nào có thể an toàn cho bạn nếu tồn tại bất kỳ mối lo ngại nào.

Trì hoãn chẩn đoán tình trạng tiêu hóa

Một nguy cơ tiềm ẩn khác của việc sử dụng thuốc nhuận tràng là phụ thuộc vào chúng có thể che giấu tình trạng bệnh lý, dẫn đến việc chẩn đoán bị trì hoãn. Các tình trạng gây táo bón mãn tính bao gồm Hội chứng ruột kích thích, bệnh viêm ruột, viêm ruột thừa và ung thư đại tràng. Nếu bạn sử dụng thuốc nhuận tràng và không có tác dụng hoặc nếu bạn tiếp tục sử dụng thuốc nhuận tràng thường xuyên để điều trị táo bón, hãy nói cho bác sĩ biết để có thể giúp giải quyết tận gốc vấn đề.

Lạm dụng và sử dụng quá mức thuốc nhuận tràng

Lạm dụng thuốc nhuận tràng xảy ra khi dùng liều thuốc nhuận tràng cao hơn hoặc thường xuyên hơn mức khuyến cáo. Lạm dụng các loại thuốc này rất nguy hiểm và có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng hoặc đe dọa tính mạng, chẳng hạn như:

  • Mất cân bằng điện giải và khoáng chất
  • Mất nước nghiêm trọng
  • Phụ thuộc thuốc nhuận tràng
  • Táo bón mạn tính
  • Tắc nghẽn trong ruột
  • Tiêu chảy nặng
  • Tăng nguy cơ ung thư đại trnagf

​Sử dụng thuốc nhuận tràng để giảm cân

Một số người dùng thuốc nhuận tràng để giảm cân. Tuy nhiên, nghiên cứu đã chỉ ra rằng các loại thuốc này không có hiệu quả trong việc thúc đẩy giảm cân và chúng có thể gây nguy hiểm và dẫn đến các biến chứng có hại. Các nghiên cứu khác đã phát hiện ra rằng sử dụng thuốc nhuận tràng để giảm cân có thể là dấu hiệu của chứng rối loạn ăn uống.

Bất kỳ sự giảm cân nào đạt được bằng cách kích thích nhu động ruột nhờ thuốc nhuận tràng đều loại bỏ được rất ít thức ăn, chất béo hoặc calo. Và tình trạng này sẽ quay trở lại khi bạn uống nước.

Bảo quản thuốc nhuận tràng

Để tránh ô nhiễm, hãy đảm bảo thuốc nhuận tràng được bảo quản trong hộp kín và giữ ở nhiệt độ phòng. Tránh xa ánh nắng trực tiếp, nhiệt độ cao và độ ẩm.

 

Bình luận
Tin mới
Xem thêm