Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Thuốc không được dùng với rượu bia

Nếu dùng thuốc chung rượu bia sẽ làm cho tác hại của rượu tăng lên gấp nhiều lần, hoặc làm cho thuốc có những tác dụng rất bất lợi.

Trong cuộc vui, người ta thường uống bia. Bia nên gọi cho đầy đủ là rượu bia bởi vì bất cứ loại bia nào cũng chứa rượu tức cồn tuyệt đối với hàm lượng thường là 2 - 4%.Và mọi thứ nguy hại của rượu bia chính là tác dụng của rượu nếu uống không chừng mực.

Ảnh minh họa: soha

Đối với cơ thể ta, rượu hay cồn được xem như là chất độc không hơn không kém. Khi uống thức uống có cồn, rất nhiều cơ quan trong cơ thể ta phải làm việc cật lực để giải độc và thường là thích ứng với sự độc này.

Rượu bia là kẻ nham hiểm bởi vì nó không làm cho kẻ uống nó ngộ độc tức khắc (trừ trường hợp ngộ độc nặng như kiểu uống rượu dỏm chứa độc chất methanol đưa đến tử vong) mà phá hủy cơ thể người dùng nó một cách ngấm ngầm, để đến lúc nào đó trở thành người nghiện rượu gục xuống trong cơn bạo bệnh không thể cứu chữa được.

Cơ quan chịu tác động nhiều nhất của rượu bia là hệ thần kinh trung ương (TKTW). Uống rượu lâu dài sẽ bị nghiện rượu là bệnh được xếp vào nhóm “bệnh tâm thần” ngang hàng của nghiện ma túy, kế đến là gan (dễ bị xơ gan), rồi đến dạ dày tá tràng (bị viêm loét dạ dày-tá tràng, xuất huyết tiêu hóa), v.v…

Chính tác dụng ức chế hệ TKTW, hại gan, hại dạ dày… của rượu kể trên mà có nhiều thuốc không được dùng chung với rượu bia. Bởi vì, nếu dùng thuốc chung với việc uống rượu bia sẽ làm cho tác hại của rượu tăng lên gấp nhiều lần, hoặc làm cho tác dụng của thuốc gây ra những hậu quả rất bất lợi.

Có tình trạng rất đáng buồn thường xảy ra là nhiều người xem việc uống rượu trong khi dùng thuốc là bình thường. Thống kê vào năm 2008 cho thấy, khoảng 64% số người trưởng thành ở Mỹ có uống rượu, song hành với 3,8 tỉ lượt thuốc được kê đơn đến tay người bệnh. Tuy vậy, rất ít bác sĩ lưu ý người bệnh mối liên hệ nguy hại tiềm tàng giữa rượu và thuốc mà họ kê đơn. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho tỉ lệ nhập viện do rượu tăng lên đáng kể.

Sau đây là các thuốc không được dùng chung với rượu bia:

Các thuốc ức chế hệ TKTW: gồm các thuốc an thần gây ngủ (như diazepam), thuốc giảm đau opioid gây nghiện (codein, tramadol, fentanyl), thuốc kháng histamine trị dị ứng thế hệ cũ (promethazin, clorpheniramin, alimemazin), thuốc chống động kinh (carbamazepin, acid valproic, gabapentin). Dùng chung với rượu, các thuốc nhóm này sẽ gây tác dụng quá liều an thần nguy hiểm.

Các thuốc kích thích hệ TKTW: như thuốc caffein…, dùng chung với rượu sẽ gây đảo ngược tác dụng của thuốc làm cho caffein giảm hiệu lực.

Các thuốc hạ huyết áp: gồm các thuốc chẹn bêta (atenolol), đối kháng calci (diltiazem), ức chế men chuyển (captopril)… Dùng chung với rượu, có khi thuốc sẽ gây tác dụng hạ huyết áp quá đáng (tụt huyết áp) vì rượu có tác dụng làm dãn mạch là hạ huyết áp, nhưng có khi ngược lại, người dùng thuốc uống rượu lại tăng huyết áp chứ không hạ huyết áp theo mong muốn.

Các thuốc gây độc cho gan: gồm các thuốc giảm đau hạ nhiệt paracetamol, thuốc chống lao (pyrazinamid), thuốc trị sốt rét (cloroquin), thuốc trị loạn nhịp tim (quinidin), thuốc chống nấm (griseofulvin). Rượu và thuốc đều gây độc cho gan nên nếu dùng chung sẽ gây hại cho gan gấp nhiều lần. Riêng paracetamol là thuốc dễ bị lạm dụng uống với rượu để trị nhức đầu, không bị say thì gây hoại tử tế bào gan nhiều khi không hồi phục.

Các thuốc chống viêm không steroid NSAID: aspirin, diclofenac, ibuprofen… Bản thân các thuốc này dễ gây viêm loét dạ dày-tá tràng, nếu uống chung với rượu sẽ tăng tác dụng có hại xuất huyết tiêu hóa lên nhiều lần.

Các thuốc trị đái tháo đường týp 2: glibenclamid, glipizid, glimepirid, metformin… Rượu có tác dụng hạ đường huyết nên nêu dùng chung với thuốc sẽ hiệp đồng làm tụt đường huyết đột ngột, gây hôn mê.

Các thuốc chống đông máu: warfarin... Tùy thuộc lượng rượu uống vào, rượu có thể tương tác với warfarin làm tăng hoặc giảm tác dụng chống đông máu của warfarin. Nếu làm tăng sẽ gây xuất huyết rất nguy hiểm. Còn nếu làm giảm sẽ có nguy cơ làm cục máu đông lớn hơn gây nghẽn mạch.

Các thuốc kháng sinh có tác dụng gây phản ứng cai rượu (hiệu ứng antabuse hay hội chứng tương tự disulfiram): điển hình là kháng sinh metronidazol. Metronidazol có tác dụng giống như disulfiram (biệt dược Antabuse) là thuốc dùng cai rượu. Khi uống metronidazol chung với rượu, metronidazol sẽ làm ngưng sự chuyển hóa rượu chỉ tạo ra acetaldehyd là chất độc làm cho cơ thể bị buồn nôn, nôn, nhịp tim nhanh, tụt huyết áp, nhức đầu dữ dội. Vì vậy, tuyệt đối không dùng rượu chung với metronidazol, ketoconazol, isoniazid, các cephalosporin… sẽ bị hội chứng tương tự disulfiram rất nguy hiểm. Ngay như thuốc dùng trị tẩy giun sán như mebendazol, albendazol một khi đã dùng phải 24 giờ sau mới được uống rượu bia để không bị phản ứng thuốc gây hại.

Tóm lại, nên lưu ý đã uống rượu thì không uống thuốc, và uống thuốc rồi thì không uống rượu.

PGS.TS. NGUYỄN HỮU ĐỨC - Theo SKĐS
Bình luận
Tin mới
  • 28/03/2024

    Vì sao bạn nên tẩy lớp trang điểm trước khi tập thể dục?

    Việc trang điểm nhẹ nhàng trước khi đến phòng tập thể dục có thể giúp chị em phụ nữ tự tin hơn. Nhưng theo một nghiên cứu mới được đăng trên Journal of Cosmetic Dermatology, việc này có thể có thể làm giảm lượng dầu trên da, gây khô da.

  • 28/03/2024

    5 nguyên liệu không nên bỏ qua khi pha chế món sinh tố chống viêm

    Sinh tố là thức uống bổ sung năng lượng và vitamin hiệu quả khi bạn mệt mỏi vì thời tiết. Công thức pha chế sinh tố nên có những thực phẩm, nguyên liệu giàu chất chống viêm để bảo vệ sức khỏe.

  • 28/03/2024

    Bà bầu "bỏ túi" ngay những lợi ích không ngờ từ việc uống vitamin trong thai kỳ

    Vitamin dành cho bà bầu là những viên bổ sung được sản xuất đặc biệt nhằm cung cấp cho cơ thể phụ nữ mang thai các vitamin và khoáng chất cần thiết. Bác sĩ khuyên bạn uống vitamin ngay từ khi bắt đầu lên kế hoạch mang thai cũng như trong suốt thai kỳ.

  • 28/03/2024

    Thực phẩm, đồ uống nên hạn chế khi đang bị nghẹt mũi

    Dấu hiệu nghẹt mũi thường gặp khi bạn bị cảm cúm, viêm mũi dị ứng hoặc viêm đường hô hấp. Một số thực phẩm, đồ uống có thể khiến triệu chứng này trầm trọng hơn, cản trở việc hít thở của bạn.

  • 28/03/2024

    Chấn thương sọ não có hồi phục được không?

    Chấn thương sọ não luôn được coi là một trong những thương tổn nghiêm trọng nhất có thể xảy ra với con người. Tuy nhiên, với những tiến bộ mới trong lĩnh vực y tế và phục hồi chức năng, ngày càng có nhiều hy vọng để người bệnh chấn thương sọ não có thể phục hồi và hồi phục các chức năng quan trọng.

  • 27/03/2024

    Những triệu chứng và biến chứng điển hình của bệnh sởi

    Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng do virus sởi gây ra, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Nhận biết sớm các dấu hiệu và triệu chứng như sốt cao, ho, chảy nước mũi và phát ban da đặc trưng là rất quan trọng để điều trị kịp thời. Hiểu rõ các triệu chứng sởi còn giúp phòng ngừa sự lây lan của căn bệnh này.

  • 27/03/2024

    5 loại thảo mộc giúp tăng cường sức khoẻ hô hấp

    Khi gặp các vấn đề hô hấp, nhiều người có xu hướng tìm các giải pháp từ thiên nhiên để giảm nhanh các triệu chứng khó chịu cũng như tăng cường sức khoẻ đường thở. Dưới đây là 5 loại thảo mộc bạn có thể thử áp dụng.

  • 27/03/2024

    Biện pháp cải thiện triệu chứng viêm họng

    Viêm họng là vấn đề hô hấp có thể xảy ra quanh năm, nhất là trong thời tiết giao mùa do virus, vi khuẩn tấn công đường thở. Cần làm gì để cải thiện triệu chứng viêm họng hiệu quả?

Xem thêm