Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Giúp bạn đối phó với Hội chứng ruột kích thích

Nếu bạn đang phải vật lộn với các triệu chứng khó chịu của Hội chứng ruột kích thích (IBS), bạn hãy áp dụng ngay các phương pháp dưới đây:

Nếu mắc Hội chứng ruột kích thích (IBS), có lẽ bạn thường xuyên phải đối mặt với các triệu chứng đau bụng, bụng khó chịu, đầy bụng và thay đổi thói quen đại tiện. Tùy thuộc vào loại IBS mà bạn mắc phải, có thể bạn bị táo bón, tiêu chảy hoặc cả hai. Những triệu chứng này có thể gây khó chịu về cả thể chất lẫn tâm lý.

Khi được chẩn đoán mắc hội chứng IBS, bạn nên vạch ra kế hoạch kiểm soát các triệu chứng thông qua chế độ ăn uống hoặc lối sống, như tránh các thức ăn kích thích, tập thể dục đều đặn, uống nhiều nước và ngủ đủ giấc. Nếu các triệu chứng trở nên nặng hơn, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Dưới đây là một số gợi ý giúp bạn kiểm soát các triệu chứng của Hội chứng ruột kích thích:

Thay đổi chế độ ăn uống

Tránh ăn nhiều chất béo: Nếu bạn bị IBS thể tiêu chảy, hãy hạn chế ăn chất béo. Trong khi hầu hết mọi người đều cảm thấy muốn đại tiện sau bữa ăn khoảng 60 phút, phản ứng này ở một số người bị IBS thể tiêu chảy xảy ra nhanh hơn và mạnh mẽ hơn, liên quan đến lượng chất béo trong bữa ăn. Bữa ăn giàu chất béo có thể gây co thắt đại tràng mạnh, chuột rút và tiêu chảy.

Loại bỏ một số loại thực phẩm nhất định: Nhiều người có triệu chứng nghiêm trọng hơn sau khi ăn một số loại thực phẩm. Chế độ ăn uống nên phù hợp với tình trạng riêng của bạn. Nếu bạn từng bị đầy hơi, hãy hạn chế ăn thức ăn có khả năng tạo khí như đồ uống có ga, trái cây tươi và rau họ cải (gồm bông cải xanh, cải bruxen, cải bắp và súp lơ). Đối với một số người, ít chất béo và nhiều chất xơ hơn trong chế độ ăn uống có thể cải thiện tình trạng của họ. Một cuốn nhật ký ăn uống là gợi ý thông minh để bạn tìm ra loại thức ăn cần tránh.

Bổ sung chất xơ: Chất xơ có thể giúp giảm triệu chứng bệnh, đặc biệt bằng cách giảm táo bón. Bánh mì ngũ cốc nguyên hạt và các loại ngũ cốc, đậu, trái cây và rau quả là nguồn chất xơ tốt. Nếu chất xơ gây đầy hơi khó chịu hoặc không có tác dụng, hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn về việc bổ sung chất xơ hoặc loại thuốc khác.

Sử dụng Probiotics: Một số nghiên cứu cho thấy chế phẩm sinh học có thể giúp giảm các triệu chứng IBS do ảnh hưởng đến vi khuẩn trong đường ruột. Bạn có thể bổ sung chế phẩm sinh học bằng nhiều hình thức khác nhau như sữa chua, viên nang, bột… Uống hoặc ăn 1 - 2 cốc sữa chua mỗi ngày và theo dõi xem các triệu chứng có thuyên giảm hay không. Bạn cũng có thể bổ sung viên uống hoặc cốm Probiotics.

Dùng thuốc

Bổ sung chất xơ: Chất xơ bổ sung không cần kê đơn dạng lỏng có thể cung cấp chất xơ và giảm táo bón/tiêu chảy. Tuy nhiên, các nghiên cứu về hiệu quả của chúng trong việc điều trị IBS vẫn chưa thuyết phục. Đối với một số người, phương pháp này có thể gây cảm giác khó chịu.

Thuốc nhuận tràng: Bạn có thể sử dụng thuốc nhuận tràng đối với trường hợp bị IBS thể táo bón. Có rất nhiều loại, trong đó có cả thuốc nhuận tràng thẩm thấu như magnesium hydroxide. Thuốc nhuận tẩy (Dulkotax) thường chứa senna hoặc bisacodyl, hoạt động bằng cách kích thích phần bên trong của đại tràng. Các thuốc này không được khuyến khích dùng trong thời gian dài.

Thuốc chống tiêu chảy: Nếu bạn bị IBS thể tiêu chảy, bạn có thể sử dụng các loại thuốc như loperamide (Imodium) để giúp kiểm soát tiêu chảy. Bạn cũng có thể sử dụng thuốc gắn kết axit mật như cholestyramine (Prevalite), colestipol (Colestid) hoặc colesevelam (Welchol). Tuy nhiên, chúng có thể gây ra đầy hơi.

Kháng cholinergic và thuốc chống co thắt: Các loại thuốc ngày có thể giảm chuột rút. Bạn có thể sử dụng chúng nếu bạn bị tiêu chảy, nhưng có thể làm trầm trọng thêm táo bón và gây bí tiểu. Các loại thuốc này bao gồm hyoscyamine (Levsin) và dicyclomin (BENTYL). Nếu bạn bị tăng nhãn áp, hãy thận trọng nếu bạn sử dụng.

Thuốc chống trầm cảm: Nếu bạn bị đau nhức hoặc trầm cảm, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về một loại thuốc chống trầm cảm. Bạn có thể được khuyên sử dụng chất ức chế chọn lọc serotonin (SSRI), chẳng hạn như fluoxetine (Prozac, Sarafem) hoặc Paroxetin (Paxil), hoặc một loại thuốc chống trầm cảm ba vòng liều thấp như imipramine (Tofranil) hoặc nortriptyline (Pamelor). Thậm chí, nếu bạn không bị trầm cảm thì thuốc chống trầm cảm cũng có thể giúp bạn giảm đau. Tuy nhiên, tất cả các loại thuốc chống trầm cảm đều gây ra tác dụng phụ, vì vậy hãy chắc chắn rằng bạn đã hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

Kháng sinh: Bạn có thể được kê toa kháng sinh như rifaximin (Xifaxan). Việc điều trị IBS với thuốc kháng sinh cần phải được nghiên cứu thêm.

Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng một số loại thuốc điều trị IBS theo toa. Có một số thuốc đã nhận được sự chấp thuận đặc biệt, chỉ được phép sử dụng khi việc thay đổi lối sống và các phương pháp điều trị khác không thành công:

- Lubiprostone (Amitiza): được phê chuẩn sử dụng cho phụ nữ trên 18 tuổi bị IBS thể táo bón nặng. Loại thuốc này kích thích việc tiết dịch trong ruột non để giảm táo bón. Tác dụng phụ của chúng bao gồm buồn nôn, tiêu chảy và đau bụng.

- Alosetron (Letronex,…): chỉ dành cho phụ nữ bị IBS nặng thể tiêu chảy và không thích hợp với các loại thuốc khác. Đặc biệt không sử dụng cho nam giới và có một số tác dụng phụ.

- Linaclotide (Linzess): được phê chuẩn để điều trị IBS thể táo bón và táo bón mãn tính vô căn ở phụ nữ và nam giới trên 18 tuổi. Loại thuốc này làm tăng việc tiết dịch trong ruột non để giảm táo bón. Tác dụng phụ: gây tiêu chảy.

- Eluxadoline (Viberzi): được sử dụng để điều trị IBS thể tiêu chảy ở cả nam giới và phụ nữ.

Thay đổi lối sống

Tập giảm căng thẳng: Căng thẳng về cả thể chất và tinh thần có thể khiến các triệu chứng bệnh trầm trọng hơn. Vì vậy hãy cố gắng giảm căng thẳng và thư giãn để giảm hoặc ngăn chặn các triệu chứng IBS. Bạn có thể thử bất kỳ điều gì, từ thiền định cá nhân, tập yoga hay thái cực quyền để quản lý căng thẳng.

Tìm hiểu gốc rễ vấn đề: Nếu bạn có tiền sử bị lạm dụng hoặc chấn thương, bạn cần được chăm sóc để điều trị lâu dài những tác động về tinh thần, giảm các triệu chứng bệnh.

Tham khảo thêm thông tin về Hội chứng ruột kích thích (IBS) tại bài viết Hội chứng ruột kích thích và phụ nữ có thai

Thu Hằng - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Theo Healthwomen
Bình luận
Tin mới
  • 25/04/2024

    Dấu hiệu cho thấy cơ thể đang thiếu hụt protein

    Protein là một chất dinh dưỡng rất quan trọng đối với sức khỏe. Khi cơ thể thiếu hụt protein sẽ xuất hiện một số dấu hiệu cảnh báo..

  • 25/04/2024

    Dùng thuốc an toàn khi đang cho con bú

    Nếu bạn đang cho con bú sữa mẹ, bạn đang cho con bạn một khởi đầu khỏe mạnh. Tuy nhiên, nếu cần dùng thuốc, bạn có thể thắc mắc về việc thuốc có thể ảnh hưởng đến sữa mẹ như thế nào. Bài viết dưới đây là những gì bạn cần biết.

  • 25/04/2024

    Cẩn trọng với thói quen bóc da môi

    Bóc da môi là một thói quen không lành mạnh phổ biến ở nhiều người. Dù là vô tình hay hữu ý, nó có thể gây ảnh hưởng xấu đến sự khỏe đẹp của đôi môi.

  • 25/04/2024

    Tập thể dục khi mang thai

    Duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên trong suốt thai kỳ có thể giúp bạn khỏe mạnh và cảm thấy tốt nhất. Tập thể dục cũng có thể cải thiện tư thế của bạn và giảm một số khó chịu thường gặp như đau lưng và mệt mỏi. Một số bằng chứng cho thấy tập thể dục có thể ngăn ngừa bệnh tiểu đường thai kỳ (bệnh tiểu đường phát triển trong thai kỳ), giảm căng thẳng và tăng cường sức chịu đựng cần thiết cho quá trình chuyển dạ và sinh nở.

  • 24/04/2024

    Ngủ không quá 5 giờ mỗi đêm khiến da chảy xệ và nhiều nếp nhăn gấp đôi

    Thiếu ngủ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây lão hoá da. Nghiên cứu cho thấy người ngủ không đủ giấc làm tăng gấp đôi nếp nhăn và sự chảy xệ da so với người có giấc ngủ chất lượng.

  • 24/04/2024

    Mẹo chăm sóc da dầu mùa Hè

    Nhiệt độ cao kết hợp với ánh nắng khiến tuyến bã nhờn trên da hoạt động mạnh mẽ, da đổ nhiều dầu và dễ nổi mụn. Một vài mẹo chăm sóc da dưới đây giúp bạn kiểm soát dầu nhờn trên da.

  • 24/04/2024

    Nỗi lo an toàn thực phẩm mùa nắng nóng

    Thời tiết nắng nóng càng làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Cùng với sự quản lý của cơ quan chức năng, người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm, bởi nếu xuê xoa với bất kỳ vi phạm an toàn thực phẩm dù là nhỏ cũng gây hậu quả khôn lường.

  • 24/04/2024

    Tránh ăn gì khi bị viêm kết mạc để nhanh khỏi?

    Tuy chế độ ăn không giúp chữa khỏi viêm kết mạc (đau mắt đỏ) nhưng việc hạn chế ăn một số loại thực phẩm, đồ uống có thể giúp giảm bớt các triệu chứng và thúc đẩy quá trình phục hồi nhanh hơn.

Xem thêm