Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Công nghệ và y học có thể giúp con người kéo dài tuổi thọ như thế nào?

Một trong những thành tựu tuyệt vời nhất của thế kỷ 20 là chúng ta đã cải thiện được đáng kể độ dài tuổi thọ.

Tiến bộ y học, điều kiện sống được cải thiện, các chiến dịch chăm sóc sức khỏe cộng đồng và xóa sổ bệnh truyền nhiễm... đã giúp con người ngày một sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn khi về già.

Ít ai ngờ rằng vào năm 1900, tuổi thọ trung bình của toàn thế giới chỉ dừng lại ở con số 31. Đến giữa thế kỷ, một người trung bình cũng chỉ có thể sống tới năm 48 tuổi. Thế nhưng tới nay, dữ liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chỉ ra: Tuổi thọ trung bình của toàn thế giới đã vượt mức 71 tuổi.

Câu hỏi là liệu điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Một số người cho rằng xu hướng tăng tuổi thọ sẽ tiếp tục phát triển nhanh chóng, mọi người sẽ sống đến 150, 200 và thậm chí là 1.000 tuổi. Tuy nhiên, một nghiên cứu kém lạc quan hơn chỉ ra rằng chúng ta đang chạm tới điểm giới hạn của việc tăng tuổi thọ.

Thách thức vẫn là làm sao để có nhiều người sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn, vượt qua giới hạn cho phép của những công nghệ y tế hiện nay. Đó luôn là một đề tài hấp dẫn những nhà nghiên cứu, các bác sĩ và thậm chí là những doanh nghiệp startup.

Ngay tại thời điểm này, đã có rất nhiều dự án hứa hẹn giúp con người tiếp tục cải thiện tuổi thọ. Nhìn vào đó, chúng ta có thể biết được phần nào tương lai trong 10 năm tới. Nếu tuổi thọ con người vẫn sẽ tiếp tục được kéo dài, điều đó sẽ được thực hiện như thế nào? Chúng ta phải cảm ơn những ai và vì điều gì?

Có điều gì đặc biệt trong các nghiên cứu kéo dài tuổi thọ?

Nghiên cứu kéo dài tuổi thọ gần như hoàn toàn nằm trong lĩnh vực y tế cộng đồng, nghĩa là tìm ra cách đề ngăn chặn bệnh tật khi chúng chưa xảy ra, đồng thời kết nối những bệnh nhân hiện tại với phương pháp điều trị hiệu quả nhất, trong thời gian sớm nhất.

Hầu hết các bác sĩ và chuyên gia chính sách đồng ý rằng đây là lĩnh vực tiềm năng lớn trong y học, có thể giúp con người kéo dài tuổi thọ. Tuy nhiên trớ trêu thay, y tế cộng đồng không dễ dàng nhận được tài trợ.

Lí do vì mọi người luôn coi trọng việc một bệnh nhân đã mắc bệnh và cần một loại thuốc mới, hơn là khi chuyên gia y tế cộng đồng nói rằng 500 người đang khỏe mạnh nhưng có thể nhiễm bệnh, nhưng cũng có thể không.

Nếu tiếp xúc nhiều với phương tiện truyền thông, bạn có thể thấy hứng thú với những câu chuyện một vài người có thể sống tới 200 tuổi. Nhưng trên thực tế, những nghiên cứu thú vị và thực tiễn nhất, để tiếp tục gia tăng tuổi thọ trung bình của con người, lại là giúp những ai lẽ ra chỉ sống tới 50 tuổi, nhưng giờ có thể trải qua sinh nhật thứ 70 của mình.

Những nghiên cứu đơn giản nhưng có thể cứu sống hàng triệu sinh mạng

Khi một số người nghĩ về những nghiên cứu kéo dài tuổi thọ, họ sẽ tưởng tượng ra những khung cảnh như phim viễn tưởng: Một cỗ máy có thể chỉnh sửa gen người, một lồng kính trong đó chứa những người ngủ đông hay chuyển não bộ sang một cỗ máy...

Thế nhưng, bạn có biết rằng nỗ lực để kéo dài tuổi thọ có thể đơn giản hơn nhiều. Một trong số đó đã từng được thực hiện từ năm 1964, khi Tổng Y sĩ Hoa Kỳ, bác sĩ Luther Terry, công bố một nghiên cứu chứng minh rằng: Thuốc lá gây ung thư.

Suốt những thập kỷ sau đó, thuốc lá, từ một hình tượng tuyệt vời cho những người đàn ông sang trọng, trở thành một thứ bị nguyền rủa. Nó trở thành chủ đề nóng hổi cho mọi chính sách công và chiến dịch cải thiện nhận thức công chúng. Cả thế giới khi đó hạn chế hút thuốc lá.

Kết quả là gì? 20 triệu người đã chết trước tuổi 50 vì thuốc lá. Nhưng 8 triệu người khác đã được cứu sống. Những người kiểm soát lại thói quen hút thuốc của họ đã tăng trung bình tới 20 năm tuổi thọ.

Cho tới nay, vẫn còn một chặng đường rất dài mà chúng ta có thể làm với thuốc lá. Nhưng ví dụ trong quá khứ là minh chứng cho việc tuổi thọ con người có thể được gia tăng mạnh mẽ đến thế nào.

Câu hỏi đặt ra lúc này là: Những tiến bộ lớn trong nhiệm vụ kéo dài tuổi thọ con người sẽ trông như thế nào trong 10 năm tới? Không ai biết trước được tương lai, nhưng chúng ta hãy cùng điểm qua những kịch bản khả thi nhất:

Nếu bạn muốn kéo dài tuổi thọ, hãy suy nghĩ về việc thay đổi lối sống

Nếu như trong thế kỷ 20, việc chống lại thuốc lá đã cứu sống được hàng triệu người, thì ở thế kỷ 21, một nỗ lực thay đổi lối sống khác cũng có thể thực hiện điều tương tự.

Mục tiêu lúc này của chúng ta không phải là cai thuốc lá, mà là kiêng đường.

Rất nhiều nghiên cứu chỉ ra tiêu thụ đường là một trong những khía cạnh nguy hiểm nhất của chế độ ăn. Đường tàn phá cơ thể, gây béo phì, tiểu đường và rút ngắn tuổi thọ. Có những sự tương đồng đáng ngạc nhiên giữa đường của thế kỷ 21 và thuốc lá trong thế kỷ 20.

Một nghiên cứu mới công bố chỉ ra rằng ngành công nghiệp đường đã mua chuộc các nhà khoa học để lừa dối chúng ta suốt 5 thập kỷ, che mờ đi tác hại của việc tiêu thụ đường. Điều này giống hệt những gì mà ngành công nghiệp thuốc lá đã từng làm trước đó để đánh lạc hướng tác hại từ khói thuốc.

Ngày nay, nếu một người nào đó quyết định kiêng đường, họ sẽ có xu hướng sống lâu hơn đáng kể, so với những người vẫn tiêu thụ chúng thường xuyên.

Những nỗ lực chính để kiểm soát lượng đường mà người dân tiêu thụ đã đang được tiến hành. Nhiều quốc gia đã nghĩ đến việc đánh thuế đồ uống có đường. Mới đây ở Mỹ, đồng loạt 4 thành phố đã quyết định sẽ đánh thuế nước ngọt.

Trước đó, Philadelphia đã trở thành thành phố đầu tiên ở Mỹ đánh thuế nước ngọt. Họ đã nhận được những bằng chứng đầu tiên cho thấy rằng quyết định này có thể cứu sống rất nhiều người.

Trong tất cả những nỗ lực giúp con người kéo dài tuổi thọ, cuộc đấu tranh chống lại đường sẽ là mặt trận hứa hẹn nhất. Các dự đoán chỉ ra cuộc sống của chúng ta có thể kéo dài thêm sau 5 thập kỷ tiếp theo, nếu cuộc chiến chống lại đường làm được những điều tương tự như cuộc chiến chống lại thuốc lá.

Chúng ta sẽ tiếp tục xóa sổ những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm

Trong thế kỷ 20, tuổi thọ trung bình của con người được kéo dài nhờ một phần lớn vào nỗ lực chiến đấu với các dịch bệnh nguy hiểm. Những căn bệnh, trong quá khứ, cướp đi sinh mạng của hàng triệu người mỗi năm, nhưng hoặc là chúng ta đã kiểm soát và giảm được sự tàn phá của chúng, hoặc là chúng ta đã hoàn toàn quét sạch chúng.

Hai ví dụ điển hình nhất là sự thành công từ những chiến dịch y tế cộng đồng và tiêm chủng mở rộng đã xóa sổ hoàn toàn bệnh đậu mùa và gần như toàn bộ bệnh bại liệt. Gần đây hơn, nỗ lực từ quỹ Carter Foundation của cựu tổng thống Mỹ Jimmy Carter cũng đã giúp chúng ta xóa sổ hoàn toàn căn bệnh thứ hai sau đậu mùa, đó là bệnh nhiễm kí sinh giun chỉ.

Trong thế kỷ 21, gần như chúng ta đã có thể chạm tay vào nút khai tử với bại liệt, nhưng còn một mục tiêu nào lớn hơn? Đó là xóa sổ sốt rét.

Cuộc chiến của con người với bệnh sốt rét đã diễn ra trong nhiều thế kỷ và ở khắp nơi trên thế giới. Tại nhiều khu vực, loài muỗi mang kí sinh trùng đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Trong khi đó, những nỗ lực để điều trị bệnh tiếp tục được cải thiện. Kết quả là đầu thế kỷ 21, tỉ lệ tử vong do nhiễm kí sinh trùng sốt rét đã giảm tới 60%.

Tỷ phú Bill Gates đang tài trợ một dự án đánh bại sốt rét với hi vọng con người sẽ chiến thắng chúng sớm hơn nữa. Ngoài ra, có rất nhiều dự án và ý tưởng táo bạo cũng đang được thực hiện để hướng đến mục tiêu xóa sổ sốt rét. Một trong số đó là việc tạo ra những thế hệ muỗi biến đổi gen, vô sinh, hoặc chứa kháng thể sốt rét và thả chúng vào môi trường. Việc này sẽ phá vỡ trận địa sốt rét trên toàn cầu một cách tự nhiên và thầm lặng.

Nếu trong 10 năm tới, chúng ta tiếp tục có xu hướng thành công trong kiểm soát sốt rét, đó sẽ là một tin vui cho toàn thế giới.

Mark Zuckerberg và Priscilla Chan muốn "chữa khỏi mọi loại bệnh"

Trở lại thế kỷ 21 và những giấc mơ viễn tưởng, ở thung lũng Silicon cũng có không ít người đang nung nấu những ý tưởng táo bạo. Tỷ phú Peter Thiel là một ví dụ, ông bày tỏ sự quan tâm rất lớn tới những công ty đang làm việc trong lĩnh vực "parabiosis". Về cơ bản thì parabiosis làm việc trên ý tưởng truyền máu của người trẻ cho người già, nó có thể giúp họ trẻ lại và kéo dài tuổi thọ.

Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa thung lũng Silicon là những con người ở đây không chỉ dừng lại ở mơ ước. Nếu đã có ý tưởng, họ sẽ thực hiện chúng thông qua các tài trợ nghiên cứu hoặc theo đuổi các giải pháp công nghệ kỹ thuật.

Tháng 9 vừa rồi, Mark Zuckerberg cùng vợ Priscilla Chan cam kết dành 3 tỷ USD cho một kế hoạch vĩ đại. Họ muốn mọi căn bệnh đều có thể được chữa khỏi vào cuối thế kỷ này, nghĩa là bao gồm cả ung thư. Nếu bạn muốn so sánh, 3 tỷ USD sẽ chỉ bằng một phần 10 số tiền mà Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ chi cho các nghiên cứu hàng năm. Nhưng Mark là người biết dùng tiền một cách đúng chỗ và sáng tạo.

Thay vì chỉ bơm tiền vào các nghiên cứu y học hiện có, Mark và Chan dựa vào quỹ của họ để thiết lập một hệ thống đầu tư và giải thưởng cho các dự án táo bạo. Họ cũng sẽ tài trợ cho các dự án hài hạn, có rủi ro cao, các dự án khoa học cơ bản và kết nối các bác sĩ và kỹ sư.

Mục tiêu của Mark và Chan không phải là cải thiện các phương pháp y tế và các loại thuốc men hiện có, họ muốn tạo ra một môi trường hoàn toàn mới trong cách mà con người chiến đấu với bệnh tật. Nếu điều đó trở thành sự thật, chúng ta phải định nghĩa lại mọi hướng đi của y học hiện đại.

Đó sẽ là một câu chuyện rộng lớn hơn. Không phải chỉ là việc tìm cách chiến đấu với những căn bệnh một khi nó đã xảy ra, nghiên cứu y khoa sẽ phải tập trung ngày càng nhiều hơn vào nguồn gốc khởi phát của bệnh tật. Mục đích cuối cùng sẽ là giúp chúng ta sống lâu hơn, khỏe mạnh và an toàn hơn.

Công nghệ sẽ phát hiện bệnh tật ngay từ điểm khởi phát

Trong tuyên bố của mình, Mark và Chan đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của họ với ý tưởng giám sát máu chủ động. Đó là việc phát triển công nghệ, chẳng hạn thông qua một miếng dán hoặc thiết bị cấy ghép, có thể cho phép chúng ta theo dõi chất lượng máu một cách tự động, thường xuyên và chính xác trong suốt cả cuộc đời.

Điều này sẽ cho phép phát hiện bệnh nhiễm trùng hoặc thậm chí ung thư ngay ở thời điểm nó khởi phát. Và bởi vậy, mọi căn bệnh có thể được điều trị dễ dàng hơn.

Mặc dù rất có triển vọng, giám sát máu chủ động sẽ phải giải quyết những thách thức tương đối lớn.

Trước hết, chúng ta đều biết bệnh tật là tiềm ẩn, nếu một số lượng lớn các kết quả dương tính xuất hiện một lúc, nó sẽ gây hoang mang cho người bệnh và đặt một áp lực lớn lên hệ thống chăm sóc sức khỏe. Bởi vậy, một thiết bị giám sát máu chủ động phải đạt được độ siêu chính xác, nếu nó muốn được áp dụng trên thị trường.

Thứ hai, công nghệ cao, đơn giản và chính xác không bao giờ đi đôi với một mức giá hợp lý, nhất là ở điểm khởi đầu của nó. Chúng ta đã từng phát triển những thiết bị xét nghiệm giá rẻ, đơn giản và không đau, nhưng không phải chúng đều làm việc tốt.

Mặc dù vậy, khi nói đến những công nghệ giúp chúng ta kéo dài tuổi thọ, giám sát máu chủ động vẫn sẽ là một ý tưởng rất tiềm năng trong tương lai gần

Chúng ta đang ở giữa điểm bùng nổ của công nghệ chỉnh sửa gene

Rất nhiều yếu tố khiến cuộc sống của chúng ta không thể kéo dài hơn nằm trong bản chất di truyền. Ngày càng có nhiều bằng chứng chỉ ra những thay đổi trong cấu trúc gene chính là một trong những điều thúc đẩy quá trình lão hóa.

Để mở ra con đường can thiệp vào quá trình này, chúng ta đã có một công cụ khá hiệu quả, thậm chí là giá rẻ: CRISPR-Cas9. Kỹ thuật chỉnh sửa gene này được coi là thứ đang cách mạng hóa nền sinh học. Ngay tuần trước, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã lần đầu tiên công bố thử nghiệm thành công CRISPR trên con người.

Đó hẳn là một bước tiến lớn, mở ra cả một thập kỷ tươi sáng phía trước. CRISPR có thể được sử dụng để kéo dài cuộc sống của những người bị ảnh hưởng nặng nề từ gene bị biến đổi. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn có thể hoài nghi rằng 10 năm vẫn quá ngắn để một công nghệ chỉnh sửa gene xuất hiện đại trà.

Ngay cả công ty startup cũng muốn kéo dài tuổi thọ cho con người

Unity Biotechnology là một công ty startup táo bạo trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Với khoản đầu từ hơn 100 triệu USD, họ đang hướng đến mục tiêu giúp những người già sống khỏe mạnh hơn.

Con đường để thực hiện điều đó như thế nào? Chúng ta biết rằng các tế bào trong cơ thể có một cơ chế khẩn cấp. Nó sẽ tự dừng mọi hoạt động của mình, một khi đã làm việc đến kiệt sức.

Điều này thực chất là một cơ chế tự bảo vệ của cơ thể. Bởi khi đã làm việc quá nhiều, tế bào phải đối mặt với những tổn thương di truyền và đột biến gen tích lũy theo thời gian. Không ngừng hoạt động và tiếp tục phân chia, nó sẽ tạo ra một dịch bệnh trong cơ thể, bởi các đột biến có thể lây lan khắp mọi nơi.

Kết quả là gì, đột biến sẽ khiến bạn tăng nguy cơ ung thư. Bởi vậy, tế bào phải dừng hoạt động và phân chia. Chúng được gọi là tế bào lão hóa và ngày càng xuất hiện nhiều hơn khi bạn có tuổi.

Nhưng Unity Biotechnology đã thực hiện thí nghiệm trên chuột và phát hiện ra rằng, nhiều khi, các tế bào đã dừng hoạt động quá sớm. Họ tin tưởng rằng đa số tế bào lão hóa có thể được kéo dài thêm thời gian phục vụ mà vẫn đảm bảo rằng chúng còn khỏe mạnh và không gây thiệt hại cho cơ thể.

Điều đó có nghĩa là gì? Không hẳn là việc kéo dài tuổi thọ, nhưng Unity Biotechnology muốn mọi người già đều trẻ trung hơn, có sức khỏe tốt hơn một khi tế bào của họ không bị lão hóa. Công ty đã từng xuất bản những nghiên cứu rất hứa hẹn trên động vật trước đây. Dự kiến, họ sẽ thực hiện thử nghiệm trên người vào năm tới.

Theo Trí Thức Trẻ/ Khoa học TV
Bình luận
Tin mới
  • 24/11/2024

    Thoát vị khe hoành là gì?

    Thoát vị hoành, hay thoát vị khe hoành, xảy ra khi phần trên của dạ dày bị đẩy lên ngực thông qua một lỗ mở ở cơ hoành (cơ ngăn cách bụng với ngực). Tình trạng này xảy ra ở nơi dạ dày và thực quản của bạn nối lại với nhau, còn được gọi là ngã ba thực quản dạ dày. Đôi khi, thoát vị khe hoành không gây ra vấn đề gì và không cần điều trị.

  • 23/11/2024

    Cách giảm đau mỏi chân khi đứng lâu

    Đau chân khi đứng lâu là tình trạng mà nhiều người gặp phải. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể khắc phục vấn đề này bằng một vài thay đổi nhỏ trong thói quen sinh hoạt hàng ngày

  • 23/11/2024

    Triệu chứng và biến chứng của bệnh vẩy nến

    Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh vẩy nến khác nhau tùy thuộc vào từng người và loại bệnh vẩy nến. Mặc dù bệnh vẩy nến là tình trạng mãn tính kéo dài suốt đời, một số người có thể thấy các triệu chứng biến mất trong nhiều tháng hoặc nhiều năm.

  • 22/11/2024

    Thuốc xịt mũi ngừa cúm

    Bạn có bỏ qua mũi tiêm phòng cúm hàng năm vì bạn ghét bị tiêm không? Điều đó có thể hiểu được. Nhưng đừng để điều đó ngăn cản bạn tiêm vắc-xin. Có một lựa chọn khác: dành cho bạn: vắc-xin xịt mũi.

  • 22/11/2024

    Loại tiếng ồn nào tốt cho giấc ngủ?

    Chắc hẳn ai cũng đã từng nghe qua câu chuyện dùng tiếng ồn trắng giúp các bé sơ sinh ngủ ngon và sâu giấc. Vậy đã bao giờ bạn thắc mắc, có những loại tiếng ồn nào và đâu là tiếng ồn dành cho người lớn? Mọi câu hỏi sẽ được giải đáp ngay sau đây.

  • 22/11/2024

    Cách cải thiện triệu chứng đau thần kinh tọa

    Ngày càng nhiều người trẻ bị đau thần kinh tọa với biểu hiện đau phần lưng dưới lan xuống chân. Để kiểm soát cơn đau thần kinh tọa, người bệnh cần điều chỉnh từ thói quen sinh hoạt hàng ngày.

  • 21/11/2024

    Trị bệnh Parkinson bằng Đông y có hiệu quả không?

    Do các loại thuốc Tây y điều trị bệnh Parkinson thường đi kèm với tác dụng phụ và nguy cơ “nhờn thuốc” khi dùng lâu dài, nhiều người tìm tới các phương pháp Đông y với hy vọng các loại thảo dược tự nhiên sẽ an toàn hơn với cơ thể.

  • 21/11/2024

    Tăng cường sức khỏe xương khớp cho người cao tuổi trong mùa đông

    Khi bước vào giai đoạn lão hóa, cơ thể con người trải qua nhiều thay đổi sinh lý, suy giảm chức năng của hệ cơ xương khớp và dễ mắc phải các bệnh lý về xương khớp, đặc biệt là trong mùa đông lạnh

Xem thêm