Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Sinh con khi nhiều tuổi có đáng lo

Những năm gần đây, khi độ tuổi kết hôn ngày càng muộn kéo theo hiện tượng mang thai khi đã nhiều tuổi khiến nhiều chị em lo lắng. Liệu sinh con khi nhiều tuổi có thực sự đáng lo ngại hay không? Phải làm gì để giúp mẹ bầu luôn khỏe mạnh?

Khi độ tuổi mang thai ngày càng tăng

Theo CDC Hoa Kỳ, từ năm 2016, tỷ lệ sinh ở phụ nữ trong độ tuổi 30-34 đã vượt qua phụ nữ trong độ tuổi 25-29. Đây cũng là vấn đề lo ngại khi hiện nay, càng nhiều người mang thai sau độ tuổi 35.

Nguyên nhân thường xuất phát từ phụ nữ trình độ học vấn cao hơn, muốn phát triển sự nghiệp bản thân hoặc cảm thấy chưa sẵn sàng có con, thiếu kinh nghiệm chăm sóc trẻ hay lo ngại về chính sách nơi làm việc khi sinh, thất nghiệp khi sinh con,...

Sinh con khi nhiều tuổi có thực sự đáng lo như bạn nghĩ? - Ảnh 1.

Nhiều chị em phụ nữ mang thai khi lớn tuổi.

(Ảnh minh họa)

Mang thai khi đã nhiều tuổi sẽ khiến mẹ phải đối mặt với các nguy cơ như:

  • Nguy cơ mắc các bệnh di truyền như Down tăng lên theo tuổi của mẹ.
  • Nguy cơ sẩy thai hay gặp phải các vấn đề sản khoa cao hơn theo tuổi của mẹ.
  • Nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ, xuất huyết sau sinh,... đều có thể xuất hiện.

Theo các nhà khoa học, càng lớn tuổi, tử cung càng kém nhạy cảm hơn với oxytocin. Do đó, nếu tuổi mẹ càng cao thì các biến chứng trong khi sinh càng dễ xảy ra.

Làm gì để có một thai kỳ khỏe mạnh khi mẹ bầu lớn tuổi?

Để hạn chế những nguy cơ có thể xảy ra, giúp mẹ bầu lớn tuổi có một thai kỳ khỏe mạnh, chị em có thể tham khảo một số gợi ý sau:

Thăm khám và cần được tư vấn kỹ của bác sĩ chuyên khoa trước khi mang thai

Trước khi có kế hoạch mang thai, chị em nên tới bệnh viện để kiểm tra sức khỏe tổng thể của bản thân liệu có đủ điều kiện để mang thai hay không; cũng như có hướng giải quyết những vấn đề về sinh sản và mang thai có thể gặp phải để chuẩn bị tốt nhất cho thai kỳ.

Sinh con khi nhiều tuổi có thực sự đáng lo như bạn nghĩ? - Ảnh 2.

Phụ nữ nên kiểm tra sức khỏe của mình trước khi mang thai.

(Ảnh minh họa)

Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh

Trong khi mang thai, mẹ bầu cần bổ sung thêm acid folic, canxi, sắt, vitamin D và các chất dinh dưỡng thiết yếu khác hàng ngày. Đây là những dưỡng chất thiết yếu để giúp thai nhi phát triển khỏe mạnh hơn khi còn trong bụng mẹ. Ngoài ra, mẹ bầu cần lưu ý không nên sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá để tránh những ảnh hưởng bất lợi tới sức khỏe.

Tăng cân phù hợp

Mang thai khi đã nhiều tuổi khiến nhiều mẹ bầu lo lắng con không đủ chất dinh dưỡng. Do đó, hiện tượng ăn nhiều và tăng cân không kiểm soát rất dễ xảy ra và kết quả là mẹ thì tăng cân mà con lại còi cọc do không đủ chất dinh dưỡng. Vì vậy, mẹ bầu cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng để có kế hoạch tăng cân sao cho phù hợp, đủ để thai nhi phát triển tốt mà mẹ cũng có thể thuận lợi giảm cân sau sinh.

Hoạt động thể chất

Các hoạt động thể chất có thể giảm bớt sự khó chịu, tăng cường năng lượng và cải thiện sức khỏe cho mẹ. Đồng thời, vận động hợp lý giúp tăng sức mạnh các cơ cũng như sức chịu đựng khi sinh em bé, từ đó, hạn chế phần nào biến chứng có thể xảy ra. Mẹ bầu có thể lựa chọn vận động phù hợp với sức khỏe của mình, không nên vận động quá sức.

Sinh con khi nhiều tuổi có thực sự đáng lo như bạn nghĩ? - Ảnh 3.

Mẹ bầu nên tập luyện phù hợp để nâng cao sức chịu đựng và sức mạnh của các cơ.

(Ảnh minh họa)

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Ăn uống đúng cách khi mang thai giúp mẹ khỏe, con khỏe.

Theo sức khỏe đời sống
Bình luận
Tin mới
Xem thêm