Trong máu con người có 3 loại tế bào chính, đó là hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Theo TS.BS. Lê Thị Thu Hà - Trưởng khoa Hậu sản M (BV. Từ Dũ TP.HCM), bệnh lý của bất cứ loại tế bào máu nào cũng đều gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Có khá nhiều bệnh lý về máu ảnh hưởng đến sức khỏe của người phụ nữ.
Những người có nguy cơ cao mắc các bệnh về máu
- Tiền căn gia đình có người mắc bệnh về máu.
- Ăn uống thiếu chất, đặc biệt các chất sau: sắt, acid folic, vitamin B12, đạm.
- Nghề nông, dễ bị ký sinh trùng đường ruột.
- Mang thai.
- Có bệnh mãn tính: bệnh thận, bệnh gan, bệnh tim, sốt rét.
- Sau phẫu thuật.
3 bệnh lý về máu
Bệnh lý về hồng cầu: thiếu máu thiếu sắt, thiếu máu tán huyết di truyền, thiếu máu hồng cầu hình liềm, đa hồng cầu, rối loạn huyết sắc tố, thiếu máu ác tính Biermer… Thiếu máu là một tình trạng mà trong đó không có đủ tế bào hồng cầu khỏe mạnh để vận chuyển đầy đủ oxy đến các mô.
Bệnh lý về bạch cầu: bạch cầu có nhiệm vụ chung là bảo vệ cơ thể đối với các nhân tố bệnh lý khác nhau, chủ yếu là nhân tố nhiễm khuẩn. Trong cơ thể có nhiều loại bạch cầu (bạch cầu hạt hay bạch cầu tủy, bạch cầu lympho, bạch cầu mono), mỗi loại đều có thể phát sinh những biến đổi bệnh lý tăng sinh hoặc nhược sinh tổ chức với những thay đổi về số lượng và chất lượng tế bào. Những bệnh lý bạch cầu thường gặp: bệnh bạch cầu cấp, bệnh bạch cầu mạn.
Bệnh lý về tiểu cầu: tiểu cầu là một trong ba loại tế bào chính trong máu sau hồng cầu và bạch cầu. Nó có chức năng trong việc đông cầm máu tại vị trí chảy máu của cơ thể. Vì thế, nếu cơ thể thiếu hay giảm lượng tiểu cầu một cách nghiêm trọng sẽ dẫn đến việc quá trình đông cầm máu không hiệu quả và người bệnh bị mất máu ồ ạt và nhiều, đặc biệt là tại não. Bệnh lý tiểu cầu: tăng tiểu cầu, giảm tiểu cầu đều có khả năng ảnh hưởng đến chức năng đông cầm máu. Mặc dù không có phương pháp chữa trị dứt điểm các rối loạn chảy máu, các phương pháp điều trị có sẵn giúp phụ nữ kiểm soát các triệu chứng, tránh các biến chứng và hạn chế thủ thuật xâm lấn.
Phụ nữ và những biến chứng
Theo các chuyên gia, một trong những bệnh máu di truyền thường gặp là bệnh thiếu máu hồng cầu lưỡi liềm (SCD). Phụ nữ khi mắc bệnh này cần phải chú ý khi sử dụng biện pháp tránh thai. Đặt vòng có thể gây ra những kỳ kinh nguyệt đau đớn nặng nề hơn bình thường.
Đặc biệt, khi mang thai và sinh con, SCD làm tăng nguy cơ của các vấn đề nhất định trong thai kỳ, chẳng hạn như huyết áp cao hoặc sinh non. Bạn cũng sẽ được tư vấn để sử dụng một liều acid folic cao hơn (5mg), nếu bạn đang mang thai hoặc dự định có thai. Vì vậy, khi dự định có thai hay khi mang thai, bạn cần phải đi khám bác sĩ sớm.
Các rối loạn đông máu phổ biến nhất ảnh hưởng đến phụ nữ là bệnh von Willebrand (VWD), cơ thể bị thiếu hụt hay khiếm khuyết khả năng sản xuất một loại protein nhất định giúp đông máu. Phụ nữ có nhiều khả năng nhận thấy các triệu chứng do chảy máu nặng hoặc bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt của họ và sau khi sinh con.
VWD và các rối loạn máu khác cũng có thể làm cho phụ nữ sẩy thai liên tiếp, chảy máu nặng trong thủ thuật nha khoa, thường chảy máu cam, và ra máu nhiều trong và sau khi phẫu thuật. Phụ nữ bị chứng rong kinh hoặc VWD thường có nguy cơ thiếu máu, đau bụng khi hành kinh, thường xuyên nhập viện, và có nhu cầu truyền máu cao, hạn chế trong sinh hoạt hàng ngày, và chất lượng cuộc sống giảm. Ngoài VWD, rối loạn chảy máu hiếm khác và các rối loạn chức năng tiểu cầu phổ biến hơn cũng có thể gây ra các triệu chứng chảy máu ở phụ nữ.
BS. Thu Hà cho biết: “Tùy vào loại bệnh và ở vùng nào mà tỉ lệ bệnh sẽ khác nhau. Nhiều bệnh lý về máu có thể điều trị khỏi, nhưng cũng có những loại bệnh mang tính di truyền chỉ điều trị triệu chứng mà thôi. Khi bị thiếu máu, cơ thể cảm thấy mệt mỏi rất nhiều, suy nhược, da xanh, niêm nhợt, tim đập nhanh, đau ngực, khó thở, nhức đầu”.
Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia năm 2009 - 2010, thiếu máu thiếu sắt ở phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi sinh đẻ là khoảng 28%. Còn theo khảo sát do Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM tiến hành, tỉ lệ thiếu máu ở phụ nữ mang thai là 17,5%, trong đó thiếu máu do thiếu sắt chiếm gần 60%. Mẹ thiếu máu dễ sảy thai, các vấn đề về nhau thai (nhau tiền đạo, bong non), tăng huyết áp, tiền sản giật, ối vỡ sớm, băng huyết sau sinh, nhiễm trùng hậu sản. Và trẻ sơ sinh thường bị sinh non nhẹ cân, dễ mắc bệnh tim mạch, tăng tử suất và bệnh suất sơ sinh hơn so với trẻ không thiếu máu.
Dự phòng bằng xét nghiệm tiền hôn nhân
Theo BS. Thu Hà, nhiều bệnh lý về máu khác nhau khó thể phòng ngừa được, đặc biệt là những bệnh lý mang tính di truyền. Xét nghiệm tiền hôn nhân có thể dự phòng được những bệnh lý di truyền theo gen lặn. Tránh tiếp xúc những chất độc hại có thể dự phòng phần nào bệnh lý ung thư máu. Những bệnh lý ưa chảy máu, chủ yếu là tránh những nguy cơ gây chảy máu.
Nhiều loại bệnh thiếu máu không thể phòng ngừa được. Tuy nhiên, có thể giúp tránh được bệnh thiếu máu thiếu sắt và thiếu máu thiếu vitamin bằng cách ăn uống lành mạnh và đa dạng, bao gồm:
- Sắt: các nguồn tốt nhất của sắt là thịt bò và các loại thịt khác. Các loại thực phẩm giàu sắt bao gồm các loại đậu, đậu lăng, ngũ cốc tăng cường chất sắt, rau xanh sẫm lá, trái cây sấy khô, bơ đậu phộng và hạt.
- Folate: chất dinh dưỡng này, và hình thức tổng hợp của nó, folic acid, có thể được tìm thấy trong các loại nước ép cam quýt và trái cây, chuối, rau xanh sẫm lá, rau đậu và bánh mì, ngũ cốc và mì ống.
- Vitamin B12: trong thịt và các sản phẩm sữa dồi dào vitamin.
- Vitamin C: thực phẩm có chứa vitamin C như: trái cây họ cam quýt, dưa hấu, giúp tăng hấp thu sắt.
Ăn nhiều các thực phẩm chứa sắt đặc biệt quan trọng cho những người có yêu cầu sắt cao như trẻ em, sắt là cần thiết trong quá trình tăng trưởng, có thai và phụ nữ có kinh nguyệt.
Các triệu chứng nghĩ đến bệnh về máu: mệt mỏi, nhức đầu, xanh xao, khó thở, nặng ngực, dễ chảy máu (chảy máu răng, chảy máu do xây xước nhẹ trên da, chảy máu mũi, rong kinh- rong huyết), có nhiều vết bầm trên người, nổi hạch nhiều vị trí trên cơ thể, dễ bị nhiễm trùng. Cũng có những trường hợp không có triệu chứng gì bất thường, khi xét nghiệm sức khỏe vô tình phát hiện.
Xăm hình đã trở thành một hình thức nghệ thuật phổ biến trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, vẫn còn có những lo ngại về tác động lâu dài của việc xăm hình đối với sức khỏe, đặc biệt là nguy cơ ung thư.
Thoát vị hoành, hay thoát vị khe hoành, xảy ra khi phần trên của dạ dày bị đẩy lên ngực thông qua một lỗ mở ở cơ hoành (cơ ngăn cách bụng với ngực). Tình trạng này xảy ra ở nơi dạ dày và thực quản của bạn nối lại với nhau, còn được gọi là ngã ba thực quản dạ dày. Đôi khi, thoát vị khe hoành không gây ra vấn đề gì và không cần điều trị.
Đau chân khi đứng lâu là tình trạng mà nhiều người gặp phải. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể khắc phục vấn đề này bằng một vài thay đổi nhỏ trong thói quen sinh hoạt hàng ngày
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh vẩy nến khác nhau tùy thuộc vào từng người và loại bệnh vẩy nến. Mặc dù bệnh vẩy nến là tình trạng mãn tính kéo dài suốt đời, một số người có thể thấy các triệu chứng biến mất trong nhiều tháng hoặc nhiều năm.
Bạn có bỏ qua mũi tiêm phòng cúm hàng năm vì bạn ghét bị tiêm không? Điều đó có thể hiểu được. Nhưng đừng để điều đó ngăn cản bạn tiêm vắc-xin. Có một lựa chọn khác: dành cho bạn: vắc-xin xịt mũi.
Chắc hẳn ai cũng đã từng nghe qua câu chuyện dùng tiếng ồn trắng giúp các bé sơ sinh ngủ ngon và sâu giấc. Vậy đã bao giờ bạn thắc mắc, có những loại tiếng ồn nào và đâu là tiếng ồn dành cho người lớn? Mọi câu hỏi sẽ được giải đáp ngay sau đây.
Ngày càng nhiều người trẻ bị đau thần kinh tọa với biểu hiện đau phần lưng dưới lan xuống chân. Để kiểm soát cơn đau thần kinh tọa, người bệnh cần điều chỉnh từ thói quen sinh hoạt hàng ngày.
Do các loại thuốc Tây y điều trị bệnh Parkinson thường đi kèm với tác dụng phụ và nguy cơ “nhờn thuốc” khi dùng lâu dài, nhiều người tìm tới các phương pháp Đông y với hy vọng các loại thảo dược tự nhiên sẽ an toàn hơn với cơ thể.