Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Phòng và phát hiện sớm mất thính lực ở trẻ em

Mất thính lực ở trẻ nhỏ là một trong những rối loạn thường gặp nhất so với các rối loạn khác đang được sàng lọc rộng rãi.

Phòng và phát hiện sớm mất thính lực ở trẻ em

Ước tính mỗi năm Việt Nam có thêm 1,2 triệu trẻ sinh ra, tương đương sẽ có 5.000 trẻ bị điếc mới. Trong khi đó, việc phát hiện mất thính lực ở trẻ em thường rất muộn, đa phần sau 2 tuổi nên việc điều trị và phục hồi cả khả năng nghe và nói đều rất khó khăn.

Làm sao để biết được rằng tình trạng thính lực của trẻ vẫn bình thường

Cách tốt nhất là đưa trẻ tới bác sỹ để khám tai và thính lực. Khi mới sinh ra, hầu hết mọi trẻ sơ sinh đều đã được kiểm tra thính lực trước khi xuất viện. Về sau, bác sỹ thường sẽ kiểm tra thính lực của trẻ trong mỗi đợt khám sức khỏe định kỳ.

Cha mẹ và người chăm sóc là những người đầu tiên có thể phát hiện trẻ có bất cứ vấn đề nào về khả năng nghe, ví dụ như trẻ không thể nghe rõ những câu hỏi ngắn, đơn giản hoặc không phản ứng hoặc không thể làm theo hướng dẫn. Do vậy, nếu bạn phát hiện thấy bất cứ hiện tượng bất thường nào về thính lực của trẻ, hãy thông báo cho bác sỹ ngay.

Đôi khi hiện tượng trẻ nghe không rõ có thể là do những nguyên nhân khác. Một đứa trẻ đang ở độ tuổi tập đi và chưa có khả năng nói có thể hơi chậm phát triển so với các trẻ khác, trẻ cũng có thể không có phản ứng với những lời bạn nói đơn giản là do trẻ cảm thấy quá mệt hay đang mải tập trung vào điều gì đó.

Tuy nhiên, nếu trẻ thực sự gặp phải vấn đề về thính lực, chẩn đoán và điều trị càng sớm trẻ càng có thể phát triển khả năng ngôn ngữ bình thường đúng với lứa tuổi.

Các bác sỹ sẽ phải làm gì

Bác sỹ sẽ tiến hành các test kiểm tra thính lực tổng thể, nếu kết quả kiểm tra của trẻ không tốt, bác sỹ có thể giới thiệu đến một chuyên gia về tai-mũi-họng để có thể xác định được chính xác tình trạng của trẻ.

Bác sỹ chuyên khoa tai-mũi-họng sẽ đề xuất những xét nghiệm khác phù hợp với lứa tuổi và mức độ phát triển của trẻ.

Nguyên nhân gây mất thính lực

Có hai dạng mất thính lực: mất thính lực bẩm sinh (trẻ khi sinh ra đã bị mất thính lực) và mất thính lực mắc phải (do mắc một căn bệnh nào đó gây ra mất thính lực). Ở Mỹ, cứ 1.000 trẻ thì có khoảng 2-3 trẻ khi sinh ra bị suy giảm thính lực nghiêm trọng (Những trẻ cần chăm sóc sơ sinh tích cực dễ có nguy cơ gặp phải các vấn đề về thính lực.)

Đôi khi, suy giảm thính lực là do di truyền, ngay cả khi cả cha và mẹ đều có thể nghe bình thường. Trường hợp khác, trẻ nhỏ bị tổn thương thính lực là do người mẹ đã bị nhiễm virus trong thai kỳ, ví dụ như rubella, nhiễm Toxoplasma hay virus herpes. Một số trẻ bị giảm thính lực là do tình trạng nhẹ cân khi sinh hay sinh non, hoặc có bất thường phát triển tai trong. Tuy nhiên, một số trường hợp không có nguyên nhân cụ thể.

Sau sinh, trẻ có thể bị điếc nếu dây thần kinh ở tai trong bị tổn thương do chấn thương nào đó, bị khối u hay do bệnh nhiễm trùng như thủy đậu, cúm, viêm màng não hay tăng bạch cầu đơn nhân. Các loại thuốc như hóa chất trị liệu ung thư, salicylate, thuốc lợi tiểu quai và một số kháng sinh tiêm tĩnh mạch cũng có thể gây mất thính lực.

Tình trạng dịch dư thừa lưu lại ở phần tai giữa sau khi bị nhiễm khuẩn hay do tai kém thông thoáng cũng là nguyên nhân dẫn đến giảm thính lực. Dịch có thể lưu lại trong tai tới hàng tuần, ngay cả sau khi nhiễm trùng đã khỏi và gây mất thính lực cho tới khi nó được dẫn lưu loại bỏ khỏi tai.

Điếc vĩnh viễn do dịch lưu lại trong tai khá hiếm, tuy nhiên vẫn có nguy cơ xảy ra nếu trẻ không được điều trị, gây ra thay đổi cấu trúc trong màng nhĩ và các xương của tai.

Tình trạng ráy tai tích tụ và dị vật lọt vào tai cũng có thể gây điếc tạm thời ở trẻ em.

Điều trị mất thính lực ở trẻ em

Nếu trẻ bị mất thính lực bẩm sinh hay do một căn bệnh nào đó, thính lực có thể không hồi phục hoàn toàn, tuy nhiên có một số biện pháp có thể giúp trẻ cải thiện được phần nào khả năng nghe của trẻ. Hãy trao đổi với bác sỹ để tìm ra những liệu pháp hỗ trợ như sử dụng máy trợ thính (một thiết bị điện tử được gắn vào bên trong hoặc phía sau tai để khuếch đại âm thanh), hệ thống FM trainer (hỗ trợ cho những người mang thiết bị trợ thính nghe rõ hơn trong môi trường ồn) hay sử dụng ốc tai điện tử.

Ốc tai điện tử bao gồm các điện cực được đặt vào trong xương phía sau tai và phần bên ngoài có tác dụng xử lý lời, thu âm và truyền âm. Ốc tai điện tử hoạt động với chức năng thay thế cho tai trong bằng cách truyền những tín hiệu thính giác tới não. Nếu trẻ bị mất thính lực mức độ nặng, sử dụng ốc tai điện tử có thể là một lựa chọn phù hợp.

Cấy ghép ốc tai điện tử giúp cho nhiều trẻ bị điếc nặng có thể nghe được các âm thành mà trong trường hợp này các máy trợ thính không có hiệu quả. Tuy nhiên, dù sử dụng máy trợ thính hay ốc tai điện tử thì hầu hết mọi trẻ đều sẽ cần tham gia lớp trị liệu về ngôn ngữ trong vòng vài năm để có thể hiểu được những lời nói của người khác.

Một số trẻ bị điếc không thể nghe và nói được nên bắt đầu được học các ngôn ngữ ký hiệu cho người điếc càng sớm càng tốt.

Làm cách nào để phòng tình trạng giảm thính lực ở trẻ em

Mặc dù một số nguyên nhân gây điếc là không thể phòng tránh được nhưng có một số điều bạn có thể làm để có thể giảm thiểu nguy cơ cho trẻ:

  • Không bao giờ nên đưa bất cứ vật gì vào bên trong tai của trẻ và nhắc nhở trẻ cũng không được đưa vật gì vào tai mình. Ngay cả những thứ mềm như tăm bông cũng có thể gây tổn thương tai của trẻ.
  • Tiêm phòng cho trẻ đầy đủ và đúng lịch do một số căn bệnh như quai bị có thể gây mất thính lực.
  • Chăm sóc cẩn thận mỗi khi trẻ bị cảm lạnh hay nhiễm trùng tai. Nếu trẻ có xuất hiện những dấu hiệu của tình trạng giảm thính lực sau khi bị viêm tai, hãy đưa trẻ đi khám bác sỹ ngay.
  • Không cho trẻ nghe âm thanh quá lớn. Nhạc quá ồn ào hay bật tivi quá to (nhất là khi dùng tai nghe hay headphone) về lâu dài có thể làm ảnh hưởng đến khả năng nghe của trẻ.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Nguyên nhân thực sự gây suy giảm sức nghe

Bình luận
Tin mới
  • 19/04/2024

    Phát hiện ung thư dạ dày bằng hơi thở

    Hơi thở có mùi khiến cho bạn cảm thấy xấu hổ. Nhưng việc kiểm tra hơi thở nhanh ngoài việc có thể giúp bạn thoát khỏi nhiều tình huống khó xử còn có thể cứu mạng bạn. Theo một nghiên cứu, công nghệ kiểm tra hơi thở có thể phát hiện ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm nhất .

  • 19/04/2024

    Đưa con đến viện ngay nếu con có dấu hiệu này khi mắc cúm B

    Cúm B là một loại cúm mùa do virus, thường gây nhiễm trùng đường hô hấp. Phần lớn khi trẻ mắc cúm B nhẹ sẽ tự khỏi, tuy nhiên virus cũng có thể gây biến chứng nghiêm trọng. Nếu trẻ mắc cúm B có các dấu hiệu nguy hiểm dưới đây, cha mẹ cần đưa con đến viện ngay để điều trị.

  • 19/04/2024

    5 bệnh tự miễn thường gặp mà bạn cần biết

    Hệ thống miễn dịch của chúng ta có vai trò chính là nhận diện và bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus và nấm. Tuy nhiên, đôi khi, các thành phần của hệ thống miễn dịch lại nhầm lẫn phản ứng với các protein trong cơ thể và gây ra các bệnh tự miễn.

  • 19/04/2024

    Tìm hiểu về các rối loạn tiêu hóa nghiêm trọng ở trẻ em

    Các rối loạn tiêu hóa ở trẻ em là một vấn đề phổ biến mà nhiều gia đình phải đối mặt. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về một số rối loạn tiêu hóa phổ biến ở trẻ, nguyên nhân và cách điều trị.

  • 19/04/2024

    Vì sao không nên uống trà khi ăn thực phẩm giàu sắt?

    Trà không chỉ là thức uống giải khát mà còn có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, kết hợp trà vào chế độ ăn uống không đúng cách có thể ảnh hưởng đến sự hấp thu sắt của cơ thể, đặc biệt ở người bị thiếu máu do thiếu sắt.

  • 19/04/2024

    Những điều cần biết về bệnh viêm phổi ở trẻ em

    Viêm phổi là một trong những bệnh lý đường hô hấp nghiêm trọng thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là những trẻ dưới 5 tuổi có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Bệnh không chỉ gây ra những triệu chứng khó chịu như ho, sốt, khó thở mà còn tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.

  • 18/04/2024

    Tại sao bạn hay cảm thấy buồn ngủ quá mức?

    Buồn ngủ quá mức là gì và tại sao bạn lại gặp phải tình trạng này? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

  • 18/04/2024

    6 thực phẩm trong chế độ ăn giúp giảm nguy cơ ung thư

    Ung thư có thể phòng ngừa nhờ điều chỉnh lối sống với những thói quen tốt cho sức khỏe như ăn uống lành mạnh. Một số thực phẩm trong chế độ dinh dưỡng có thể hỗ trợ giảm nguy cơ mắc ung thư.

Xem thêm