Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Phân biệt các loại nấm độc và cách sơ cứu khi bị ngộ độc nấm

Chỉ cần vài cây nấm độc lẫn trong món ăn cũng có thể gây ngộ độc. Ngộ độc nấm rất nguy hiểm vì nhẹ thì gây tiêu hủy hồng cầu, bạch cầu, tế bào thần kinh, tế bào gan... thậm chí gây chết người.

Phân biệt các loại nấm độc và cách sơ cứu khi bị ngộ độc nấm

“Coi tất cả các loại nấm trong rừng là nấm độc và không nên ăn”

Những ngày qua, nhiều người dân tỏ ra vô cùng lo lắng sau khi những thông tin về việc ba nạn nhân trong gia đình tại Chi Lăng, Lạng Sơn được người thân đưa đi trong tình trạng nguy kịch vì ăn nhầm nấm độc. Trong khi đó, thời điểm cuối mùa Xuân, đầu mùa Hạ (tức là từ tháng 4 đến tháng 5) là thời điểm nấm hoang dại phát triển mạnh, trong đó có những loại nấm độc, gây tử vong cho người sử dụng.

Theo ghi nhận của Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai thì hàng năm ở nước ta xảy ra hàng trăm ca ngộ độc nấm khiến hàng chục người tử vong. Các vụ ngộ độc nấm thường xảy ra tại các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn.

Từ năm 2003 đến 2014, chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có gần 100 trường hợp ngộ độc nấm làm 18 người tử vong. Vụ ngộ độc nấm lớn nhất được ghi nhận tại tỉnh này là 9 người mắc, sau đó 8 người trong số đó tử vong, mặc dù đã được cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai. Dù tốn hàng trăm triệu đồng để điều trị, nhưng tỉ lệ tử vong vẫn cao.

Các bác sỹ khuyên không nên ăn những loại nấm có màu sặc sỡ vì chúng thường là nấm độc.

Theo Thạc sĩ Lê Quang Thuận, Phó giám đốc Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai thì: “Ngộ độc nấm chỉ xảy ra khi ăn các nấm mọc hoang dại, thường vào mùa xuân và hè và ở các vùng rừng núi.

Loại nấm độc nhất là nấm lục (hay nấm độc xanh đen), có hình thức hấp dẫn nhất, ngộ độc nặng nề, diễn biến ngộ độc không thể lường trước được và là nguyên nhân tử vong của hầu hết các trường hợp ngộ độc nấm xảy ra hàng năm ở nước ta”.

Ngộ độc nấm gồm có biểu hiện sớm và muộn. Biểu hiện sớm thường xuất hiện sau khi ăn từ 30 phút đến 2 giờ, tối đa là 6 giờ và biểu hiện muộn xuất hiện sau khi ăn từ 6 đến 40 giờ, trung bình 12 giờ.

Mức độ ngộ độc tùy thuộc vào các loại nấm. Dấu hiệu ngộ độc thường xuất hiện sau khi ăn nấm 20 - 30 phút. Nạn nhân thấy nôn nao, khó chịu, có khi đau bụng dữ dội hoặc nôn ra máu, đi ngoài nhiều lần, phân có mùi hôi tanh; người mệt nhừ, lạnh toát, có khi nổi mẩn đỏ; nếu nặng thì co giật, hôn mê. Các triệu chứng xuất hiện càng chậm thì mức ngộ độc càng nặng, có thể nguy hiểm đến tính mạng

Cũng theo Thạc sĩ Thuận: “Từ trước tới nay, có rất nhiều trường hợp ngộ độc nấm xảy ra được đưa trên các phương tiện truyền thông đại chúng nhằm nhắc nhở mọi người. Song tình trạng ngộ độc do ăn nhầm nấm độc vẫn liên tiếp xảy ra do người dân thiếu các trang bị kiến thức về cách nhận biết, phân biệt các loại nấm ăn được với các loại nấm độc”.

Để phân biệt được nấm ăn được và nấm độc, ngoài kinh nghiệm thì còn đòi hỏi hiểu biết nhất định của mỗi người chúng ta. Khi thông qua các nghiên cứu khác nhau, các chuyên gia đã cho thấy: Không ăn nấm sặc sỡ, có mùi hắc, không ăn nấm quá non hay quá già, không ăn nấm có chảy sữa...

Tuy nhiên có rất nhiều trường hợp ngoại lệ, trên thực tế có những loại nấm trắng mọc hoang dại lại chứa chất a-ma-tốc-xin cực độc và những loại nấm gây ngộ độc nặng thường xuất hiện triệu chứng muộn, khoảng 6 giờ đồng hồ sau khi ăn mới phát tác. Vì thế rất khó để có thể nhận biết được nấm an toàn và nấm độc nếu không có đủ kinh nghiệm và kiến thức, và lời khuyên tốt nhất là hãy coi tất cả nấm ở trong rừng là nấm độc và không nên ăn.

Chỉ ăn nấm khi biết chắc chắn đây là loại nấm ăn được, còn không biết thì tuyệt đối không được ăn. Ở các địa phương miền núi, khi ăn nấm nên hỏi rõ những người thực sự có kinh nghiệm để nhận biết nấm độc.

Nếu có điều kiện nên cho chó, mèo hay gà ăn thử nấm nếu thấy chúng có biểu hiện lạ hoặc bị chết thì tuyệt đối không ăn nấm. Không nên hái nấm quá non, khi chưa xòe mũ nấm, vì chưa thấy hết đặc điểm cấu tạo của nấm để xác định được rõ loài độc hay không.

Một bệnh nhân ngộ độc nấm đang được điều trị tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

Sơ cứu khi bị ngộ độc nấm

Ngộ độc nấm rất nguy hiểm vì có thể gây tử vong hoặc nặng thì gây tiêu hủy hồng cầu, bạch cầu, tế bào thần kinh, tế bào gan..., chỉ cần vài nấm độc lẫn trong món ăn cũng có thể gây ngộ độc, thậm chí làm chết người.

Do đó, người có biểu hiện ngộ độc nấm cần nhanh chóng gây nôn (bằng biện pháp cơ học): Trong vòng vài giờ sau ăn nấm (tốt nhất trong giờ đầu tiên) nếu bệnh nhân là người trên 2 tuổi, tỉnh táo, chưa nôn nhiều. Cho bệnh nhân uống nước và gây nôn.

Uống than hoạt: Liều 1g/kg cân nặng người bệnh. Cho người bệnh uống đủ nước, tốt nhất là dùng oresol. Nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.

Nếu người bệnh hôn mê, co giật: Cho người bệnh nằm nghiêng. Nếu người bệnh thở yếu, ngừng thở: Hà hơi thổi ngạt hoặc hô hấp nhân tạo bằng các phương tiện cấp cứu có tại chỗ. Khi đã được điều trị tại cơ sở y tế không tự về nhà trong 1 - 2 ngày đầu kể cả khi các biểu hiện ngộ độc ban đầu đã hết.

Ngộ độc nấm loại biểu hiện muộn cần được điều trị tại các cơ sở y tế có phương tiện hồi sức tích cực tốt. Để đảm bảo, bạn nên đưa người bệnh đến cấp cứu tại các bệnh viện từ tuyến tỉnh trở nên vì tại đây có các loại máy móc, thiết bị y tế thiết yếu đảm bảo cho quá trình điều trị của các bệnh nhân.

Nguyễn Cường - Theo Sức khỏe Môi trường
Bình luận
Tin mới
Xem thêm