Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Những hướng dẫn cần thiết về phẫu thuật tuyến yên qua xoang bướm

Dưới đây là những câu hỏi thường gặp nhất của người bệnh khi họ được thông báo sẽ phải phẫu thuật cắt bỏ khối u tuyến yên qua xoang bướm.

Phẫu thuật tuyến yên là gì?

Khối u tuyến của tuyến yên là một khối u lành tính phát triển từ tuyến yên. Khối u tuyến yên rất, rất hiếm khi là khối u ung thư, hiện tại chỉ mới có vài trường hợp được báo cáo trong y văn là ung thư (carsinoma) tuyến yên. Khối u tuyến yên có thể là khối u tiết hormone hoặc khối u không tiết hormone.

Khối u tiết hormone sẽ gây ra các tình trạng bệnh có liên quan đến thừa hormone trong máu. Loại u tiết hormone phổ biến nhất là khối u tiết hormone prolactin, chiếm tới 30% các khối u tuyến yên. Thừa prolactin trong máu có thể dẫn đến chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc thậm chí là tắt kinh ở phụ nữ, làm giảm ham  muốn tình dục và giảm cương cứng ở nam giới, có thể dẫn đến vô sinh hoặc gây tiết sữa ở cả nam hoặc nữ. Tuy nhiên, có rất nhiều loại thuốc có thể được sử dụng để điều trị tình trạng rối loạn này, do vậy, rất hiếm khi cần phải phẫu thuật. Đa số bệnh nhân có khối u tiết prolactin đều được các bác sỹ nội tiết điều trị bằng các thuốc nội tiết, và thường chỉ phẫu thuật sau khi điều trị thất bại.

Khối u tiết hormone loại khác có thể sẽ cần phải phẫu thuật, trong đó phải kể đến khối u tiết hormone ACTH gây ra bệnh to đầu chi và bệnh Cushing. Bệnh to đầu chi (còn gọi là bệnh to cực) là hậu quả của việc thừa hormone tăng trưởng, dẫn đến tình trạng các xương và da vùng đầu, chân tay to và thô hơn bình thường. Loại khối u này phổ biến thứ 2 sau khối u tiết prolactin, chiếm khoảng 15% các khối u tuyến yên. Quá nhiều hormone ACTH có thể dẫn đến tình trạng sản sinh ra quá nhiều cortisol ở tuyến thượng thận, và làm tăng nguy cơ mắc hội chứng Cushing. Phẫu thuật cắt bỏ những khối u dạng này có thể sẽ đưa việc sản xuất hormone trở về bình thường trong rất nhiều trường hợp.

Khối u không tiết hormone sẽ không làm cơ thể sản xuất ra quá nhiều hormone, nhưng sẽ gây ra các vấn đề liên quan đến kích thước và vị trí khối u. Nguyên nhân là vì khối u không tiết hormone thường có kích thước lớn (macroadenomas) và có thể sẽ gây chèn ép lên tuyến yên và các cấu trúc não xung quanh. Thiếu hormone có thể là hậu quả của việc tuyến yên bị chèn ép và suy chức năng. Khối u không tiết hormone có thể gây ra các vấn đề về thị lực bởi khối u có thể phát triển và gây chèn ép lên giao thoa thị giác và thần kinh thị giác – những cấu trúc thần kinh rất quan trọng với thị lực. Áp lực do khối u tạo ra có thể dẫn đến tình trạng mất tầm nhìn ngoại vi hoặc nặng hơn là mất thị lực 1 hoặc cả 2 bên mắt.

Phẫu thuật có thể giúp loại bỏ các khối u dạng này và làm giảm áp lực lên các cấu trúc xung quanh.

Phẫu thuật được tiến hành như thế nào?

Đa số các khối u tuyến yên có thể được loại bỏ bằng hình thức phẫu thuật qua xoang bướm (transsphenoidally). Khối u sẽ được tiếp cận thông qua xoang bướm, một trong những xoang nằm phía sau mũi. Rất hiếm khi cần phải phẫu thuật mở qua sọ (craniotomy). Có 3 cách tiếp cận hố yên (khoang xương tại sọ, bên trong chứa tuyến yên). Rất nhiều chuyên gia phẫu thuật thần kinh hiện nay sử dụng phương pháp tiếp cận trực tiếp qua mũi (transnasal), tức là bác sỹ sẽ tạo ra một vết cắt ở thành sau của mũi và xoang bướm để tiếp cận hố yên và tuyến yên. Ngoài ra, vết cắt cũng có thể được tạo ra dọc theo phía trước của vách ngăn mũi hoặc phía dưới môi trên.

Có phải tất cả các khối u tuyến yên đều cần phải phẫu thuật?

Không. Những khối u tiết ra quá nhiều hormone prolactin thường sẽ đáp ứng với điều trị thuốc và không cần phải phẫu thuật. Khối u không tiết hormone với kích thước nhỏ, dưới 1cm (microadenomas) đôi khi cũng chỉ cần được theo dõi bằng việc chụp cộng hưởng từ để kiểm soát sự phát triển của khối u, trước khi đi đến quyết định phẫu thuật.

Nguy cơ khi tiến hành phẫu thuật?

Nguy cơ phổ biến nhất khi tiến hành phẫu thuật chính là gây tổn thương đến tuyến yên bình thường. Với những khối u trên 1cm (macroadenomas), nguy cơ này rơi vào khoảng 5-10% số trường hợp phẫu thuật. Điều này có nghĩa là tuyến yên sẽ bị suy chức năng và sẽ cần phải điều trị thay thế hormone sau phẫu thuật, có thể bao gồm hormone tuyến giáp, cortisol, hormone tăng trưởng, estrogen hoặc testosterone tùy thuộc vào những tổn thương tuyến yên cụ thể của bệnh nhân.

Tổn thương đến phần thùy sau của tuyến yên sẽ gây ra tình trạng được gọi là đái tháo nhạt. Đây là tình trạng sẽ khiến người bệnh thường xuyên đi tiểu, thường xuyên khát nước, do thận sẽ không tập trung đủ nước tiểu. Tình trạng đái tháo nhạt cấp tính xảy ra trong vòng 2 tuần sau phẫu thuật và có thể được kiểm soát bằng việc sử dụng thuốc xịt mũi hoặc viên uống có tên là DDAVP. Đái tháo nhạt lâu dài sẽ có thể xảy ra với khoảng 1-2% số trường hợp phẫu thuật tuyến yên.

Có những biến chứng nguy hiểm nào khác đi kèm với việc phẫu thuật tuyến yên hay không?

Có, nhưng rất hiếm gặp.

Có một tỷ lệ rất nhỏ người bệnh sẽ bị tổn thương động mạch cảnh, bởi đây là động mạch nằm ở một bên của tuyến yên. Đây có thể là một biến chứng nghiêm trọng, có thể dẫn đễn đột quỵ hoặc tử vong. Tuy nhiên, biến chứng này rất hiếm khi xảy ra. Nếu ca phẫu thuật được tiến hành bởi một chuyên gia phẫu thuật tuyến yên có kinh nghiệm, thì tỷ lệ tổn thương động mạch cảnh chỉ là dưới 1/1.000 trường hợp.

Cũng có thể có nguy cơ chảy máu sau mổ do phần còn sót lại của khối u hoặc dẫn đến chảy máu vào hố yên, và có thể làm nặng thêm áp lực lên các dây thần kinh thị giác, dẫn đến mất thị lực. Nhưng đây là một biến chứng rất hiếm gặp và nếu xảy ra, sẽ cần mổ lại một lần nữa để loại bỏ cục máu đông.

Rò dịch não tủy đôi khi cũng có thể xảy ra bởi các khối u tuyến yên sẽ được tác ra từ dịch não tủy – lớp dịch rất mỏng bao quanh não. Để dự phòng tình trạng rò dịch não tủy, nền của khối u (tumor bed) sẽ được gắn với một bảnh nhỏ mỡ bụng được lấy từ một vết rạch nhỏ ở bụng. Và kể cả khi đã thực hiện kỹ thuật này, thì việc rò dịch não tủy vẫn có thể xảy ra với tỷ lệ khoảng 1%. Nếu tình trạng này xảy ra, có thể sẽ phải tiến hành mổ lần thứ 2 để bịt lại lỗ rò.

Nguy cơ gặp phải các biến chứng trên sẽ cao hơn nếu bác sỹ phẫu thuật thiếu kinh nghiệm.

Phẫu thuật sẽ kéo dài bao lâu?

Bản thân ca phẫu thuật thường sẽ kéo dài khoảng 3 tiếng. Người bệnh sẽ được chuyển đển phòng hồi sức khoảng 2-3 giờ sau phẫu thuật. Đa số bệnh nhân sẽ nằm lại viện trong khoảng 5-10 ngày sau phẫu thuật.

Tôi sẽ cảm thấy như thế nào sau phẫu thuật?

Bạn có thể sẽ bị đau đầu do đau xoang và bị ngạt mũi. Tình trạng này sẽ được cải thiện dần trong vài tuần. Bạn có thể sử dụng các thuốc chống ngạt mũi, thuốc thông mũi để làm giảm triệu chứng này. Bạn cũng có thể sẽ cảm thấy mệt mỏi trong vòng 2-3 tuần sau phẫu thuật, nhưng tình trạng này cũng sẽ được cải thiện dần.

Tôi sẽ phải nghỉ làm trong bao lâu?

Việc này tùy thuộc vào từng trường hợp, thời gian trung bình là khoảng 2 tuần. Thông thường bạn sẽ cần khoảng 1 tháng để có thể hồi phục gần như bình thường và quay trở lại công việc.

Làm thế nào để biết được liệu toàn bộ khối u đã được loại bỏ?

Với các khối u tiết hormone, xét nghiệm máu và nước tiểu sau phẫu thuật sẽ giúp bạn biết được liệu toàn bộ khối u đã được loại bỏ hay chưa.

Với các khối u không tiết hormone,  chụp cộng hưởng từ (MRI) tuyến yên sẽ được sử dụng để xác định khối u tuyến yên đã được loại bỏ như thế nào.

Tỷ lệ được điều trị khỏi hoàn toàn là bao nhiêu?

Phụ thuộc vào loại khối u, kích thước, vị trí khối u cũng như trình độ của bác sỹ phẫu thuật nên tỷ lệ khỏi sau phẫu thuật rất khác nhau.

Đối với các khối u tiết hormon gây hội chứng to đầu chi hoặc hội chứng Cushing thường sẽ có khối u nhỏ và tỷ lệ khỏi hoàn toàn sẽ khoảng 90%. Người bệnh bị bệnh to đầu chi thường có khối u lớn hơn, xâm lấn nhiều hơn và khó để phẫu thuật khỏi hoàn toàn hơn. Tỷ lệ thành công với khối u lớn tiết hormone tăng trưởng là khoảng 60%.

Các khối u không tiết hormone thường cũng là các khối u lớn. Việc các khối u lớn có thể được loại bỏ hoàn toàn hay không phụ thuộc vào việc khối u đã phát triển đến xoang hang, đến xương hay đến các cơ quan khác hay chưa. Nếu khối u chưa phát triển tới các cơ quan khác, thì có thể sẽ khỏi hoàn toàn sau phẫu thuật. Nhưng nếu khối u đã phát triển tới các vị trí phẫu thuật không tiếp cận được, thì việc phẫu thuật có thể sẽ không loại bỏ được hoàn toàn khối u. Tuy nhiên, những khối u như vậy có thể sẽ được cắt bỏ một phần (các phần gần các dây thần kinh và giao thoa thị giác) để bảo vệ thị lực của bạn.

Xạ trị có thể sẽ cần thiết để kiểm soát không để khối u phát triển thêm.

Nếu khối u không được loại bỏ hoàn toàn sau phẫu thuật, tôi có cần phải xạ trị không?

Nếu có một phần khối u không tiết hormone vẫn còn lại sau phẫu thuật qua xoang bướm, thì bạn sẽ cần phải được xạ trị để ngăn không cho phần còn lại của khối u tiếp tục phát triển. Hiện nay, có rất nhiều lựa chọn xạ trị khác nhau để điều trị khối u tuyến yên. Nếu phần còn lại của khối u rất nhỏ, thì khối u sẽ được theo dõi bằng việc chụp cộng hưởng từ, các phương pháp điều trị khác sẽ chưa được tiến hành, trừ khi khối u có dấu hiệu tiếp tục phát triển (thường sẽ là sau vài năm).

Nếu khối u tiết hormone prolactin, hội chứng Cushing hoặc bệnh to cực còn sót lại, thì việc dùng thuốc có thể sẽ kiểm soát được tình trạng tiết ra quá nhiều hormone thừa. Những loại thuốc này có thể được sử dụng thay thế cho xạ trị hoặc sử dụng hỗ trợ, bên cạnh việc xạ trị.

Ths.Bs.Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Tổng hợp từ The Neuroendocrine and Pituitary
Bình luận
Tin mới
Xem thêm