Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Những nguyên nhân khiến bạn thường xuyên phải đi tiểu

Nếu như bạn thấy rằng mình thường xuyên phải đi tiểu thì cũng không cần quá lo lắng, thế nhưng, cũng không nên xem nhẹ vấn đề này. Dưới đây là những nguyên nhân khiến bạn thường xuyên phải đi tiểu.

Bạn đi tiểu bao nhiêu lần một ngày?

Mặc dù mỗi người đều sẽ khác nhau, nhưng đa số người trưởng thành sẽ đi tiểu 5-7 lần trong vòng 24 giờ, đa số những lần đi tiểu này sẽ xảy ra vào ban ngày. Nhưng nếu bạn đi tiểu nhiều hơn con số này, thì có vấn đề gì không? Có thể nói, không phải lúc nào tiểu nhiều cũng là vấn đề cần quan tâm. Nhưng nếu bạn đi tiểu nhiều hơn 8 lần một ngày hoặc đi tiểu nhiều lần vào ban đêm, thì đó có thể là vấn đề đáng lo ngại. Nguyên nhân gây đi tiểu nhiều lần có thể đơn giản chỉ là uống quá nhiều cà phê hoặc rượu bia, hoặc các nguyên nhân nghiêm trọng hơn như viêm đường tiết niệu, tiểu đường và ung thư (rất hiếm gặp).

Uống quá nhiều nước

Uống quá nhiều nước có thể dẫn đến việc thường xuyên phải đi tiểu. Đồ uống có chứa caffein và có cồn thậm chí sẽ làm tăng nhu cầu đi tiểu của bạn vì đó là những chất lợi tiểu. Acid citric có trong các loại trái cây có múi và đồ uống, thậm chí cả thực phẩm nhiều gia vị hay vitamin C cũng có thể là thủ phạm khiến bạn thường xuyên phải đi tiểu. Trong những trường hợp này, giải pháp đơn giản nhất là cắt giảm tiêu thụ các loại thực phẩm/đồ uống này.

Viêm đường tiết niệu.

Viêm đường tiết niệu có thể ảnh hưởng đến cả nam giới và phụ nữ, nhưng ảnh hưởng theo những cách khác nhau. Phụ nữ dễ bị viêm đường tiết niệu hơn so với nam giới, đặc biệt là ở giai đoạn trước khi mãn kinh. Bất cứ khi nào bạn nhận thấy rằng tần suất đi tiểu của mình thay đổi đột ngột, bạn cần loại trừ nguyên nhân do viêm đường tiết niệu. Có khoảng 85% số ca viêm đường tiết niệu là do vi khuẩn và có thể điều trị được bằng kháng sinh.

Viêm bàng quang kẽ

Viêm bàng quang kẽ là một tình trạng mạn tính thường ảnh hưởng đến phụ nữ từ 20 đến 40 tuổi nhiều hơn. Viêm bàng quang kẽ thường dễ bị nhầm với viêm đường tiết niệu, nhưng trong bệnh viêm bàng quang kẽ, không có sự phát triển của vi khuẩn. Viêm bàng quang kẽ được cho là bắt nguồn từ lớp niêm mạc của bàng quang cảm nhận thấy rằng bàng quang đang căng đầy, kết hợp với cảm giác đau khiến bạn có nhu cầu đi tiểu. Người bị viêm bàng quang kẽ cũng thường có các tình trạng bệnh lý khác như lạc nội mạc tử cung, bệnh xơ nang, hội chứng ruột kích thích, lo âu, trầm cảm…

Mang thai

Trong giai đoạn đầu khi mang thai, thường xuyên đi tiểu là do tăng lượng hormone HCG. Ở giai đoạn sau của thai kỳ, do sự phát triển của thai nhi làm tăng áp lực lên bàng quang, do đó gây ra cảm giác cần được đi tiểu để làm rỗng bàng quang thường xuyên. Trừ khi bạn đi tiểu nhiều lần và có cảm giác nóng rát khi đi tiểu (dấu hiệu viêm đường tiết niệu) nếu không, không có gì phải lo lắng cả.

Phì đại tiền liệt tuyến

Tuyến tiền liệt là tuyến sản xuất ra tinh dịch, nằm ở ngay phía dưới bàng quang và bao bọc xung quanh niệu đạo. Tuyến tiền liệt thường sẽ phát triển lớn hơn khi bạn về già, điều này là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, do ở vị trí đặc biệt, nên tuyến tiền liệt có thể sẽ chèn ép lên niệu đạo, làm tắc nghẽn dòng nước tiểu. Hậu quả là bạn không thể đi tiểu hết hoàn toàn được, khiến bạn sẽ có nhu cầu đi tiểu thường xuyên hơn, đặc biệt là vào buổi tối. Phì đại tiền liệt tuyến là một vấn đề phổ biến. Có khoảng một nửa số nam giới 51-60 tuổi bị phì đại tiền liệt tuyến và có hơn 90% nam giới trên 80 tuổi mắc phải tình trạng này. Các loại thuốc giúp làm giãn tuyến tiền liệt và bàng quang có thể giúp ích trong những trường hợp này.

Giảm estrogen

Suy giảm estrogen khi phụ nữ lớn tuổi hơn (đặc biệt là sau khi mãn kinh) cũng có thể sẽ khiến bạn đi tiểu thường xuyên hơn. Do các thụ thể estrogen nằm chủ yếu ở niệu đạo, nên việc thay đổi nồng độ hormone có thể ảnh hưởng đến việc đào thải nước tiểu. Sinh con cũng có thể làm yếu các mô hỗ trợ vùng chậu, một yếu tố khác dẫn đến việc đi tiểu thường xuyên.

Dùng thuốc

Rõ ràng các thuốc lợi tiểu thường được kê để điều trị các vấn đề về tim mạch (như furosemide, bumetanide) có thể là nguyên nhân gây tăng tiểu tiện. Cơ chế của các loại thuốc này là tăng đào thải nước thông qua nước tiểu, từ đó làm giảm áp lực lên tim. Các loại thuốc giãn cơ (diazepam và lorazepam) đôi khi cũng gây ra tác dụng tương tự.

Bệnh tiểu đường

Đi tiểu nhiều lần là một trong số những triệu chứng đặc hiệu của bệnh tiểu đường, cả tiểu đường typ 1 và tiểu đường typ 2, nhất là trong giai đoạn đầu và khi bệnh không được kiểm soát tốt. Nguyên nhân là do thận sẽ cần sản xuất ra nhiều nước tiểu hơn để hòa tan cũng như loại bỏ lượng đường thừa ra khỏi cơ thể. Đi tiểu quá nhiều cũng sẽ khiến bạn luôn trong tình trạng khát nước – một triệu chứng bệnh tiểu đường khác. Thừa cân, cũng thường đi kèm với bệnh tiểu đường typ 2 cũng có liên quan đến tần suất đi tiểu.

Bàng quang tăng hoạt

Bàng quan tăng hoạt không phải là một bệnh mà là một nhóm các triệu chứng khiến cho não bộ nhầm lẫn và ra tín hiệu hướng dẫn bàng quang cần phải làm rỗng, trong khi thực tế không cần như vậy. Đôi khi bàng quang tăng hoạt là do các cơ bàng quang co thắt quá thường xuyên, khiến bạn đi tiểu trước khi bạn có nhu cầu.

Ung thư

Đi tiểu nhiều lần rất hiếm khi là dấu hiệu của tình trạng ung thư, và nếu có sẽ đi kèm với các triệu chứng khác. Thường xuyên đi tiểu có thể là triệu chứng của ung thư bàng quang nhưng thường sẽ đi kèm với các triệu chứng đặc hiệu, ví dụ như có máu trong nước tiểu. Do vậy, nếu bạn thấy mình có máu trong nước tiểu, đi kèm tiểu nhiều lần, hãy liên lạc ngay với bác sĩ.

Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Nếu bạn đi tiểu nhiều lần kèm với các triệu chứng sau đây: có máu trong nước tiểu, yếu ở chân (dấu hiệu của các vấn đề về tủy sống), sốt hoặc đau lưng (dấu hiệu viêm thận) hoặc có dịch tiết bất thường từ âm đạo hoặc dương vật, bạn nên đến gặp bác sĩ.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: 9 sự thật về ung thư tuyến tiền liệt

Ths. Liên Hương - Viện Y học ứng dụng Việt Nam (Theo RD.com) -
Bình luận
Tin mới
Xem thêm