Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Những điều nên và không nên làm để trẻ có thói quen ăn uống lành mạnh

Từ việc ra điều kiện cho con cho đến việc nịnh con, các ông bố bà mẹ gần như đã làm tất cả mọi việc có thể để con cái họ có thói quen ăn uống tốt hơn.

Tuy nhiên, cách tốt nhất để trẻ chấp nhận ăn những gì bạn đã chuẩn bị và có thói quen ăn uống lành mạnh có thể không phải là những cách này. Dưới đây là những gì nên làm và không nên làm để giúp trẻ ăn uống đúng cách.

Nên: Thử cho trẻ ăn cùng một loại đồ ăn nhiều lần

Các chuyên gia về dinh dưỡng nói rằng, nếu bạn muốn con bạn ăn uống tốt hơn, thì mấu chốt vấn đề là không nên ép trẻ. Hãy chia nhỏ trách nhiệm trong việc ăn uống ra. Điều này có nghĩa là, cha mẹ là người chịu trách nhiệm quyết định xem trẻ sẽ ăn gì, khi nào và ăn ở đâu, còn trẻ sẽ là người quyết định ăn bao nhiêu và có ăn hay không. Theo một số thống kê không chính thức, thì một đứa trẻ có thể sẽ cần phải được “giới thiệu” về một loại thực phẩm/ đồ ăn khoảng từ 15-20 lần trước khi trẻ bắt đầu thích ăn loại đồ ăn này. Trẻ có thể sẽ muốn chạm vào món đồ ăn mới, xem cha mẹ ăn chúng như thế nào, liếm món ăn mới và thậm chí là nhổ đồ ăn mới ra, trước khi trẻ bắt đầu thích món ăn đó. Việc ăn rau có thể sẽ rất khó khăn với một số trẻ và có thể sẽ khiến bạn muốn bỏ cuộc sau khi thử cho trẻ ăn rau 4 lần mà không được. Nhưng hãy kiên nhẫn, và kết quả bạn đạt được có thể sẽ khiến bạn bất ngờ đấy.

Không nên: Chỉ cho trẻ ăn những gì trẻ thích

Thay vào đó, bạn nên phối hợp các loại đồ ăn mới, hoặc những loại đồ ăn mà trẻ ít thích hơn vào các loại đồ ăn yêu thích của trẻ. Nhưng, bạn nên nhớ rằng, có thể trẻ sẽ chỉ ăn 1 hoặc 2 món, chứ không phải là tất cả các món ăn mà bạn đã bày ra trên đĩa. Sẽ có những món ăn mà trẻ sẽ không bao giờ đụng vào cả, nhưng hãy kiên nhẫn, đừng từ bỏ. Trẻ có thể chỉ ăn bánh mỳ cho bữa tối, điều này không sao cả, theo thời gian, trẻ sẽ nhận ra và sẽ ăn nhiều loại đồ ăn đạ dạng hơn.Trẻ có thể sẽ cần từ vài ngày cho đến vài tháng để trẻ nhận ra điều này. Và nếu bạn lo ngại về việc trẻ có thể sẽ bị thiếu chất, bạn có thể hỏi ý kiến các bác sỹ nhi khoa về việc cho trẻ uống bổ sung vitamin.

Nên: Ưu tiên cho những bữa cơm gia đình

Một nghiên cứu năm 2011 tại trường Đại học Illinois chỉ ra rằng, những trẻ ăn cơm với những thành viên khác trong gia đình trên 5 lần/tuần sẽ ăn nhiều trái cây và rau xanh hơn khoảng 25% và sẽ ít mắc phải các vấn đề về phát triển liên quan đến dinh dưỡng hơn. Ăn cơm với gia đình trên 3 lần/tuần sẽ làm giảm nguy cơ mắc các rối loạn về ăn uống và giảm nguy cơ thừa cân. Khi trẻ được nhìn thấy cha mẹ và các thành viên trong gia đình ăn nhiều loại đồ ăn khác nhau, đó sẽ là một động lực cổ vũ khuyến khích trẻ tự thử ăn những món mới. Kể cả khi trẻ nói không đói, bạn hãy yêu cầu trẻ ngồi vào bàn với bạn trong một vài phút, và cố gắng giữ không khí bữa ăn thật thoải mái, dễ chịu. Với những người bận rộn và gặp nhiều áp lực trong công việc, thì việc dành thời gian để ăn tối cùng gia đình có thể là một việc khó. Tuy nhiên, bạn nên hy sinh để duy trì bữa ăn của gia đình và dành ưu tiên cho khoảng thời gian này vì những gì bạn đạt được sẽ rất đáng.

Không nên: Cho trẻ ăn linh tinh

Nếu bạn luôn cho trẻ ăn hoặc uống mỗi khi trẻ đòi, thì việc buộc trẻ phải ăn khi đến bữa có thể sẽ là một việc khó khăn. Việc cho trẻ uống nước mỗi khi trẻ khát là đúng, nhưng ngoài uống nước ra, thì bạn nên lên kế hoạch cho bữa sáng, bữa giữa buổi sáng, bữa trưa, bữa xế, bữa tối và bữa ăn nhẹ trước khi đi ngủ của trẻ. Dạ dày trẻ rất nhỏ, vì vậy, trẻ cần phải có thứ gì đó ăn nhẹ giữa các bữa chính. Nhưng điều đó không có nghĩa là trẻ có thể bỏ bữa tối và sau đó lại ăn bánh ngọt (hoặc một trái chuối) ngay sau giờ ăn tối 15 phút. Trong trường hợp này, bạn nên nhắc trẻ rằng, trẻ vừa ăn tối xong, và chưa đến giờ ăn nhẹ trước khi đi ngủ. Và kể cả khi ăn nhẹ, cũng hãy để trẻ ăn tại bàn với 2-3 món thực phẩm, thay vì cho trẻ ăn những món đồ ăn nhanh.

Nên: Để trẻ tự ăn

Thay vì việc giúp trẻ lấy mọi món ăn ở trên bàn hoặc lấy những món ăn mà bạn nghĩ trẻ sẽ thích ăn, hãy cho trẻ một chiếc bát và để trẻ tự lấy những gì trẻ muốn. Việc này sẽ giúp trẻ kiểm soát được loại đồ ăn trẻ sẽ ăn và ăn bao nhiêu. Trẻ cũng có cơ hội được lựa chọn loại thực phẩm tốt hơn. Kể cả với những việc đơn giản như uống sữa, bạn cũng có thể rót sữa ra bình nhỏ hơn, sau đó hướng dẫn trẻ tự rót sữa vào cốc của mình với lượng vừa đủ. Cũng nên nhắc với trẻ rằng, nếu muốn, trẻ có thể ăn thêm hoặc uống thêm. Nhưng đừng bao giờ bắt trẻ phải ăn hết sạch những thứ có trong bát. Vì trẻ còn nhỏ và chưa thể ước lượng chính xác được lượng đồ ăn sẽ khiến trẻ no nên việc thừa lại một chút thức ăn là chuyện hoàn toàn bình thường. Nếu bạn yêu cầu trẻ phải ăn hết, điều đó đồng nghĩa với việc bạn đang dạy trẻ cách lờ đi cảm giác no hoặc đói và có thể dẫn đến những thói quen ăn uống không tốt sau này.

Không nên: Nấu ăn một cách vội vã

Theo một nghiên cứu tại trường Đại học Tennessee, 70% số bà mẹ có con trên 16 tháng tuổi sẽ thường nấu những món ăn thay thế, khi mà con họ từ chối ăn những gì họ đã chuẩn bị cho bữa chính. Và tất nhiên, những bữa ăn thay thế này sẽ được chuẩn bị trong trạng thái vội vã, cấp bách. Đó có thể là một miếng bánh mỳ sandwich với bơ lạc hoặc một chút mỳ ống với phomát khi trẻ từ chối ăn những món ăn khác được coi là bữa chính ở trên bàn. Tuy nhiên, việc làm thêm một bữa ăn thứ 2 cho trẻ như vậy không phải là một việc làm tốt. Việc làm này của bạn sẽ khiến bạn phải thường xuyên tách riêng bữa ăn, một bữa của người lớn, một bữa của trẻ con, và sẽ càng khuyến khích trẻ từ chối ăn các món ăn mới. Thay vào đó, hãy giữ vững lập trường của bạn. Hãy hi vọng rằng trẻ sẽ chọn một thứ gì đó trên bàn mà bạn đã chuẩn bị trong bữa chính để ăn. Nếu trẻ không ăn gì, hoặc ăn rất ít, đừng quá lo lắng, trẻ có thể ăn bổ sung vào những bữa ăn sau đó trong ngày.

Nên: Để trẻ cảm nhận đồ ăn tươi sống trước khi chúng được chế biến ở trên bàn ăn.

Bạn có thể để trẻ tham gia vào một số hoạt động trước khi ăn có liên quan đến thực phẩm. Ví dụ như bạn hãy nhờ trẻ giúp trong việc hái đậu xanh trồng ở ngoài sân, hoặc đưa trẻ ra siêu thị và để trẻ tự chọn loại trái cây trẻ chưa bao giờ được ăn. Bạn cũng có thể để trẻ giúp bạn chuẩn bị bữa ăn cho cả gia đình. Ngoài ra, một cách khác đơn giản hơn, bạn có thể phối hợp chủ đề món ăn vào nhiều hoạt động khác của trẻ, ví dụ như đọc sách, tô màu. Bạn có thể mua cho trẻ một cuốn tập tô màu, trong đó có những quả cà chua xanh và đỏ. Sau khi trẻ tô màu xong những quả cà chua này, bạn có thể sẽ thêm cà chua vào bữa ăn sắp tới của trẻ. Với cách này, trẻ có thể sẽ dễ dàng chấp nhận một món ăn mới hơn

Không nên: Cố nài nỉ trẻ thử một miếng

Trẻ thường sẽ có xu hướng từ chối một cách tự nhiên những gì mà bạn ép trẻ ăn. Và việc nài nỉ trẻ ăn một món nào đó sẽ chỉ khiến cả bạn và trẻ trở nên mệt mỏi hơn mà thôi. Trẻ học cách ăn nhiều món vì trẻ thích ăn những món đó, chứ không phải là vì trẻ bị ép hoặc bị nài nỉ phải ăn. Nếu có thể, bạn hãy nói với trẻ rằng: trẻ có thể ăn bất cứ thứ gì ở trên bàn ăn nếu trẻ thích, còn nếu trẻ không thích bất cứ thứ gì, trẻ có thể không ăn. Điều đó không sao cả. Đôi khi có thể trẻ sẽ không ăn gì, nhưng trẻ vui vẻ vì điều đó. Nếu trẻ có thái độ vui vẻ khi đến bên bàn ăn và có thể lựa chọn những gì sẵn có trên bàn, trẻ sẽ tự mở rộng được cơ hội lựa chọn đồ ăn của mình và sẽ có thể thử nhiều đồ ăn hơn. Nếu trẻ cảm thấy lo lắng và khổ sở khi đến giờ ăn, thì trẻ sẽ chẳng bao giờ muốn thử bất cứ điều gì mới cả.

Nên: Cho trẻ ăn những món đồ ăn “bị cấm” một cách chừng mực

Có rất nhiều món đồ ăn giàu chất béo, nhiều đường trên thế giới, và sớm hay muộn, trẻ cũng sẽ tiếp xúc với những món đồ ăn nay. Bạn không thể nào cấm trẻ không được ăn hoặc tiếp xúc với những món ăn đó cả đời được. Và việc cấm trẻ ăn một số món nhất định sẽ chỉ làm trẻ ăn nhiều món ăn đó hơn khi có cơ hội mà thôi. Thay vào đó, hãy cho trẻ ăn những món ăn vốn “bị cấm” một cách chừng mực, vừa đủ mà không nên cấm hẳn. Ví dụ, bạn có thể cho trẻ ăn khoai tây chiên với bánh mỳ trong các bữa chính và chỉ cho trẻ ăn một lượng khoai tây vừa đủ để khiến trẻ no. Đôi khi, bạn có thể cho trẻ ăn bánh cookie và sữa như một bữa ăn nhẹ và có thể cho trẻ ăn đến khi trẻ không muốn ăn nữa. Điều này sẽ giúp trẻ học được cách chú ý đến căm giác no của bản thân mình.

Không nên: Dùng đồ ăn như một loại phần thưởng

Đồ ăn không nên được dùng như một loại phần thưởng hoặc dùng để ra điều kiện với trẻ. Ví dụ, khi bạn nói với trẻ rằng, trẻ phải ăn hết chỗ cà rốt này mới được ăn những thứ khác (cho dù những thứ khác là trái cây hay bim bim), thì điều này cũng sẽ khiến trẻ nghĩ rằng, thứ mà bạn không cho trẻ ăn (trường hợp này là trái cây hoặc bim bim), sẽ tốt hơn những thứ mà trẻ bắt buộc phải ăn (cà rốt). Theo các chuyên gia, thì việc hình thành suy nghĩ tích cực về việc ăn uống là điều quan trọng nhất và độ tuổi từ 2-6 tuổi là thời điểm vàng để trẻ học được những thói quen ăn uống tốt có thể theo trẻ suốt cả đời. Theo thống kê, 80-90% số cha mẹ ra điều kiện với con cái về việc ăn uống như vậy đều bị phản tác dụng. Tức là khi cha mẹ lơ là, trẻ sẽ tò mò và ăn những loại đồ ăn thường không được cho ăn nhiều hơn bởi lúc này, trẻ không bị đặt dưới áp lực chính là những điều kiện mà cha mẹ đưa ra.

Nên: Biến việc ăn uống khỏe mạnh trở thành một hoạt động thú vị

Hãy khiến những loại thực phẩm lành mạnh trở nên thú vị hơn với trẻ. Ví dụ, nếu đó là loại trái cây có hình sao, hãy cho trẻ nhìn thấy toàn bộ cả quả trước khi chúng được cắt ra thành những miếng hình sao 5 cánh. Hãy để trẻ chạm vào đồ ăn, ngửi đồ ăn trước khi thực sự nếm đồ ăn. Nếu trẻ không muốn nếm thử, thì cũng chẳng sao cả. Điều mấu chốt ở đây là hãy để trẻ tự khám phá và có những niềm vui nho nhỏ khi ăn uống.

Bình luận
Tin mới
  • 26/04/2024

    Nguyên nhân gây ngứa đa xơ cứng và cách điều trị

    Các rối loạn về giác quan, bao gồm cả cảm giác ngứa, có thể xảy ra trong bệnh đa xơ cứng. Đôi khi, những cảm giác này có thể là dấu hiệu sớm của bệnh.

  • 26/04/2024

    5 loại thực phẩm không nên ăn cùng chuối

    Mặc dù chuối là một loại trái cây giàu dinh dưỡng nhưng theo y học cổ truyền Ấn Độ, sự kết hợp chuối và một số thực phẩm sẽ gây khó chịu cho hệ tiêu hóa đối với một nhóm người.

  • 26/04/2024

    Chế độ ăn cho người bị nhiễm vi khuẩn HP

    Cùng với tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ, chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa loét dạ dày do nhiễm vi khuẩn HP.

  • 26/04/2024

    Tại sao cần tiêm vaccine phòng uốn ván?

    Uốn ván là một căn bệnh nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cơ và dây thần kinh của cơ thể nhưng có thể phòng ngừa được. Nó thường gây co thắt, tạo cảm giác đau đớn và cứng cơ hàm. Uốn ván là một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng và dễ dàng phòng ngừa bằng tiêm chủng. Nguyên nhân là do độc tố được tạo ra bởi bào tử của vi khuẩn Clostridium tetani. Những vi khuẩn này sống trong môi trường, bao gồm cả trong đất, bụi và phân động vật.

  • 26/04/2024

    Vì sao da đầu đổ nhiều mồ hôi và cách cải thiện?

    Da đầu đổ nhiều mồ hôi khiến tóc bết, khó chịu, ngứa ngáy và tăng nguy cơ các bệnh về da. Tìm hiểu nguyên nhân tình trạng nhiều mồ hôi da đầu cũng như cách khắc phục tại nhà.

  • 26/04/2024

    Nguyên nhân khiến da mỏng hơn

    Làn da mỏng manh là làn da dễ bị nẻ và tổn thương. Đó là một vấn đề phổ biến ở người lớn tuổi. Khi bạn già đi, các lớp da của bạn sẽ mỏng đi và trở nên mỏng manh hơn. Tuy nhiên, có một số yếu tố khác ảnh hưởng đến độ dày của da. Ngay cả những rối loạn và việc sử dụng thuốc cũng có thể góp phần làm mỏng da.

  • 25/04/2024

    10 mẹo để loại bỏ nếp nhăn biểu cảm

    Nếp nhăn biểu cảm là những đường nhăn trên khuôn mặt xuất hiện khi chúng ta cử động cơ mặt. Chúng thường xuất hiện ở những vùng da mỏng manh như trán, giữa hai lông mày và xung quanh mắt và miệng.

  • 25/04/2024

    Dấu hiệu cho thấy cơ thể đang thiếu hụt protein

    Protein là một chất dinh dưỡng rất quan trọng đối với sức khỏe. Khi cơ thể thiếu hụt protein sẽ xuất hiện một số dấu hiệu cảnh báo..

Xem thêm