Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Khi nào cơn đau ngực là bất thường?

Đau ngực là một trong những triệu chứng thường gặp ở nhiều lứa tuổi. Đây có thể chỉ là biểu hiện của bệnh lý không nguy hiểm nhưng cũng có thể là chỉ điểm cho các bệnh lý tim mạch tiềm ẩn có khả năng ảnh hưởng đến cuộc sống của bệnh nhân.

Việc hiểu rõ và phân biệt tính chất của đau ngực sẽ giúp người bệnh xử trí thích hợp khi gặp phải triệu chứng này.

Đau ngực không do nguyên nhân tim mạch

Khi có biểu hiện đau ngực, nhiều người nghĩ ngay đến nguyên nhân do tim nhưng thực tế cho thấy điều này chưa hoàn toàn đúng vì có nhiều chứng đau ở lồng ngực cần phân biệt trong chẩn đoán như đau thần kinh liên sườn, hội chứng cơ bậc thang...

Đau ngực do dây thần kinh liên sườn: Có hai loại đau dây thần kinh liên sườn là nguyên phát và thứ phát. Khi bị đau nguyên phát, người bệnh có cảm giác đau liên tục một bên lưng, dần dần lan theo hướng chéo xuống dưới và ra trước tùy theo khu trú ở đoạn cột sống lưng trên hay dưới.

Điểm đau rất rõ khi ấn vào những điểm lộ ra của những sợi thần kinh liên sườn, cạnh cột sống, đường giữa nách. Đối với đau thứ phát, bệnh nhân thường bị đau do bệnh lý đĩa đệm cột sống ngực, lao cột sống do tổn thương phổi - màng phổi, hay đau quặn gan, cần được chẩn đoán phân biệt.

Nhiều trường hợp đau do đĩa đệm của một đoạn trên cột sống, phần lớn là ở đoạn trên cột sống ngực. Bệnh nhân có cảm giác đau ở phía trong sâu mơ hồ, không có điểm đau rõ rệt khi ấn trên da. Khu vực đau thường gặp nhất là vùng liên bả vai, cạnh cột sống và vùng ngực trước tim dễ nhầm với cơn đau thắt ngực đe dọa nhồi máu cơ tim.

Đau dây thần thần kinh liên sườn có thể là một nguyên nhân gây đau ngực.

Đau ngực do hội chứng cơ bậc thang (hội chứng sườn cổ): Hội chứng cơ bậc thang là những cơn đau kịch phát với những rối loạn thần kinh và mạch máu do động mạch dưới - đòn và đám rối thần kinh cánh tay bị kích thích hay chèn ép bởi xương sườn cổ, mỏm ngang đốt sống cổ quá dài hoặc những bất thường của một cơ bậc thang (phì đại hay thắt chặt).

Đôi khi đau lan tới cả vùng chẩm và đặc biệt đau dội lên khi xoay đầu về phía tay đau hay sau khi thở vào sâu. Trường hợp đau lan xiên tới xương lồng ngực làm cho chẩn đoán nhầm với cơn đau thắt tim.

Rối loạn vận động biểu hiện sức cơ yếu đi, trương lực cơ giảm dẫn đến teo cơ ở tay và mô út, nhưng đặc biệt là căng các cơ ở cổ, nhất là cơ bậc thang trước. Khi có rối loạn mạch máu, tay trở nên tê, tím tái, phù nề, lạnh chi. Trường hợp nặng hơn còn xuất hiện triệu chứng giảm nhẹ hoặc mất mạch quay.

Nguyên nhân trong lồng ngực (không phải do tim): Có thể là phổi, thực quản. Các bệnh lý phổi như viêm nhiễm từ đường thông khí (suyễn, viêm phế quản, viêm phổi, viêm màng phổi...) gây đau ngực liên quan đến nhịp thở, khi ho... Trào ngược thực quản cũng gây đau do dịch vị từ dạ dày trào ngược vào thực quản, thường gây cảm giác nóng rát sau xương ức, tăng lên sau khi ăn no, hút thuốc, uống rượu, cà phê.

Một số nguyên nhân từ bụng cũng có thể gây đau ngực như viêm loét dạ dày, tá tràng, bệnh lý túi mật... Đau thường ở bụng trên, đôi khi ở ngực. Đau có tính chất bỏng rát, cồn cào, kèm theo ợ hơi, giảm sau khi ăn, tăng lên sau khi uống rượu, cà phê, hút thuốc.

Đau ngực chức năng (còn gọi là đau ngực tâm lý): Gặp phải khi lo lắng, buồn rầu, suy nhược thần kinh... Ở người trẻ, khỏe mạnh có thể gặp đau ngực lành tính. Đau này không rõ nguyên nhân và không do bất thường nào, đau thường khu trú, thoáng qua dưới 1 phút, có thể lặp lại nhiều lần.

Đau ngực do nguyên nhân tim mạch

Nguyên nhân từ tim mạch gây đau ngực có thể là hẹp động mạch vành, bệnh lý phình hoặc bóc tách động mạch chủ ngực, viêm màng ngoài tim... Trong đó, cần đặc biệt lưu ý đến hai nguyên nhân là bệnh mạch vành và bệnh động mạch chủ ngực.

Đau thắt ngực do bệnh mạch vành: Nguyên nhân là tình trạng thiếu máu cơ tim do hẹp mạch vành. Người bệnh cảm thấy tim bị đè nén, bóp nghẹt, nặng ngực, khó thở, thường xảy ra khi gắng sức, xúc động, tức giận... Đau thường lan ra hàm, vai, tay và có thể kèm theo nôn ói, vã mồ hôi, hơi thở ngắn, yếu, mệt, chóng mặt...

Đau thắt ngực tăng lên về tần số hoặc xảy ra cả khi nghỉ ngơi được gọi là không ổn định. Đau thắt ngực không ổn định có nguy cơ cao đưa đến nhồi máu cơ tim. Bệnh nhân đau thắt ngực cần đến bệnh viện để được kiểm tra.

Nhồi máu cơ tim: Nguyên nhân là tắc một hoặc nhiều nhánh mạch vành khiến cơ tim bị thiếu máu nặng. Tính chất đau tương tự với đau thắt ngực nhưng nặng nề và kéo dài hơn, trên 15 phút. Người bệnh thường đau dữ dội đến mức không chịu nổi và có cảm giác sợ hãi, hoảng loạn. Nhồi máu cơ tim được điều trị sớm sẽ cho kết quả tốt nên cần đến bệnh viên ngay khi bị đau thắt ngực.

Bóc tách động mạch chủ ngực: Động mạch chủ là động mạch lớn nhất của cơ thể, dẫn máu từ tim đi nuôi các cơ quan. Bóc tách động mạch chủ là tình trạng động mạch chủ bị rách lớp nội mạc làm cho máu len vào giữa lớp nội mạc và lớp áo giữa, lóc các lớp của thành động mạch chủ. Đây là bệnh lý nặng, nguy hiểm đến tính mạng, nguy cơ đột tử cao. Khi xảy ra bóc tách cấp, đau thường xuất hiện đột ngột, dữ dội, cảm giác đau như xé ở vùng sau xương ức lan ra sau lưng, tay.

Lời khuyên của thầy thuốc

Phải đến bệnh viện ngay khi có các dấu hiệu sau:

- Tình trạng đau ngực có liên quan đến bệnh lý tim mạch nguy hiểm cần được điều trị khẩn cấp.

- Tuổi trên 40 tuổi và có một trong những yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành (gia đình có người bị bệnh mạch vành, có hút thuốc lá, béo phì, ít vận động, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp...).

- Đau ngực dữ dội, đau như bóp nghẹt tim, đè ép ngực; hoặc đau nhiều, kéo dài trên 15 phút. Đau ngực có kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng như mệt, yếu, nôn ói, thở ngắn, vã mồ hôi, chóng mặt, cảm giác hoang mang, lo lắng, mất tự chu...

- Cảm giác đau ngực không giống những lần trước hoặc đau tăng lên nhiều so với trước đây.

BS. Nguyễn Tuấn - Theo Sức khỏe đời sống
Bình luận
Tin mới
  • 24/11/2024

    Thoát vị khe hoành là gì?

    Thoát vị hoành, hay thoát vị khe hoành, xảy ra khi phần trên của dạ dày bị đẩy lên ngực thông qua một lỗ mở ở cơ hoành (cơ ngăn cách bụng với ngực). Tình trạng này xảy ra ở nơi dạ dày và thực quản của bạn nối lại với nhau, còn được gọi là ngã ba thực quản dạ dày. Đôi khi, thoát vị khe hoành không gây ra vấn đề gì và không cần điều trị.

  • 23/11/2024

    Cách giảm đau mỏi chân khi đứng lâu

    Đau chân khi đứng lâu là tình trạng mà nhiều người gặp phải. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể khắc phục vấn đề này bằng một vài thay đổi nhỏ trong thói quen sinh hoạt hàng ngày

  • 23/11/2024

    Triệu chứng và biến chứng của bệnh vẩy nến

    Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh vẩy nến khác nhau tùy thuộc vào từng người và loại bệnh vẩy nến. Mặc dù bệnh vẩy nến là tình trạng mãn tính kéo dài suốt đời, một số người có thể thấy các triệu chứng biến mất trong nhiều tháng hoặc nhiều năm.

  • 22/11/2024

    Thuốc xịt mũi ngừa cúm

    Bạn có bỏ qua mũi tiêm phòng cúm hàng năm vì bạn ghét bị tiêm không? Điều đó có thể hiểu được. Nhưng đừng để điều đó ngăn cản bạn tiêm vắc-xin. Có một lựa chọn khác: dành cho bạn: vắc-xin xịt mũi.

  • 22/11/2024

    Loại tiếng ồn nào tốt cho giấc ngủ?

    Chắc hẳn ai cũng đã từng nghe qua câu chuyện dùng tiếng ồn trắng giúp các bé sơ sinh ngủ ngon và sâu giấc. Vậy đã bao giờ bạn thắc mắc, có những loại tiếng ồn nào và đâu là tiếng ồn dành cho người lớn? Mọi câu hỏi sẽ được giải đáp ngay sau đây.

  • 22/11/2024

    Cách cải thiện triệu chứng đau thần kinh tọa

    Ngày càng nhiều người trẻ bị đau thần kinh tọa với biểu hiện đau phần lưng dưới lan xuống chân. Để kiểm soát cơn đau thần kinh tọa, người bệnh cần điều chỉnh từ thói quen sinh hoạt hàng ngày.

  • 21/11/2024

    Trị bệnh Parkinson bằng Đông y có hiệu quả không?

    Do các loại thuốc Tây y điều trị bệnh Parkinson thường đi kèm với tác dụng phụ và nguy cơ “nhờn thuốc” khi dùng lâu dài, nhiều người tìm tới các phương pháp Đông y với hy vọng các loại thảo dược tự nhiên sẽ an toàn hơn với cơ thể.

  • 21/11/2024

    Tăng cường sức khỏe xương khớp cho người cao tuổi trong mùa đông

    Khi bước vào giai đoạn lão hóa, cơ thể con người trải qua nhiều thay đổi sinh lý, suy giảm chức năng của hệ cơ xương khớp và dễ mắc phải các bệnh lý về xương khớp, đặc biệt là trong mùa đông lạnh

Xem thêm