Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Giải pháp ngăn ngừa bệnh hô hấp mạn tính tái phát

Bệnh hô hấp mạn tính tái phát ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe bệnh nhân. Những bệnh lý hô hấp mạn tính thường tái phát bao gồm: bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, viêm phế quản mạn tính...

Tránh ô nhiễm không khí

Nhiều bụi, dị nguyên (chất có thể gây dị ứng) trong môi trường sống là một trong những nguy cơ gây các đợt cấp bệnh phổi mạn tính như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phế quản mạn tính, viêm phế quản co thắt. Môi trường sống trong nhà sạch làm giảm nguy cơ nhiễm trùng hô hấp, giảm nồng độ các dị nguyên gây các đợt cấp của các bệnh lý hô hấp mạn tính.

Thay đổi nhiệt độ và độ ẩm cũng là những yếu tố nguy cơ làm xuất hiện các đợt nhiễm trùng hô hấp. Độ ẩm lý tưởng cho đường thở là 40-60%. Ở mức này, đường thở có đủ độ ẩm để hoạt động tốt nhất, ít bị kích ứng, các yếu tố gây bệnh như virus, vi khuẩn dễ được kiểm soát hơn để không phát triển quá mức, đồng thời giúp cơ thể có cảm giác dễ chịu.

Theo dõi mức độ ô nhiễm không khí hàng ngày trên các bản tin, khi không có việc thật cần thiết thì không nên đi ra ngoài trời khi có cảnh báo các chỉ số ô nhiễm không khí ở mức báo động.

Những bệnh nhân có tiền sử mắc các bệnh hô hấp mạn tính nên tránh luyện tập gắng sức khi trời lạnh, độ ẩm không khí cao; tránh hút thuốc, khói thuốc và khói bếp; nên ở trong nhà có môi trường ổn định khi đang có đợt cấp của bệnh phổi mạn tính.

Giải pháp ngăn ngừa bệnh hô hấp mạn tính tái phát - 1

Các đợt hô hấp cấp tính tái phát làm ảnh hưởng tới sức khỏe của người mắc các bệnh hô hấp mạn tính.

(Ảnh minh họa)

Không hút thuốc lá, tránh khói thuốc

Các chất độc hại trong khói thuốc lá sẽ phá hủy biểu mô phế quản, làm rối loạn vận động lông chuyển của tế bào niêm mạc phế quản, làm tăng tiết nhầy của các tuyến, kích thích bạch cầu đa nhân giải phóng men tiêu protein, gây viêm mạn tính phế quản, làm tăng nặng tình trạng bệnh ở những người mắc hen phế quản, phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phế quản mạn tính… Hút thuốc thụ động cũng có tác động tương tự.

Giảm tỷ lệ hút thuốc sẽ làm giảm đáng kể số bệnh nhân mắc bệnh phổi mạn tính trong tương lai, làm chậm lại đáng kể tốc độ xấu đi của chức năng thông khí phổi. Bên cạnh đó, không hút thuốc làm giảm tần suất các nhiễm trùng hô hấp, căn nguyên hàng đầu gây các đợt cấp của bệnh phổi mạn tính như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phế quản mạn tính...

Lưu ý về chế độ dinh dưỡng

Chế độ dinh dưỡng rất quan trọng giúp hạn chế tái phát các đợt cấp của các bệnh phổi mạn tính. Nâng cao sức đề kháng bằng việc tập thể dục đều đặn, đảm bảo chế độ dinh dưỡng đủ năng lượng, cân đối để có sức đề kháng tốt sẽ giúp người bệnh giảm nguy cơ tái phát bệnh. Thường xuyên vệ sinh răng miệng, giữ đều nếp đánh răng sau khi ăn và trước khi ngủ để tránh nhiễm trùng răng miệng.

Tránh các thức ăn đã từng gây dị ứng, hoặc có thành phần sulfite thường thấy trong các chất bảo quản thực phẩm như khoai tây, tôm, hoa quả khô, bia, rượu đã qua chế biến vì thường gây các cơn cấp tính của hen phế quản, phổi tắc nghẽn mạn tính…

Điều trị triệt để các đợt nhiễm trùng đường hô hấp

Biến chứng của các bệnh phổi mạn tính thường có xu hướng nặng hơn ở người già trên 65 tuổi, trẻ nhỏ, trẻ sinh non thiếu tháng… Những biến chứng thường gặp của hen phế quản, phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phế quản co thắt thường gồm viêm phổi, tràn khí màng phổi, suy tim, giảm tuổi thọ, tàn phế, thậm chí tử vong.

Do vậy, những bệnh nhân này cần tuân thủ đúng chế độ điều trị bệnh đang mắc; ở những bệnh nhân nằm lâu, cần thay đổi tư thế thường xuyên kết hợp vỗ rung lồng ngực. Việc vỗ rung và dẫn lưu tư thế hàng ngày giúp bệnh nhân ho khạc đờm tốt, giảm ứ đọng đờm trong đường thở, do vậy cải thiện tình trạng viêm niêm mạc đường thở.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Cải thiện viêm họng mạn tính bằng thảo dược.

Tiến Thịnh - Theo Dantri
Bình luận
Tin mới
Xem thêm