Kiểm soát bệnh vẩy nến theo từng mùa
Nếu bạn sống trong khu vực có các mùa thay đổi rất nhiều trong năm thì có thể bạn sẽ nhận thấy rằng, các triệu chứng bệnh vẩy nến của mình cũng thay đổi nhiều như…thời tiết vậy!
Trong suốt những tháng mùa đông, khi ít có ánh nắng mặt trời nhất và khi không khí khô và lạnh, bạn có thể sẽ thấy các triệu chứng bệnh vẩy nến của mình xuất hiện nhiều hơn. Và khi mùa hè đến, khi bạn dành đa số thời gian ở dưới ánh nắng mặt trời và không khí có nhiều độ ẩm hơn, thì các triệu chứng vẩy nến của bạn cũng sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, bạn không cần phải thay đổi nơi ở hay thay đổi vĩ độ để cân bằng giữa thời tiết và bệnh vẩy nến. Hãy thử những mẹo nhỏ chăm sóc da theo mùa sau đây:
Chăm sóc da bị vẩy nến trong mùa thu và mùa đông
Các yếu tố ở bên trong và ngoài gia đình có thể gây kích ứng da trong hai mùa này. Hãy thực hiện các mẹo sau để giúp kiểm soát bệnh vẩy nến của bạn trong suốt những tháng mùa lạnh:
Tắt lò sưởi hoặc các thiết bị sưởi: Khi ở trong nhà, hãy giảm hoặc tắt các thiết bị sưởi ấm vì có thể sẽ gây khô da. Không khí càng mát, thì sẽ có càng nhiều độ ẩm và sẽ tốt cho da của bạn hơn. Hãy sử dụng máy làm ẩm không khí, đặc biệt là trong phòng ngủ. Để giữ ấm vào buổi tối, hãy đi tất và sử dụng một chiếc chăn khiến bạn thoải mái.
Giữ nước từ bên trong: Cơ thể bạn sẽ hoạt động tốt nhất nếu có đủ nước, do vậy, bạn nên đảm bảo rằng mình đã uống đủ nước trong mùa thu đông. Tránh tắm nước nóng trong thời gian dài (kể cả tắm vòi sen hay tắm bồn). Có thể trong mùa đông, rất khó để có thể không tắm nước nóng lâu, nhưng nước càng nóng, và bạn tắm càng lâu, thì da bạn sẽ càng khô và sẽ bị mất đi lớp dầu tự nhiên bảo vệ da.
Chăm sóc da: Sử dụng sữa rửa mặt loại nhẹ có thể bổ sung độ ẩm cho da. Vỗ nhẹ thay vì chà xát làn da khô của bạn, thoa kem dưỡng ẩm càng sớm càng tốt sau khi tắm xong. Lớp kem dưỡng ẩm càng dày càng tốt và cố gắng dưỡng ẩm trong suốt cả ngày, đặc biệt là trong mùa đông. Nếu da bạn rất nhạy cảm, bạn có thể sử dụng các loại sản phẩm không có mùi thơm.
Bảo vệ da: Nhiệt độ thấp và gió có thể đem đến rất nhiều yếu tố nguy hại cho làn da, cho dù bạn có bị bệnh vẩy nến hay không. Bạn nên đội mũ và đi găng tay, quàng khăn che mặt khi đi ra ngoài trong mùa đông. Để có thể thoái mái khi đi từ bên ngoài (có nhiệt độ thấp) vào trong nhà (có nhiệt độ cao), bạn nên mặc nhiều lớp quần áo để có thể cởi bớt quần áo ra khi cần thiết. Lớp quần áo trong cùng nên mềm, mỏng và thấm hút mồ hôi. Bạn cũng nên tránh dùng các loại quần áo mặc sát cơ thể dễ gây ngứa như len.
Hạn chế căng thẳng: Căng thẳng có thể khiến bệnh vẩy nến bùng phát. Mặc dù kỳ nghỉ trong mùa đông có thể là khoảng thời gian tuyệt vời, nhưng cũng sẽ khiến bạn gặp phải rất nhiều căng thẳng. Một số cách để làm giảm stress bao gồm ngồi thiền và luyện tập. Nếu thời tiết quá khắc nghiệt và bạn không thể luyện tập ngoài trời được, hãy luyện tập ở trong nhà bằng cách đến phòng tập gym hoặc luyện tập ở nhà.
Tiêm phòng cúm: Bạn nên tránh tiếp xúc gần gũi với những người quen đang bị ốm hoặc cúm Thường xuyên rửa tay sạch và tránh chạm vào mắt, mũi, miệng để làm giảm nguy cơ nhiễm khuẩn.
Chăm sóc da bị vẩy nến trong mùa xuân và mùa hè
Những tháng ngày ấm áp này sẽ cải thiện bệnh vẩy nến của bạn, nhưng bạn vẫn cần phải chăm sóc da để kiểm soát tốt hơn những triệu chứng của mình.
Dùng kem chống nắng: Những tháng mùa hè với ánh nắng mặt trời rực rỡ có thể sẽ tốt cho làn da bị bệnh vẩy nến của bạn, nhưng bạn nên nhớ rằng, tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời có thể làm tăng nguy cơ ung thư da. Hãy sử dụng kem chống nắng nếu bạn phải ở ngoài trời trong một khoảng thời gian dài, và thoa lại kem chống nắng, nếu cần thiết. Hỏi ý kiến bác sỹ hoặc dược sỹ về loại kem chống nắng thích hợp cho làn da của bạn.
Giữ ẩm: Tiếp tục duy trì việc duy trì độ ẩm cho da trong mùa hè, bạn có thể chuyển sang dùng loại kem dưỡng ẩm loại nhẹ hơn.
Thận trọng với những vết côn trùng cắn và các vết trầy xước: Nếu bạn ngã và bị trầy da, hãy thực hiện những bước sơ cấp cứu ban đầu để làm sạch và băng vết thương. Và có đến một nửa số người bị vẩy nến gặp phải hiện tượng có tên là Koebner – hiện tượng được đặt tên theo chuyên gia da liễu người Đức Heinrich Koebner. Những người gặp phải hiện tượng này thường thấy rằng các vết thương ngoài da như vết côn trùng đốt hoặc vết trầy xước sẽ khiến những mảng vẩy nến hình thành tại vị trí vết thương. Để tránh tình trạng này, hãy mặc quần áo dài và quần áo bảo vệ khi luyện tập ở ngoài trời hoặc khi làm vườn. Nếu bạn đã bị đốt hoặc bị trầy xước, đừng gãi, vì hành động này sẽ gây kích ứng da và làm cho tình trạng của bạn tệ hơn mà thôi.
Mẹo chăm sóc da vẩy nến trong cả năm
Dưới đây là một vài mẹo bạn có thể áp dụng trong cả năm, bất kể mùa nào để kiểm soát bệnh vẩy nến của bạn
Ăn uống dinh dưỡng: Mặc dù không có một chế độ ăn đặc biệt nào dành cho người bị bệnh vẩy nến, nhưng bạn nên thực hiện một chế độ dinh dưỡng, cân bằng để làm giảm viêm và giữ sức khỏe nói chung. Một số người bị vậy nến sẽ thấy tình trạng cải thiện khi thực hiện chế độ ăn uống chống viêm, bao gồm các loại thực phẩm tự nhiên, không chế biến sẵn. Một số người khác sẽ cảm thấy da tiến triển tốt hơn khi tránh sử dụng các sản phẩm từ sữa, gluten và các loại rau tối màu, ví dụ như cà tím, cà chua và ớt. Uống vitamin D và dầu cá cũng có thể giúp ích. Trao đổi với bác sỹ nếu bạn muốn thử những biện pháp này để đảm bảo rằng, bạn không mất cân bằng dinh dưỡng trong cơ thể.
Hạn chế đồ uống có cồn: Các loại đồ uống có cồn sẽ hoạt động như một chất lợi tiểu và có thể làm khô da. Đồ uống có cồn cũng không nên uống cùng lúc với các loại thuốc điều trị vẩy nến, ví dụ như methotrexate hoặc acitretin. Nếu bạn uống rượu, hãy chắc chắn rằng bạn chỉ uống một lượng vừa phải (1 ly với phụ nữ và 2 ly với nam giới)
Tuân thủ kế hoạch điều trị: Đảm bảo rằng bạn tuân thủ đúng kế hoạch điều trị trong từng mùa. Cho dù bạn đang ở trong kỳ nghỉ hay bạn chỉ là đang cảm thấy rằng bệnh vẩy nến đã được kiểm soát, bạn sẽ có xu hướng bỏ thuốc. Nhưng việc làm này sẽ khiến bệnh vẩy nến bùng phát trở lại hoặc làm giảm hiệu quả của phương pháp điều trị.
Và cho dù đang ở mùa nào thì bệnh vẩy nến cũng là bệnh mạn tính. Bạn có thể sẽ phải đối phó với căn bệnh này trong suốt cả năm, nhưng bác sỹ có thể giúp bạn kiểm soát bệnh tốt hơn, cho dù là mùa nào đi nữa.
Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Những tình trạng có liên quan đến bệnh vẩy nến
Bạn có bỏ qua mũi tiêm phòng cúm hàng năm vì bạn ghét bị tiêm không? Điều đó có thể hiểu được. Nhưng đừng để điều đó ngăn cản bạn tiêm vắc-xin. Có một lựa chọn khác: dành cho bạn: vắc-xin xịt mũi.
Chắc hẳn ai cũng đã từng nghe qua câu chuyện dùng tiếng ồn trắng giúp các bé sơ sinh ngủ ngon và sâu giấc. Vậy đã bao giờ bạn thắc mắc, có những loại tiếng ồn nào và đâu là tiếng ồn dành cho người lớn? Mọi câu hỏi sẽ được giải đáp ngay sau đây.
Ngày càng nhiều người trẻ bị đau thần kinh tọa với biểu hiện đau phần lưng dưới lan xuống chân. Để kiểm soát cơn đau thần kinh tọa, người bệnh cần điều chỉnh từ thói quen sinh hoạt hàng ngày.
Do các loại thuốc Tây y điều trị bệnh Parkinson thường đi kèm với tác dụng phụ và nguy cơ “nhờn thuốc” khi dùng lâu dài, nhiều người tìm tới các phương pháp Đông y với hy vọng các loại thảo dược tự nhiên sẽ an toàn hơn với cơ thể.
Khi bước vào giai đoạn lão hóa, cơ thể con người trải qua nhiều thay đổi sinh lý, suy giảm chức năng của hệ cơ xương khớp và dễ mắc phải các bệnh lý về xương khớp, đặc biệt là trong mùa đông lạnh
Tức giận là một cảm xúc bình thường mà ai cũng sẽ trải qua, bởi hiếm ai có thể giữ được bình tĩnh khi bị tấn công, xúc phạm, phản bội hay thất bại... Tuy nhiên, tức giận quá thường xuyên hoặc kéo dài có thể gây ra nhiều vấn đề đối với sức khỏe.
Mùa đông đến đi kèm với sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, không khí hanh khô và độ ẩm giảm. Những yếu tố này gây nên các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu. Các bệnh lý đường hô hấp không chỉ gây khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.
Đau chân là vấn đề phổ biến ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của nhiều người. Cùng tìm hiểu 9 phương pháp đơn giản, hiệu quả để chữa đau chân tại nhà. Áp dụng đúng cách, bạn có thể giảm đau, cải thiện lưu thông máu và tăng cường sức khỏe cho đôi chân của mình.