Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Dấu hiệu trầm cảm ở trẻ nhỏ mà cha mẹ nên biết

Mặc dù trầm cảm là bệnh thường gặp ở những năm tuổi vị thành niên hơn, nhưng bệnh trầm cảm cũng có thể phát triển ở bất cứ độ tuổi nào.

Trẻ có thể sẽ không thể dùng từ ngữ để diễn tả hoặc giải thích được cảm giác trầm cảm của mình. Nhưng nếu bạn thấy trẻ xuất hiện những triệu chứng sau, hãy đưa trẻ đến gặp bác sỹ ngay.

Điểm học tập của trẻ tụt xuống

Trầm cảm ở trẻ nhỏ khiến trẻ khó có thể tập trung học được, dẫn đến việc khó tập trung nghe giảng, hoặc khó tập trung khi làm bài tập về nhà. Nếu trẻ vốn là một học sinh giỏi nhưng nay điểm số lại thấp hơn so với bình thường, thì bạn nên xem xét xem có vấn đề gì xảy ra với trẻ hay không. Rất nhiều trường hợp trẻ bị trầm cảm, nhưng cha mẹ chủ yếu nhận thấy triệu chứng thiếu tập trung, chứ không phải là dấu hiệu trẻ hay buồn rầu. Điều này khiến nhiều bậc phụ huynh cảm thấy bối rối và có thể thực hiện những can thiệp sai cách.

Trẻ có ngủ, nhưng vẫn cảm thấy mệt mỏi

Thanh thiếu niên thường có thói quen ngủ muộn, nhưng nếu trẻ xuất hiện một sự thay đổi về thói quen ngủ thông thường thì đó có thể là một dấu hiệu của bệnh trầm cảm. Một số trẻ sẽ muốn dành toàn bộ thời gian buổi chiều để ngủ, hoặc thường thức dậy rất sớm vào buổi sáng và không thể ngủ lại được. Giấc ngủ của những người bị trầm cảm, bao gồm cả trẻ nhỏ, là giấc ngủ không phục hồi, tức là cho dù trẻ có ngủ bao nhiêu đi nữa, trẻ vẫn sẽ cảm thấy kiệt sức trong ngày hôm sau. Tình trạng mệt mỏi này có thể sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của trẻ. Trẻ có thể thường xuyên đi học muộn, quên đồ đạc, không làm bài tập về nhà bởi trẻ dành cả buổi chiều để ngủ.

Trẻ cảm thấy mình vô dụng

Hãy chú ý đến trẻ nếu trẻ hay nói những câu như “Không bạn nào thích chơi với con cả” hay “Con chẳng làm được gì cả”. Nhận ra những suy nghĩ trầm cảm này của trẻ và định hướng những suy nghĩ này theo một hướng tích cực hơn có thể sẽ giúp ích cho trẻ.

Trẻ không được nhận những lời mời, và không quan tâm đến điều đó.

Những người bị trầm cảm thường có xu hướng tách biệt bản thân mình với những người xung quanh. Trẻ vị thành niên lại là đối tượng đặc biệt nhạy cảm với những sự thu mình lại này, và có thể các trẻ khác sẽ không mời những trẻ bị trầm cảm đến dự buổi tiệc sinh nhật hoặc các hoạt động. Trẻ bị trầm cảm có thể thực sự không cảm thấy hứng thú và vui vẻ khi tham gia vào các hoạt động chung, hoạt động tập thể. Điều này dẫn đến trẻ sẽ rút lui dần khỏi các hoạt động và mất đi các mối tương tác xã hội.

Trẻ từ chối các hoạt động thú vị

Với áp lực từ bài tập về nhà, xích mích giữa bạn bè, các hoạt động như tập kịch, ca hát ở trường, thì trẻ cảm thấy căng thẳng cũng là điều hết sức bình thường. Nhưng bạn nên chú ý nếu những căng thẳng thông thường xảy ra với trẻ và trẻ có vẻ như không bao giờ cảm thấy vui vẻ trở lại, kể cả sau khi tất cả các vấn đề trên đã được giải quyết xong. Một kỳ nghỉ, hay một bữa tối ngoài trời với bạn bè không khiến trẻ vui lên, thậm chí trẻ còn thấy khó chịu thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy trẻ đang bị trầm cảm.

Mọi cuộc trò chuyện với trẻ đều trở nên rất căng thẳng

Trong khi buồn bã là dấu hiệu trầm cảm ở người lớn thì với trẻ em, dấu hiệu của bệnh trầm cảm có thể là tình trạng lo âu và do vậy, khiến bản thân trẻ và cha mẹ rất khó nhận ra. Điều dễ nhầm lẫn ở đây là, rất nhiều trẻ, bao gồm cả trẻ vị thành niên, sẽ không có dấu hiệu buồn bã hay chán nản, mà thay vào đó, sẽ có dấu hiệu dễ bị kích động. Cảm xúc của trẻ sẽ thay đổi rất nhanh, trẻ có thể sẽ rất khó chịu khi vừa đi học về nhưng ngay lập tức lại cảm thấy tốt hơn khi đến bữa tối. Nhưng nếu trẻ thường xuyên có thái độ cáu giận, khó chịu với bạn, kể cả khi không có lý do gì, thì bạn nên chú ý tới các dấu hiệu trầm cảm khác.

Những khoảnh khắc vui vẻ không khiến trẻ vui hơn

Một số trẻ thường không cảm thấy hạnh phúc nhưng lại không bị trầm cảm. Để phân biệt giữa hai tình trạng này, bạn nên theo dõi phản ứng của trẻ khi nói chuyện về những khoảnh khắc vui vẻ. Những trẻ chỉ đơn thuần là không hạnh phúc sẽ có thể cảm thấy tốt hơn khi hồi tưởng lại những khoảng thời gian đẹp, nhưng những trẻ bị trầm cảm sẽ không có phản ứng này khi nhắc về quá khứ đẹp. Trẻ bị trầm cảm cũng sẽ không thể tưởng tượng về một tươi lai tươi sáng.

Trẻ khóc nhiều hơn bình thường.

Khóc là một phản ứng bình thường để bộc lộ cảm xúc. Nhưng nếu trẻ thường xuyên khóc lóc, thì bạn không nên coi thường dấu hiệu này. Hãy xem xem việc trẻ hay khóc có đi kèm với các triệu chứng khác hay không, ví dụ như buồn rầu hoặc không muốn thực hiện các hoạt động yêu thích. Nếu bạn thấy có điều gì đó không ổn đang xảy ra với trẻ, hãy tham khảo ý kiến của bác sỹ.

Trẻ không muốn nhận được sự ủng hộ

Cảm thấy buồn là một điều rất bình thường, đặc biệt là sau một sự kiện nào đó không được vui vẻ. Nhưng thông thường, khi ở trong những giai đoạn khó khăn, mọi người sẽ muốn nhận được sự cổ vũ, động viên từ phía người thân. Ngược lại, trẻ bị trầm cảm sẽ từ chối tất cả những sự ủng hộ của bạn vì trẻ biết rằng, sự ủng hộ của bạn sẽ không làm nỗi buồn biến mất. Trẻ bị trầm cảm sẽ không cảm thấy biết ơn nếu bạn dành cho trẻ một cái ôm, một nụ hôn vào những thời điểm khó khăn.

Trẻ thường xuyên phải đi gặp bác sỹ

Nếu trẻ bị trầm cảm, trẻ sẽ thường xuyên có các triệu chứng như đau bụng, hay đau đầu. Nếu trẻ phải đến gặp bác sỹ thường xuyên hơn bình thường, thì đó có thể là một dấu hiệu cảnh báo.

Trẻ có những biểu hiện khác thường

Trẻ mất đi hứng thú tham gia vào đội bóng mà trẻ đã đăng ký có thể chỉ là một điều bình thường, nhưng bệnh trầm cảm có thể khiến sẻ không quan tâm đến tất cả mọi thứ, từ việc đến trường cho đến việc ra ngoài chơi với bạn bè. Trẻ không chỉ thiếu quan tâm đến một hoạt động cụ thể nào mà gần như là sẽ chẳng quan tâm đến tất cả mọi thứ diễn ra quanh trẻ.

Thay đổi thói quen ăn uống

Sự thay đổi về vị giác có thể là triệu chứng của bệnh trầm cảm. Từ một trẻ kén ăn, trẻ bỗng nhiên muốn ăn tất cả mọi thứ trẻ gặp trên đường đi học, hoặc trẻ vốn rất có tâm hồn ăn uống nay lại không quan tâm đến việc ăn uống nữa. Trẻ thường sẽ có những thay đổi nhất định trong thói quen ăn uống khi trẻ lớn dần, nhưng bạn nên cẩn thận nếu thay đổi thói quen ăn uống đi kèm với các dấu hiệu khác của bệnh trầm cảm.

Tiền sử gia đình có người bị trầm cảm

Trong khi một số người vẫn có thể bị trầm cảm dù không có tiền sử gia đình, thì rối loạn tâm thần vẫn có xu hướng sẽ di truyền. Kể cả khi không có bất cứ ai trong gia đình bạn được chẩn đoán bị bệnh trầm cảm một cách chính thức, thì bạn cũng nên để ý xem có bất cứ ai có dấu hiệu trầm cảm không. Nếu câu trả lời là có, thì con bạn sẽ có nguy cơ trầm cảm cao hơn. Điều đầu tiên bạn nên làm, trước khi theo dõi những triệu chứng bất thường ở trẻ là hỏi xem liệu các thành viên trong gia đình mình có ai bị trầm cảm hay không.

Bình luận
Tin mới
  • 25/04/2024

    10 mẹo để loại bỏ nếp nhăn biểu cảm

    Nếp nhăn biểu cảm là những đường nhăn trên khuôn mặt xuất hiện khi chúng ta cử động cơ mặt. Chúng thường xuất hiện ở những vùng da mỏng manh như trán, giữa hai lông mày và xung quanh mắt và miệng.

  • 25/04/2024

    Dấu hiệu cho thấy cơ thể đang thiếu hụt protein

    Protein là một chất dinh dưỡng rất quan trọng đối với sức khỏe. Khi cơ thể thiếu hụt protein sẽ xuất hiện một số dấu hiệu cảnh báo..

  • 25/04/2024

    Dùng thuốc an toàn khi đang cho con bú

    Nếu bạn đang cho con bú sữa mẹ, bạn đang cho con bạn một khởi đầu khỏe mạnh. Tuy nhiên, nếu cần dùng thuốc, bạn có thể thắc mắc về việc thuốc có thể ảnh hưởng đến sữa mẹ như thế nào. Bài viết dưới đây là những gì bạn cần biết.

  • 25/04/2024

    Cẩn trọng với thói quen bóc da môi

    Bóc da môi là một thói quen không lành mạnh phổ biến ở nhiều người. Dù là vô tình hay hữu ý, nó có thể gây ảnh hưởng xấu đến sự khỏe đẹp của đôi môi.

  • 25/04/2024

    Tập thể dục khi mang thai

    Duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên trong suốt thai kỳ có thể giúp bạn khỏe mạnh và cảm thấy tốt nhất. Tập thể dục cũng có thể cải thiện tư thế của bạn và giảm một số khó chịu thường gặp như đau lưng và mệt mỏi. Một số bằng chứng cho thấy tập thể dục có thể ngăn ngừa bệnh tiểu đường thai kỳ (bệnh tiểu đường phát triển trong thai kỳ), giảm căng thẳng và tăng cường sức chịu đựng cần thiết cho quá trình chuyển dạ và sinh nở.

  • 24/04/2024

    Ngủ không quá 5 giờ mỗi đêm khiến da chảy xệ và nhiều nếp nhăn gấp đôi

    Thiếu ngủ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây lão hoá da. Nghiên cứu cho thấy người ngủ không đủ giấc làm tăng gấp đôi nếp nhăn và sự chảy xệ da so với người có giấc ngủ chất lượng.

  • 24/04/2024

    Mẹo chăm sóc da dầu mùa Hè

    Nhiệt độ cao kết hợp với ánh nắng khiến tuyến bã nhờn trên da hoạt động mạnh mẽ, da đổ nhiều dầu và dễ nổi mụn. Một vài mẹo chăm sóc da dưới đây giúp bạn kiểm soát dầu nhờn trên da.

  • 24/04/2024

    Nỗi lo an toàn thực phẩm mùa nắng nóng

    Thời tiết nắng nóng càng làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Cùng với sự quản lý của cơ quan chức năng, người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm, bởi nếu xuê xoa với bất kỳ vi phạm an toàn thực phẩm dù là nhỏ cũng gây hậu quả khôn lường.

Xem thêm